ƯỚC HẸN VỚI SỰ SỐNG
Xem nguồn bài viết ở đây
Khi
mà mình hướng sự chú ý tới trái tim, mình thấy được điều may mắn là trái tim
của mình đang hoạt động bình thường. Trái tim của mình làm việc mỗi ngày hai
mươi bốn giờ đồng hồ. Nó không được đi ngủ như mình. Có một trái tim hoạt động
bình thường là một hạnh phúc rất lớn. Những người bị bệnh tim không biết rằng
họ sẽ bị nghẽn tim lúc nào. Ước vọng sâu xa nhất của họ là có được một trái tim
bình thường như những người khác.
Thất
niệm tức là không biết rằng mình đang có những điều kiện của hạnh phúc. Những
điều kiện đó chúng ta có rất nhiều, dư dả để chúng ta có thể có hạnh phúc liền
trong giây phút hiện tại. Khi mình đi thăm cơ thể của mình, nhận diện những bộ
phận đang còn tốt trong cơ thể của mình, mình đã có nhiều hạnh phúc rồi. Tia
sáng giúp mình nhận diện những điều kiện hạnh phúc đó trong cơ thể là tia chánh
niệm.
Chánh
niệm có tác dụng là giúp cho mình biết rõ cái gì đang xảy ra trong giây phút
hiện tại. Cái đang xẩy ra trong giây phút hiện tại là mình đang thở vào, mình
đang thở ra hay mình đang bước một bước vững chãi và thảnh thơi. Hơi thở như
vậy có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Bước chân như vậy có tính cách nuôi
dưỡng và trị liệu, đem lại sự bình an cho thân và cho tâm của mình.
Khi
uống trà, chúng ta uống theo kiểu thiền tức là chúng ta thiết lập thân tâm
trong giây phút hiện tại, chúng ta thật sự có mặt trong giây phút hiện tại. Khi
ta thật sự có mặt trong giây phút hiện tại, trà cũng có mặt trong giây phút
hiện tại. Ta công nhận sự có mặt của chén trà như là cái gì có thật. Còn nếu
trong khi uống trà, tâm của chúng ta không có ở đó, chúng ta đang suy nghĩ về
những dự án tương lai hay là buồn khổ về những cái kỷ niệm quá khứ, chén trà đó
chẳng qua chỉ là một giấc mơ thôi, một bóng ma không có thật. Đối với người
sống trong thất niệm, tất cả chỉ mờ ảo như những bóng ma thôi. Còn những người
sống trong chánh niệm, tất cả đều hiện rõ ra một cách rất thật.
Có
những người trong chúng ta không có thể ngồi yên được, không có thể nghỉ ngơi
được, chúng ta đã quen làm việc rồi. Chúng ta đã quen lo lắng về tương lai rồi,
đã trở thành ra thói quen, một tập khí và kéo chúng ta đi. Vì vậy trong cơ thể
cũng như trong tâm hồn luôn luôn có một sức ép, một sự căng thẳng. Stress là
chứng bịnh của thời đại.
Nếu
chúng ta thực tập những điều đức Thích Ca dạy trong buổi ban đầu như hơi thở có
ý thức và bước chân có ý thức, chúng ta có thể đối trị được với sự căng thẳng
đó, với sức ép đó. Chúng ta buông thư ra. Chúng ta không còn là nạn nhân của
ngục tù quá khứ. Chúng ta không còn là nạn nhân của sự lo lắng về tương lai nữa
và chúng ta có tự do. Vì có tự do cho nên chúng ta có thể an trú được ở trong
giây phút hiện tại và thật sự sống được giây phút đó. Đó là bí quyết.
Tôi
nghĩ rằng điều mà đạo Phật có thể đóng góp được nhiều nhất cho xã hội bây giờ
là giúp cho con người học lại phương pháp sống. Sống như thế nào để mình có thể
tiếp xúc được sâu sắc với sự sống trong giây phút hiện tại, sự sống có ở trong
ta và sự sống ở chung quanh ta.
Ở
trong truyện Kiều có mấy câu rất hay có thể nói lên được tuệ giác này của Phật
giáo. Quý vị có nhớ đến khúc Thúy Kiều đi sang thăm Kim Trọng? Hôm đó gia đình
của Kiều đi ăn giỗ ở quê ngoại. Thúy Kiều lấy cớ nhức đầu hay đau bụng gì đó để
ở nhà. Thật sự, cô nàng muốn có một cơ hội để đi thăm người yêu ở bên hàng xóm.
Sau khi ở với người yêu độ chừng tám chín giờ đồng hồ thấy trời chiều, Kiều
nghĩ rằng ở bên này lâu quá bất tiện, phải về xem thử gia đình về chưa. Tới
nhà, thấy gia đình đi ăn giỗ chưa về, nàng mới tiếc. Qua lại nhà Kim Trọng một
lần nữa, lúc đó trời đã tối rồi và trăng bắt đầu lên. Khi Thúy Kiều xé rào qua
nhà Kim Trọng lần thứ hai, Kim Trọng đang ngủ gật trên bàn học của mình. Anh
chàng thanh niên này trong thời gian mấy tháng nay không có học hành được gì cả.
Tiếng bước chân của Thúy Kiều làm cho Kim Trọng thức dậy nhưng anh chàng vẫn
còn ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Khi thấy bóng của Thúy Kiều đi qua, anh
không biết rằng đây là một hình ảnh mình đang thấy trong giấc mơ hay là một
hình ảnh có thật:
Bâng
khuâng đỉnh Giáp non Thần,
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Anh
chàng hỏi: Này em, có phải em là một hình ảnh trong giấc mơ của anh không? Hay
em là sự thật?
Kiều
trả lời :
Nàng
rằng khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.
Câu
đó rất tuyệt vời, câu đó nói lên được tuệ giác của đạo Phật. Nếu trong giây
phút này, chúng ta không thấy được mặt nhau một cách rõ ràng, không nhận diện
được sự có mặt của nhau, sau này tất cả đều chỉ là một giấc chiêm bao. Sự thật
là như vậy. Trong đời sống hàng ngày chúng ta quá bận rộn, chúng ta không có
thì giờ để nhìn nhau, không có thì giờ để nhìn mặt trăng, ngôi sao, để nhìn
buổi sáng mặt trời mọc, để nhìn gốc cây anh đào. Chúng ta bận rộn quá đi. Nếu
cứ tiếp tục bận rộn như vậy, chúng ta sẽ không có thì giờ để tiếp xúc một cách
sâu sắc với những mầu nhiệm của sự sống đang xảy ra trong giây phút hiện tại,
cuối cùng cuộc đời của chúng ta cũng chỉ là một giấc mơ.
Bây
giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.
Nói
đến truyện Kiều, tôi cũng có thể trích dẫn một đoạn nói về hạnh phúc của Thúy
Kiều và của sư Giác Duyên. Cụ Nguyễn Du đã viết rất là hay:
Một
nhà sum họp sớm trưa,
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.
Bốn bề bát ngát mênh mông,
Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau.
Nạn xưa trút sạch làu làu,
Khi
tôi đọc năm câu đó, tôi rất cảm phục cụ Nguyễn Du.
Một
nhà sum họp sớm trưa,
Chúng
ta đã từng bị xa cách, chúng ta đã khổ đau vì biệt ly xa cách, bây giờ chúng ta
được sống chung với nhau. Đó là một điều kiện căn bản của hạnh phúc. Chúng ta
tự hỏi rằng bây giờ chúng ta đang có hạnh phúc đó hay không? Chúng ta đang được
sống với người thương của chúng ta hay không? Người thương của chúng ta đang
sống bên ta, người đó không có đau ốm, người đó không đang nằm bệnh viện, người
đó không bị đày đi ở một chỗ xa. Vậy sự có mặt buổi sớm và buổi chiều của người
ta thương yêu là một hạnh phúc.
Một
nhà sum họp sớm trưa là một điều kiện của hạnh phúc. Ai trong chúng ta ngồi đây
mà không có điều kiện đó nhưng chúng ta có tiếp xúc được với điều kiện đó
không? Chúng ta có hạnh phúc đó hay không? Chúng ta có hưởng được hạnh phúc đó
hay không? Hay là buổi sớm nhìn nhau một cái rồi vội vã lo đi làm liền và không
nhìn cho rõ ràng. Trong buổi ăn sáng, ăn rất lật đật, chỉ lo nghĩ tới chuyện ở
sở, làm này làm kia thôi. Đôi khi trong khi ăn sáng còn lấy tờ báo ra để che
mặt người thương của mình nữa. Đến buổi chiều thì mệt nhoài, nằm ngửa ra coi
tivi một chút rồi đi ngủ, không nhìn thấy mặt nhau. Một nhà sum họp sớm trưa
như vậy thì đâu còn là một điều kiện hạnh phúc nữa.
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.
Gió
và trăng là những điều kiện lớn của hạnh phúc. Thiên nhiên đẹp như thế. Những
mầu nhiệm của sự sống có mặt trong ta và xung quanh ta nhưng ta bận rộn quá, ta
làm sao tiếp xúc được với những mầu nhiệm đó của thiên nhiên. Gió thì mát,
trăng thì trong nhưng mặc kệ gió, mặc kệ trăng, ta bận quá. Gió trăng là biểu
tượng cho tất cả những mầu nhiệm đó của sự sống.
Trong đại hội của những
người Cơ Đốc giáo tôi có nói như thế này: Cái quý vị gọi là Thiên Quốc, nó nằm
ngay trong giây phút hiện tại. Những mầu nhiệm của sự sống có mặt trong những
giây phút hiện tại. Nhưng tại chúng ta không có tự do, chúng ta đang hối hả đi
về tương lai, thành ra có Thiên Quốc cũng như không. Vì vậy nên quý vị làm thế
nào để cung cấp cho giới trẻ những giáo lý và phương pháp thực tập để giúp cho
họ tiếp xúc được với Thiên Quốc ngay bây giờ, chứ đừng có để cho họ chỉ mơ
tưởng và ước ao một Thiên Quốc trong tương lai.
Làng Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét