Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Chân Lý chỉ là MỘT

Theo đuổi Chân Lý thì dẫn đến đoàn kết.
Theo đuổi Tôn giáo thì dẫn đến chia rẽ.

Chân Lý tương tự như Gạo. Từ Gạo mà người ta chế biến ra những món như cơm, phở, hủ tiếu, bún cho đa dạng, cho hợp với khẩu vị từng vùng.

Người thấu tỏ được Gạo rồi thì sẽ không ngại ngần, không phân tách, không chia chẻ cơm, phở, hủ tiếu, bún. Tùy lúc tùy nơi mà người ta chọn món ăn cho phù hợp khẩu vị. Và dù ăn gì thì chất đi vào bụng cũng chỉ là Gạo mà thôi.

Người chưa thấu tỏ Gạo thì nếu thích cơm sẽ sống chết bảo rằng cơm là ngon nhất, người thích hủ tiếu sẽ thề bảo vệ hủ tiếu đến cùng, người thích phở sẽ bỉu môi cho rằng chỉ có thèn ngu mới không chịu ăn phở, còn người thích bún thì đạp đổ tất cả cho rằng bún là đệ nhất món.

Còn người biết rõ Gạo thì ai đưa cái gì ăn cái nấy, món nào cũng là đệ nhất, bởi vì có món ăn nào mà không được tạo từ Gạo.

Đó là chưa kể cơm phở hủ tiếu bún còn có nhiều tông khác nhau cho cùng một món nha. Ví dụ bún thì có bún riêu, bún thang, bún mộc, bún bò, bún chả, bún nước lèo,…. Người đầu óc càng chia chẻ thì càng ôm chặt lấy loại bún hợp khẩu vị mình và cho rằng người thích các loại bún khác là vô minh là nghiệp nặng,…..Đầu óc chia chẻ dữ dội hơn thì còn bún được nấu theo vùng miền nữa đó. Ví dụ: Bún riêu do miền Tây Nam bộ nấu khác với bún riêu do người Sài Gòn nấu và khác với bún riêu người miền Trung nấu nha.

Túm cái ý là từ nguyên liệu Gạo mà chúng ta nấu ra vô số món và chia chẻ để bảo vệ cái khẩu vị của mình. Đến khi nào chúng ta trở về với Gạo rồi thì chúng ta hết chia chẻ bởi vì có cái gì mà không được tạo thành từ Gạo đâu nè!


Túm của túm cái ý trên là: Lý do chúng ta chia chẻ là do chúng ta ………….. tham ăn. Vì tham ăn, muốn bảo vệ cái khẩu vị của mình nên chia chẻ. Khi nào hết tham ăn thì hết chia chẻ. Hihihihihi.

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

Vì sao giết cha giết mẹ là định nghiệp?

Nghĩa là giết cha giết mẹ thuộc về năm trọng tội không thể tha thứ được, hễ gieo thì thế nào cũng phải trả, cho nên mới gọi là định nghiệp.
Cha mẹ và con cái có mối quan hệ không ân thì cũng oán. Đó là lý do vì sao có người con có hiếu với cha mẹ nhưng cũng có người con không thể dung hòa nổi với cha mẹ mình.
Có khi cha mẹ mình lại là người từng có oán thù sâu nặng với mình. Có thể trong kiếp sống quá khứ từng giết hại mình, từng đàn áp mình, từng làm cho mình uất ức đến mức phải trở thành con của họ để hại lại họ.
Nhưng vì sao bất chấp những oán thù quá khứ ấy thì đạo Phật lẫn đạo làm người đều luôn dạy con cái phải có hiếu với cha mẹ?
Vì quá khứ đã qua rồi, chuyện quá khứ thuộc về dĩ vãng, còn kiếp sống hiện tại thì mình biết ơn họ một mạng sống. Họ đã tạo duyên để cho mình được sinh ra đời và nuôi dưỡng mình trưởng thành. Nhờ duyên do họ tạo và nhờ tình bi ái của họ mà mình mới có cơ hội để sống, có sống được thì mới tu được chớ.

Cho nên bất chấp oán thù trong quá khứ là gì thì ngay trong kiếp sống này bất cứ người con nào bất hiếu với cha mẹ đều bị lên án là vậy đó.

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Thơ tình gửi Bồ tát!

Ôi, thương thay các Bồ tát!
Tâm như địa luôn ở dưới chân người.
Hứng rác rưởi cùng chất bẩn trần ai
Tâm như nước chảy toàn nơi hiểm hóc
Nguy hiểm nên chẳng ai muốn bước vào
Bồ tát ơi, cái vị là ai thế!
Sao chỉ chịu toàn những điều cay đắng
Như hoa sen ngâm mình trong biển lửa.
Lửa mênh mông môi vẫn nở nụ cười.
Sen trong lửa sen càng thêm mạnh mẽ
Lửa giúp sen tỏ ánh sáng trong ngần.
Lửa càng mạnh sen càng thêm rực rỡ
Bồ tát ơi, cái vị là ai thế!

Sao có thể sáng ngời trong lửa đỏ! 

THỜ VỢ.

Vợ là Trời Phật trong nhà.
Không thờ được vợ làm sao tu!

Không biết thờ vợ thì làm sao mà đắc đạo được chớ!
Vợ có nhân duyên sâu với mình hơn cả cha mẹ và con cái.
Vợ vừa là mẹ vừa là tình nhân vừa là con gái. Vì vậy vợ cần được tôn trọng như mẹ, được yêu thương như người tình và được nâng niu như con gái. Một người vợ bao hàm cả ba chức năng thì không thờ vợ làm sao được cơ chứ!
Ai tu kiểu gì cũng được, cuối cùng cũng phải xong bước Thờ Vợ thì mới đắc đạo được nha!
Đừng tưởng thái tử Sĩ Đạt Ta bỏ vợ mà ra đi đâu nha. Nhìn vậy mà hổng phải vậy. Thái tử Sĩ Đạt Ta mới là người thờ vợ số 1 luôn đó. Thờ vợ đến mức tối thắng luôn, nhờ vậy nên ổng mới giác ngộ viên mãn.
Cho nên ai bảo phải bỏ vợ thì mới tu đắc đạo. Cái này chỉ đúng 1 giai đoạn nào thôi, đến bước đường cuối thì phải qua được bước Thờ Vợ tối thắng thì mới xong việc đó! Nếu không xong được bước này thì tâm thức còn mắc kẹt mãi thôi hà.


Thờ Vợ Tối thắng
Giống như một cái cân có hai quả cân. Một đầu cân là âm, đầu kia là dương. Sự luyến ái tình giữa nam và nữ cũng như hai đầu quả cân vậy đó. Không thể thiếu một trong hai, chỉ cần có một quả cân mất đi hay bé hơn một tí thì cán cân cân bằng của vũ trụ bị lệch. Gọi là vũ trụ mất cân bằng. Hai quả cân phải luôn tồn tại song song để đảm bảo sự cân bằng.
Nhưng đối với bậc tu đạo giác ngộ giải thoát thì họ nhích quả cân từng chút một từng chút một vào ngay trung điểm là điểm nằm ở chính giữa. Khi nào một quả được nhích nhiều hơn quả kia thì cái cân lại bị lệch. Hai quả cân được nhích đến khi cả hai chạm vào trung điểm thì gọi là âm dương giao hòa, hay nói cách khác là âm dương hòa thành một. Khi ấy cán cân chẳng bị lệch bên nào cả. Tất cả tựu trung lại ngay trung điểm rồi cứ vậy mà cân bằng, không hề ảnh hưởng đến sự cân bằng của vũ trụ.
Người tu đạo giải thoát đến lúc nào đó cũng trở thành trung điểm như cái cân kia, hợp được cả âm và dương, nên họ không có giới tính. Cần làm nam thì họ là nam, cần làm nữ thì họ là nữ. Điều ấy không có nghĩa là họ pê đê mà điều ấy có nghĩa là họ trở thành MỘT. Hay nói cách khác họ trở thành sự cân bằng của vũ trụ, hay họ chính là Chân Lý tối thượng.
Nếu không tin thì mọi người cứ quán sát những người tu thì thấy. Người có thân nam thì họ tu đến lúc nào đó, họ lại có đặc tính dịu dàng của nữ. Còn người có thân nữ thì tu đến lúc nào đó họ lại có tính cách mạnh mẽ của nam. Vì càng tu thì hai đầu âm dương càng nhích lại gần, và đến lúc viên mãn thì âm dương hòa thành một luôn. Đó là lúc họ trở thành Chân Lý, hoàn toàn vô ái nhiễm.

Kể tiếp chuyện tu!

Bước 1 là tu sao cũng được. Nghĩa là muốn theo tôn giáo nào thì theo, muốn theo tông phái nào cũng được, muốn theo thầy nào cũng chả sao. Túm lại hễ thấy cái gì hợp với mình là mình theo. Theo hoài luôn, theo cho đến cùng, theo đến khi nào hết thấy hợp nữa thì hết theo.
(Mà để qua được bước 1 có khi phải mất nhiều kiếp tu hành mới xong bước này.)
Bước 2 là tâm yểm ly mạnh mẽ. Hay còn gọi là tâm xuất gia dũng mãnh. Xuất gia nghĩa là xuất ra khỏi Tam giới hay còn gọi xuất ra khỏi nhà lửa. Làm sao để tâm xuất gia dõng mãnh?
Để tâm xuất gia dõng mãnh thì tự mình phải giác ngộ được mối quan hệ chằng chịt giữa mình và người trong gia đình là mối quan hệ không ân thì cũng oán. Tự mình thấy ra chứ không phải nghe người khác nói rồi tin đâu nha! Thế nào là tự mình thấy ra. Kể chuyện ví dụ nha
Ví dụ 1: Có một cô Phật tử người Thái xuất thân từ một gia đình siêu giàu hay còn gọi là đại của đại gia. Cái một hôm trong lúc tình cờ cổ chợt nhìn thấy cha cổ kiếp này là chồng cổ kiếp trước. Vậy là cổ phát tâm nhàm chán Tam giới, một sự nhàm chán tận xương tủy, rồi cổ từ đại đại gia trở thành hành giả tu theo hạnh đầu đà luôn. Một sự thay đổi 180 độ khiến cho ai cũng kinh ngạc!
Ví dụ 2: Có người lúc trước là một mãnh tướng nơi sa trường, chỉ biết tận trung báo quốc. Cái vị chỉ huy nghe lời gian thần, lôi về chém đầu, còn tru di tam tộc. Sau này họ tái sanh làm mẹ con. Vị mãnh tướng là con. Hai người cứ khắc khẩu mãi bởi vì oán hận thấm đẫm từ khi nào.
Ngoài ra vị dũng tướng trong một trận chiến từng cho binh lính đốt trụi một khu rừng để truy đuổi quân thù làm cho bao nhiêu thú vật bị chết cháy. Vậy là sau đó khi tái sanh cứ đi tìm động vật bị bỏ rơi, bị bạo hành mà cưu mang miết. Chỉ mắc nợ con vật mà không mắc nợ con người. Chỉ cưu mang con vật thôi, còn lại thì toàn là được người cưu mang, giúp đỡ và hỗ trợ.

Túm cái ý lại là đến một lúc nào đủ nhân đủ duyên chợt ngộ ra mối quan hệ ân oán giữa mình và người nhà thì khi ấy tâm xuất gia mới thật sự là dõng mãnh, tâm yểm ly mới thật sự là kiên cố là như vậy đó!

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Một khi đã sống thì hãy sống cho thật oanh liệt!

Vì sao?
Vì Ta được sinh ra kiếp này là để giác ngộ giải thoát.
Ta thề làm bất cứ việc gì chỉ để giác ngộ giải thoát.

Thế nào là một cuộc sống thật oanh liệt?
Đó là sống từng ngày.
Làm sao để biết mình sống từng ngày?
Đó là tối nào trước khi đi ngủ cũng biết rằng hôm nay là một ngày thật đáng sống. Nếu có chết ngay lúc này thì chẳng có gì để tiếc! (Hối tiếc là một trạng thái của GHIM. Khi không GHIM gì thì có thể chết bất cứ lúc nào.)

Sống từng ngày, sống ngày nào trọn vẹn ngày đó, không để dành cho ngày hôm sau, không có gì để GHIM, không có gì để tiếc.
Sống từng ngày xong rồi thì sống từng giờ.
Sống từng giờ xong rồi thì sống từng phút, từng giây.
Bậc giác ngộ giải thoát hoàn toàn là người sống từng sát na.
Sống như vậy thì gọi là sống một cuộc sống oanh oanh liệt liệt!