Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Tinh túy Thiền của Như Lai

Một cư sĩ hỏi:
- Bạch thầy, Thiền được mô tả là “Truyền ngoài kinh sách và không qua văn tự”, vậy mà lại có nhiều cuộc vấn đáp và tham hỏi về Đạo giữa các thiền sinh và thiền sư hơn cả giáo môn. Như thế thì làm sao có thể nói Thiền là pháp môn “truyền ngoài kinh sách?”? Xin thầy giảng câu “ngoài kinh sách, không qua ngôn ngữ văn tự” nghĩa chân thực là thế nào?
Thiền sư thốt lên tiếng gọi:
- Cư sĩ!
Ông ta đáp ngay lập tức:
- Dạ.
Thiền sư nói:
- Tiếng “dạ” đó đến từ pháp môn nào?
Ông cư sĩ cúi đầu vái thiền sư. Thiền sư tiếp:
- Khi ông dự định tới đây, là ông tự quyết định. Khi ông định hỏi, là ông tự làm công việc “hỏi” đó. Ông không nhờ đến ai và cũng không cần phải dùng đến giáo pháp của đức Phật để làm chuyện đó.
Chính cái “tâm” này chỉ đạo cho bản thân, chính nó là cốt tủy của “truyền ngoài kinh điển và không qua ngôn từ”.
Đó chính là tinh túy Thiền của Như Lai. Những lời hùng biện lanh lợi, văn chương lưu loát, phân biệt và hiểu biết cảm thông, đều không tới được bờ mé của Thiền này. Chỉ có người nào thâm quán nội tâm một cách sâu sắc, không sa vào cái bẫy của chữ nghĩa, cũng không bị những lời dậy của chư Phật, chư Tổ che phủ làm mờ chân tánh, người nào vượt qua con đường độc đạo tiến tới Giác Ngộ và không để cho sự lanh lợi khéo léo trở thành nguyên nhân suy sụp, người đó sẽ, lần đầu tiên trong đời, đạt Đạo.
Ngay từ khởi thủy, tất cả mọi chúng sinh đều vốn đã đầy đủ trọn vẹn và toàn hảo. Chư Phật và người dân thường đều vốn bình đẳng là Như Lai tự bản chất.
Em nhỏ mới sanh vung tay khua chân cũng chính là hoạt dụng tuyệt vời của bản thể tự tánh.
Chim bay, thỏ chạy, mặt trời mọc, vầng trăng lặn, gió thổi, mây trôi, tất cả mọi sự vật hoán chuyển đổi thay đều từ hoạt dụng của guồng quay bản thể. Chúng không tùy thuộc vào lời dạy của người khác hoặc sức mạnh của ngôn ngữ.
Từ sự hoạt dụng của Giác Tánh, tức là bản thể của mỗi người, mà tôi đang nói chuyện đây và cũng vậy, các ông đang nghe tôi qua sự huyền diệu của Giác Tánh các ông đó.”
Trích: Ngữ lục của thiền sư Bassui Tokusho bằng Nhật ngữ
Arthur Braverman dịch sang bản Anh ngữ “Mud and Water”.
Tuệ Đăng (ĐPK) dịch sang Việt ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét