Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Tâm thức nhân ngã là gì?

Tâm thức nhân ngã chính là Bản ngã, đó là cái dẫn dắt chúng ta đi luân hồi sanh tử. Vậy “Thấu được tâm thức nhân ngã” nghĩa là Thấu được Bản Ngã.

Vậy thì làm sao để thấu được bản ngã?

Tâm thức nhân ngã nghĩa là thấy có Ta và Người, nghĩa là thấy có người nói và người nghe, thấy mình nói người nghe hoặc người nói mình nghe, rồi do thấy có Ta có Người nên mới sinh ra có phân biệt đúng sai, chánh tà, phải trái bởi vì dùng Ta làm trung tâm để đánh giá, suy xét Người.

Thấu được tâm thức nhân ngã nghĩa là Vô Ngã. Vô Ngã nghĩa là không có Ta không có Người, chỉ có tập khí đang vận hành.

Ví dụ: Chỉ thấy Tập khí Sân, không thấy người sân; chỉ thấy tập khí Ngã mạn, không thấy người ngã mạn, chỉ thấy tập khí Tham không thấy người tham. Không Người, không Ta, chỉ có Tập khí. Lúc nào chỉ thấy tập khí thôi thì lúc ấy chính là Vô Ngã.


Người tu hành dù có đa văn giỏi biện, dù có tinh tấn hành trì mà không vào được pháp vô ngã thì chỉ làm tăng trưởng bản ngã mà xoay vòng sanh tử nơi các cõi dục, sắc và vô sắc để hết thiện rồi ác hết ác rồi thiện mà thôi.


Cái này tương tự như câu: Giáo Pháp Như Lai như ngọn giáo. Cầm đúng chiều (vào được pháp Vô Ngã) thì đâm thủng Vô Minh và Ái Dục. Cầm ngược chiều (bản ngã) thì tăng ngã mạn, tự mình làm tổn thương mình.

Chỉ có vào được pháp Vô Ngã, nghĩa là thoát khỏi Nhị biên, nghĩa là không còn thấy có Ta có Người, chỉ có Tập Khí, thì mới không lầm nhân quả.

Còn thấy Người thấy Ta mà nói về Nhân Quả thì đúng là tự mình hù mình.

Các bước tu

Bước 1: Kiến Tánh (Thấy Tánh) nghĩa là có Chánh Kiến, nghĩa là Nhập Dòng, nghĩa là chứng Sơ Quả.
Thấy Tánh rồi thì thoát khỏi Thân Kiến, Hoài Nghi, Giới Cấm Thủ
Bước 2: Sửa Tánh
Sửa Tánh nghĩa là bào mòn đi các tập khí Tham Sân Si. Để làm được điều này thì không còn Thân Kiến mới làm được. Còn Thân Kiến thì cứ tưởng là mình đang bào mòn nhưng thật sự mình đang làm dày lên thêm mà mình lại hổng biết. Nghĩa là chỉ sau khi Thấy Tánh rồi thì mới biết nó là gì mà Sửa chứ, không biết nó là gì thì càng Sửa càng Hư. Càng bào lại càng dày.
Bước 3: Sửa Tánh xong rồi thì mới thể nhập Tánh Không hay còn gọi là vào Cửa Không.
Bước 1 mới Thấy Cửa Không chứ chưa vào được, bởi vì tập khí dày quá thì làm sao mà vào. Thấy được, biết nó là gì rồi thì mới bào cho mòn bớt Tập Khí. Khi tập khí mòn quá rồi thì mới vào được cửa. Tập khí dày quá mà cửa thì hẹp quá thì làm sao mà chui lọt.

À bây giờ thì tôi hiểu ra vì sao nhiều người gọi Cửa Không là khe hẹp rồi. Tại nó quá hẹp cho nên chỉ có tập khí dẹp dẹp mới vào được, còn tập khí dày dày thì không thể.

TRUNG ĐẠO

Một thời, Thế Tôn trú tại Ràjagaha, núi Gijjhakùta. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sona ở tại rừng Sìta, trong thiền định, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Những ai là đệ tử Thế Tôn, phải sống tinh cần tinh tấn. Nhưng ta còn chấp thủ, tâm chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc. Gia đình ta có tài sản, ta có thể hưởng thọ tài sản ấy và làm điều công đức. Vậy ta hãy từ bỏ học pháp, hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức”.
Thế Tôn biết được tâm thối thất của Tôn giả Sona, liền đi đến trước mặt và dạy:
Thầy nghĩ thế nào, này Sona ? Có phải trước đây, khi còn là gia chủ, Thầy giỏi đánh đàn tỳ bà ?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Khi những sợi dây đàn quá căng, đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không ?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Khi những sợi dây đàn quá chùn, đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không ?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Khi những sởi dây đàn không quá căng, cũng không quá chùn, vặn đúng mức trung bình, khi ấy đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không ?
Thưa được, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, Thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng.
Sau đó, Tôn giả Sona trở thành một vị A la hán.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Đại, phần Sona, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.155)

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Cái gì tu?

Ai cũng nói tu, tu kiểu này kiểu nọ, pháp môn này, pháp môn kia. Vậy túm lại là ai tu?

Trả lời: Tập khí tu chứ còn ai tu nữa. Tham là một tập khí. Sân là một tập khí. Si là một tập khí. Tu nghĩa là cho các tập khí này cơ hội để tụi nó tự tu với nhau. Còn cắt đứt cơ hội tu của tụi nó bằng cách nói: Mình sáng trưng rực rỡ. Mình là Phật sẽ thành. Ai cũng có Phật tánh, Không có trói buộc thì làm gì có giải thoát,…… Nghĩa là tin mình sáng trưng rực rỡ là mình sáng trưng rực rỡ liền, tin là mình hổng có gì trói buộc là mình hổng bị trói buộc liền. Tu kiểu này cũng giống như cầu thần linh thánh Phật gia hộ cho vậy đó. Hay còn gọi là tu theo kiểu niềm tin.

Các tập khí Tham Sân Si được tích lũy qua vô số vô số kiếp cho nên dày lắm rồi. Tu nghĩa là cho tụi nó cơ hội để bớt dày, chứ dày quá, nặng nề lắm, mỏng mỏng thì mới nhẹ chứ. 

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Cách quán Sắc Thọ Tưởng Hành Thức trên mạng Internet

Thời đại khoa học công nghệ phát triển, Internet, cụ thể là Facebook phổ biến trong hầu như tất cả các lĩnh vực. Nhiều người trải qua hàng giờ mỗi ngày trên Facebook. Nếu khéo sử dụng thì Facebook cũng trở thành phương tiện học Đạo thiện xảo như sau:

Sắc: Những con chữ được viết ra trong bài đăng hay trong bình luận.
Thọ: Những cảm xúc hỉ nộ ái ố.
Tưởng: Yêu/Ghét
Hành: Trả lời bình luận bằng lời bằng hình ảnh hay bằng biểu tượng
Thức: Yêu/Ghét ghim vào tàng thức.

Nếu quán giỏi thì từ Sắc đến Thọ Tưởng rồi dừng lại. Nếu không thì sẽ đến Hành. Đến Hành rồi thì dễ trở thành Thức. Vài lần như vậy thì thành Thức Uẩn. Khi thành Thức Uẩn rồi chỉ cần nhìn thấy tên người đăng bài thôi thì Yêu/Ghét đã trỗi lên chứ đừng nói chi là đọc bài đăng hay đọc lời bình luận. Cái này ngôn ngữ dân gian gọi là Thành Kiến. Khi đã thành Thành Kiến thì những lời nói của đương sự đều được chiếu qua lăng kính Yêu/Ghét. Cho nên cái đọc không còn chính xác nữa mà trở thành cái đọc được lọc qua lăng kính Yêu/Ghét.

Mà càng biết nhiều về đời tư của người đăng bài hay người bình luận thì lăng kính Yêu/Ghét càng dày làm cho cái đọc càng lệch lạc.


Cho nên dù Facebook chỉ là ảo nhưng muốn sử dụng nó làm một phương tiện thì cũng không có gì khó.

Kể chuyện Mặt Trời và Đom Đóm.

Mặt trời sáng mà nó không tự biết rằng nó đang sáng. Đây gọi là Vô Sở Đắc.
Mặt trời chỉ toàn là ánh sáng nên không hề thấy bóng tối, bởi vì mặt trời ở đâu thì không có bóng tối ở đó. Cho nên mặt trời cứ việc sáng và không thấy sự hiện diện của bóng tối. Đây gọi là Độ hết thảy chúng sanh mà không hề thấy chúng sanh nào được độ.

Còn Đom Đóm thì chỉ sáng một tí ở phần đuôi, còn trước mặt toàn là bóng tối. Do thấy có bóng tối nên tự hào rằng mình sáng trưng rực rỡ. Đây gọi là cái thấy cái biết của tưởng thức.

Đom đóm mờ mịt trong bóng tối nên đi đến đâu thì ánh sáng bé tí ở đuôi rọi một đốm sáng ở chỗ đó. Vậy là đom đóm tự hào cho rằng mình mang ánh sáng đến cho bóng tối. Đây gọi là rơi vào nhị nguyên mà không thấy mình rơi vào nhị nguyên nè!

Tôi viết bài này là để tự nhắc nhở bản thân. Khi nào còn thấy sáng tối là biết rằng khi ấy mình là đom đóm chứ không phải mặt trời đâu cho nên đừng có mà chảnh mèo!

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT

Giác ngộ nghĩa là Kiến Tánh, nghĩa là vào được Cửa Không, nghĩa là Thể Nhập Tánh Không. Nói về mức độ chứng thì đó là Sơ Quả, hay còn gọi là Nhập Dòng/Nhập Lưu. Khi vào dòng rồi thì hổng sợ đi lạc nữa. Trước sau gì cũng đến.

Do vậy ai cũng có thể giác ngộ được, dù là cư sĩ hay tu sĩ, dù là tại gia hay xuất gia, dù là độc thân hay có gia đình. Dù là ai thì khi đủ nhân đủ duyên sẽ giác ngộ, sẽ kiến tánh.

Cho nên thời Phật còn tại thế có vô số cư sĩ chứng Sơ Quả nhưng vẫn lập gia đình, vẫn sống cuộc sống của một người bình thường.

Bởi vì Sơ Quả thì chỉ mới thoát khỏi Giới Cấm Thủ, Thân Kiến, Hoài Nghi. Cho nên vẫn có thể lập gia đình, vẫn hành dâm cùng chồng/vợ.

Nhưng từ quả thánh thứ hai trở lên thì đời sống gia đình không còn phù hợp nữa nên họ phải tách ra. Có thể vẫn sống chung 1 khu đất nhưng lại khác chòi. Mỗi người 1 chòi, chòi ai nấy ở, hổng có ăn chung, ngủ chung, ở chung chồng/vợ nữa rồi. Vì đến quả thứ 2 thì Sân Hận và Ái Dục rất nhẹ nên cuộc sống chung đụng chồng/vợ không còn thích hợp. Đến đây thì xuất gia được rồi.

Đến quả thánh thứ 2 rồi mà xuất gia thì dễ giải thoát hơn là người tại gia. Giải thoát nghĩa là thoát khỏi Luân Hồi Sanh Tử.

Xuất Gia không có nghĩa là cạo đầu, vào chùa, thành tu sĩ. Xuất gia nghĩa là ra khỏi cuộc sống gia đình, sống tách biệt, không chung đụng với người phối ngẫu nữa. Và để đắc quả Vô Sanh thì buộc phải xuất gia, còn tại gia (chung đụng người phối ngẫu) mà muốn đắc quả Vô Sanh thì chỉ có thể là Duy Ma Cật. Mà Duy Ma Cật có thật hay không thì vẫn chưa biết.

Túm lại, để giác ngộ thì không cần xuất gia, còn để giải thoát thì buộc phải xuất gia. 

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Lý do tôi ăn chay.

Tôi ăn chay không phải do tôi từ bi. Tôi ăn chay là do tôi sợ đau. Lý do sợ đau là như sau:

Tôi tham gia vào một khóa thiền quán cảm thọ tại trung tâm thiền Goenka. Trong suốt khóa thiền, mỗi ngày có 3 thời thiền chung. Mỗi thời là 1 tiếng đồng hồ. Trong suốt thời gian này, thiền sinh được khuyến khích không được đổi tư thế, không được nhúc nhích, phải ngồi im như pho tượng. Để làm được điều này thì tâm kiên cố ghê gớm! Tôi muốn thử xem mình kiên cố đến đâu nên ráng ngồi im như pho tượng trong suốt 1 tiếng đồng hồ. Cơn đau lên đến tận óc, tưởng như chết đi sống lại. Nhưng do được khuyến khích nên hổng thèm nhúc nhích hay đổi tư thế làm gì. Cứ thế mỗi ngày có 3 tiếng chịu cơn đau thấu tim gan như vậy. Riết rồi quen. Hết đau luôn.

Kỳ lạ là sau khi hết khóa thiền. Tôi ra ngoài, đi ngang qua một khu chợ trời, nhìn thấy cảnh giết mổ động vật để làm thức ăn cho người, tự dưng cảm giác đau thấu óc nhói tim ấy quay trở lại. Tôi thấy được sự đau đớn trong từng thớ thịt được bày bán trên quầy. Ám ảnh quá nên hết dám ăn thịt luôn! Có lần tôi đến một nơi, người ta đãi một món ăn đặc sản của người địa phương được làm bằng thịt bò. (Món này trước đó tôi ăn hoài, và là món ăn khoái khẩu của tôi) Thịt bò được trộn sẳn vào cơm và đó là món ăn duy nhất của ngày hôm đó. Tôi chỉ lấy cơm ăn, không lấy thịt nhưng mỡ bò hòa lẫn vào cơm rồi. Tôi ngồi ăn nhưng cảm giác đau đớn lại đi theo nên ăn qua quýt cho qua bữa chứ mất hết hứng thú với món khoái khẩu rồi.

Vậy là tôi ăn chay luôn, ăn chay do sợ bị đau, chứ không phải do lòng từ bi.

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Làm thế nào để trả ơn cha mẹ?

Nhân dịp lễ Vu Lan 2017 đang đến gần nên đăng bài này.

"Có hai hạng người, này các tỳ-khưu, ta nói không thể trả ơn
được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha.
Nếu một bên vai cõng mẹ, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng cha mẹ giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và dẫn dắt chúng vào cuộc đời này.
Nhưng này các tỳ-khưu, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, người ấy khuyến khích, hướng dẫn an trú cha mẹ vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào thiện giới; đối với cha mẹ có lòng xan tham, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các tỳ-khưu, là làm đủ và trả ơn đủ cha và mẹ. "

Trích tăng chi bộ chương 2; IV. Phẩm Tâm Thăng Bằng.

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Cái thấy nơi ta

Mỗi người đều phải tự chịu trách nhiệm cho ngôn lời mình nói ra bởi ngôn lời ấy chính là cái thấy nơi ta.

Nếu ta đem cái thấy nơi ta mà nói là của người, kẻ ấy là vô minh.
Bởi vô minh mới suy nghĩ chẳng thấu đáo tỏ tường rằng ta có thể đem tâm thức chính ta gán ghép cho người nên ta chẳng thể thấy nó nơi ta.
Ta chẳng thể thấy nó nơi ta nên ta không thể giải quyết để nó trở về bổn lai sanh ra nó, nên nó sẽ theo duyên sanh mãi để thành cái quả nơi ta trong kiếp vị lai. Ấy là ta tự trói buộc ta nơi suy nghĩ lời nói chính mình sanh bởi cái ý muốn nói người mà chẳng biết ý muốn nói người ấy chính là ý nơi ta đó vậy.
Cho nên, vô minh chỉ có mặt nơi người bị cái muốn thấy người nên chẳng tỏ chính mình .
Chẳng tỏ chính mình ắt vô minh không thể giải quyết nên mãi vô minh chồng chất vô minh là vậy. 
Một người tu đạo giải thoát là phải thật sự nghiêm túc với chính mình ,thường xuyên phản tỉnh mà tự hổ thẹn cho cái nhân ngã si mê thích phán xét để rồi cái tưởng phán xét người mà thành phán xét chính ta ,bởi quy luật nhân quả rất công bằng nhân đã gieo nơi nào ắt quả sẽ trổ nơi ấy như bóng với hình đó vậy.

(Bài Sưu tầm)
Lời bình

Sĩ Diện
Vì sĩ diện nên không thể chân thật với chính mình. Vì sĩ diện nên dễ dàng phán xét chỉ trích người khác. Vì sĩ diện nên luôn tìm cách giải thích diễn giải cho sự vô minh của mình bằng cách đổ cho người khác.
Bất cứ lời nào mình nói về người khác thật ra là mình đang tự nói với chính mình. Nhưng do sĩ diện nên mình chỉ vơ vào mình những cái gì tốt, thánh thiện và đổ cho người những cái ngược lại. Lý do đổ cho người là để thấy mình thánh thiện.
Không chân thật với chính mình là con đường dẫn đến vô minh triền miên. Cho nên bất cứ lời nào nói ra cũng là lời mình nói với chính mình.

Tánh Phật và Tánh Người

Trong mỗi chúng ta, luôn tồn tại 2 thứ Tánh: Tánh Phật và Tánh Người. 
*Tánh Phật bao gồm: Hằng Thấy, Hằng Nghe, Hằng Biết, Hằng Pháp.
*Tánh Người gồm có: Ác và Thiện.
Ví dụ: Khi gặp duyên 1 người ăn xin:
- Tánh Ác liền nghĩ: "Không cho, mình còn nhiều việc, cũng không có tiền mà cho".
- Tánh Thiện thì nghĩ "Mình tu, phải bố thí thì mới có Phước, mới đúng là người Từ Bi".
Sau đó, 2 bên tranh đấu, suy nghĩ Thiện, Ác. Sau cùng, Tánh Phật luôn Biết và Thấy 2 Tánh giằng co, nên làm trong thanh tịnh, không xen bên nào, luôn suy nghĩ trong thanh tịnh, mong người khác Giác Ngộ, Giải Thoát.
Mỗi duyên, Tánh Phật luôn Biết: Buông Tánh Người ra và làm trong Thanh Tịnh.
Nếu làm theo Tánh Người bên Ác: Thì luôn keo kiệt, ích kỉ, lợi cho mình... thì sau này không có Phước.
Nếu đánh đập, giết người, cướp của, Tà Dâm ... Nặng thì đọa Địa Ngục, Súc Sanh, Ngạ Quỷ ... nhẹ thì bị bệnh tật, ốm đau, không có tiền, sức khỏe, lo cho cuộc đời.
Nếu làm theo Tánh Người bên Thiện: Thì luôn bố thí, làm các việc lành, giúp người khác an vui..., để sau khi chết được hưởng sung sướng, tức là làm có tính toán. Nếu quả báo đến sớm, thì đời này cũng có tiền của, sức khỏe... Nếu bố thí nhiều, sau khi chết, được về cõi Trời như mình mong muốn. Nhưng không Giải Thoát được.
Nếu làm theo Tánh Phật: Thì luôn làm tự nhiên trong thanh tịnh, không có tính toán Thiện, Ác, không dính vào bên nào. Chỉ luôn mong giúp đỡ người khác Giác Ngộ, Giải Thoát, sau cùng được trở về Phật Giới.
Cách nhận về Phật Tánh nhanh nhất:
- Tánh NgheLúc có người nói, tiếng ô tô hay tiếng nổ cách xa, Tánh nghe vẫn nghe, nghe thấy rất rõ, nhưng không khởi lên khó chịu vì tiếng ồn to quá thì đây chính là Tánh Phật của bạn, nhưng bạn khởi lên ồn ào, tức giận, khó chịu thì bạn đã chuyển sang Tánh người. 
Lúc không có những tiếng đó, Tánh nghe vẫn luôn hiện hữu, không hề mất đi.
- Tánh Thấy: Đi ra đường, Thấy tất cả nhà cửa, ô tô, xe máy..., đó chính là Tánh Phật của bạn.
Nếu dính mắc vào nhà đẹp hay ô tô đẹp, có thì vui, không có thì buồn, tức là bạn đã bị chuyển sang Tánh người.
- Tánh BiếtBạn lúc nào cũng biết nóng, biết lạnh, biết trời mưa hay nắng..., nhưng chỉ biết thôi, không khởi lên yêu ghét, khó chịu chấp trước..., thì đây là tánh Phật của bạn, còn bạn khởi lên chấp trước, hơn thua, yêu ghét, thì đó là Tánh người.
- Tánh Pháp: Muốn nói nói được, nói theo ý trong tánh Phật, luôn muốn người khác được Giác ngộ, Giải Thoát ...đây là pháp trong Tánh Phật.
Còn nói trong khó chịu, căm hận, hơn thua, ác khẩu, chửi bới, nói cho người khác phải đau khổ..., thì đây là Tánh người bên ác của bạn.

Trong cuộc sống, bạn cứ tự quay vào xem mình đang làm gì, nghĩ gì, biết Tánh người của mình đang ở bên ác hay bên thiện, tập thuần thục mỗi ngày, thì bạn đang sống với tánh Phật của bạn rồi.
Tánh Phật luôn Biết và buông 2 dòng suy nghĩ thiện ác.Tu tập là luôn hiểu rõ chính bản thân mình, từng sát na, từng vọng niệm, luôn luôn Biết rõ tánh Người của mình đang nghĩ xấu hay tốt, biết được nó thì nó sẽ tự diệt, chứ không cần mình phải đè hay ép dụng công.
Đây chính là niệm ông Phật của chính mình, là nhận và được sử dụng Ông Phật, vốn đã có sẵn trong mỗi chúng ta.

Sưu tầm.



Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

CHỬI

Chửi là một trạng thái của Sân.
Sân có 3 dạng: Sân thô, Sân Vi tế và Sân Siêu vi tế.
Khi chửi mà mình không thấy mình sân thì đó chỉ là Sân thô thôi, chứ thực ra mình vẫn đang vướng cái Sân vi tế. Sân vi tế thể hiện ở chỗ: ngay khi đọc/ thấy/ nghe điều gì đó mà mình đáp trả lại liền (bằng ý nghĩ/lời nói/hành động) thì đó là một dạng của Sân Vi tế. Sân vi tế có vô số hình dạng, phải thường xuyên quán sát thân tâm thì mới nhận diện ra được. Còn Sân Siêu vi tế thì hổng dám đụng tới rồi bởi vì vẫn chưa thấy ra.
Chửi là cách để tự quán sát cái Sân của mình, chứ không phải của người.
Nếu có thể vừa chửi vừa tự quán Sân thì hãy chửi, còn không thì thôi, chửi chi cho nó mệt. Ai sân thì kệ họ, mắc gì đi quán cái sân của họ làm chi!!!
Lưu ý: Chửi là một hành vi bất thiện vì làm ảnh hưởng đến sự an lạc của người khác, cho nên nếu dùng phương tiện này để quán sân thì cũng trong tư thế sẳn sàng lãnh nghiệp. Dù có giỏi đến mức thấy được Sân vi tế thì vẫn còn vướng cái Sân Siêu Vi tế, cho nên chạy đâu cho thoát lưới nghiệp.


Tâm địa như biển

Tu sao cũng được miễn sao giống biển là được rồi.
Biển sẳn sàng tiếp nhận mọi dòng nước từ mọi hướng. Nước từ đâu chảy đến không quan trọng, nước chảy như thế nào không quan trọng, nước có vị gì không quan trọng. Quan trọng là một khi nước ra được đến biển thì nước luôn được biển tiếp nhận, và trở thành nước biển, nghĩa là đều có vị mặn.
Người tu cũng vậy. Tu sao để có thể tiếp nhận mọi nguồn nước như biển, và dù trước đó nước có vị gì đi chăng nữa thì khi đến biển đều có vị mặn như nhau.

Nhờ sẳn sàng tiếp nhận mà biển cả lúc nào cũng mênh mông.

Hỏi: Vì sao bậc thánh khi bị chửi thì hổng có chửi lại?

Trả lời: Họ đâu có quỡn đâu mà chửi lại. Khi bị chửi, họ bận quán sát thân tâm họ rồi. Đây gọi là hành trì miên mật hoặc gọi là hạnh Nhẫn Nhục. Họ nhẫn nhục không phải vì họ hổng chấp, không phải vì họ cho qua, không phải vì họ không thèm để ý, mà hạnh nhẫn nhục nghĩa là hành trì miên mật, nghĩa là lúc nào cũng quán sát thân tâm. Vậy thì đâu có quỡn mà chửi lại khi bị người ta chửi đâu.

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Bát Nhã Tâm Kinh

Nguyên bài Bát Nhã Tâm Kinh dài thòng, không cần phân tích, không cần hiểu, không cần học thuộc làm cái gì đâu, chỉ cần chú trọng và thực hành những chữ đầu thôi. Đó là “Quán Tự Tại Bồ Tát”
Quán là một động từ.

Tự tại là đối tượng của động từ quán.
Bồ tát nghĩa là tất cả các hành giả đang làm hành động “Quán”

Quán Tự tại Bồ tát nghĩa là Ưng Vô Sở Trụ. Ưng Vô Sở Trụ nghĩa là không dừng lại, không dính chấp, không ghim vào tàng thức bất cứ tâm sở nào. Làm được điều này không có dễ. Về mặt thô thì dễ, chứ về mặt vi tế thì cực kỳ khó.
Khi đã Ưng Vô Sở Trụ thì Nhi Sanh Kỳ Tâm là điều tất nhiên. Nhi Sanh Kỳ Tâm nghĩa là Sau khi Quán Tự Tại Bồ Tát rồi thì mới Hành Thâm (vào được) Bát Nhã (trí tuệ) Ba La Mật Đa (tối thượng). Khi vào được trí tuệ tối thượng rồi thì thấy ra (Chiếu Kiến) mọi thứ đều là không (Ngũ Uẩn Giai Không). Nghĩa là thấy ra được sự Vô Ngã của Vạn Pháp. Hay nói cách khác là Kiến Tánh, còn gọi là có Chánh Kiến, cũng có nghĩa là vào được Cửa Không, hoặc thể nhập vào Tánh Không.


Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Hăm dọa

Ngày xưa người ta hay dùng “Ông Ba Bị” ra để hăm dọa con nít. Hoặc hăm đánh đập tụi nhỏ cho chừa thói nói không nghe lời.
Bây giờ một số người tu hay có chiêu hăm dọa đọa địa ngục Vô gián, hay là bị cái này cái nọ (tôi quên mất rồi).

Lấy bản thân mà tự suy thì tôi thấy là: Khi tôi hăm dọa người khác điều này điều nọ, nghĩa là tôi đang sợ. Sợ gì? Tôi cũng hổng biết sợ gì luôn. Nhưng vì sợ và không thích cái nỗi sợ gì đó hổng biết tên mà tôi muốn chối bỏ nó bằng cách đẩy qua cho người khác với chiêu Hăm dọa. Túm lại, mình hăm dọa người khác là vì mình YẾU (từ này là tôi ăn cắp của người khác) Yếu mà không biết mình yếu nên mới hăm dọa.
Các nhà khoa học chứng minh rồi nghen! Cha mẹ mà hăm dọa, chửi mắng hay đánh đập con cái là vì cha mẹ bất lực.

Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

Vì sao “Nhẫn Nhục là phép thiền của Chư Thánh”?

Nhẫn Nhục là phép thiền của Chư Thánh hay nói khác hơn thì chỉ có Chư Thánh mới có thể hành được pháp môn Nhẫn Nhục. Vì sao lại như vậy?

Vì Chư Thánh là người ít nhất phải chứng Sơ Quả, hay còn gọi là bậc Nhập Lưu/ Nhập Dòng. Nói cách khác là người đã Kiến Tánh hay đã có Chánh Kiến. Bậc Nhập Dòng là người đã thoát ra khỏi Thân Kiến. Khi không còn Thân Kiến thì họ mới hành được pháp môn Nhẫn Nhục. Vẫn còn Thân Kiến thì vẫn không thể Nhẫn Nhục mà chỉ có thể Nhẫn Nhịn. Nhẫn Nhịn là phép tu của Phàm Phu, bởi vì đó chỉ là lấy đá đè cỏ, khi đủ duyên thì sẽ bùng phát. Còn Nhẫn Nhục là phép tu của Chư Thánh. Bởi vì khi không còn Thân Kiến, Hoài Nghi và Giới Cấm Thủ thì họ mới có thể hành Nhẫn Nhục hay nói cách khác là mới có thể hành trì miên mật, công phu một khối như kim cương.

Thế nào là hành trì miên mật? Hành trì miên mật nghĩa là “Hổng có thời gian quay ra ngoài để xem thiên hạ mà tự quay vào để xem mình.” Khi nào mà hành giả hành được “Hổng có thời gian quay ra ngoài để xem thiên hạ mà tự quay vào để xem mình” thì khi ấy mới được gọi là Nhẫn Nhục.

Pháp môn Nhẫn Nhục hoàn toàn khác với Thu Thúc Lục Căn. Vì sao lại khác biệt? Câu trả lời là: Chỉ có ai hành được pháp môn Nhẫn Nhục thì mới có thể biết được sự khác biệt; nếu không thì chỉ là Hý Luận.

Bất cứ người nào hành được pháp môn Nhẫn Nhục thì họ không còn bị đọa vào các cảnh giới thấp như súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ.

Hành giả nào đã thoát khỏi Thân Kiến, Hoài Nghi, Giới Cấm Thủ và hành pháp môn Nhẫn Nhục một thời gian thì họ nhẹ gánh khỏi Sân Hận và Ái Dục. Lúc ấy họ bước vào giai đoạn thứ hai của bậc Thánh, đó quả Tư Đà Hàm.

“Nhẫn Nhục là phép thiền của Chư Thánh” là như vậy đó!

Nhẫn Nhục

"Tự tin dựa vào sự bằng lòng với chính bản thân, khiến ta cảm thấy tự tại. Không cần phải lấn lướt ai."

- Ni sư Ayya Khema

>>> Vì sao? "Vì sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo."
Tuy nhiên, người được gọi là kẻ ngu thật ra chính là thiện tri thức. Vì nhờ sự áp đảo của họ mà chúng ta mới nhận ra mình có sự nhẫn nhục hay không. Vì sao? Vì sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo nhưng sức mạnh của sa môn là nhẫn nhục. Nhẫn nhục không có nghĩa là nhịn. Bởi vì nhịn là lấy đá đè cỏ, chờ cơ hội bùng phát. Nhẫn nhục chính là “Hổng có thời gian quay ra ngoài để xem thiên hạ mà tự quay vào để xem mình mà thôi.” Đó là lý do mà “nhẫn nhục” thường được dùng để làm thước đo của người tu. 

Bài liên quan: Vì sao Nhẫn Nhục là phép thiền của Chư Thánh?

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Làm sao để biết kinh nào là thật, kinh nào là giả?

Câu hỏi: Làm sao để biết kinh nào là thật, kinh nào là giả?

Trả lời: Đã là kinh thì hổng có cái gì thật hết trơn á! Chỉ có cái gì mình tự thân trải qua thì cái đó mới là thật. Ví dụ: Ông Phật ổng mà có nói: "Vạn pháp là khổ." Hay nói theo ngôn ngữ dân gian là "Đời là bể khổ." Mà mình thì hổng thấy khổ gì hết thì câu ổng nói cũng chỉ là tào lao bí đao. Không tin bất cứ điều gì cho dù người nói điều ấy có là Phật toàn giác nếu tự thân mình chưa từng trải qua điều ấy. Bởi vậy mới có câu: "Đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin." Túm lại, một khi chưa trải qua thì hổng có kinh nào thật cả.

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Chấp tri kiến

Chấp tri kiến nghĩa là cho rằng cái thấy cái biết của mình là số 1, những cái thấy cái biết khác là số 0, là sai lầm, là tà, chỉ có cái biết của mình là chánh. Chính vì ai cũng cho rằng cái biết của mình là số 1 nên mới xảy ra tranh luận, biện luận, thậm chí tranh cãi.

Có người chấp kiến đến mức cực đoan nên có những hành động lời nói coi thường, xúc phạm, phỉ báng người có tri kiến khác mình. Và người bị xúc phạm, phỉ báng sẽ nổi giận mà chửi bới lại. Cuối cùng hai người chửi nhau và trở thành kẻ thù của nhau. Thù đến mức đi đâu cũng nói xấu, gặp ai cũng kể xấu người kia. Chỉ cần nghe đến tên người kia thôi thì cũng đủ nổi giận lên rồi hihihihi.

Có một vị đạo hữu nói: “Đâu đâu cũng là thiện tri thức.” Hay nói cách khác: Người biết tu thì thấy ai cũng là thiện tri thức; người biết tu thì không có kẻ thù, chỉ có thiện tri thức. Cho nên những người chấp tri kiến đến mức cực đoan toàn là Bồ tát thị hiện chỉ bảo cho chúng ta một bài học đáng giá. Đó là CHẤP THỦ. Nói cụ thể hơn thì đó là chấp thủ tri kiến. Khi nhìn sự chấp thủ tri kiến được hiển thị đến mức cực đoan của họ thì chúng ta mới phát tâm nhàm chán và kinh sợ sự chấp thủ tri kiến. Vì kinh sợ mà chúng ta cực kỳ cẩn thận trong việc tu hành của mình để tránh rơi vào chấp tri kiến như họ.

Vì sao họ toàn là các bồ tát? Bởi vì sự chấp tri kiến được hiển thị theo những cách khác nhau và đó là những dấu hiệu cảnh báo cho chúng ta biết khi nào chúng ta có những hành động/ suy nghĩ/ lời nói tương tự thì hãy cẩn thận bởi vì có thể mình đang rơi vào sự chấp thủ tri kiến. Chính nhờ vậy mà mình có thể tránh được và dễ dàng vượt qua giai đoạn này. Chấp tri kiến là giai đoạn mà ai cũng phải đi qua. Có người qua nhanh, có người qua chậm. Khi có bồ tát chịu hiển thị cho mình sự chấp kiến cực đoan như vậy thì mình sẽ kinh sợ và cẩn thận, vì thế sẽ đi qua giai đoạn này nhanh hơn. Người giúp ta làm được điều này thì đó là bồ tát của ta. Cho nên họ toàn là bồ tát. Vì thế chúng ta nên có thái độ tôn trọng họ.

Sự vận hành của Pháp không có theo ý mình đâu. Cho nên khi cơ hội đến thì hãy tận dụng triệt để mà học hỏi. Nếu bỏ lỡ thì không biết khi nào mới có lại được cơ hội tương tự. Vì sao? Vì sự chấp tri kiến không phải là bản tánh thật cho nên ai cũng vậy, chấp một thời gian, chán rồi thì tự bỏ. Bởi vậy chúng ta tranh thủ mà học hỏi.


Chúc mọi người ai cũng thấy được sự cực đoan của chấp tri kiến là đáng kinh sợ đến mức nào và sẽ tự bỏ để thoát khỏi Thân Kiến và Giới Cấm Thủ mà Nhập Dòng!

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

TU XUẤT GIA & TU TẠI GIA

Hỏi: Thưa Thầy, có một ni sư chia sẻ với con rằng tu tại gia không thể bằng xuất gia, sống trong gia đình còn lấn cấn với biết bao quan hệ xã hội thì đến bao giờ mới giác ngộ được. Xin Thầy cho con lời khuyên ạ.

Thầy trả lời: Tu tập chỉ là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi khi tâm tiếp xúc với những biến động của đời sống, vì vậy sống không gia đình hay cùng với gia đình đều có thể tu tập được. Ai ai cũng có thể ngay trong nghiệp mệnh của mình mà học hỏi và phát hiện ra những bài học quý giá về bản thân và cuộc sống.

Cuộc sống của mỗi con người thường diễn biến theo nghiệp mệnh của người đó, tử vi gọi đó là mệnh cách, bên Công giáo thì gọi là Ý Cha. Đó chính là trường học thích hợp nhất mà vũ trụ chọn cho mỗi người, để họ có thể ngay trong sự thăng trầm của đời sống cá nhân, qua trải nghiệm, chiêm nghiệm để học ra những bài học mà họ học chưa xong. Ai rồi cũng phải trải qua tất cả ngần ấy những bài học trong cuộc sống, kể cả bài học về cuộc sống xuất gia. Không học sinh nào có thể bỏ học, trốn học, tìm đường tắt mà lên lớp, vượt cấp. Vì vậy nhiều sư/ni thúc giục người khác xuất gia là không đúng vì phải biết mỗi người đều có bài học từ sinh nghiệp riêng mà họ cần trải qua trong mỗi kiếp. Can thiệp vào bài học của người khác có khi làm chậm quá trình giác ngộ của người đó mà không biết.

Có thể sống tùy duyên thuận pháp và vô ngã vị tha, thực hành lời dạy của Đức Phật ngay trong đời sống, trong công việc hàng ngày của mình là điều mà người Phật tử chân chính nên làm, chứ không phải đợi đến khi chuyển tới sống trong ngôi chùa nào đó như ý mình thì mới thực hiện được. Thật ra tu tập là một tiến trình hoàn toàn tự nhiên, tùy duyên mà ứng, tùy pháp mà hành, chứ không phải ở đó mà chọn lựa, lấy bỏ vì cho là thế này, phải là thế kia với thái độ cầu toàn đầy bản ngã ảo tưởng. Dù nghiệp mệnh của mình là sống xuất gia hay tại gia, có làm nhà sư, bác sĩ, kỹ sư hay làm người nông dân, …nếu trong từng hành động của đời sống mình luôn trọn vẹn, chuyên tâm, thực hiện mọi việc với thái độ trầm tĩnh, sáng suốt và trong lành thì đó chính là đã tu tập theo đúng lời dạy của Đức Phật.

Sự sống là một tiến trình chuyển hóa liên tục không có điểm cuối, giác ngộ không phải là giải thưởng được treo ở cuối con đường tu tập để mà cố gắng, loay hoay tìm cách nhanh nhất đạt tới. Ngay đây tâm không còn tìm kiếm mà trở về với những gì đang xảy ra chính là tu tập, thấy rõ ràng, minh bạch mọi thứ như nó đang là tức là giác ngộ chứ không có tu tập, giác ngộ nào khác.

Cách đây 2600 năm, vào thời của Đức Phật, những người xuất gia, ai ai cũng đều sống tự tại với ba y một bát, không bám víu vào bất cứ điều gì. Đời sống của họ phạm hạnh hoàn toàn viên mãn và thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vì vậy tất cả những người xuất gia thời Đức Phật đều được xã hội tôn trọng và cúng dường. Trong thời kỳ ấy cũng có rất nhiều cư sĩ tại gia chứng đắc đạo quả.

Ngày nay xuất gia cũng không hoàn toàn là sống không có gia đình, mà gần như là chuyển từ gia đình nhỏ để gia nhập vào gia đình lớn của tăng đoàn. Thành phần những người xuất gia cũng rất phức tạp, ngoài những người xuất gia chân chính còn lẫn lộn những kẻ xuất gia vì lười biếng muốn sống ăn bám xã hội, xuất gia vì trốn tránh pháp luật, vv… Cuộc sống xuất gia vì vậy mà cũng gặp nhiều trắc trở với những mối quan hệ cá nhân phức tạp không khác gì ngoài xã hội.

Vì nhiều người xuất gia đã không thực hành theo đúng lời Phật dạy nên hình ảnh người xuất gia không còn được mọi người hoàn toàn tin tưởng và tôn trọng như xưa. Đối với các Phật tử muốn xuất gia để chuyên tâm tu tập, việc lựa chọn môi trường, địa điểm cần được tiến hành một cách kỹ càng và thận trọng. Nếu vào chùa tụng kinh nhưng tâm rối loạn thì tu tại gia mà được tinh tấn chánh niệm tỉnh giác còn tốt hơn.

Hòa Thượng Viên Minh
Xem nguồn bài viết ở đây

Vì sao gần gũi với thiên nhiên mới giúp người ta dễ đắc đạo?

Cuộc đời của Phật Thích Ca toàn gắn liền với………….gốc cây. Từ khi sinh ra cho đến khi đắc chánh quả rồi nhập tịch. Trong lịch sử Phật giáo tất cả các tông phái cho đến lịch sử các tôn giáo khác nhau, những bậc đắc đạo toàn gắn liền với thiên nhiên. Không có thiên nhiên con người ta khó mà đắc đạo. Thiên nhiên cực quan trọng bởi vì thiên nhiên không chỉ giúp con người sinh tồn mà còn giúp người ta thấy ra chân lý. Hủy diệt thiên nhiên cũng chính là hủy diệt đi khả năng đắc đạo của chính mình. Bảo tồn thiên nhiên cũng chính là bảo tồn khả năng đắc đạo của chính mình.

Các trường thiền hay những nơi tôn giáo thường tọa lạc trong rừng hay những nơi có quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cây cối xanh rì rì. Những bậc thiền giả cũng thường vào rừng sâu núi thẳm mà tọa thiền hòng thấy ra chân lý. Thiên nhiên xinh đẹp trải dài mút mắt khơi gợi cho hành giả những điều mà ngay cả chính họ cũng không thể ngờ tới.

Đạo nằm trong thiên nhiên chứ không nằm trong sách vở. Sự giác ngộ đến từ thiên nhiên chứ không đến từ sách vở. Cho nên khi đọc sách hay nghe thuyết pháp mà mình ngộ ra điều gì đấy, thì có khi đây chỉ là cái ngộ giả hay giả ngộ. Kinh sách hay các bài thuyết pháp có công dụng để mình kiểm tra lại cái ngộ của mình mà thôi. Nghĩa là ngộ trước rồi mới đối chiếu với kinh sách, chứ không phải đọc kinh sách để ngộ. Chính vì đọc kinh sách để ngộ mà thành Sở Tri chướng, một rào cản khốc liệt cho hành giả thời nay, một thời đại công nghệ thông tin lan tràn, kinh sách khắp nơi.

Người ngu sinh sở tri.
Hủy phần sáng của mình.
Tự chẻ đầu chính nó.


Đó là lý do vì sao kinh sách càng nhiều, người tu càng nhiều mà người thực sự Giác thì càng ít là như vậy đó.

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

Cửa Không/ Tánh Không/ Chân Không Diệu Hữu thật ra là gì?

Tất cả đều là những từ ngữ khác nhau để nói về tính Vô Ngã của vạn pháp.

Vạn pháp là khổ.
Vạn pháp là vô thường.
Vạn pháp là vô ngã.

Cho nên Cửa Không/ Tánh Không/ Chân Không Diệu Hữu nghĩa là “Vạn pháp là vô ngã” chứ có gì đâu ghê gớm mà nhiều người đẩy lên đến cùng cực. Chỉ bàn luận về tính Vô ngã của vạn pháp mà nhiều luận sư/ giảng sư đã viết dài dòng lê thê thành những bộ sách dày cộm và làm cho người đọc sau này ảo tưởng về sự ghê gớm của những danh tự như Cửa Không/ Tánh Không/ Chân Không Diệu Hữu. Ảo tưởng đến mức cho rằng người ngộ ra Tánh Không là cái gì đó rất cao siêu và “mạt sát” các A La Hán vì cho rằng A La Hán vẫn chưa qua được Cửa Không. Đây là sự ngộ nhận kinh khủng. Vì người ngộ ra Tánh Không thật ra chỉ mới Nhập Dòng hay nói cách khác là mới chứng Sơ Quả thôi, còn hai bậc nữa mới thành A La Hán. Nhưng qua bàn luận tới lui, cái Sơ Quả này trở thành kỳ diệu đến mức A La Hán vẫn chưa đạt tới!!!!!!!!!!!

Người ngộ ra Tánh Không hay còn gọi là người đã vào Cửa Không là người ngộ ra sự vô ngã của vạn pháp. Khi ngộ ra sự vô ngã của vạn pháp thì đồng thời ngộ ra luôn “vạn pháp là vô thường.” Khi thấy ra được “vạn pháp là vô thường” cũng có nghĩa là tỏ rõ Lý Nhân Duyên. Khi tỏ rõ Lý Nhân Duyên thì không còn bị Thân Kiến trói buộc. Khi thoát ra khỏi Thân Kiến thì đồng thời cởi được sợi dây xiềng xích Giới Cấm Thủ. Người đi được những bước này thì được gọi là bậc Thánh Nhập Lưu hay còn gọi là Nhập Dòng.


(KINH) LUẬN nhiều khi dẫn đến những tác hại lâu dài. Bởi vậy kinh sách chỉ ra đời sau khi Phật nhập diệt chứ thời Phật tại thế làm gì có kinh sách cho mà luận. Ai hổng hiểu gì toàn chạy đến hỏi ổng. Tùy căn cơ người hỏi mà ổng có câu trả lời tương ưng, vậy là thành bài kinh cho người đời sau luận. Luận riết mà từ cái Sơ Quả được đẩy lên thành cái gì đó mà ngay cả A La Hán cũng chưa đạt đến luôn là vậy đó hihihihi.

Bài liên quan: Vì sao Chánh Kiến lại đứng đầu trong Bát Chánh Đạo?

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Vì sao Chánh Kiến lại đứng đầu trong Bát Chánh Đạo?

Khi đã có Chánh Kiến rồi thì tất cả những cái còn lại đều chân chánh. Khi không có Chánh Kiến thì không có gì là chân chánh cả. Dù có Tinh Tấn, dù có Niệm, dù có Định, dù có Tuệ,…. giỏi đến mức nào đi chăng nữa mà thiếu đi Chánh Kiến thì cũng đều là Tà. Bởi vậy mới có vị thiền sư ngồi thiền định suốt 10 ngàn năm, sau đó chết và tái sanh thành rắn Naga. Bởi vì Chánh Kiến quan trọng đến như vậy mà sau này nhiều người đẩy lên đến mức tột đỉnh, dùng biết bao bài văn, bài luận, mỹ từ, thậm chí viết thành nguyên bài kinh để mô tả Chánh Kiến. Một trong những ví dụ đó là Kiến Tánh. Kiến Tánh là một cách gọi khác của Chánh Kiến. Người có Kiến Tánh là người có Chánh Kiến. Kiến Tánh Khởi Tu, nghĩa là có Chánh Kiến rồi thì mọi cái tu đều là chân chánh; không có Chánh Kiến thì làm gì cũng là tà.

Người đã có Chánh Kiến là người không còn đi lạc đường nữa, chỉ việc đi trước sau gì thì cũng đến bờ. Một khi đã biết đường đi rồi thì dù họ có làm gì, dù họ có đi tiếp hay dừng lại, dù họ có quẹo trái hay quẹo phải thì họ cũng không thể đi lạc. Người có Chánh Kiến rồi thì không còn bị trói buộc vào những quy định, luật lệ của thế gian. Họ vượt ra ngoài mọi tông phái và tôn giáo. Hay nói cách khác là họ không còn bị Giới Cấm Thủ xiềng xích, và họ không còn lệ thuộc vào Thân Kiến. Người có Chánh Kiến là người đã Nhập Dòng, hay còn gọi là người chứng Sơ Quả, và họ cũng chính là bậc Nhập Lưu.

Do vậy người Kiến Tánh nghĩa là người có Chánh Kiến, nghĩa là người đã phá tan được Vô Minh, cũng là bậc Thánh Nhập Dòng. Hay nói theo ngôn ngữ đời thường thì họ là người đã ĐẮC ĐẠO. ĐẮC ĐẠO nghĩa là đã thấy ra con đường, và không còn sợ bị đi lạc nữa. Người đã thấy ra đường đi thì việc trở thành A La Hán, thành Phật là việc tất yếu. Đó là lý do vì sao nhiều người xem người Kiến Tánh như là Phật là vậy đó.

Chánh Kiến đứng đầu trong Bát Chánh Đạo, tương đương với Kiến Tánh Khởi Tu hay Duy Tuệ Thị Nghiệp (Tuệ ở đây là một từ khác của Chánh Kiến.)

Trước khi có Chánh Kiến thì phải dùng mọi cách, mọi thứ, mọi phương tiện, bất kể thứ gì phù hợp với căn cơ của mình để mà chèo chống, đề mà đi, để mà đến được con đường, để mà Đắc Đạo. Những phương tiện mà họ dùng để vào dòng một khi đã vào được dòng rồi thì đều không cần thiết nữa. Bởi vậy mới có câu “muốn qua sông phải bỏ đò” hay “ngón tay chỉ mặt trăng.” Nhập Dòng nghĩa là chỉ còn xuôi theo dòng mà ra biển thôi. Khi bị vướng bờ này hay bờ kia, họ tự biết nên dùng phương tiện gì để ra khỏi chỗ kẹt. Tự biết dùng phương tiện nhưng không có nghĩa là họ phụ thuộc vào phương tiện ấy. Họ biết lúc nào nên cầm, lúc nào nên bỏ xuống, lúc nào nên dùng phương tiện này, lúc nào nên dùng phương tiện kia. Dùng mọi phương tiện mà không lệ thuộc vào phương tiện nào.

Bởi vậy mới có câu: “…..Cuối cùng bạn phải vất bỏ mọi hệ thống, mọi phương pháp, và ngay cả vị thầy của mình…….” (Thiền sư Ajahn Chah) Còn lệ thuộc vào phương pháp, hệ thống hay vị thầy,… là còn bị Giới Cấm Thủ trói buộc.Vứt bỏ không có nghĩa là tẩy chay, là chối từ. Vứt bỏ nghĩa là không còn lệ thuộc nữa. Trên lộ trình xuôi theo dòng ra biển thì họ vẫn phải dùng phương tiện để giúp họ ra khỏi chỗ kẹt, nhưng những phương tiện này (kể cả thầy) đều là yếu tố phụ, cái chính là họ phải tự mình xuôi dòng. Tóm lại, mọi thứ họ dùng để Nhập Dòng hay để đẩy họ ra khỏi chỗ kẹt chỉ là những phương tiện, còn khi họ xuôi theo dòng để ra biển thì đó mới là cách hành pháp của họ.

Làm gì để Kiến Tánh hay để có Chánh Kiến? Làm gì cũng được, tùy thuộc vào căn cơ, nghiệp duyên của từng người. Cho nên mới có nhiều tông, nhiều pháp môn, nhiều tôn giáo, nhiều cách tu, nhiều cách thiền,… để phù hợp cho tất cả mọi căn cơ. Nhưng nên nhớ làm gì thì làm cũng cần đến được cái đích cuối, đó là Kiến Tánh hay Chánh Kiến, khi phá tan Vô Minh rồi thì mới nhẹ gánh mà thực sự tu, còn trước đó thì chẳng phải là tu gì cả đâu.

Người Kiến Tánh là người có Chánh Kiến, là tương đương với bậc Thánh Nhập Lưu, cho nên con đường thành Phật, thành A La Hán là tất yếu. Chứ người Kiến Tánh không phải là người tương đương Phật và cao hơn A La Hán như nhiều người lầm tưởng đâu. Câu chuyện “Niệm Hoa Vi Tếu” mà nhiều người sử dụng như bằng chứng cho rằng Kiến Tánh là cái gì đó rất ghê gớm, tương đương Phật Toàn Giác. Thật sự là mỗi người đều có duyên nghiệp khác biệt, không ai giống ai. Cho nên các A La Hán trở thành A La Hán cũng theo những cách khác nhau, không ai giống ai. Rồi cũng do duyên nghiệp phước báu không giống nhau, nên dù là A La Hán, mỗi người lại có những đặc điểm khác biệt, không ai giống ai. Ngài Ca Diếp tiếp xúc Phật Thích Ca và con đường thành A La Hán của Ngài cũng đâu có giống ai. Có thể do biệt duyên mà Ngài có với Phật Thích Ca, cho nên khi Phật Thích Ca đưa bông hoa lên chỉ có Ngài Ca Diếp mỉm cười, còn các vị A La Hán khác thì không thấy cười thì cũng đâu có gì ghê gớm như mọi người hay nghĩ. A La Hán nghĩa là Vô Sanh (không còn sanh lại cõi Ta Bà nữa), nhưng nghiệp duyên thì không ai giống ai, cho nên có cái (ví dụ một cái phước nào đó) có vị còn có phước hơn cả Phật Thích Ca, và có cái thì chỉ có vị A La Hán này tương ưng với Phật Thích Ca, còn vị khác thì không có. Đây cũng là điều bình thường, có gì đâu mà ghê gớm đến nỗi nhiều người cực đoan đến mức gần như là “mạt sát” các vị A La Hán khác. Chỉ vì một bãi nước bọt của một vị A La Hán khạt ra mà một tỳ kheo ni nổi giận nói: “Con đĩ nào nhổ nước bọt ở đây?” và vị tỳ kheo ni này phải làm đĩ 100 kiếp. Còn tội "mạt sát" hàng loạt A La Hán thì hổng biết sẽ ở dưới chơi bao lâu đây. Cho nên nói gì làm gì thì cũng nên thận trọng. Mà nếu không muốn thận trọng thì cũng chẳng sao, bởi vì mọi thứ đều là phương tiện, dù đó là phương tiện “mạt sát” A La Hán thì cũng chỉ là phương tiện. Ở dưới chơi cũng không có sao, miễn sao Kiến Tánh là được rồi hihihihihihi.

Ngoài ra một số người hay dùng câu chuyện về Ngài Duy Ma Cật chất vấn các A La Hán và Bồ tát mà coi thường A La Hán. Đây cũng là một lầm tưởng. Duy Ma Cật là hiện thân của Phật Toàn Giác tương lai, đó là Phật Di Lạc, bởi vì Phật tương lai trở thành Phật toàn giác với thân phận một cư sĩ tại gia. Ai tự quán thấy mình là tiền thân của Phật tương lai thì hãy "mạt sát" A La Hán nhé, còn nếu không phải mà đi bắt chước, thấy người ta làm rồi làm theo, thấy người ta nói rồi nói theo thì cũng xuống dưới chơi đã đời luôn đó hehehehe.

Lưu ý: Có thể có người cho rằng: “Tôi cũng có Chánh Kiến nè, tôi cũng biết “Vạn vật là vô thường, là khổ, là vô ngã” nè, tôi cũng biết rằng Tham Ái là gốc của khổ nè, bla bla bla bla. Cái biết của bộ não về những điều này không phải là cái biết thật và nó cũng vô thường theo thời gian. Còn người thực sự Kiến Tánh và có Chánh Kiến thì họ không phải biết những điều này qua lý trí, qua logic hay qua niềm tin mà họ thật sự trải nghiệm, thật sự tự mình thấy ra.

Để kiểm tra xem cái Chánh Kiến của mình là thật Chánh Kiến hay không thì chỉ cần thường quán sát xem mình có còn bị Thân Kiến và Giới Cấm Thủ trói buộc hay không. Nếu còn thì cái Chánh Kiến ấy cũng vô thường thôi. Nếu không còn bị trói buộc thì đó mới thật sự là Kiến Tánh. Và khi ấy thì “…..Cuối cùng bạn phải vất bỏ mọi hệ thống, mọi phương pháp, và ngay cả vị thầy của mình…….” (Thiền sư Ajahn Chah)