Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

Vì sao “Nhẫn Nhục là phép thiền của Chư Thánh”?

Nhẫn Nhục là phép thiền của Chư Thánh hay nói khác hơn thì chỉ có Chư Thánh mới có thể hành được pháp môn Nhẫn Nhục. Vì sao lại như vậy?

Vì Chư Thánh là người ít nhất phải chứng Sơ Quả, hay còn gọi là bậc Nhập Lưu/ Nhập Dòng. Nói cách khác là người đã Kiến Tánh hay đã có Chánh Kiến. Bậc Nhập Dòng là người đã thoát ra khỏi Thân Kiến. Khi không còn Thân Kiến thì họ mới hành được pháp môn Nhẫn Nhục. Vẫn còn Thân Kiến thì vẫn không thể Nhẫn Nhục mà chỉ có thể Nhẫn Nhịn. Nhẫn Nhịn là phép tu của Phàm Phu, bởi vì đó chỉ là lấy đá đè cỏ, khi đủ duyên thì sẽ bùng phát. Còn Nhẫn Nhục là phép tu của Chư Thánh. Bởi vì khi không còn Thân Kiến, Hoài Nghi và Giới Cấm Thủ thì họ mới có thể hành Nhẫn Nhục hay nói cách khác là mới có thể hành trì miên mật, công phu một khối như kim cương.

Thế nào là hành trì miên mật? Hành trì miên mật nghĩa là “Hổng có thời gian quay ra ngoài để xem thiên hạ mà tự quay vào để xem mình.” Khi nào mà hành giả hành được “Hổng có thời gian quay ra ngoài để xem thiên hạ mà tự quay vào để xem mình” thì khi ấy mới được gọi là Nhẫn Nhục.

Pháp môn Nhẫn Nhục hoàn toàn khác với Thu Thúc Lục Căn. Vì sao lại khác biệt? Câu trả lời là: Chỉ có ai hành được pháp môn Nhẫn Nhục thì mới có thể biết được sự khác biệt; nếu không thì chỉ là Hý Luận.

Bất cứ người nào hành được pháp môn Nhẫn Nhục thì họ không còn bị đọa vào các cảnh giới thấp như súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ.

Hành giả nào đã thoát khỏi Thân Kiến, Hoài Nghi, Giới Cấm Thủ và hành pháp môn Nhẫn Nhục một thời gian thì họ nhẹ gánh khỏi Sân Hận và Ái Dục. Lúc ấy họ bước vào giai đoạn thứ hai của bậc Thánh, đó quả Tư Đà Hàm.

“Nhẫn Nhục là phép thiền của Chư Thánh” là như vậy đó!

1 nhận xét: