Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Tôi quả là có duyên với Kinh Pháp Hoa!

Ngôi chùa Nhật Bản này chỉ thờ Kinh Pháp Hoa và tụng đúng câu Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh mỗi ngày. Tôi không biết tiếng Nhật nhưng tôi có thể tụng kinh Pháp Hoa bằng tiếng Nhật với tăng ni trong chùa mỗi sáng và chiều tối. Người Nhật thì họ đọc thẳng bằng tiếng Nhật, còn người không biết tiếng Nhật thì được phát bộ kinh có phiên âm ra chữ La tinh. Tụng theo họ, không phải là tôi đọc lí nhí trong miệng trong nha, đọc lớn tiếng hòa âm cùng họ luôn đó. Có lần trong chùa không có ai, tôi cùng 1 cô ni đại diện chùa đến dự một buổi lễ nào đó của địa phương và tôi cùng cô ni đọc tụng 1 đoạn kinh Pháp Hoa. Chỉ có 2 người thôi, mới đầu tôi cũng run, sợ không tụng hòa âm với cô ni được. Vậy mà mọi việc xảy ra suông sẻ đến không ngờ. Và tôi cũng không ngờ tôi có thể tụng và hòa âm nhịp nhàng đến vậy luôn đó. Ai cũng tưởng tôi là người Nhật, hoặc ở chùa đó lâu lắm rồi hoặc ít ra phải biết tiếng Nhật. Hổng ngờ tôi vừa không phải người Nhật, không biết tiếng Nhật và vừa ở đó được có vài tuần thôi hà. Vui ghê!

Mấy người Nhật ở chung bảo: Nghe nói dân Việt Nam thông minh lắm mà giờ mới được tận mắt thấy nè! He he he he he. Hổng phải do tôi thông minh mà do tôi có duyên với kinh Pháp Hoa mấy ông ơi!

Đỉnh điểm duyên của tôi là chuyện này nè! 

Hôm ấy là ngày gì quên mất rồi mà có nguyên một đoàn người dân của quốc gia ấy đến viếng chùa đúng ngay buổi lễ chiều tối. Họ đến từ nơi xa, dù họ nói họ là Phật tử nhưng thật ra gốc của họ vẫn là Bà La môn giáo, nên họ bị ảnh hưởng bởi Bà la môn giáo nhiều hơn.

Lúc ấy tôi cùng sư trụ trì và vài Phật tử người Nhật vừa đi công chuyện bên ngoài về, chưa kịp nghỉ ngơi gì là đến giờ tụng kinh buổi chiều. Do có nguyên đoàn khoảng 20 người khách đến chùa nên mọi người phải lên chánh điện hết để tụng câu Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa, mục đích là tụng cho những vị khách này nghe câu này, để gieo duyên với họ và để họ có thể học mà tụng theo.

Theo truyền thống trong chùa thì mỗi khi tụng câu này, mỗi người đều được phát một cái trống cầm tay, vừa tụng vừa gõ trống, tiếng tụng và tiếng trống hòa vào nhau nhịp nhàng như một bản nhạc. Chỉ cần không khớp một âm là bản nhạc lạc điệu liền hà. Cho nên để hướng dẫn người mới thì những người cũ phải tụng và gõ liên tục cho họ bắc chước làm theo, gọi là dìu. Thường người mới thì họ gõ trống nhẹ nhẹ, tụng nhỏ nhỏ để nếu có lạc điệu thì không phá buổi lễ

20 vị khách này, mỗi người được sư Nhật bản phát cho một cái trống tay, và câu Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh bằng tiếng Nhật được phiên âm ra tiếng La Tinh khắc trên bản gỗ để trước mặt họ. Vậy mà họ vẫn không đọc được, họ chỉ gõ trống thôi, mà họ chẳng biết cách gõ cho hòa giọng đọc, họ gõ theo kiểu Bà La Môn giáo, gõ rất lớn và không theo tiếng tụng gì cả.

Trùi ui, thấy họ mà nản ghê luôn, đã không biết mà còn gõ trống cho thiệt lớn, y như họ đang phá buổi lễ vậy đó. Nhưng quan trọng là họ không biết họ đang phá, họ chỉ tưởng họ phải ra tay gõ thật mạnh vào trống thì thần linh mới chứng, nên người nào cũng ráng gõ hết cỡ. Và để dìu họ thì người tụng phải tụng lớn hơn tiếng của 20 cái trống lạc điệu hợp lại. Tôi bó tay rồi nha!

Lúc ấy có mấy Phật tử Nhật Bản trẻ trẻ nản quá, bỏ ra khỏi chánh điện rồi. Còn lại vài cô hơi lớn tuổi và tôi (bởi tôi bị kẹt giữa 20 vị khách này, chứ nếu không chắc tôi cũng bỏ đi mất tiêu òi).

Cô ni giữ cái trống cái bên tay trái có việc gì đó nên nhờ 1 cô Phật tử người Nhật ngồi vào ghế trống cái thay cô ấy.

Được một lúc thì ông tăng ngồi ở trống cái bên phải ngoắc tôi lên ghế trống cái ngồi thế ổng. Còn ổng ra ngoài làm gì đó.

Hời ơi, nguyên cái chánh điện còn lại ông sư trụ trì, ngồi một mình phía trước gần bàn thờ Phật, trống cái bên trái là một cô Nhật Bản, còn trống cái bên phải là tôi, cùng 20 tay trống lạc điệu đang cố sức gõ cho thật mạnh.

Lúc ấy tôi cũng đuối lắm rồi, nhưng thấy sư trụ trì từ bi ghê gớm. Sư vẫn ngồi một mình một cõi đọc thật nhịp nhàng sang sảng câu Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, đọc như thường lệ như hổng có chuyện gì xảy ra. Cái tôi tự hỏi: Sao sư làm được mà mình lại làm hổng được nhỉ? Rồi tôi cảm động bởi sự từ bi của sư quá nên tôi thực sự vào cuộc chiến nha. Thường tụng thì chia hai phe. Sư trụ trì đọc trước một mình câu Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Sư vừa dứt thì những người khác bắt đầu đọc Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Cứ thay phiên nhau mỗi phe đọc một câu vậy đó. Cô Phật tử bên trống cái kia tắt tiếng rồi, nên cổ chỉ ngồi đánh trống thôi. Còn lại duy nhất sư trụ trì, cùng tôi chiến đấu với 20 tay trống lạc điệu. Cứ sư tụng 1 câu là tôi  tụng một tụng, cứ luân phiên vậy làm miết trong vòng mấy chục phút. Tiếng tụng vút lên cao hơn hẳn tiếng 20 tay trống lạc điệu kia, theo đúng tinh thần của trường phái này luôn. Tôi ráng giữ nhịp cùng sư nha. Trong vòng mấy chục phút tiếng tụng luôn ở trạng thái áp đảo tiếng 20 cái trống lạc điệu kia. Cứ thong thả từng tiếng một được buông ra, vút lên, áp đảo sự lạc điệu. Tôi không ngờ tôi lại làm được điều này. Có những lúc, đuối quá, chịu hết nổi, muốn nín lại luôn cho rồi vì sắp bể tiếng rồi, nhưng tôi nguyện: Thôi ráng cho con qua cơn này đi, và tôi chăm chăm vào tiếng tụng của sư, tiếng trống của sư, tập trung hết tinh thần và thể lực vào đó, không chú ý đến bất cứ điều, không chú ý đến bất cứ thứ gì, dù cho trời đất có sập , tôi cũng không quan tâm, vì chỉ cần tôi lãng ra một cái là tôi sụp đổ xuống liền luôn đó. Lúc ấy chắc có bồ tát trợ Kinh Pháp Hoa hỗ trợ cho tôi hay sao ấy, chứ sức một mình tôi không bao giờ có thể làm được điều này. Sự trụ trì thì còn ngồi cách xa 20 tay trống kia, còn tôi ngồi sát bên họ luôn. Và mặc dù 20 tay trống gõ tùm lum điệu kia nhưng buổi lễ vẫn diễn ra trong không khí cực kì trang nghiêm và thanh tịnh đến ghê gớm! Chắc do tôi tập trung dữ quá nên tôi thấy được sự thanh tịnh này chăng?
Bất chấp sự lung tung của 20 tay trống, mọi thứ vẫn rất khớp, rất nhịp nhàng như thể không có 20 tay trống kia tồn tại vậy đó.

Tôi cũng không biết tôi đã làm điều ấy như thế nào nhưng khi buổi lễ vừa chấm dứt, tôi buông tay trống, chuẩn bị đứng dậy lạy Phật là ánh mắt của 20 vị khách kia đều dồn về phía tôi, mở to với sự ngạc nhiên quá cỡ. Hổng biết sao họ ngạc nhiên đến vậy! Khi lạy Phật xong, buổi lễ hoàn toàn chấm dứt, sư trụ trì quay người lại, nhìn thẳng vào mắt tôi và trong ánh mắt sư lấp lánh một niềm vui khó tả.

Lúc ấy chẳng quan tâm đến gì nỗi nữa rồi, tôi phóng luôn về phòng, uống liền một lúc mấy viên thuốc thông giọng của Thái Lan. Công nhận thuốc tốt dễ sợ, uống xong là cổ họng được xoa dịu ngay lập tức, và tôi không bị tắt tiếng. Hôm sau tiếng nói vẫn bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra.


Mục đích bài viết này là để quảng cáo thuốc thông giọng Thái Lan hahahahahaha

1 nhận xét:

  1. O quả có cái tánh ngang bướng giống như trong mấy tấm hình ...Nên muốn đến đâu chư bồ tát cũng chìu..

    Trả lờiXóa