Ý nghĩa và thái độ qui y
Qui y (sara agamana) là sự đi tìm nương tựa, tìm chỗ ẩn náu
cho tâm hồn. Con người phần đông thích tìm chỗ nương tựa để an ủi tinh
thần và trấn áp nỗi lo sợ, nhưng làm vậy không phải luôn luôn có hiệu quả,
bởi vì nương tựa chỗ không đáng nương tựa thì chẳng có tác dụng gì, ví như một
người bị bệnh thập tử nhất sanh thay vì đi tìm đến một vị thầy thuốc
giỏi người ấy lại đặt niềm tin vào một hàng xóm mà anh ta quen biết để nhờ chữa
trị. Điều đó không có cơ sở bảo đảm cho anh ta lành bệnh được.
Trong kinh pháp cú, Đức Phật có dạy: "Loài người khi
hoảng hốt bèn đi tìm nhiều chỗ nương tựa, núi non, rừng rậm, vườn cây hoặc đền
tháp. Đó không phải là chỗ qui y an ổn, không phải là sự qui y cao thượng,
sự qui y như vậy không thoát khỏi khổ đau. Chỉ có ai qui y Đức Phật, qui y
chánh pháp và Tăng chúng, với chánh trí thấy được bốn thánh đế là khổ - tập
- diệt - đạo, chỉ có điều đó mới thật sự là qui y an ổn, là qui y cao
thượng, qui y như vậy mới thoát khỏi mọi khổ đau". (Dhp.188-192).
Đối tượng qui y của người Phật tử là Đức Phật (buddha), Giáo
pháp
(dhamma), và Tăng chúng (sa gha).
Người Phật tử qui y Phật là qui ngưỡng bậc Chánh Giác, xem
Đức Phật như là bậc Đạo Sư lãnh đạo tinh thần; người Phật tử chân chính
không bao giờ nghĩ rằng nương tựa Đức Phật để được Ngài cứu rỗi hay ban cho
ân huệ gì.
Người Phật tử qui y Pháp là qui ngưỡng chánh pháp đã được Đức
Phật thuyết giảng, nương tựa giáo pháp như là y cứ vào kim chỉ nam
để thực hành; người Phật tử chân chính qui y pháp không nghĩ rằng
giáo pháp như những bài chú đọc tụng để tiêu tai giải nạn.
Người Phật tử qui y Tăng là qui ngưỡng Tăng chúng đệ tử xuất
gia của Đức Phật, nương tựa Tăng chúng như là những vị đàn anh dìu dắt
mình trên con đường tu tập mà đấng Từ Phụ đã vạch ra; người Phật tử chân
chính qui y Tăng không nghĩ rằng Tăng chúng như những vị giáo sĩ trung
gian để giúp nguyện cầu với đấng thần linh.
Thái độ qui y Tam bảo của người Phật tử tựa hồ như một người
bệnh đặt niềm tin, vào vị bác sĩ, nương tựa để được hướng dẫn điều trị
bệnh; tất nhiên mọi sự cố gắng nỗ lực, uống thuốc và cử kiêng ăn uống, phải
do chính người bệnh. Cũng vậy, người Phật tử phải tự tinh tấn hành trì, sự
qui y chỉ là nương tựa tinh thần để xác quyết lý tưởng phạm hạnh.
Yếu tố để thành tựu qui y
Người Phật tử thành tựu tốt đẹp sự qui y do ba yếu tố:
a) Đức tin (Saddhā)
b) Trí tuệ (Paññā)
c) Phó thác sanh mạng (Jīvitapariccāga)
Người cư sĩ có niềm tin trong sạch với Đức Phật, với giáo
pháp, với Tăng chúng, không hoài nghi, không bất mãn Tam bảo, mới phát
nguyện qui y, như vậy mới thành tựu sự qui y tốt đẹp. Qui y mà thiếu lòng
tin thì không thể có quyết tâm noi theo Tam bảo để tu tập, nên không thành
tựu qui y.
Mặt khác, người cư sĩ thiếu trí tuệ, không hiểu biết tại sao
phải qui y, không hiểu biết gì về Đức Phật - Giáo pháp - Tăng chúng, dù người
ấy có xin qui y cũng không thành tựu là người Phật tử. Do đó, phải có sự hiểu
biết sáng suốt và chín chắn, phải có trí tuệ, mới thành tựu tốt đẹp sự qui
y.
Một điều nữa là người cư sĩ chưa có quyết định phó thác sanh
mạng cho Tam bảo, tức là chưa hoàn toàn chấp nhận dấn thân theo lý
tưởng tu tập, nên dù có xin qui y vẫn khó thành tựu. Vì vậy, muốn thành tựu sự
qui y tốt đẹp phải có yếu tố quyết định phó thác sanh mạng cho Tam bảo.
Hình thức qui y
Có bốn hình thức qui y Tam bảo
a) Hình thức dâng mình qui phục (Attasanniy-yātanā)
b) Hình thức chấp nhận điểm tựa (Tapparāyanā)
c) Hình thức hạ mình làm môn đệ (Sissabhāvupagamana)
d) Hình thức biểu lộ tôn kính (Pa ipāta)
Người cư sĩ có niềm tin nơi Tam bảo muốn qui y Tam bảo, có
thể thực hiện một trong bốn hình thức trên để tác thành nghi thức qui y.
Nhưng hình thức qui y rất phổ thông là cách thứ hai "Chấp nhận Tam bảo
là chỗ nương".
Giải về bốn hình thức qui y như sau:
a) Qui y bằng hình thức dâng mình qui phục, là phát nguyện
rằng: "Ajjaādi katvā aha attāna
buddhassa dhammassa sa ghassa niyyādemi"
(Bắt đầu từ hôm nay con xin dâng mình đến Đức Phật, Giáo pháp
và Tăng chúng).
Bằng hình thức này cũng gọi là người cư sĩ ấy đã qui y Tam
bảo.
b) Qui y bằng hình thức chấp nhận điểm tựa, là phát nguyện
rằng: "Ajjaādi katvā aha buddha-parāyano dhammaparāyano sa
ghaparāyano. Itima dhāretha"
(Bắt
đầu từ hôm nay con có Đức Phật là điểm tựa, có Giáo pháp là điểm tựa, có Tăng chúng là điểm tựa. Xin Ngài nhận
biết cho con
như thế).
Còn có một cách phát nguyện khác cũng thuộc hình thức qui y
này mà ngày nay cư sĩ Phật giáo thường áp dụng: "Eso' ha suciraparinibbuta pi ta bhagavanta sara a gacchāmi dhammañca bhikkhusa ghañca
upāsaka ma dhāretha".
(Con xin y chỉ đức Thế Tôn đã níp bàn, xin y chỉ giáo pháp, xin y chỉ chúng tỳ kheo. Mong Ngài nhận biết con là người cận
sự).
Bằng hình thức này cũng gọi là người cư sĩ ấy đã qui y Tam
bảo.
c) Qui y bằng hình thức hạ mình làm môn đệ, là phát nguyện
rằng: "Ajjaādi katvā aha bud-dhassa antevāsiko dhammassa antevāsiko sa
ghassaantevāsiko. Iti ma
dhāretha"
(Bắt đầu từ hôm nay con là môn đệ của Đức Phật, môn đệ của Giáo pháp, môn đệ của Tăng chúng. Xin Ngài
nhận biết cho con như thế).
Bằng hình thức này cũng gọi là người cư sĩ ấy đã qui y Tam
bảo.
d) Qui y bằng hình thức biểu lộ tôn kính, là phát nguyện
rằng: Ajja ādi katvā aha
abhi-vādana paccupa hāna
añjalikamma sāmīci-kamma buddhādīna -y-eva tinna vatthūna
karomi. Iti ma dhāretha"
(Bắt đầu từ hôm nay con chỉ đảnh lễ, nghinh tiếp, vái chào và
tôn ngưỡng đối với ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. Xin Ngài nhận biết con là
như thế).
Bằng hình thức này cũng gọi là người cư sĩ ấy đã qui y Tam
bảo.
Sự kiện bợn nhơ qui y
Thánh qui y, tức là sự qui y Tam bảo của bậc thánh hữu học
như Tu đà huờnv.v... không có sự bợn nhơ, bởi vì các vị thánh cư sĩ ấy đã
thành tựu niềm tin vững chắc đối với Phật, Pháp, Tăng, đã đoạn tận tà kiến và
hoài nghi. Chỉ có sự qui y của hạng phàm nhân, phàm qui y, mới có trường hợp
bợn nhơ qui y, vì phàm phu vẫn còn phiền não.
Bợn nhơ qui y tức là sự qui y của người cư sĩ bị bất tịnh,
không trong sạch, không được hoàn hảo, mặc dù chưa bị phá vỡ, chưa bị mất danh
hiệu người cận sự (Upāsaka). Người cư sĩ bợn nhơ qui y sẽ làm khiếm
khuyết quả phước, khó có sự tinh tấn tu tập thiện pháp.
Có ba sự kiện làm bợn nhơ qui y:
a) Thiếu trí (aññā a)
b) Hoài nghi (sa saya)
c) Tà kiến (micchāñā adassa)
Người cư sĩ đã qui y Tam bảo nhưng lại không hiểu biết về sự
thanh tịnh của Đức Phật, không hiểu về sự đặc thù của giáo pháp, không hiểu
về sự cao thượng của Tăng chúng, đó là sự kiện làm bợn nhơ qui y bởi do
thiếu hiểu biết nên người ấy không thiết tha, không tinh tấn thực hành
phận sự người cư sĩ đối với Tam bảo.
Người cư sĩ đã qui y Tam bảo nhưng lại nghi ngờ sự giác ngộ của
Đức Phật, nghi ngờ hiệu năng của giáo pháp, nghi ngờ chánh hạnh của
Tăng chúng, đó là sự kiện làm bợn nhơ qui y, bởi do hoài nghi nên người ấy
thối thất tinh tấn, xao lãng phận sự tu tập và phận sự đối với Tam bảo.
Người cư sĩ đã qui y Tam bảo nhưng lại có tri kiến sai lầm,
hiểu thấy trái ngược với tinh thần lời dạy của Đức Phật, tin vào những điều
tà pháp như tin bói toán, đồng bóng v.v... gọi là có tà kiến, đó là sự kiện
làm bợn nhơ qui y, bởi do tà kiến nên người ấy không thấy được chánh đạo, không
thấy được những gì phải nỗ lực tu tập, người ấy đi xa lời Phật dạy.
Sự kiện đứt đoạn qui y
Một người đã đắc quả siêu thế, là bậc thánh hữu học, người ấy
thành tựu qui y bất thối nơi Tam bảo, sẽ không bao giờ có sự đứt đoạn qui y
đối với thánh qui y như vậy. Vị thánh hữu học dù mạng chung ở đây sanh lại
đời sống khác cũng không gián đoạn tam qui, vì đạo quả siêu thế là bất
động.
Chỉ có sự qui y của phàm nhân mới có thể bị đứt đoạn. Có hai
sự kiện đứt đoạn qui y của phàm nhân:
a) Đứt qui y không có lỗi (Anavajjo)
b) Đứt qui y có lỗi (Sāvajjo)
Một người đã qui y Tam bảo và tu tập tốt đẹp, nhưng khi người
ấy chết thì xem như là đã đứt đoạn qui y, vì một kẻ phàm phu không có gì
để đảm bảo lúc tái sanh vào cảnh giới khác, với một đời sống khác, lại
có thể giữ nguyên lập trường tín ngưỡng; người ấy sẽ không còn nhớ đến Tam bảo,
không còn nhớ đến lý tưởng tu tập trong đời này. Nhưng đây gọi là sự
kiện đứt qui y không có lỗi.
Trường hợp một người đã qui y Tam bảo, sau đó xu hướng theo
ngoại giáo, trở lại phỉ báng Đức Phật, phỉ báng giáo pháp, phỉ báng Tăng
chúng. Như thế gọi là sự kiện đứt qui y có lỗi. Có lỗi đây là tự làm mất
gốc và tạo nên quả báo đau khổ; nếu người ấy chỉ từ bỏ Tam bảo để xu hướng
ngoại giáo thì gọi là tự làm mất gốc; nếu người ấy xu hướng ngoại giáo
và trở lại phỉ báng Tam bảo thì gọi là tự làm mất gốc và tạo ác quả.
Một người cữ sĩ đã đứt qui y thì không còn là một người cận
sự nữa, không đáng gọi là một Phật tử nữa.
Lợi ích của sự qui y
Qui y Tam bảo là pháp tu bước đầu của người cư sĩ, từ thái độ
qui y sẽ thể hiện được niềm tin, tinh tấn và trí tuệ để giúp cho người cư
sĩ tiến bộ trong đời sống tu tập. Người cư sĩ muốn tu tiến mà không qui y Tam
bảo thì không thể định hướng lý tưởng, không có động cơ để thiết tha hành
trì.
Mặt khác, sự qui y Tam bảo bằng thái độ tôn kính và qui thuận
Đức Phật, giáo pháp và Tăng chúng, điều đó có lợi ích là kết thành
thiện duyên để người ấy trong những kiếp tương lai sẽ để gắn bó với lý tưởng
giải thoát, nếu gặp được một vị chánh giác thì nhờ duyên lành nên rất dễ
giác ngộ.
Lại nữa, trong chú giải còn nói rằng, người phát tâm qui y
Tam bảo sẽ có được quả phước rất đặc biệt khi còn tái sanh luân hồi, được
quả phúc như là có tuổi thọ cao, có nhiều an vui, có nhiều quyền tước, có
thân to lớn, có hình dáng đẹp, có danh tiếng, có ngũ quan nhạy bén ... hơn những
đồng loại.
THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
CƯ SĨ GIỚI PHÁP
Chương 3, trang 56.
Tỳ kheo Giác Giới (Bodhisīla Bhikkhu)
biên soạn
PL. 2550 - TL. 2006
Nguồn
http://thuvienhoasen.org
Chuyển sang ebook 21-7-2009
Người thực hiện : Nam Thiên –
namthien@gmail.com
Link Audio Tại Website
http://www.phatphaponline.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét