Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Thế nào là KIẾN TÁNH KHỞI TU?

Kiến tánh khởi tu nghĩa là làm giống như bài kinh dưới đây. Trước tiên phải phá tan vô minh (kiến tánh) rồi sau đó mới thật sự tu.
Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

23. Kinh Gò mối
(Vammika sutta)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Kumara Kassapa trú tại Andhavana.
Rồi một vị Thiên, đêm đã gần tàn, với hào quang rực rỡ chiếu sáng toàn thể Andhavana, đến chỗ Tôn giả Kumara Kassapa ở, sau khi đến, bèn đứng một bên. Sau khi đứng một bên, vị Thiên ấy nói với Tôn giả Kumara Kassapa:
"Tỷ-kheo, Tỷ-kheo! Gò mối này ban đêm phun khói, ban ngày chiếu sáng.
"Một Bà-la-môn nói như sau: "Này kẻ trí, hãy cầm gươm và đào lên". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một then cửa: "Thưa Tôn giả, một then cửa".
"Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy lấy then cửa lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con nhái: "Thưa Tôn giả, một con nhái".
"Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy đem con nhái lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con đường hai ngã: "Thưa Tôn giả, một con đường hai ngã".
"Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí hãy lấy con đường hai ngã lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một đồ lọc sữa: "Thưa Tôn giả, một đồ lọc sữa".
"Vị Bà-la-môn nói: "Hãy lấy đồ lọc sữa lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một con rùa: "Thưa Tôn giả, một con rùa".
"Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy lấy con rùa lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một con dao phay: "Thưa Tôn giả, một con dao phay".
"Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy lấy con dao phay lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một miếng thịt: "Thưa Tôn giả một miếng thịt".
"Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy lấy miếng thịt lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con rắn hổ: "Thưa Tôn giả, con rắn hổ".
"Vị Bà-la-môn nói: "Hãy để con rắn hổ yên, chớ đụng chạm con rắn hổ, hãy đảnh lễ con rắn hổ".
"Này Tỷ-kheo, hãy đến chỗ Thế Tôn ở và hỏi những câu hỏi ấy. Thế Tôn trả lời Tôn giả như thế nào, hãy như vậy thọ trì. Này Tỷ-kheo, Ta không thấy ai trên cõi đời, với chư Thiên, các Ma vương, với Phạm thiên, các chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người có thể hướng tâm để trả lời những câu hỏi ấy, trừ Như Lai, đệ tử Như Lai hay những ai đã được nghe hai vị này".
Vị Thiên ấy nói như vậy. Sau khi nói xong như vậy, vị ấy biến mất ở nơi đây.
Rồi Tôn giả Kumara Kassapa, sau khi đêm ấy đã mãn, đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến xong, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Kumara Kassapa bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, đêm nay, một vị Thiên, đêm đã gần tàn, với hào quang rực rỡ chiếu sáng toàn thể Andhavana, đến chỗ con ở, sau khi đến liền đứng một bên. Khi đứng một bên, vị Thiên ấy nói với con: "Tỷ-kheo, Tỷ-kheo! Gò mối này, ban đêm phun khói, ban ngày chiếu sáng. Một vị Bà-la-môn nói như sau: "Này kẻ trí, hãy cầm gươm đào lên". Người có trí cầm gươm, đào lên thấy một then cửa... (như trên)... đệ tử Như Lai hay những ai đã được nghe hai vị này". Bạch Thế Tôn, vị Thiên ấy nói như vậy, nói xong liền biến mất tại chỗ ấy.
Bạch Thế Tôn, gò mối là gì, cái gì phun khói ban đêm, cái gì chiếu sáng ban ngày, ai là Bà-la-môn, ai là người có trí, cái gì là cây gươm, cái gì là đào lên, cái gì là then cửa, cái gì là con nhái, cái gì là con đường hai ngã, cái gì là đồ lọc sữa, cái gì là con rùa, cái gì là con dao phay, cái gì là miếng thịt, cái gì là con rắn hổ?
-- Này Tỷ-kheo, gò mối là đồng nghĩa với cái thân do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt.
Này Tỷ-kheo, cái gì thuộc về công việc ban ngày, ban đêm suy tầm, suy nghĩ, như vậy là ban đêm phun khói.
Này Tỷ-kheo, cái gì sau khi suy tầm, suy tư ban đêm, ban ngày đem ra thực hành, về thân, về lời nói, về ý, như vậy là ban ngày chói sáng.
Này Tỷ-kheo, Bà-la-môn là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này Tỷ-kheo, người có trí là đồng nghĩa với Tỷ-kheo hữu học. Này Tỷ-kheo, cái gươm là đồng nghĩa với trí tuệ của bậc Thánh. Này Tỷ-kheo, đào lên là đồng nghĩa với tinh tấn, tinh cần.
Này Tỷ-kheo, cái then cửa là đồng nghĩa với vô minh; đem then cửa lên là từ bỏ vô minh này; kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, con nhái là đồng nghĩa với phẫn nộ hiềm hận; đem con nhái lên là từ bỏ phẫn nộ hiềm hận này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, con đường hai ngã là đồng nghĩa với nghi hoặc; đem con đường hai ngã lên là từ bỏ nghi hoặc này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, đồ lọc sữa là đồng nghĩa với năm triền cái: dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo cử hối quá triền cái, nghi hoặc triền cái; đem đồ lọc sữa lên là từ bỏ năm triền cái này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, con rùa là đồng nghĩa với năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn; đem con rùa lên là từ bỏ năm thủ uẩn này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, con dao phay là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng, tức là các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận thức... Các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn; lấy con dao phay lên là từ bỏ năm dục trưởng dưỡng này, kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, miếng thịt là đồng nghĩa với hỷ tham; lấy miếng thịt lên là từ bỏ hỷ tham này; kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, con rắn hổ là đồng nghĩa với vị Tỷ-kheo đã diệt trừ các lậu hoặc; hãy để con rắn hổ yên, chớ đụng chạm con rắn hổ, hãy đảnh lễ con rắn hổ, là ý nghĩa này.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.


Sao lại nói PHIỀN NÃO tức Bồ Đề (Bodhi)?

"...Tất cả phiền não(kilesa) như THAM (lobha), SÂN (dosa), Dao động, thụ động, buông lung PHÓNG DẬT (pamāda), NGÃ MẠN (māna ) ,v.v...Có câu nói KHÓ HIỂU nhưng rất chí lý là " Phiền não tức Bồ Đề ". Bồ Đề chính là TÁNH GIÁC rỗng lặng trong sáng sẵn có nơi mỗi người. Vậy sao lại nói PHIỀN NÃO tức Bồ Đề (Bodhi)?
Đơn giản là vì phiền não KHỞI SANH (samudaya) để xem TÍNH GIÁC (bodhi) có THẤY RA được hay không. Có thể nói phiền não là PHƯƠNG TIỆN để đánh thức sự sáng suốt (samādhi) và nhạy bén (paññā) vốn có của tính giác.
Tính giác PHÁT HIỆN được nhiều phiền não chừng nào thì TRÍ TUỆ càng thông SÁNG chừng đó. Nếu bất cứ phiền não nào KHỞI lên cũng đều được TÍNH GIÁC phát hiện thì đó chính là GIÁC NGỘ hoàn toàn.
Và có thể nói nếu không có PHIỀN NÃO thì không thể BIẾT được hoạt dụng của Bồ đề THỰC CHẤT ra sao. Cho nên không sợ phiền não khởi mà chỉ sợ không GIÁC được đúng THỜI - VỊ - TÍNH của nó.
Người TU THƯỜNG gặp phải SAI LẦM khi TỰ TẠO ra cái mình CHO LÀ ĐÚNG, thật ra cái mình cho là đúng phần lớn CHỈ LÀ ẢO TƯỞNG. Người TU cần phát hiện " CÁI SAI , CÁI ẢO TƯỞNG "để đừng bị " NÓ SAI SỬ ĐÁNH LỪA " , còn cái đúng chính là pháp THỰC TÁNH CHÂN ĐẾ(Paramattha sacca) tự nhiên không ai TẠO được. Khi không còn " ẢO TƯỞNG " thì tất cả pháp tự tánh đều trở về nguyên vị của nó.

Chính :
TINH TẤN (viriya)

CHÁNH NIỆM (sammāsati)

TỈNH GIÁC (sampajānā) ...mới giúp mình KỊP THỜI PHÁT HIỆN được phiền não mà không bị BỎ SÓT.

Vậy gặp THUẬN DUYÊN thì cứ thuận mà không tham đắm là được.
Gặp NGHỊCH DUYÊN không loại trừ mà nên NHẪN CHỊU (khantī) thì tốt hơn.


Nhiều người NGHĨ RẰNG để mau giải thoát cần phải KHỔ HẠNH chứ không nên ở trong điều kiện THUẬN LỢI , vì sợ đắm chìm. Tuy nhiên BẢN CHẤT cuộc sống luôn có hai mặt THUẬN và NGHỊCH, BỎ mặt này LẤY mặt kia là THÁI ĐỘ LỆCH LẠC.

Cái gì ĐẾN thì đến, cái gì đi thì đi là tốt nhất.
Gặp THUẬN cảnh thì không bị ĐẮM CHÌM.
Gặp NGHỊCH cảnh không sinh ĐỐI KHÁNG.


BẢN CHẤT THẬT của cuộc đời là như vậy, nó luôn CÓ HAI MẶT, không thể CHỌN mặt này BỎ mặt kia.
Nếu cứ loay hoay ĐI TÌM cái mình CHO LÀ... HẠNH PHÚC thì chỉ GẶP toàn là khổ đau. Nhưng chính nhờ những KHỔ ĐAU (Dukkha) ấy mới giúp mình THẤY RA BẢN CHẤT hai mặt của CUỘC SỐNG và hoàn toàn chấp nhận SỰ THẬT ấy mà GIÁC NGỘ Giải Thoát..."

Sưu tầm trên net

Vì sao Phật toàn giác cái gì cũng biết hết?

Cái biết của Phật Toàn giác thì chỉ mình Phật mới biết, không ai có thể biết được đâu dù vị đó là A La Hán hay là Bồ Tát, Đại Bồ Tát hay gì gì đi chăng nữa.

Có câu chuyện đại khái như sau: Có người hỏi Ngài Xá Lợi Phất về Cái Biết của Phật Thích Ca. Ngài Xá Lợi Phất nói: Cái Biết của Thế Tôn thì chỉ có Thế Tôn mới biết được, tôi là ai mà có thể biết được Cái Biết của Thế Tôn cơ chứ.

Ghi chú: Ngài Xá Lợi Phất được xem là Đệ Nhất Trí Tuệ, vậy mà còn hổng biết được Cái Biết của Phật nữa huống chi là mình. Cho nên Cái Biết của Phật thì chỉ có Phật mới có thể biết.

Phật Toàn giác có thể nhìn ra và biết tất cả căn cơ của tất cả mọi chúng sanh luôn. Không ai làm được điều này, chỉ có Phật Toàn giác mới có thể. Vì sao? Vì để biết được một chúng sanh thì vị Phật này phải trải qua hoàn cảnh sống của chúng sanh ấy rồi. Chúng ta không thể biết điều gì nếu chúng ta chưa từng trải nghiệm điều ấy. Và Phật Toàn giác đã trải nghiệm tất cả cho nên đó là lý do Người biết tất cả. Và để có thể trải nghiệm tất cả buộc Ngài phải lăn lên lăn xuống cõi Ta Bà trong vô số vô số vô số kiếp, một thời gian dài vô cùng vô tận, không thể cân đo đong đếm bằng bất cứ thứ gì. Đó chính là lý do vì sao khi một vị Phật Toàn giác ra đời thì toàn thể vũ trụ đều chấn động là như vậy đó.

Và vị Phật Toàn giác cuối cùng của Đại Đại Đại Kiếp này là Phật Di Lạc. Nếu đón hụt vị Phật tương lai này thì chúng ta phải chờ rất rất rất rất lâu mới có 1 vị Phật Toàn giác ra đời vào Đại Đại Đại Kiếp khác. Bởi vậy ráng đón Phật Di Lạc đi nha mọi người!

Vì sao một vị Phật Toàn giác có thể biết tuốt tuồn tuột tất cả mọi thứ, trong khi một vị A La Hán hay một Bồ tát thì lại không thể?

Nôm na là thế này cho dễ hiểu nha mọi người: Để đi vào thành chúng ta có 12 cổng thành. Tùy theo nghiệp duyên và căn cơ mà mỗi người đi theo con đường khác nhau để vào một cổng thành khác nhau. Nghĩa là có 12 cổng mà mỗi cổng lại có nhiều đường để vào. Nếu căn cơ tôi hợp với cổng số 1, thì tôi đi sao đó miễn sao đến cổng số 1 là được rồi. Vị nào vào được cổng thì xem như là bậc thánh Nhập Dòng hay còn gọi là Bậc Nhập Lưu (Đây là quả thứ nhất trong bốn quả thánh, quả thánh thứ bốn là A La Hán). Khi đã vào được cổng thành rồi thì không còn sợ đi lạc đường nữa, cứ việc đi thì ắt sẽ đến. Bậc thánh Nhập Dòng là vậy đó. Khi đã Nhập Dòng thì họ chỉ còn tái sanh tối đa 7 kiếp nữa là trở thành bậc Vô Sanh (nghĩa là không còn tái sanh lại cõi Ta Bà này nữa).

Cổng Thành cũng chính là Ngã ba đường. Nghĩa là sao? Nghĩa là khi đến đây rồi thì buộc phải chọn đi tiếp để thành A La Hán hay quay trở ra để thành Bồ tát. Nghĩa là sao?

Nghĩa là: Ai có tâm nguyện làm A La Hán thì họ sẽ qua cổng và đi tiếp để đến thành. Vậy là xong việc cần phải làm. Nghĩa là họ trở thành bậc Vô sanh.

Còn ai nguyện làm Phật Toàn giác thì không đi tiếp nữa. Họ đến cổng số 1 rồi thì họ lại quay ra, bắt đầu đi lại từ đầu ở một con đường khác để vào cổng thành thứ 2. Khi đến cổng thứ 2 rồi, lại không vào thành, lại quay ra, lại đi lại từ đầu để vào cổng thành thứ 3,……. Cứ bắt đầu đi bắt đầu lại 12 lần như vậy, khi họ trải nghiệm trọn 12 cổng thành thì họ vào thành luôn và thành Phật Toàn Giác.

Con đường làm A La Hán thì đơn giản hơn nhiều, chỉ cần đi qua 1 cổng thành là đủ, còn con đường làm Phật Toàn giác thì nhiêu khê quá đỗi, phải qua tất cả 12 cổng thành.

Điểm chung của A La Hán, Bồ Tát và Phật Toàn Giác là: Cả 3 đều phải trải nghiệm ít nhất 1 cổng thành.

Điểm khác của A La Hán và Bồ tát là: A La Hán đến 1 cổng thì vào luôn, Bồ tát đến cổng rồi nhưng không vào, lại quay ra để bắt đầu lại ở cổng khác.

Điểm khác của Bồ tát và Phật Toàn giác là: Bồ tát vẫn đang trải nghiệm từng cổng khác nhau, còn Phật Toàn giác đã hoàn thành xong, đã trải nghiệm xong 12 cổng rồi.

