Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Hỏi: Vì sao có người giữ giới một thời gian rất nghiêm rồi sau đó lại phá giới?

Đáp: Cái này cũng giống như có người từ bi một thời gian rồi sau đó lại ác dễ sợ, hay có người tốt một thời gian rồi sau đó lại xấu dễ sợ. Hoặc có người thánh thiện lắm mà rồi sau lại như ác ma. Hehehehe. Đó là việc bình thường thôi mừ.

Chúng ta đang ở trong một thế giới nhị nguyên, hễ có xấu thì có tốt, có thiện thì có dữ, có ác thì có hiền,………….. Hai mặt đối lập luôn ở trên cùng một cán cân. Khi mình nghiêng bên nào nhiều quá thì đến lúc nào đấy phải nghiêng bên kia để cho cán cân trở về trạng thái cân bằng. Cho nên hễ xuất hiện cái này thì đến lúc nào sẽ xuất hiện cái đối lập để cho cái kia trở về trạng thái cân bằng. Cho nên khi mình ôm quá chặt vào giới thì đến lúc nào đấy mình phải phá giới để cho cân bằng trở lại. Có người cố giữ giới cho hết kiếp sống này thì đến kiếp sống khác họ cũng phải phá giới tè le cho mà xem. Bởi vì nghiêng quá về một phía thì phải nghiêng ngược lại cho cân bằng chớ. Có khi mình thấy người ta giữ giới quá ghê mình khen từa lưa nhưng mình không ngờ chính người đó lúc sau cũng là người phá giới dữ dội nhất hehehehehe. Vậy mới vui chớ! Mục đích của việc giữ giới thật nghiêm, ôm giới thật chặt là để cho định và tuệ phát triển, khi tuệ phát triển rồi thì khi ấy từ giới học chuyển sang giới tự tánh, nghĩa là mình không cần giữ giới nữa mà giới tự giữ, giữ giới mà như không giữ. Cho nên khi đang trong giai đoạn giữ giới thì mình phải giữ cho nghiêm cho thật miên mật và phải chánh tinh tấn cho thiệt nhiều vô để có thể chuyển sang giới tự tánh càng sớm càng tốt. Còn giữ giới nghiêm mà mãi không qua được giới tự tánh thì đến cuối đời xảy ra chuyện phá giới tè le hột me. Chuyện này bình thường thôi hà. Mình biết như vậy thì mình không có nản. Để thấy sao mắc công tu cả đời mà cuối đời còn phá giới dữ dội hơn người thường nữa chớ. Đó là quy luật tự nhiên rồi. Khi thấy mình phá giới dữ dội thì biết rằng mình chưa vào được giới tự tánh mà mình lại ôm giới chặt quá.

Đặc biệt chẳng những ôm giới chặt mà mình còn phê phán người phá giới, người không giữ giới chặt như mình. Tèn tén ten, khi khởi ý phê phán người thì khi ấy tự mình đặt bước chân trên con đường phá giới rồi đó. Vì sao lại vậy? Vì nếu không có sẳn mầm mống phá giới thì mình đã không thấy người phá giới rồi. Cho nên khi mình thấy người phạm giới gì thì thật ra mình đang nuôi mầm cho việc phạm giới ấy đấy. Mình chẳng những không biết quy luật tự nhiên này mà còn ném đá tơi tả người nào phá giới. Càng ném đá thì mình càng tưới nước cho hạt mầm phá giới của mình càng mau phát triển. Cho nên người phê phán người khác nhiều nhất cũng là người phá giới nhiều nhất. Hành trình tu không chỉ trong một kiếp mà kéo dài triền miên qua rất nhiều kiếp sống khác nhau, cho nên gieo gì thì gặt nấy thôi. Người thật sự giữ giới thì không có thấy ai phá giới đâu. Vì sao? Vì không có mầm phá giới thì không thấy ai phá giới. Còn mình mầm mống nào cũng có nên thấy sao người ta phá giới tùm lum mà không thấy rằng cái thấy ấy chính là biểu hiện cái ẩn giấu bên trong mà thôi.

Ngoài ra giới là cái từ ngoài mang vào chứ không phải là cái xuất phát từ bên trong nghĩa là giới tự tánh nghĩa là giới tự xuất phát từ tuệ, không cần giữ giới mà giới tự giữ. Khi chưa vào được giới tự tánh thì buộc phải giữ giới học (là điều học, là cái từ ngoài vào) để tránh rơi vào cõi xấu ác. Vì đó là cái bên ngoài và cũng như là quần áo mặc ngoài thôi nên đó không phải là cái thật, chỉ là cái ảo được dùng như phương tiện nhằm đạt đến cái thật. Khi mình không ý thức cái giới mình đang giữ rất nghiêm chỉ là phương tiện để đến cái thật thì mình ghim chặt nó rồi dùng nó để tự đề cao bản thân, đề cao tự ngã, để thấy mình hơn người khác. Cái gì mà mình tự hào quá thì cán cân cân bằng bị lệch và vũ trụ sẽ lấy lại điều ấy để cho cán cân trở về trạng thái cân bằng. Cho nên giữ giới chặt và tự hào về điều đó thì sẽ không giữ giới được nữa. Vào được các tầng định và tự hào về điều đó thì sẽ không định được nữa. Có gia sản nhiều và tự hào về điều ấy thì gia sản tan mất. Có con cái ngoan ngoãn thành đạt và tự hào về điều đó thì điều ấy cũng sẽ tiêu mất.

Túm lại những cái đến từ bên ngoài mà mình sở hữu là để giúp mình học điều gì đó nhưng thay vì học bài thì mình lạm dụng để bám chặt vào nó, dùng nó để tự cao tự đại, thậm chí dùng nó để mạt sát mạ lị coi thường người khác thì cái khiến mình tự hào ấy trước sau gì cũng bị mất đi mà thôi, nói cách khác là bị vũ trụ lấy lại để duy trì trạng thái cân bằng vốn có của vũ trụ.

Bởi, cái gì không phải là của mình (túm lại thì chả có cái gì là của mình cả) mà mình ôm mình ghim thì đến lúc nào đó mình phải tự xả, nếu mình không tự xả thì phải xảy ra chuyện này chuyện nọ, rắc rối nọ kia cho mình phải tự xả thôi.

Quy luật cân bằng của vũ trụ là vậy đó. Người hiểu được quy luật cân bằng ấy thì sống rất thoải mái, khi được cũng như khi mất, khi lên voi cũng như khi xuống chó. Quy luật ấy được gọi là Pháp hay còn gọi là Thiên Chúa/Thượng đế,….. Túm lại muốn gọi là gì cũng được vì quy luật ấy dù được gọi là gì thì vẫn như vậy, chẳng vì cái tên gọi mà mất đi hay tồn tại nhiều hơn.

Ai thấy mình tự dưng khoái phá giới, càng phá càng thích thì nên tự biết đó là do mình ôm giới quá chặt, cho nên cần xả ra bớt. Xả ra không có nghĩa là buông lung phạm giới, mà xả ra có nghĩa là bao dung hơn với những điều không giống như mong đợi. Cái việc bao dung này nói thì dễ mà làm thì không dễ. Không ai có thể bao dung với người khác khi mình chưa từng phạm qua điều ấy. Cho nên túm lại phá giới là cơ hội cho mình học cách bao dung hơn với người phạm giới. Cho nên khi thấy sao mình phá giới tùm lum thì chớ có nản mà nên tận dụng cơ hội học hỏi sự biến chuyển trong thân tâm nhằm đạt được sự bao dung và tha thứ cho người khác.

Túm lại, người bao dung là do từng phạm rồi nên mới bao dung được. Người phá giới là người đang học cách để bao dung. Còn người giữ giới là để phát triển định và tuệ. Giữ giới miết mà định và tuệ không phát triển được thì phải phá giới để học cách bao dung. Học cách bao dung rồi thì mới bao dung. Bao dung được rồi thì mới đỡ ghim, khi đỡ ghim rồi thì tâm trí rộng lớn, khi ấy định và tuệ lại có cơ hội phát triển.

Cho nên kiểu gì cũng là đang trong quá trình tu. Giữ giới cũng là tu, và phá giới cũng là tu. Có giữ mới có phá, và có phá thì mới giữ được. Sao cũng được. Sao cũng là tu là vậy đó. Có ai hiểu gì hem? Hiểu rồi thì ai làm gì kệ họ, ai làm gì cũng là đang tu cả hihi.

5 nhận xét:

  1. Khi hòa làm một với chân lý...Khi Thượng Đế lên tiếng...Như Lai không bước tới, Như Lai không dừng lại; Như Lai kể lại những lần đi, vô số kiếp, nghe mà khỏe cả người...

    Trả lờiXóa
  2. Đọc sướng quá ! Những gì từ học thuật khó nắm bắt giờ trở nên bình dân và gần gũi. Cứ để mọi thứ tự nhiên vậy thôi. Cảm ơn nhiều lắm vì đã chia sẻ...

    Trả lờiXóa
  3. Tại sao chúng tôi lại thích đọc bài của bạn !! Vì bài bạn viết rất thân thiết và đã lay động tâm thức của chúng tôi. Chúng tôi thích tu học và hay đàm luận về những vấn đề cốt lõi của phật pháp. Những vấn đề ấy đã được bạn chia sẻ một cách rất riêng, rất có duyên và có thần khí... Có lẽ một ngày nào đó chúng tôi sẽ đến thỉnh giáo trực tiếp với bạn để tỏ tường chăng !?. Cảm ơn bạn nhé !

    Trả lờiXóa
  4. Bung hết ra, đi hết, va hết, thấy hết, quan sát miết, . . Tham, sân, su, nanh, nghi sẽ có cơ hội lộ rõ và tịnh hóa.
    Thank you, i love you.

    Trả lờiXóa
  5. Là tâm thức của một bậc thầy !

    Trả lờiXóa