Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Thế nào là “Lội ngược dòng”?


Sau khi thấy rõ cha mẹ mình là ai, đó chính là cha Vô Minh và mẹ Tham Ái, chúng ta mới có thể phần nào hiểu ra thế nào là “Lội ngược dòng.”

Nhờ có cha Vô Minh và mẹ Tham Ái mà chúng ta cứ trôi nổi hết lên rồi lại xuống. hết xuống rồi lại lên. Nếu không muốn lên lên xuống xuống nữa thì DỄ lắm. Chỉ cần giết chết cha mẹ này đi là xong thôi mà hehehehehehe.

Thuận theo dòng nước nghĩa là chúng ta cứ theo chân cha Vô Minh và mẹ Tham Ái mà trôi nổi hoài.

Lội ngược dòng nghĩa là dừng lại, hổng đi theo họ nữa. Cái này nói thì dễ mà làm thì không có dễ đâu nha mọi người. Bởi vì Vô Minh và Tham Ái là hai thói quen cố hữu, hai thói quen lâu đời, hai thói quen truyền kiếp, hai thói quen thâm căn cố đế. Cho nên để từ bỏ hai thói quen này là một việc làm khó khăn vô cùng, bởi vì chúng ta quen đi theo họ rồi, bây giờ tự nhiên đứng lại hổng đi theo họ nữa thì đúng là một “nhiệm vụ bất khả thi.” Vì sao? Vì:

Thứ nhất, cái gì đã thành thói quen mà lại là thói quen lâu đời thì không thể nói vứt bỏ là vứt bỏ được đâu nha.
Thứ hai, cái gì là thói quen thì thường tạo cho chúng ta ảo giác về một vùng an toàn (comfort zone), chúng ta được nuông chiều trong vùng an toàn này, nên khó mà thoát khỏi nó lắm.
Thứ ba, cha Vô Minh và mẹ Tham Ái của chúng ta vô cùng khôn ngoan và tìm đủ mọi cách để giữ chúng ta trong vòng tay của họ.

Chính vì sự khôn ngoan của cha mẹ này mà chúng ta bị họ lừa miết, lừa hết kiếp này sang kiếp khác mà vẫn không biết mình bị lừa. Họ lừa chúng ta như thế nào?

Đầu tiên họ dẫn chúng ta đi trôi nổi. Khi nào đó, chúng ta chợt tỉnh giấc, tìm cách phản kháng lại họ thì họ sẽ tìm cách dẫn dụ chúng ta đi theo họ tiếp, nếu dẫn dụ không được thì họ bảo: “Ồ con cưng, con muốn đi ngược dòng à, con cứ đi, cha mẹ không cản.” Nhưng thật ra cái mà chúng ta tưởng rằng mình đang đi ngược dòng lại chính là cái dòng mà họ dẫn chúng ta đi trôi nổi tiếp. Rồi lại tỉnh, rồi lại tìm cách đi ngược dòng, rồi lại được họ lèo lái đi theo họ tiếp. Cứ thế mà xoay vần. Quá trình lội ngược dòng là quá trình đóng phim nhiều tập của chúng ta với hai bậc cha mẹ Vô Minh và Tham Ái vô cùng khôn ngoan này.

Lội ngược dòng nghĩa là đi ngược lại dòng mà cha Vô Minh và mẹ Tham Ái đang dẫn mình đi, chứ Lội ngược dòng không có nghĩa là ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, cạo đầu, đắp y Phật, sống độc thân, không kết hôn,….. đâu nha mọi người!

Khi làm bất cứ điều gì thì mình luôn tự hỏi mình: “Mình làm điều này là do nhu cầu cần phải làm hay mình làm điều này là vì mình tham muốn?”

Thế nào là do nhu cầu? Do nhu cầu nghĩa là nếu không làm điều này thì mình sẽ chết, nếu không làm điều này thì ảnh hưởng đến sức khỏe/tinh thần của mình và mình sẽ không được khỏe mạnh/mình mẫn. Ví dụ: nếu đói mà mình không ăn, nếu khát mà không uống thì chết chắc rồi. Ngoại trừ trường hợp mình nhịn ăn nhịn uống để trải nghiệm một điều gì đó.

Thế nào là do tham muốn? Do tham muốn là do mình thích làm như vậy, nếu không làm thì mình vẫn sống nhăn răng nhưng do bị mẹ Tham Ái thúc nên mình muốn làm và tìm mọi cách để làm, thế thôi. Ví dụ: khi đói thì mình ăn gì cũng miễn no thì thôi nhưng mẹ Tham Ái lại bảo: “Phải ăn cái gì ngon ngon hợp khẩu vị thì mới đáng sống chớ.” Vậy là mình nghe lời mẹ Tham Ái nên mình ăn không phải vì mình đói mà mình ăn vì mình thèm và mình ăn vì mình tham ăn.

Có trường hợp thế này nữa nè mọi người! Mẹ Tham Ái sinh ra chúng ta có cả tham cái tốt và tham cái xấu. Mình tham cái xấu một thời gian, cái mình thấy mình xấu quá nên mình chuyển sang tham cái tốt. Vậy là mình ăn chay, mình đi làm từ thiện hoặc mình cạo đầu đi tu cho rồi. Mình làm vậy được, cái mình thấy mừng quá vì tưởng mình đang lội ngược dòng. Cái mình vui vì mình “khác người.” Người ta ăn mặn còn mình ăn chay nè, người ta chỉ biết sống cho họ thì mình đi làm từ thiện này, người ta ngoài đời thì mình vào chùa mình cạo đầu đi tu nè! Nhưng mà hổng dè mình đang bị mẹ Tham Ái dẫn dắt mà mình hổng biết luôn. Chính vì đi theo mẹ Tham Ái mà sau một thời gian mình thấy sao mình mất phương hướng quá, toàn làm việc tốt mà sao hổng thấy vui, hoặc vui một lúc rồi sao thấy trống rỗng quá, hoặc làm tốt một thời gian chuyển sang làm xấu trở lại. Đấy, đã bảo mẹ Tham Ái rất khôn mừ.

Ăn chay mà tham ăn, phải ăn hợp khẩu vị, phải ăn thế này thế nọ, thì đó là Tham. Dù ăn chay hay ăn mặn, một khi đã là Tham thì món ăn không quan trọng, quan trọng là lòng Tham ăn giống nhau. Ăn mà tham thì đó là đi theo chân mẹ Tham Ái. Ăn mà không tham thì đó là Lội ngược dòng.

Làm từ thiện mà tham làm, hổng được làm là nổi quạu à nha. Dù làm từ thiện hay làm gì đi chăng nữa thì nội dung công việc không quan trọng, quan trọng là lòng tham vẫn như nhau. Làm từ thiện mà tham làm thì đó là đi theo chân mẹ Tham Ái. Làm từ thiện mà theo duyên, thấy việc gì cần làm thì làm, không tham công tiếc việc, thì đó là Lội ngược dòng.

Đi tu mà tham tu, tìm mọi cách để được tu, bất chấp tất cả thì đó là đi theo chân mẹ Tham Ái. Còn đi tu mà tu theo duyên, duyên hợp thì có, duyên tan thì thôi, thì đó là Lội ngược dòng.

Đấy, chỉ cần phân biệt được khi nào mình ăn/nói/làm/nghĩ theo Tham Ái, khi nào mình ăn/nói/nghĩ/làm theo Lội ngược dòng thì đấy đã là tu rồi. Chứ không phải đi tu nghĩa là vào chùa cạo đầu, tụng kinh, niệm Phật, ăn chay,..... đâu nha mọi người!

Chính vì mình tham làm việc tốt mà không ngờ tham làm tốt cũng là tham mà có chuyện này xảy ra nè. Có bạn đặt câu hỏi:

“Vì sao có người sau một thời gian làm việc thiện (thậm chí ăn chay, tụng kinh, niệm Phật) lại trở thành một người “xấu” (nghĩa là có những hành động bất thiện làm ảnh hưởng đến sự an lạc của người khác)?

Câu trả lời (sưu tầm): Nếu mình nỗ lực muốn phát triển tâm thiện thì sẽ sinh ra mất cân bằng, lúc đó vũ trụ sẽ lấy lại cân bằng, bằng cách sinh ra những tâm ác đối nghịch lại. Tâm thiện không phải do mình sở hữu, nên phát triển tâm thiện là việc tự nhiên của pháp, mình chỉ cần tinh tấn-chính niệm-tỉnh giác để đừng "thọc gậy bánh xe pháp" là được.”

Cho nên, tâm thiện hay tâm ác cũng chỉ là những thói quen cố hữu. Tham làm thiện cũng là tham, tham làm ác cũng là tham. Dù làm thiện hay làm ác cũng chỉ là đi theo chân cha Vô Minh và mẹ Tham Ái mà thôi. Tham mà biết mình tham, như thế đã là tu rồi, không cần phải làm gì nữa đâu. Hóa ra tu dễ ghê chưa mọi người! Nhưng mà ai cũng nghĩ rằng Tham Lam là xấu nên chẳng bao giờ dám thừa nhận mình tham, luôn tìm cách biện minh cho lòng Tham của mình. Vậy là cha Vô Minh và mẹ Tham Ái lại vỗ tay cười hihihihi.

Bài tiếp theo: Chúng ta đang sống theo nhu cầu hay đang sống theo tham muốn?

1 nhận xét:

  1. Lời truyền đạt của chị cũng là lời của mười phương, ba đời chư Phật, chư Thầy Tổ trao truyền. Bài viết của chị rất thiết thực và truyền cảm. Nó sách tấn hành giả chúng tôi, muốn nhập dòng thì phải lội ngược dòng. Phải hông chị Dung hè!!!

    Trả lờiXóa