Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Thứ nhất là tu tại gia

Đâu là ý nghĩa thực sự của câu nói dân gian?
Thứ nhất là tu tại gia.
Thứ nhì tu chợ.
Thứ ba tu chùa"

Trước giờ chúng ta hay cho rằng: Câu này ám chỉ đến nơi chốn tu hành. Thật ra không phải vậy. Không phải nói về nơi chốn mà nói về thái độ của chúng ta đối với các mối quan hệ.

Điều này tôi vừa phát hiện ra nên xin được chia sẻ!

Những người không có ân oán sâu nặng với nhau thì khó mà trở thành người nhà của nhau, hay còn gọi là người trong gia đình như cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt..........

Người có ân với mình thì thương mình. Người có oán với mình thì ghét mình. Trong một nhà thế nào cũng có người rất thương ta và cũng có người rất khắc khẩu với ta. Cái khắc khẩu nó khổ lắm!!! Ai trải qua rồi mới biết. Cũng cùng 1 câu, cũng cùng 1 vấn đề, người khác nói thì không sao nhưng trúng người khắc khẩu với mình mà nói điều ấy là nổi sân lên liền. Ngộ là ở chỗ nấy. Nói gì cũng muốn gây. Làm gì cũng thấy chướng. Tóm lại là ai cũng có thể cho qua nhưng đối với người khắc khẩu với mình, dù cố cách mấy, thì cũng chỉ là nhịn một lúc nào thôi, đến lúc nó bùng thì thành ra gây lộn, chửi lộn, cãi lộn nhau suốt.

Khi xảy ra rồi, nhiều khi tự hối hận: Sao mình tu mà mình sân dữ quá, hoặc sợ làng xóm láng giềng chê cười rằng: Gia đình này gây lộn miết. Rồi mình lại tìm cách ém, cố nhịn, cố dùng mọi phương pháp, mọi "âm mưu" và "thủ đoạn" để không phải gây với người khắc khẩu với mình. Thậm chí tách ra ở riêng, mỗi người ở một nơi, có khi đi biệt xứ để khỏi nhìn mặt nhau để khỏi gây nhau nữa. Vì gây hoài cũng mệt, mệt mình, mệt người, hàng xóm chê cười, mà không gây cũng không được. Vì sao? Vì cái nội kết này kết từ bao đời bao kiếp rồi, chứ có phải mới có đâu nè. Mà khi mình không gỡ được nội kết này mà tìm cách tránh nó thì kiếp sau lại tiếp tục là người nhà của nhau, rồi lại tiếp tục khắc khẩu với nhau.

Do đó, thứ nhất là tu tại gia, nghĩa là thứ nhất hãy gở cho ra nội kết ân oán với người nhà trước. Nội kết này là sâu dày nhất và quấn chặt nhất. Khó gỡ nhất, nhưng cũng phải gỡ. Nhiều người gỡ không được, bỏ trốn luôn, hoặc bỏ đi tu hoặc bỏ đi biệt xứ. Nhưng chỉ trốn chạy về hình thức, còn nội kết không gỡ thì còn hoài. Kiếp này không xong thì kiếp sau lại tiếp tục. Bởi vậy cứ luân hồi gặp nhau miết.

Đã có kết thì gỡ. Gây lộn cũng được. Cứ việc gây. Sân lên thì gây. Hãy để cho hai cái bản ngã va chạm nhau cho đến tận cùng luôn. Tuy nhiên, những lúc ấy, mình cần chánh niệm tỉnh giác, quán sát cái sân, quán sát cái gây, quán sát và quán sát. Gây xong hiệp 1. Nghỉ mệt vài hôm. Lại tiếp hiệp 2. Rồi hiệp 3,.............. Cứ để cho bản ngã lộ ra để quán sát nó.

Người không tu thì khi gây lộn, không biết quán sát con giận của mình, để nó điều khiển. Người có tu thì tìm cách ém nó lại. Cả hai cách đều không giải quyết được vấn đề.

Một khi gây đến tận cùng. Nhẫn nại với người khắc khẩu với mình, nghĩa là đừng tức quá mà bỏ đi. Vẫn ở chung nhà, vẫn gây. Đến một lúc nào đó, nội kết tự hóa giải hồi nào không hay luôn đó mọi người. Kỳ diệu là ở chỗ nấy. Bây giờ khi nói chuyện với người ấy, không còn thấy khó chịu, mà là một sự từ bi lan tỏa. Từ bi khác với tình thâm nha mọi người. Nghĩa là thương mà không vướng. Mình hay người đó có chết đi bất cứ lúc nào thì mình vẫn không có vấn vương. Pháp tự đến tự đi là vậy đó. Tóm lại, để giải tỏa nội kết với người nhà. Mình hãy nhẫn nại và để cho bản ngã bộc lộ đến tận cùng. Khi tận cùng rồi thì nội kết tự hóa giải mà mình không cần phải làm gì cả.

Khi nội kết hóa giải, trong tâm mình toát ra một sự mát mẻ của lòng từ bi mà người kia có thể cảm nhận được điều đó. Và mình có thể thấy sự khác biệt rõ rệt giữa lòng từ bi và tình thâm luôn đó nha mọi người!

Tu tại nhà nghĩa là hóa giải nội kết với người nhà.
Tu chợ là hóa giải nội kết với những người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm,....

Khi hóa giải được các nội kết này thì không cần vào chùa, vẫn gọi là tu chùa rồi đó mọi người. Khi nội kết hóa giải đến đâu, từ bi lan tỏa đến đó. Từ bi thật sự rất mát mẻ, còn từ bi giả tạo thì có sự gồng mình kìm nén. Từ bi thực sự làm mình nhẹ nhàng thanh thản.Từ bi giả tạo làm mình mệt mỏi vất vả.

Quả thật câu "Thứ nhất là tu tại gia. Thứ nhì tu chợ. Thứ ba tu chùa" rất vi diệu!!!!

 


2 nhận xét: