Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Sự trụ chấp

Nơi nào có sự trụ chấp vào điều gì đó thì nơi ấy xuất hiện điều ngược lại nhằm phá vỡ sự trụ chấp ấy.

Ví dụ:
Khi có ý kiến rằng nơi này có rất nhiều tà ma ngoại đạo thì chắc chắn nơi ấy xuất hiện rất nhiều bậc chân tu.
Khi có ý kiến cho rằng nơi này có nhiều bậc chân tu thì chắc chắn nơi ấy xuất hiện rất nhiều tà ma ngoại đạo.
Khi có ý kiến cho rằng phải tranh luận thì mới giác ngộ thì chắc chắn nơi ấy xuất hiện ý kiến trái ngược lại điều ấy.
Khi có ý kiến cho rằng bậc Thánh phải như thế này thì chắc chắn nơi ấy có xuất hiện ý kiến bậc Thánh không phải như vậy.
Khi có ý kiến cho rằng phải ăn chay mới tu được thì nơi ấy xuất hiện ý kiến không cần ăn chay mà vẫn tu được như thường.
……………………………..
Hễ có sự bám trụ thì có sự xuất hiện điều ngược lại để phá vỡ sự bám trụ ấy. Đó là quy luật cân bằng của vũ trụ.

Tương tự,
Thiện là một đầu quả cân thì quả cân còn lại phải là cái ác.
Tốt nằm đầu này thì đầu kia phải là cái xấu.
Chánh ở đây thì tà phải ở chỗ kia.
Vậy thì mới cân bằng chứ. Đó là lý do khi mình trụ vào cái thiện thì bắt buộc mình phải sống chung cái ác. Khi mình chấp vào cái tốt thì chắc chắn mình phải chấp nhận cái xấu. Đó là sự vận hành của quy luật Nhân Quả. Hiểu được sự vận hành này thì mới có thể sống an nhiên vì biết chấp nhận tất cả mọi sự khác biệt. 

Làm sao để biết mình có trụ chấp hay không?

Dấu hiệu cho thấy mình có sự trụ chấp chính là sự bất như ý. Hễ có trụ là có bất như ý. Trụ diệt thì bất như ý diệt. Trụ càng nhiều thì sự bất như ý càng lớn.

Ví dụ luôn nha.

Khi mình trụ vào một vị thầy nào đó thì ai nói xấu ổng là mình bất như ý, mình nổi điên, mình chửi bới họ.
Khi mình trụ vào một pháp môn/tôn giáo nào đó thì mình thấy người theo pháp môn/tôn giáo khác là mình bất như ý.
Khi mình trụ rằng Phật tử phải ăn chay, phải nói chánh ngữ….. thì khi mình thấy họ không ăn chay, họ chửi bới nhau là mình khó chịu ngay lập tức.
Khi mình trụ vào người nào đó (ví dụ yêu thương người ấy) thì sự bất như ý xuất hiện khi người ấy có biểu hiện phản bội mình.
Khi mình trụ vào cái nhà của mình thì ai đụng đến cái nhà là sự bất như ý xuất hiện.
Khi mình trụ vào sự riêng tư cá nhân thì ai xâm phạm sự riêng tư của mình là bất như ý có mặt.
Khi mình trụ rằng giờ này là giờ nghỉ ngơi mà có người điện thoại hay tìm gặp mình thì mình nhăn nhó liền hà.

Cứ quán sát sự bất như ý của mình trong cuộc sống hằng ngày thì mới phát hiện rằng hóa mình trụ vào rất rất rất nhiều điều mà mình hổng biết. Mình cứ tưởng mình “Ưng vô sở trụ” không hà.

Túm cái ý lại rằng khi nào bất như ý xuất hiện nghĩa là khi ấy có sự trụ chấp.

Nói vô trụ thì rất dễ nhưng cái trụ nằm trong từng khoảnh khắc cuộc sống của mình luôn đó. Vô trụ hồi nào đâu mà đòi vô trụ hihi.

Nguyên lý là “Khi nào có sự bất như ý thì khi ấy có sự trụ chấp.” Mỗi người tự áp dụng nguyên lý ấy vào cuộc sống cụ thể của chính mình nha. Bởi vì theo sát nguyên lý ấy thì có vẻ như mình sống hổng có nguyên tắc luật lệ nội quy gì cả. Không phải vậy đâu. Tự áp dụng vào cuộc sống chính mình thì mới thấy sự đúng đắn của nguyên lý này.


Mà mọi người quán sát kỹ thì sẽ thấy hễ mình trụ càng nhiều thì mình càng dễ gặp tai nạn hoặc sự cố gì đó để cho mình xả cái trụ ấy ra bớt. Nếu không thì cán cân vũ trụ sẽ bị lệch. Cho nên người dễ gặp chuyện này nọ chính là người trụ quá chặt hoặc có quá nhiều trụ để bám.

1 nhận xét: