Cùng một cảnh mà nhìn thấy khác nhau tùy theo pháp tu. Chủ
yếu phá vô minh dẹp ái thủ, đức Phật dạy
mỗi trình độ có lối quán sát khác nhau.
Như một hôm Thiền sư Vân Môn thượng đường, đưa cây gậy lên bảo chúng:
"Phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích nó là không, Duyên giác gọi
nó là huyễn có, Bồ-tát thì đương thể tức
không, Thiền gia thì thấy cây gậy gọi là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi,
không được động đến."
Phàm phu thấy cây gậy cho là thật nên khởi tâm phân biệt đẹp xấu, đẹp thì ái (yêu), xấu thì tắng
(ghét). Nếu ái thì muốn được về mình, là thủ; có ái có thủ là nhân sanh ra hữu
và sanh lão tử của đời vị lai. Hẳn đây
là gốc mầm của sanh già bệnh chết. Để
dứt cái ái thủ này, đức Phật dạy hàng Nhị thừa phải dùng trí quán sát thấy cây
gậy là vô thường, ngày nay nó như thế, mai kia nó sẽ cũ, sẽ mục, rồi trở thành
không. Biết rõ như vậy thì lòng tham ái cây gậy sẽ dứt. Đây là dùng trí quán sự vật trôi theo dòng
thời gian biến hoại để dứt ái thủ.
Cũng mục đích phá dẹp ái thủ, đức Phật dạy hàng Duyên giác
quán sát cây gậy do nhân duyên sanh. Do đất nước gió lửa chung hợp sanh ra cây
gậy, cây gậy đợi duyên hợp mới có, thì cái có này không thật, như huyễn, như
hóa. Hàng Duyên giác thấy cây gậy như huyễn hóa thì đâu còn tâm tham ái. Thế là
ái thủ dứt, dòng sanh tử cũng dừng ngang đây.
Bồ-tát đã thấy tột lý
nhân duyên không cần quán sát nữa, thấy cây gậy biết rõ
không thật tánh, nên nói
đương thể tức không. Bởi thấy không thật tánh nên Bồ-tát đâu còn tâm luyến ái cây gậy, do đó dòng sanh
tử dứt.
Đến thiền gia thấy cây gậy là cây gậy. Tại sao? Bởi vì người
thấu đạt lý thiền, tâm không còn chạy theo cảnh, đối cảnh tâm như như nên nói
cây gậy là cây gậy.
Hơn nữa, thấy cây gậy chạy xuôi theo dòng thời gian quán sát
từ có biến hoại đến không là khái niệm khuôn theo lối Phật vạch sẵn. Nhìn theo
khái niệm định sẵn của mình, chối bỏ sự hiện hữu của cây gậy. Chính khái niệm
lệ thuộc theo thời gian khiến hàng Nhị thừa dễ bi quan. Tuy đó cũng là trí thấy xa, song nó vượt hẳn thực
tế. Đến Duyên giác thấy cây gậy do duyên
sanh, tuy có mà không thật, như huyễn hóa.
Đây cũng là lối nhìn theo khuôn cũ lối mòn Phật định sẵn. Khái niệm này
nhìn theo sự tập hợp của nhân duyên trong không gian. Đã tập hợp thì không có chủ, không chủ thì
làm sao có thật. Thế cũng
phủ nhận sựhiện hữu của cây gậy. Khái niệm nhân duyên là do
huân tập lời Phật dạy, cũng là tướng sanh diệt. Bồ-tát không cần quán sát, vì
tâm đã thuần thục, thấy cây gậy liền
biết tức không. Song đây cũng là khuôn đúc đã thành hình, ráp từ những lời Phật
dạy. Thiền gia không thế, nhìn cây gậy là cây gậy, không bị khái niệm nào chen
vào, không bị khuôn cũ lối mòn nào định
sẵn. Nhìn thẳng sựhiện hữu của cây gậy, bằng tâm như như của mình. Cảnh và tâm,
tâm và cảnh, không có gì gián cách. Tâm không khởi niệm, làm
gì có thấy thật, thấy giả; đã không thật giả còn gì tham ái
hay chán ghét. Nếu không ái thì đâu có thủ, đây là giải thoát sanh già bệnh
chết chớ gì. Chủ yếu của Thiền gia là trực diện đối cảnh, cốt tâm không khởi
niệm. Cho nên câu chót bài kệ CưTrần Lạc
Đạo của Trúc Lâm nói "Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền" (Đối cảnh
không tâm, chớ hỏi thiền). Quả là định nghĩa thiền một cách cụ thể. Cái cao
siêu tuyệt vời của Thiền là trút sạch khái niệm, dù khái niệm đúng như lời Phật
dạy, lột hết mọi kiến giải đã huân tập,
nhìn sự vật như sự
vật, không vì một lý do gì mà thêm bớt vào. Đây là một con người tự do tự tại, không bị
kiến thức nào trói buộc. Bởi vậy nên nói "Sanh không thích thiên đường, tử
không sợ địa ngục. Buông tay đi ngang ngoài tam giới, mặc tình vươn bổng
nào buộc ràng" (Thiền sư Đạo Giai).
Trích chương 1, Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ 20.
HT. Thích Thanh Từ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét