Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Đừng ngại kể ra trải nghiệm của mình!

Thỉnh thoảng có nghe một số vị nói sợ kể trải nghiệm sẽ bị cười, bị nói này nói nọ, cho nên im luôn. Nếu mình im luôn thì mình sẽ đứng hoài ở chỗ đó. Nếu mình kể ra thì sẽ có vô vàn thái độ khác nhau đối với trải nghiệm ấy. Những thái độ đó chỉ có hai hướng hoặc là cùng hướng hoặc là ngược hướng. Cái nào cùng hướng thì mình suy tư rồi từ đó đi tiếp. Cái nào ngược hướng (đó là một dạng phản biện) thì mình xem xét. Cái gì cũng phải được nhìn dưới nhiều góc độ thì mới có thể bao quát được. Nếu chỉ một mình mình nhìn thì có khi lại là chủ quan mà mình hổng biết. Cho nên để vào được đạo cần có dũng khí là vậy đó. Nếu không đủ dũng khí đối diện với những phản biện của người khác thì mình sẽ không bao giờ có đủ dũng khí để đối diện với chính mình. Đối diện với chính mình là việc làm khó nhất, nhưng nếu không làm được thì mình không thể nào hưởng hương vị pháp. Cái gì càng khó thì quả của nó càng ngọt, hương vị của nó càng thơm ngát. Cho nên dũng cảm nói ra mọi trải nghiệm của mình để cho người phản biện là bước khởi đầu cho việc dám đương đầu với chính mình. 
Bởi vậy mọi người cứ việc kể ra đi, thuật ngữ chuyên ngành cho việc làm này là TRÌNH PHÁP. Thiện tri thức ở khắp nơi hà, quan trọng là mình có chịu mở mắt ra để tiếp nhận sự khai thị của họ hay không mà thôi.
Tâm chân thật là con đường duy nhất để thể nhập Đạo. Dân gian có câu “Thật thà là cha quỷ quái” là vậy đó.


Ngoài ra, có một tập khí là khi thấy ai nói trái ý mình thì mình có xu hướng né luôn. Việc này có thể có tác dụng trong một giai đoạn quán nào đó, khi mình cần có sự nhất tâm, không muốn bị ảnh hưởng bởi những tư duy trái chiều. Nhưng khi qua xong giai đoạn này thì sẽ đến giai đoạn cần tư duy trái chiều để phản biện. Khi đến được đây thì chính những tư duy trái chiều lại là Đại Thiện Tri Thức đó nha. Nhờ những cái này mà mình đi rất nhanh. Vậy mà mình vô tình đuổi hết đại thiện tri thức đi để rước Ma vương vào làm bạn. Sau một thời gian thấy mình sao cứ mãi dậm chân tại chỗ mà hổng biết lý do luôn. Tu hành có bạn. Nghĩa là tu hành cần có đại thiện tri thức phản biện thì mới không đi chệch hướng. Ngay cả Phật Thích Ca còn tuyên bố Đề Bà Đạt Đa là đại thiện tri thức của mình mừ. Cho nên khi tu đến giai đoạn nào đó thì đại thiện tri thức mới chính là người nói không giống ý mình, còn người nói giống ý mình có khi lại là Ma Vương mà mình hổng biết hì hì hì. 
Bởi vậy nếu việc tu hành dễ thì làm gì có khái niệm “Lội ngược dòng.”

3 nhận xét:

  1. Tời ơi! Đọc bài nầy tui mới hiểu vì sao dù đã đọc nhiều tác giả và tác phẩm danh tiếng, mà tui vẫn thích vào trang nhà của "chụy" ni. Đọc xong tui đọc lại, rồi cùng bà xã cười thoải mái. .. Chính sự độc đáo, đặc sắc và dũng khí, và cũng tràn đầy đạo lý nữa, có lẽ thế, sẽ có rất nhiều bạn đọc thích thú....

    Trả lờiXóa
  2. Đọc nhãn KĐKĐ và lời tựa thì chính là lời TRÌNH PHÁP xác thực nhất muốn nói lên điều gì dồi!!!!

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là Bà Chụy sanh ra để làm "chiến binh". Và đây cũng là bước đột phá trong tư duy khoa học tâm linh, đem lại cảm hứng và lợi ích thiết thực cho người đi sau hữu duyên!!!

    Trả lờiXóa