Do vậy, một người khi đắc quả A La Hán thì chỉ có thể giúp được những ai đi vào cùng cổng thành với mình. Nếu vị ấy vào cổng số 1 thì chỉ giúp được người cùng vào cổng số 1, không thể giúp được người vào cổng số 2. Không cùng căn cơ không giúp được.

Bồ tát thì chỉ giúp được người nào đi con đường vào những cổng mà mình đã đi qua, ví dụ Bồ tát đã qua được cổng 1,3,7,10 thì chỉ giúp được người đi đường vào cổng 1,3,7,10. Những cổng còn lại chưa trải qua nên chưa giúp được.

Còn một vị Phật Toàn giác thì đã trải qua hết nên có thể biết được căn cơ của tất cả là vậy đó.

Để vào được một cổng thôi là biết bao nhiêu khê và khổ ải, vào được rồi mừng muốn chết. Vậy mà họ không đi tiếp, lại đi trở ra, bắt đầu lại từ đầu, và cứ thế mà làm đi làm lại 12 lần. Nói thế cũng đủ thấy sự nhiêu khê, gian truân và vất vả của các Bồ tát trước khi thành Phật Toàn giác là như thế nào rồi. Bởi vậy có người nói: Phật Thích ca đã thành Phật vào một đời Phật quá khứ nào đó nhưng vì thương chúng sanh nên Ngài quay trở lại để cứu giúp. Cái này cũng có thể đúng lắm đó mọi người. Nghĩa là vào thời Phật quá khứ nào đó (quên tên rồi), có thể Ngài đã vào một cổng thành rồi, nếu đi tiếp thì thành A La Hán, nhưng Ngài lại không chịu đi tiếp., lại đi ra để lăn lộn lên xuống cõi Ta Bà và trải nghiệm cho đủ 12 cổng thành.

Do vậy, để làm một Bồ tát thực thụ, nghĩa là ít ra có thể giúp đỡ 1 số người thì bắt buộc phải Nhập Dòng, nghĩa là phải đến được ít nhất một cổng, rồi khi ấy mới phát nguyện muốn làm Bồ tát hay không. Còn chưa vào được cổng nào hết mà phát nguyện Bồ tát thì chỉ là nói cho vui miệng mà thôi, bởi vì chưa thực sự giúp được ai cả đâu.

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Vì sao thời Mạt Pháp cư sĩ tại gia lại dễ đắc đạo hơn là tăng sĩ?

Tôi nghe kể rằng Ngài Anan (thị giả Phật Thích Ca) có 8 giấc mộng. Một trong những giấc mộng ấy là như sau: Ngài thấy tăng sĩ thì ở dưới hầm đỏ lửa, còn cư sĩ tại gia thì ở trên mặt đất và bước ngang qua đầu các vị tăng sĩ đang ở dưới hầm sâu này. Đức Phật giải thích giấc mơ này nghĩa là thời Mạt Pháp, cư sĩ tại gia đắc đạo và giảng đạo lại cho tăng sĩ.

Theo quán sát của tôi thì điều này đúng vào chính thời điểm này luôn. Ví dụ: Ngài Goenka, thiền sư nổi danh khắp thế giới với những khóa tu Vipassana mười ngày. Goenka không phải là tăng sĩ mà là một doanh nhân cực thành đạt và giàu có ở Miến Điện. Sư phụ của Ngài là U Ba Khin, là Bộ trưởng tài chính của Miến Điện. Sư phụ của U Ba Khin là một nông dân giàu nhất nhì trong vùng. Cả ba người này không ai là tăng sĩ, họ chỉ là cư sĩ tại gia nhưng lại dạy thiền Vipassana và dạy đạo cho biết bao nhiêu người trong đó có cả tăng sĩ.

Lý do vì sao thời nay cư sĩ tại gia lại dễ đắc đạo hơn?

Thứ nhất, tăng sĩ có quá nhiều việc để làm ở chùa, trong khi cư sĩ tại gia thì thong dong hơn nếu họ có khả năng và thực sự muốn tu.
Thứ hai là tăng sĩ lệ thuộc tài chính vào Phật tử, còn cư sĩ tại gia thì hoàn toàn độc lập về tài chính.
Thứ ba, tăng sĩ không có kiến thức về cuộc sống đời thường nhiều như cư sĩ tại gia, hay nói cách khác là họ ít có trải nghiệm cuộc sống. Còn cư sĩ tại gia thì bị đời đấm đá riết nên thành ra đầu có sạn luôn.

Những cư sĩ tại gia có gia cảnh khá giả, có thể tự dựng cốc/am riêng, tự tu, không lệ thuộc ai, hoàn toàn tự do về tài chính và có trải nghiệm cuộc sống, một khi đã quyết tâm tu hành thì khả năng đắc đạo của họ cao hơn là cái chắc.

Ngoài ra, khi không lệ thuộc tài chính vào Phật tử thì họ không nhận cúng dường bố thí của ai cả, vậy là gánh nặng nợ thí chủ hay tín chủ của họ không có, họ không bị tổn phước hay tổn công đức. Còn tăng sĩ suốt ngày nhận sự cúng dường của bá tánh thì trước tiên là công đức phước đức của họ đã tổn ít nhiều rồi. Cộng thêm việc nếu họ tu không ra tu thì gánh nặng này càng oằn vai. So ra họ không được phần thong thả như cư sĩ là vậy đó.

Thêm nữa là tăng sĩ dễ bị quyến dụ hơn là cư sĩ tại gia. Vì sao? Vì Phật tử mà muốn cúng dường thì toàn là tìm tăng sĩ để cúng chứ có ai cúng dường cho cư sĩ tại gia đâu. Cho nên cư sĩ tại gia dễ thoát khỏi sự quyến dụ cúng dường này của Phật tử.

Từ những so sánh trên ta có thể thấy điểm lợi của người tu khi làm cư sĩ tại gia so với tăng sĩ là như sau:
-         Có nhiều thời gian hơn do không phải lo chuyện chùa.
-         Không lệ thuộc vào Phật tử nên không cần tìm cách làm đẹp lòng Phật tử
-         Trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn
-         Công đức và phước đức dễ bảo tồn hơn do không nhận sự cúng dường.
Nếu cư sĩ tại gia thực sự muốn tìm đạo thì họ có nhiều điều kiện hơn tăng sĩ, do vậy khả năng đắc đạo của họ cao hơn là chắc chắn rồi.

Nếu vậy thì tăng sĩ trở thành vô dụng cả sao? Hoàn toàn không. Vì sao? Vì: Tăng sĩ chính là tấm bia che chắn cho những người cư sĩ tại gia được tu hành rốt ráo. Nếu không có họ làm bia chắn cho hàng loạt cám dỗ về vật chất và tinh thần thì cư sĩ tại gia cũng chẳng thể nào tu hành được đâu. Do vậy, nếu không có tăng sĩ làm bia đỡ đạn thì cư sĩ tại gia cũng khó mà đắc đạo. Nhìn thấy các tăng sĩ, cư sĩ tại gia sẽ rút kinh nghiệm cho việc tu hành của mình. Cho nên tăng sĩ là vô cùng cần thiết. Do rất nhiều duyên mà một cư sĩ tại gia mới có thể đắc đạo, và một trong những duyên quan trọng đó chính là tăng sĩ, những tấm lá chắn an toàn và những tấm bia đỡ đạn kiên cố. Không có họ thì cũng chẳng có cư sĩ tại gia đắc đạo đâu. Do đó người thực sự biết và hiểu điều này luôn trân trọng tri ân tầng lớp tăng sĩ dù họ có tu hay không tu, dù họ có đắc đạo hay không đắc đạo. Tôi nói ra điều này không phải để châm biếm hay chỉ trích tăng sĩ đâu nha mọi người. Thời nay, tăng sĩ thì khó đắc đạo, nhưng không có họ thì cư sĩ tại gia cũng chẳng làm được gì đâu.

Tôi còn nghe nói là Phật tương lai là Phật Di Lạc trở thành Phật Toàn giác trong thân phận một cư sĩ tại gia nữa đó nha mọi người. Phật Thích Ca phải bỏ nhà ra đi, phải mất 6 năm tìm tòi và 49 ngày ngồi dưới gốc Bồ đề thì mới thành Phật Toàn giác. Còn Phật Di lạc thì ở ngay tại nhà, thiền 7 ngày, vậy là thành Phật Toàn giác luôn.

Tóm lại, tăng sĩ chớ coi thường tầng lớp cư sĩ tại gia. Khi tiếp xúc với một cư sĩ tại gia thì không thể biết được vị nào đã vào hàng thánh rồi đâu, nên chớ có cho mình là tăng nghĩa là đã làm thầy thiên hạ rồi. Chưa chắc ai là thầy ai đâu nha.

Còn cư sĩ tại gia cũng chớ coi thường tăng sĩ bởi vì không có họ làm lá chắn thì mình cũng chẳng tu hành gì ra hồn đâu. Cho nên người thực sự biết thì luôn tri ân tăng sĩ dù họ là ai đi nữa. 

Bài liên quan: Vì sao Chánh Kiến đứng đầu trong Bát Chánh Đạo?

Chúng ta đang sống theo nhu cầu hay đang sống theo tham muốn?


Thật khó để mà phân biệt đâu là nhu cầu và đâu là tham muốn trước một xã hội tiêu dùng như ngày nay. Ai cũng sở hữu quá nhiều thứ, quá nhiều mối quan hệ, quá nhiều điều phải làm, nhiều đến nỗi chúng ta bị lẫn lộn, bị lúng túng và bối rối không phân biệt được đâu là nhu cầu đâu là tham muốn.

Có một câu hỏi mà nhiều người từ nhiều quốc gia hay hỏi bọn du mục lang thang (giống như tôi) là bọn họ làm gì để qua ngày tháng hay nói cách khác là bọn du mục này làm gì để giết thời gian vậy nhỉ? Đây là câu hỏi mà những người không phải du mục hay hỏi những kẻ du mục giống như tôi hihihihihi.

Người ta thì phải lo làm việc cả ngày, sau đó còn phải chăm lo gia đình hay phải lo duy trì mối quan hệ hoặc phải lo cái này cái nọ cả ngày, không có đến cả thời gian để thở. Vậy bọn du mục, không có gia đình để lo, không có công việc để làm, không có tài sản gì nhiều, ngoại trừ 1 cái ba lô với vài ba thứ lặt vặt cùng một ít tiền, thậm chí còn chả có tiền luôn, vậy họ làm sao để cho qua thời gian đây hả trời hehehehehehe.

Thế đấy, khi nào thực sự trở thành một kẻ du mục với rất ít hành lí và rất ít tiền, bạn sẽ hoàn toàn biết được điều ấy. Còn bây giờ tôi chỉ kể sơ sơ theo kinh nghiệm bản thân thôi nha.

Con người hay con vật đều có những nhu cầu chung như sau: thứ nhất là ăn uống, thứ hai là chỗ ngủ an toàn, thứ ba là vệ sinh thân thể để bảo vệ sức khỏe. Con vật phải đi kiếm ăn cả ngày, dân du mục cũng vậy. Ưu tiên đầu tiên là giải quyết cái bao tử. Phải nghĩ cách để no bụng trước đã. Cả ngày phải kiếm cách này hay cách nọ, phải đi tới hay đi lui để tìm thức ăn. Ăn xong rồi thì nếu vẫn là ban ngày thì họ sẽ tìm nơi để tắm rửa giặt giũ, giữ vệ sinh cái đã. Khi chiều tối thì họ lại phải tìm nơi an toàn để giăng lều, mắc võng hay để đặt lưng xuống mà khò khò. Chỉ 3 việc này thôi, có khi phải đánh vật cả ngày trời mới có được. Chi cho khổ vậy trời, về nhà sướng muốn chết mà hổng chịu về, ở nhà mấy cái này giải quyết cái một, có gì phải vất vả khổ sở vậy ta.
Tuy vậy, cái sướng ở nhà đi tiếp theo là cái khổ liền hà. Còn cái khổ của dân du mục lại đi tiếp theo cái sướng khác.

Thế nào là cái sướng đi liền cái khổ? Đó là: để được cái sướng này (mà chưa chắc đã là sướng), bạn phải đánh đổi thời gian mà vật lộn với cuộc sống để có được nó, bạn phải lao tâm khổ tứ kiếm tiền, bạn phải tìm cách duy trì mối quan hệ đủ kiểu,…..Bạn phải liên tục chạy theo những điều ấy đến nỗi cái bạn chạy theo không còn là nhu cầu nữa mà trở thành tham muốn. Chúng ta chạy theo tham muốn nhưng lại cứ cho đó là nhu cầu không thể không có, cứ thế mà chạy, chạy hoài chạy mãi, chạy đến khi giật mình tỉnh lại thì thấy mình sao mà quá lãng phí thời gian cho những cái không cần thiết này. Nếu không tin, hôm nào đẹp trời, bạn cứ mang hết đồ đạc trong nhà ra để làm cuộc kiểm tra sau: bạn đặt từng món đồ trước mặt mình và tự hỏi: Nếu không có món này mình có chết không? Câu trả lời thường là: Không Chết. Bất cứ cái gì mình sở hữu mà nếu không có nó mình vẫn sống nhăn răng vẫn khỏe mạnh thì cái đó không phải là nhu cầu, cái đó chính là tham muốn. Sau cuộc kiểm tra này bạn sẽ cực kì ngạc nhiên phát hiện ra rằng mình sở hữu đến 99% ham muốn và chỉ có 1% là nhu cầu thôi. Tèn tén ten, biến tham muốn thành nhu cầu, đó là cái khổ mà ai cũng mắc phải.

Thế nào là cái khổ đi liền kèm cái sướng? Khổ là vì phải lao tâm để đáp ứng nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, an toàn. Sướng là gì: lo xong mấy cái này là mệt rồi hổng có thời gian mà chạy theo ham muốn nữa, mà có muốn cũng chả có điều kiện để mà muốn. Vậy đó cả ngày xoay quanh mấy cái nhu cầu thôi cũng hết thời gian rồi.

Nếu vậy thì bọn du mục có khác gì mấy con vật? Mấy con vật cũng sống vì nhu cầu không hà. Chính xác luôn. Dân du mục sống giảm thiểu ham muốn riết rồi y như con vật luôn, chỉ sống vì nhu cầu thôi. Đó là một cách quán sát tham muốn của mình đó mọi người. Cứ xem mấy con mèo hay mấy con vật nuôi trong nhà thì biết, bọn chúng được ăn no, rồi kiếm chỗ ngủ khì, rồi liếm lông, rồi oánh nhau để giành lãnh thổ, rồi lại ăn no, rồi lại ngủ,….. Nếu mình cũng chỉ làm giống vậy thì mình sống vì nhu cầu thôi.

Tuy nhiên, con người là con người, vẫn không thể giống hoàn toàn con vật được. Đó là khi giảm thiểu ham muốn, khi mọi nhu cầu đều được đáp ứng thì họ lại có thời gian để tự vấn, có thời gian để tự chiêm nghiệm, có thời gian để nhìn ngó cuộc sống diễn ra xung quanh, có thời gian để tự hiểu chính mình. Đây là điều mà chỉ con người mới có thể làm được, còn con vật thì không thể (tôi đoán vậy thôi chứ tôi có làm con vật đâu mà biết hì hì hì). Rồi dần dần trí tuệ được khai mở, rồi dần dần cuộc sống tâm linh sẽ đi vào bề sâu.

Nếu vậy thì ai cũng đi làm du mục hết thì cuộc sống này sẽ như thế nào? Làm gì có chuyện ai cũng có thể bỏ mà đi làm du mục được hết. Hổng phải ai muốn cũng được đâu nha. Do nghiệp duyên khác nhau nên mỗi người có cách chọn và ra quyết định cho cuộc sống của mình là khác nhau. Tuy nhiên dù chọn gì thì cũng phải đến lúc nào đó tự xem lại cái mình đang theo đuổi là nhu cầu hay là tham muốn. Chúng ta được sinh ra đời là nhờ tham muốn mừ, nên nhiều khi để nhận diện được nó đã là khó rồi, huống chi là bỏ nó để mà sống theo nhu cầu.

Vậy sống du mục có phải là một tham muốn không? Câu trả lời là: Phải. Đó chính là một tham muốn. Vậy đều là tham muốn cả, có gì khác biệt đâu.

Đúng rồi chẳng có gì khác biệt cả. Tuy nhiên có một câu chuyện do thiền sư Ajahn Chah kể như sau: Có người từ chợ về xách theo một trái dừa khô. Người ta hỏi: Anh mua dừa về làm gì. Trả lời: Tôi mua về để ăn. Người ta lại hỏi: Anh ăn dừa thôi chứ anh đâu có ăn vỏ dừa, vậy anh xách theo vỏ dừa về làm gì. Trời ạ, muốn ăn được cái lõi dừa bên trong thì đầu tiên phải chấp nhận xách cả vỏ lẫn gáu dừa về, sau đó mới lọc lại cái lõi dừa bên trong mà ăn được chớ. Vậy đó mọi người, cứ xem cái vỏ và gáo dừa là tham muốn đi, còn cái lõi dừa bên trong là nhu cầu. Muốn lọc ra được cái nhu cầu có khi phải xách theo cả tham muốn, rồi đến lúc nào đó mới bỏ cái tham muốn ra được mà chỉ còn lại cái lõi thôi.

Tuy nhiên, khó nhất là làm sao để biết cái mình đang xách chỉ là cái vỏ, và khi nào mình chịu bỏ bỏ cái vỏ dừa ra để chỉ còn lại cái lõi dừa bên trong mà thôi?

Do vậy dù chúng ta có chọn cuộc sống nào đi chăng nữa, chọn sống du mục hay không du mục, chọn sống có gia đình hay không gia đình, chọn vào chùa hay không vào chùa,…. thì tất cả cũng chỉ là cái vỏ dừa mà thôi, mà nếu không xách cái vỏ này theo thì làm sao mà có cái lõi dừa để mà ăn chớ.

Lưu ý: Đừng chọn trúng trái dừa khô bị điếc nha mọi người. Trái dừa điếc là trái dừa chỉ có vỏ mà hổng có lõi dừa. Bởi vậy, chọn trúng trái dừa điếc thì cứ ngồi lột vỏ hoài mà hổng có dừa để ăn đâu đó nha hihihihi.

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Thế nào là “Lội ngược dòng”?


Sau khi thấy rõ cha mẹ mình là ai, đó chính là cha Vô Minh và mẹ Tham Ái, chúng ta mới có thể phần nào hiểu ra thế nào là “Lội ngược dòng.”

Nhờ có cha Vô Minh và mẹ Tham Ái mà chúng ta cứ trôi nổi hết lên rồi lại xuống. hết xuống rồi lại lên. Nếu không muốn lên lên xuống xuống nữa thì DỄ lắm. Chỉ cần giết chết cha mẹ này đi là xong thôi mà hehehehehehe.

Thuận theo dòng nước nghĩa là chúng ta cứ theo chân cha Vô Minh và mẹ Tham Ái mà trôi nổi hoài.

Lội ngược dòng nghĩa là dừng lại, hổng đi theo họ nữa. Cái này nói thì dễ mà làm thì không có dễ đâu nha mọi người. Bởi vì Vô Minh và Tham Ái là hai thói quen cố hữu, hai thói quen lâu đời, hai thói quen truyền kiếp, hai thói quen thâm căn cố đế. Cho nên để từ bỏ hai thói quen này là một việc làm khó khăn vô cùng, bởi vì chúng ta quen đi theo họ rồi, bây giờ tự nhiên đứng lại hổng đi theo họ nữa thì đúng là một “nhiệm vụ bất khả thi.” Vì sao? Vì:

Thứ nhất, cái gì đã thành thói quen mà lại là thói quen lâu đời thì không thể nói vứt bỏ là vứt bỏ được đâu nha.
Thứ hai, cái gì là thói quen thì thường tạo cho chúng ta ảo giác về một vùng an toàn (comfort zone), chúng ta được nuông chiều trong vùng an toàn này, nên khó mà thoát khỏi nó lắm.
Thứ ba, cha Vô Minh và mẹ Tham Ái của chúng ta vô cùng khôn ngoan và tìm đủ mọi cách để giữ chúng ta trong vòng tay của họ.

Chính vì sự khôn ngoan của cha mẹ này mà chúng ta bị họ lừa miết, lừa hết kiếp này sang kiếp khác mà vẫn không biết mình bị lừa. Họ lừa chúng ta như thế nào?

Đầu tiên họ dẫn chúng ta đi trôi nổi. Khi nào đó, chúng ta chợt tỉnh giấc, tìm cách phản kháng lại họ thì họ sẽ tìm cách dẫn dụ chúng ta đi theo họ tiếp, nếu dẫn dụ không được thì họ bảo: “Ồ con cưng, con muốn đi ngược dòng à, con cứ đi, cha mẹ không cản.” Nhưng thật ra cái mà chúng ta tưởng rằng mình đang đi ngược dòng lại chính là cái dòng mà họ dẫn chúng ta đi trôi nổi tiếp. Rồi lại tỉnh, rồi lại tìm cách đi ngược dòng, rồi lại được họ lèo lái đi theo họ tiếp. Cứ thế mà xoay vần. Quá trình lội ngược dòng là quá trình đóng phim nhiều tập của chúng ta với hai bậc cha mẹ Vô Minh và Tham Ái vô cùng khôn ngoan này.

Lội ngược dòng nghĩa là đi ngược lại dòng mà cha Vô Minh và mẹ Tham Ái đang dẫn mình đi, chứ Lội ngược dòng không có nghĩa là ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, cạo đầu, đắp y Phật, sống độc thân, không kết hôn,….. đâu nha mọi người!

Khi làm bất cứ điều gì thì mình luôn tự hỏi mình: “Mình làm điều này là do nhu cầu cần phải làm hay mình làm điều này là vì mình tham muốn?”

Thế nào là do nhu cầu? Do nhu cầu nghĩa là nếu không làm điều này thì mình sẽ chết, nếu không làm điều này thì ảnh hưởng đến sức khỏe/tinh thần của mình và mình sẽ không được khỏe mạnh/mình mẫn. Ví dụ: nếu đói mà mình không ăn, nếu khát mà không uống thì chết chắc rồi. Ngoại trừ trường hợp mình nhịn ăn nhịn uống để trải nghiệm một điều gì đó.

Thế nào là do tham muốn? Do tham muốn là do mình thích làm như vậy, nếu không làm thì mình vẫn sống nhăn răng nhưng do bị mẹ Tham Ái thúc nên mình muốn làm và tìm mọi cách để làm, thế thôi. Ví dụ: khi đói thì mình ăn gì cũng miễn no thì thôi nhưng mẹ Tham Ái lại bảo: “Phải ăn cái gì ngon ngon hợp khẩu vị thì mới đáng sống chớ.” Vậy là mình nghe lời mẹ Tham Ái nên mình ăn không phải vì mình đói mà mình ăn vì mình thèm và mình ăn vì mình tham ăn.

Có trường hợp thế này nữa nè mọi người! Mẹ Tham Ái sinh ra chúng ta có cả tham cái tốt và tham cái xấu. Mình tham cái xấu một thời gian, cái mình thấy mình xấu quá nên mình chuyển sang tham cái tốt. Vậy là mình ăn chay, mình đi làm từ thiện hoặc mình cạo đầu đi tu cho rồi. Mình làm vậy được, cái mình thấy mừng quá vì tưởng mình đang lội ngược dòng. Cái mình vui vì mình “khác người.” Người ta ăn mặn còn mình ăn chay nè, người ta chỉ biết sống cho họ thì mình đi làm từ thiện này, người ta ngoài đời thì mình vào chùa mình cạo đầu đi tu nè! Nhưng mà hổng dè mình đang bị mẹ Tham Ái dẫn dắt mà mình hổng biết luôn. Chính vì đi theo mẹ Tham Ái mà sau một thời gian mình thấy sao mình mất phương hướng quá, toàn làm việc tốt mà sao hổng thấy vui, hoặc vui một lúc rồi sao thấy trống rỗng quá, hoặc làm tốt một thời gian chuyển sang làm xấu trở lại. Đấy, đã bảo mẹ Tham Ái rất khôn mừ.

Ăn chay mà tham ăn, phải ăn hợp khẩu vị, phải ăn thế này thế nọ, thì đó là Tham. Dù ăn chay hay ăn mặn, một khi đã là Tham thì món ăn không quan trọng, quan trọng là lòng Tham ăn giống nhau. Ăn mà tham thì đó là đi theo chân mẹ Tham Ái. Ăn mà không tham thì đó là Lội ngược dòng.

Làm từ thiện mà tham làm, hổng được làm là nổi quạu à nha. Dù làm từ thiện hay làm gì đi chăng nữa thì nội dung công việc không quan trọng, quan trọng là lòng tham vẫn như nhau. Làm từ thiện mà tham làm thì đó là đi theo chân mẹ Tham Ái. Làm từ thiện mà theo duyên, thấy việc gì cần làm thì làm, không tham công tiếc việc, thì đó là Lội ngược dòng.

Đi tu mà tham tu, tìm mọi cách để được tu, bất chấp tất cả thì đó là đi theo chân mẹ Tham Ái. Còn đi tu mà tu theo duyên, duyên hợp thì có, duyên tan thì thôi, thì đó là Lội ngược dòng.

Đấy, chỉ cần phân biệt được khi nào mình ăn/nói/làm/nghĩ theo Tham Ái, khi nào mình ăn/nói/nghĩ/làm theo Lội ngược dòng thì đấy đã là tu rồi. Chứ không phải đi tu nghĩa là vào chùa cạo đầu, tụng kinh, niệm Phật, ăn chay,..... đâu nha mọi người!

Chính vì mình tham làm việc tốt mà không ngờ tham làm tốt cũng là tham mà có chuyện này xảy ra nè. Có bạn đặt câu hỏi:

“Vì sao có người sau một thời gian làm việc thiện (thậm chí ăn chay, tụng kinh, niệm Phật) lại trở thành một người “xấu” (nghĩa là có những hành động bất thiện làm ảnh hưởng đến sự an lạc của người khác)?

Câu trả lời (sưu tầm): Nếu mình nỗ lực muốn phát triển tâm thiện thì sẽ sinh ra mất cân bằng, lúc đó vũ trụ sẽ lấy lại cân bằng, bằng cách sinh ra những tâm ác đối nghịch lại. Tâm thiện không phải do mình sở hữu, nên phát triển tâm thiện là việc tự nhiên của pháp, mình chỉ cần tinh tấn-chính niệm-tỉnh giác để đừng "thọc gậy bánh xe pháp" là được.”

Cho nên, tâm thiện hay tâm ác cũng chỉ là những thói quen cố hữu. Tham làm thiện cũng là tham, tham làm ác cũng là tham. Dù làm thiện hay làm ác cũng chỉ là đi theo chân cha Vô Minh và mẹ Tham Ái mà thôi. Tham mà biết mình tham, như thế đã là tu rồi, không cần phải làm gì nữa đâu. Hóa ra tu dễ ghê chưa mọi người! Nhưng mà ai cũng nghĩ rằng Tham Lam là xấu nên chẳng bao giờ dám thừa nhận mình tham, luôn tìm cách biện minh cho lòng Tham của mình. Vậy là cha Vô Minh và mẹ Tham Ái lại vỗ tay cười hihihihi.

Bài tiếp theo: Chúng ta đang sống theo nhu cầu hay đang sống theo tham muốn?

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Mãnh hổ làm gì khi gặp chó điên?

Một con hổ nhìn thấy một con chó điên, nó vội vã tránh ra thật xa. Hổ con nói với bố: "Bố ơi, bố dám đấu với sư tử, dám tranh hùng với báo săn, vậy mà lại phải tránh một con chó điên, thật mất mặt quá!"
Hổ bố hỏi: "Theo con, đánh bại một con chó điên có vinh quang không?"
Hổ con lắc đầu.
"Để con chó điên cắn phải một nhát, có đen đủi không?"
Hổ con gật gật đầu.
"Đã như vậy, chúng ta việc gì phải động chạm đến một con chó điên? – Không phải người nào cũng có thể coi làm đối thủ của con, không nên tranh biện với những người không có tố chất, cứ mỉm cười một cái rồi tránh thật xa, đừng để họ cắn được con.
Điều này nhất định con phải nhìn cho thấu đáo, bởi lẽ trong thực tế cuộc sống này, vẫn có rất nhiều người đang đấu với chó điên mà không ý thức được vấn đề."

Tản mạn những câu chuyện điển hình
Vào một ngày hè của năm 2014, tại Đan Mạch xảy ra một vụ án giết người. Người phụ nữ bị hại nhất định chưa từng nghe đến "Quy luật xe chở rác!" Khi người bình thường gặp phải những kẻ cặn bã, chớ dùng những cách bình thường để công kích hay phản ứng với họ. 
Hy vọng rằng những người lương thiện ghi nhớ thật kỹ điều này!
Đầu tháng 5/2015, việc một nam tài xế người Thành Đô, Trung Quốc đã ra tay đánh một nữ lái xe ngay trên đường phố vì người phụ nữ đột ngột thay đổi làn đường càng cho thấy mỗi chúng ta nên nhớ thật kỹ "Quy luật xe chở rác".
Trong vụ việc này, nữ lái xe đã không tuân thủ quy định giao thông, tùy tiện thay đổi làn đường, gây mất an toàn cho người khác, cô ta là một mẫu người cặn bã điển hình.
Còn nam tài xế kia là một mẫu người nóng nảy, việc anh ta đánh phụ nữ giữa phố cũng đã khiến anh ta tự biến mình thành một kẻ cặn bã.
Người phụ nữ đã phải trả giá theo cách bị người khác đánh, thậm chí còn bị phạt vì vi phạm quy định an toàn giao thông. Còn người đàn ông phải chịu trách nhiệm hình sự, phải chịu hình thức xử lý nặng hơn.

Một cặp tình nhân ăn tối trong nhà hàng. Cô bạn gái xinh đẹp bị gã đàn ông say rượu ở bàn bên cạnh trêu chọc. Cậu bạn trai thấy vậy nói, dù sao cũng ăn xong rồi, chúng ta đi đi.
Cô bạn gái vùng vằng: "Sao anh tồi thế, anh có còn là đàn ông không?"
Cậu bạn trai đáp lại, rằng mình không muốn đấu với kẻ lưu manh. Cô bạn gái bắt đầu nóng nảy, sau khi mắng xong bạn trai lại tiếp tục quay sang mắng đám đàn ông say rượu, kết quả là bị đám người đó vây lại đánh.
Cậu bạn trai bị đâm 3 nhát dao, tử vong tại bệnh viện. Trước khi chết, cậu hỏi bạn gái một câu: Bây giờ anh đã được coi là đàn ông chưa?

Trong xã hội hiện đại ngày nay, dường như đã không còn cái gọi là giới hạn đạo đức cơ bản. Bi kịch ập đến với con người ta chỉ sau một suy nghĩ thiếu chín chắn, thực sự rất đáng sợ.
Một người bạn của tôi đang lái xe đúng là đường của mình. Đột nhiên một chiếc xe màu đen khởi động từ vị trí đỗ xe, xuất hiện ngay trước đầu xe của bạn tôi.
Anh vội phanh gấp, chiếc xe trượt đi một đoạn đường, chỉ cách vài cm nữa là 2 chiếc xe đã va chạm với nhau.
Người lái chiếc xe đen như nổi điên, nhảy xuống quát tháo chúng tôi. Nhưng anh bạn tôi chỉ cười, vẫy tay chào đối phương.
Ý của tôi muốn nói ở đây là: Biểu hiện của bạn tôi rất lương thiện. Tôi hỏi anh: "Sao lúc nãy anh lại làm vậy? Suýt chút nữa người ta đã làm hỏng xe của anh, thậm chí có thể làm hại chúng ta."
Anh bạn tôi giải thích: "Rất nhiều người giống như ‘xe chở rác’, họ suốt ngày chạy đi chạy lại khắp nơi, trên người đầy rác rưởi, đầy khó chịu, bực dọc, đố kỵ, tính toán, thù hận, đầy ngạo mạn và phiến diện.

Họ tham lam không biết thỏa mãn, họ oán hận, so đo, chẳng nhìn thấy người hay thứ gì tốt đẹp xung quanh, ngu muội, vô tri, phiền não, có tâm lý muốn báo thù nhưng trong người chỉ có cảm giác thất vọng.
Và như thế, rác trong lòng mỗi lúc một nhiều thêm, buộc họ phải tìm chỗ để trút xuống.
Có những lúc, chúng ta gặp đúng phải người như thế và rác cứ thế bị đổ lên người chúng ta…
Cho nên, không cần phải để ý! Chỉ cần mỉm cười, vẫy tay, tránh xa họ ra và tiếp tục công việc của mình. Những con người thông minh và lương thiện, tuyệt đối đừng tiếp nhận rác từ họ để rồi sau đó lại mang rác đó trút lên người nhà, bạn bè, đồng ngiệp hay những người đi đường khác."

Sưu tầm trên net

Chúng ta đấu đá nhau là vì cái gì vậy nhỉ?

Trong bài viết “Tôi là ai” này, tôi có đặt một câu hỏi mà lúc đó tôi thực sự không biết câu trả lời là gì. Bài này viết năm 2011, và bây giờ là năm 2017. Tôi có câu trả lời rồi đó mọi người.

Câu hỏi: Chúng ta đấu đá nhau là vì cái gì vậy nhỉ? 

Câu trả lời: Chúng ta đấu đá nhau không vì cái gì cả. Chúng ta làm điều đó bởi vì đó là một THÓI QUEN. Đấu đá, giành giật cái lợi về phía mình là một thói quen của lòng tham. Và bây giờ thì tôi cũng biết rằng THAM là một thói quen. Chúng ta Tham riết nên quen rồi. Lòng tham được tích lũy được huân tập từ kiếp này sang kiếp khác, nên chúng ta tham, chúng ta đấu đá, chúng ta giành giật bởi vì chúng ta quen làm như vậy rồi.

Tham có hai dạng nha mọi người. Thứ 1 là tham điều tốt, tham chân, tham thiện, tham mỹ, tựu trung lại vẫn là tham. Thứ 2 là tham điều xấu. Nói đến đây mới nhớ câu chuyện sau:

Không nhớ chi tiết, chỉ nhớ đại khái là: Có người ghét Đức Phật nên thuê giang hồ đi theo chửi bới lăng mạ ông Phật miết. Đây là xấu nên khi chết họ đi xuống, hổng biết xuống đâu, chắc xuống địa ngục. Còn có một nhóm người khác thì được thuê nên cứ ông Phật đi đâu thì cũng bám theo để ca tụng khen ngợi riết. Đây là tốt nên khi chết, họ đi lên, chắc lên thiên đàng, hay lên cõi trời nào đó. Thói quen tham cũng vậy đó. Hễ tham cái tốt thì đi lên, hễ tham cái xấu thì đi xuống. Nhưng cho dù đi lên hay đi xuống thì tham vẫn là tham, có gì khác nhau đâu.

Chẳng những Tham là một thói quen mà Sân cũng là một thói quen luôn đó nha mọi người. Và Sân có gốc từ Tham. Bởi Tham mà không được nên mới nổi sân. Cho nên Sân là nhánh của Tham. Có người nói: “Tôi chỉ Sân thôi chứ tôi không có Tham.” Cái này là không đúng, bởi vì Sân là do Tham cầu mà không được. Cho nên người dễ nổi sân (giống tôi) có khi Tham lại còn hơn người khác nữa đấy.

Vậy thói quen Tham có gốc từ đâu? Tham có gốc từ Si. Do Si mê nên mới có Tham. Chúng ta si mê riết nên thành thói quen và chúng ta tham riết cũng thành thói quen luôn. Nhờ hai cái thói quen này mà chúng ta cứ đi lên rồi lại đi xuống, cứ đi xuống rồi lại đi lên, quay vòng hết kiếp này đến kiếp khác.

Dù chúng ta có đi lên trển, trở thành chư thiên hay thiên thần, hoặc chúng ta có đi xuống, trở thành con vật hay ngạ quỷ hay gì gì đi chăng nữa, và cho dù chúng ta là ai, giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, khôn hay dại, nổi tiếng hay bình thường,…….tất cả chúng ta đều có điểm chung. Thấy được điểm chung này rồi thì thấy mình hay con vật hay chư thiên là giống nhau, là đều được sinh ra từ một gốc. Điểm chung đó là gì? Đó là chúng ta có cùng cha cùng mẹ. Cha của chúng ta là Si mê và mẹ của chúng ta là Tham ái. Chúng ta được sinh ra hổng phải do cha mẹ bằng da bằng thịt mà chúng ta gọi ba/mẹ hằng ngày đâu. Xét cho cùng họ cũng cùng được sinh ra từ gốc Vô Minh và Tham Ái y như mình vậy đó. Chúng ta được sinh ra nhờ Cha Vô Minh và Mẹ Tham Ái đó nha mọi người. Bởi vậy bây giờ đi đâu cũng có người nhà. Ai cũng cùng cha cùng mẹ hết mừ hehehehe.

Xem tiếp: Thế nào là “Lội ngược dòng”?

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Thế nào là người thành công?

Bài viết này được viết nhân dịp đọc một chia sẻ của một bạn trong cộng đồng du mục quốc tế trên Facebook. Bạn ấy viết rằng: Trong chuyến đi trekking ở bang Himachai (một bang ở Bắc Ấn độ) thì bạn đã nhìn thấy cái chết ở ngay trước mũi. Bạn ấy đối diện với một con gấu, nhưng bạn đã không chết mà được cứu bởi 3 chú chó. Trong nỗi sợ hãi tột cùng, bạn ấy đã đầm đìa nước mắt. Bạn ấy khóc không phải vì sắp chết mà khóc vì chết mà vẫn chưa làm điều mình muốn làm, nghĩa là bạn sẽ chết trong sự tiếc nuối.

Do vậy, một người thành công không phải là người có thật nhiều tiền, không phải là người có địa vị xã hội thật cao, không phải là người được nhiều người hâm mộ, không phải là người có cống hiến to tát,……. Một người thành công là người có thể chết bất cứ lúc nào mà không tiếc nuối điều gì.

Vậy bạn sẳn sàng chết ngay lúc này mà không có gì phải tiếc nuối không?

Người sẳn sàng chết mà không có gì tiếc nuối không phải là người chán chường cuộc sống này đến nỗi chỉ muốn chết quách cho xong, mà là người sống cuộc sống này đầy đủ và trọn vẹn đến nỗi kiếp sống này như thế là đủ, mình đã được sinh ra và đã sống một cách toàn vẹn một kiếp.

Chúng ta tự hào mình biết nhiều điều nhưng không ai trong chúng ta lại biết khi nào mình sẽ chết. Vì không biết nên chúng ta tự cho rằng cái chết là của người khác, không phải của mình. Và cứ thế “chúng ta sống như thể mình không bao giờ chết và khi cái chết đến chúng ta lại chết như thể chưa bao giờ mình được sống” (đây là câu nói nổii tiếng của Ngài Đạt Lai Lạt Ma)

Thế nào là sống như thể không bao giờ chết? Nghĩa là chúng ta cứ mãi chạy theo những định kiến xã hội, những ý kiến của người khác, những tham muốn của mình mà không hề biết thực sự mình cần gì muốn gì. Chúng ta hoàn toàn không hiểu chính mình. Vì không hiểu chính mình, chúng ta không biết làm thế nào để sống một cách đầy đủ và toàn vẹn.

Thế nào là chết như thể chưa bao giờ sống? Vì chưa sống một cách toàn vẹn kiếp sống này, chúng ta không muốn chết, chúng ta tiếc nuối, chúng ta mong cầu được sống tiếp mong muốn có cơ hội để sống viên mãn. Vậy là chúng ta không biết cách chết.

Nguyên do của không biết cách chết là vì không biết cách sống.

Tóm lại, dù bạn là ai, bạn làm nghề gì, bạn có tính cách gì, bạn già hay trẻ, bạn mạnh khỏe hay yếu ớt, bạn thông minh hay ngu dốt, bạn giàu có hay nghèo hèn, bạn nổi tiếng hay bình thường,………….cũng không quan trọng. Quan trọng là bạn có thể sống như thế nào để bạn sẳn sàng chết bất cứ lúc nào, bất kể nơi nào mà không nuối tiếc không!!!

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Nấu ăn nhanh cùng đậu hủ

Bài này đặc biệt dành cho những đối tượng sau:
-         Thích ăn chay
-         Làm biếng nấu nướng nhiều và không thích tốn thời gian rửa chén.
-         Thích ăn thức ăn nóng

Tôi gợi ý cho mọi người cách ăn đậu hủ sau đây:
- Thường đậu hủ mua ngoài chợ chiên sẳn thì dầu mỡ nhiều và có khi người bán dùng dầu chiên lại nhiều lần nên không tốt lắm.
- Nếu mua đậu hũ về tự chiên thì tốn thời gian và tốn dầu.
- Nếu không ăn đậu hũ chiên thì đậu hũ nấu canh hay kho miết ăn hoài cũng ngán.

Do vậy, khi mua đậu hũ thì mua đậu hũ trắng, không phải đậu hũ vàng (là loại đã chiên sẳn.) Sau khi mua đậu hũ rồi thì áp dụng những cách chế biến nhanh gọn sau:

Món 1: đậu hũ nấu canh cải bẹ xanh.
Bước 1: Đậu hũ rửa sạch, để ráo, rồi bóp nhuyễn ra, nêm gia vị vừa ăn.
Bước 2: Bắp xoong lên bếp, cho 1 tí dầu ăn vào, để nóng, rồi cho đậu hũ đã bóp nhuyễn vào xào sơ.
Bước 3: Cho nước vào và chờ nước sôi.
Bước 4: Nước sôi thì cho cải bẹ xanh đã cắt nhỏ vào nấu.
Bước 5: Nước sôi lần nữa thì tắt bếp, nêm nếm vừa ăn.
Bước 6: Ăn với cơm.

Có thể thay cơm bằng mì trứng cũng ngon lắm đó mọi người. Ở bước 4 khi cho cải bẹ xanh vào thì cho luôn 1-2 vắt mì trứng vào. Nước sôi thì cho ra tô và ăn thôi. Ngon vô cùng, đặc biệt là lúc trời mưa rỉ rả.

Cũng có thể nấu món mì cải này để ăn bữa sáng trước khi đi làm hoặc đi học cũng rất tiện.

Nếu không thích ăn cải bẹ xanh thì có thể thay bằng những loại rau củ khác mà mình thích cũng rất ngon. Tôi nhớ có lần ở Trung Quốc được mời ăn sáng bằng món mì nấu với mướp hái trong vườn. Cũng rất ngon.

Ai thích ăn trứng thì có thể cho trứng vào bóp nhuyễn cùng đậu hũ.

Món 2: Bún riêu chay cực nhanh
Bước 1: Đậu hũ rửa sạch, để ráo, rồi bóp nhuyễn ra, nêm gia vị vừa ăn.
Bước 2: Lấy miếng đậu hủ khác, cắt thành từng miếng vuông rồi chiên với dầu.
Bước 3: Cà chua cắt dọc thành 4 miếng, cho vào chảo dầu xào cho ra nước.
Bước 4: Bắp xoong lên bếp, cho 1 tí dầu ăn vào, để nóng, rồi cho đậu hũ đã bóp nhuyễn vào xào sơ.
Bước 5: Cho nước vào và chờ nước sôi.
Bước 6: Nước sôi thì cho đậu hủ miếng vuông, cà chua và bún khô vào.
Bước 7: Nước sôi lần nữa thì nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Bước 8: Ăn cùng rau sống cực ngon.

Cà chua xào cho ra nước rồi mới cho vào nồi cho ra màu rất đẹp y hệt màu hạt điều cho nên mọi người khỏi cần dùng màu hạt điều.

Món 3: đậu hủ xào lá lốt
Bước 1: Đậu hũ rửa sạch, để ráo, rồi bóp nhuyễn ra, nêm gia vị vừa ăn.
Bước 2: Bắp chảo lên bếp, cho 1 tí dầu ăn vào, để nóng, rồi cho đậu hũ đã bóp nhuyễn vào xào sơ.
Bước 3: cho lá lốt đã cắt nhỏ vào xào chung
Bước 4: Nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp
Bước 5: Ăn với cơm hoặc cuốn rau sống bánh tráng

Món 4: đậu hủ xào
Bước 1: Đậu hũ rửa sạch, để ráo, rồi bóp nhuyễn ra, nêm gia vị vừa ăn.
Bước 2: Bắp chảo lên bếp, cho 1 tí dầu ăn vào, để nóng, rồi cho đậu hũ đã bóp nhuyễn vào xào, xào qua xào lại, xào đến khi nào khô ráo hết cả, nhìn giống trứng xào thì tắt bếp, ăn với cơm nóng, cực ngon.

Những món ăn này chuẩn bị nguyên liệu nhanh, đỡ tốn thời gian chuẩn bị và dọn dẹp, mà lại ăn rất ngon.

Để cho món đậu hủ luôn có màu vàng vàng đẹp mắt thì lúc bóp nhuyễn, tôi luôn cho 1 ít nghệ khô xay nhuyễn vào. Vậy là đậu hủ trắng trở thành đậu hủ vàng, màu vàng của nghệ.