Nhẫn
có thể được biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau tùy từng hoàn cảnh trải
nghiệm của bạn:
Nhẫn
nại là khả năng chế ngự thân tâm trước những xung động quá mức hay những tình
cảm bốc đồng, không những chỉ sân hận mà cả tham lam, ngạo mạn, ích kỷ, tật đố
v.v... đặc biệt là những thói hư tật xấu hay sự nghiện ngập đã tập nhiễm lâu
ngày. Như vậy, người nhẫn nại là người biết làm chủ bản thân không bị lôi cuốn
theo những cảm xúc bản năng vô thức.
Nhẫn
nhịn là sự nhượng bộ khi bạn sẵn sàng tự nguyện nhường bước trước một áp lực,
không phải vì sợ hãi, mà vì bạn biết rõ rằng giương buồm trước bão tố không
những vô ích mà còn tự rước họa vào thân. Ví dụ như trước sự đe dọa hung dữ,
ương ngạnh của dạ-xoa Alavaka, đức Phật vẫn nhu thuận, không tỏ thái độ bực
tức, khinh mạn, ghét bỏ, kinh sợ hay thù nghịch. Nhưng cuối cùng dạ-xoa Alavaka
kẻ tự phụ hiếu thắng lại bị khuất phục trước đức tính nhu hòa nhẫn nhịn của
Phật.
Kham
nhẫn là sự chịu đựng những hoàn cảnh khó chịu đựng. Ví dụ như kham nhẫn với cảm
giác đau đớn, thời tiết khắc nghiệt, lời chỉ trích phỉ báng v.v... Người có thể
dễ dàng kham nhẫn những tình huống khó khăn như vậy phải là người không nệ khó
khăn và có đủ trầm tĩnh sáng suốt. Nếu không đôi lúc chỉ một vết bẩn trên áo,
một con muỗi vo ve, một tia nắng hay một giọt mưa v.v... cũng có thể làm cho
anh ta bực mình, cáu kỉnh.
Dễ
bất bình, nóng giận dù chỉ với chuyện nhỏ nhặt không đâu, là dấu hiệu của sự thiếu
kham nhẫn, và cũng là triệu chứng của suy nhược thần kinh. Vì vậy, hãy coi
chừng, khi bạn thiếu kham nhẫn sẽ gây ra sự bực tức hoặc phản kháng, đó là
nguyên nhân của tình trạng bất an và căng thẳng.
Kiên
nhẫn là sự chịu đựng bền bỉ khi bạn muốn hoàn thành một công việc nào đó. Không
phải chỉ những việc khó khăn, lâu dài mà đơn giản như sự chờ đợi cũng cần phải
có lòng kiên nhẫn. Vì khi chờ đợi một người nào hay một việc gì, bạn càng nôn
nóng bao nhiêu càng chịu nhiều áp lực bấy nhiêu. Nhiều người khởi sự rất hăng
say nồng nhiệt nhưng khi gặp trở ngại thì liền nản chí ngã lòng, bỏ cuộc nữa
chừng. Đó là vì thiếu lòng kiên nhẫn lâu bền.
Nhẫn
nhục là sự chịu đựng khổ nhục khi bạn chấp nhận gánh chịu sự vu khống, mạ lỵ,
áp bức, v.v... mà vẫn không sinh lòng thù hận. Đây không phải là đành chịu nhục
nhã vì vô phương chống đỡ, vì đợi thời cơ trả thù rửa hận, hay chỉ là khổ nhục
kế để mưu lợi về sau, như suy nghĩ thường tình. Có thể nói nhẫn nhục là đức
tính khó nhất trong tất cả loại nhẫn. Người có thể kiên gan chịu đựng nỗi khổ nhục
mà tâm vẫn bình thản phải là người có một tấm lòng độ lượng khoan dung và một
khả năng nhẫn nhục vô hạn.
Thoạt
nhìn chúng ta tưởng những người nhẫn nhục phải cam chịu quá nhiều thiệt thòi vì
sự dại khờ và khiếp nhược của họ, nhưng thực ra đó chính là những người khôn
ngoan, dũng cảm và hạnh phúc nhất trên đời, vì họ đã có đủ khả năng biến khổ đau
thành niềm an lạc, điều mà kẻ khiếp nhược, dại khờ hay kiêu ngạo không thể nào
làm được.
Trích
"Sống trong thực tại," Chương 6 "Bình thản đón nhận"
TS. Viên Minh.
TS. Viên Minh.
Xem nguồn ở đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét