Xem nguồn bài viết ở đây
Chữ nhẫn có nghĩa là chịu đựng. Danh từ "chịu đựng"
là một danh từ rất hay.
Chữ nhẫn viết theo
tiếng Hán có chữ tâm nằm dưới và trên chữ tâm có chữ nhận. Chữ nhận có nghĩa là
mũi nhọn, giống như có một cây dao hay cái dùi có mũi nhọn đang làm chúng ta đau nhức. Tâm chúng ta phải làm thế nào để có thể ôm được, chấp
nhận được sự nhức nhối đó. Đó là nghĩa của chữ nhẫn theo cảm nghĩ của người
Trung Quốc.
Trong khi đó tiếng Việt là chịu đựng. Chịu tức là
chấp nhận. Chịu không, anh chịu không?" "Tôi chịu." Cho dù có
khó khăn, vất vả, cho dù có lao nhọc, dai dẳng, tôi vẫn gánh chịu được. Chữ chịu
nầy là có nghĩa là sự chấp nhận. Chúng ta biết rằng chấp nhận là một sự thực tập
rất lớn. Khi chưa chấp nhận được chúng ta mới đau khổ nhiều. Giờ phút mà ta chấp
nhận được thì ta đã có sự an bình trong lòng rồi.
Khi có một sự kiện bất như ý xảy ra trong đời sống,
chúng ta thấy rằng chúng ta không thể chấp nhận được. Chúng ta nghĩ: làm sao sống
được với tình trạng này, với cái gì đang xảy ra? Tại sao ta như thế này mà lại
phải gặp một hoàn cảnh như thế kia? Tại sao ta như thế mà người ta lại đối xử với
ta như thế? Ta phản kháng, ta chống đối, ta không chấp nhận. Nhưng sự thật là
như vậy. Cuối cùng ta cũng phải học chấp nhận. Đó là nghĩa chữ chịu của tiếng
Việt.
Chữ thứ hai là đựng. "Đựng" có nghĩa là
chứa đựng. Chúng ta có những cái chén có thể đựng nước. Chén nhỏ thì đựng được
ít nước. Chén lớn thì đựng được nhiều nước. Nếu niềm đau nỗi khổ của ta lớn thì
ta phải có một cái tâm khá lớn thì mới đựng được nó. Nếu không nó sẽ tràn ngập
và làm ta khổ vô cùng. Tâm càng lớn thì nỗi khổ đau càng nhỏ, khi mà tâm đạt tới
cái mức rất lớn thì cái đau khổ đó tuy có mặt nhưng không đủ sức làm cho ta đau
khổ.
Bụt có dùng một ví dụ rất hay. Bụt nói nếu trong một
bát nước mà người ta thả vào một nắm muối thì nước ở trong bát đó uống không được.
Nhưng nếu có một người đứng trên thuyền mà đổ một bát muối xuống dưới sông thì
người ta vẫn có thể uống nước sông được như thường. Người ta uống nước sông được,
không phải tại vì trong ấy không có muối, nhưng tại vì lòng sông quá lớn. Cho
nên so với sông thì chút muối ấy không có nghĩa lý gì cả. Cũng vậy, khi ta có một
nỗi khổ niềm đau, mà ta có một cái tâm quảng đại, thì nỗi khổ niềm đau đó không
đủ sức làm cho ta đau khổ. Nó có đó chứ không phải là không có, nhưng vì ta có
một sức chịu đựng rất lớn cho nên nỗi khổ niềm đau đó không có tác dụng gì trên
cái tâm của chúng ta. Đó là nghĩa của chữ đựng.
Làng Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét