Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Bài học đắt giá từ câu chuyện chó ngao Tây Tạng thách đấu chó già trụi lông

Có một anh chàng dắt theo một con chó ngao Tây Tạng trị giá cả bạc triệu ra ngoài đi dạo. Anh ta hễ gặp ai cũng đều đem con chó ra khoe, lại còn huyênh hoang mà nói rằng: “Người không có bốn năm trăm cân sức lực thì không thể kéo nổi chú chó của tôi”.
Lúc này, anh chàng nhìn thấy một ông già bị hói đầu bên đường cùng với một con chó gần như đã rụng hết lông đang ngồi bên cạnh.
Con chó ngao Tây Tạng của anh ta hướng về phía con chó đó kêu sủa ầm ĩ, nhưng con chó già kia không thèm để ý đến nó.
Chàng trai cảm thấy không vui. Nói rằng: “Ông lão này! Con chó của ông lớn thế kia, là giống chó gì vậy? Hãy để hai con chó của chúng ta đấu với nhau thử xem? Nếu chó của ông thua hãy đưa cho tôi 500 đồng, còn nếu chó ngao Tây Tạng của tôi thua thì tôi sẽ đưa cho ông 2000 đồng”.
Ông lão nói: “Tôi đang lo lắng về thức ăn tháng sau của anh bạn già này đây! Nếu được thì hãy đánh cược lớn hơn một chút? Nếu chó của tôi thua, tôi sẽ đưa cho anh 5 vạn, còn nếu chó của anh thua thì anh hãy đưa cho tôi 3 vạn”.
Anh chàng cười lớn: “Con chó này của tôi là giống chó ngao Tây Tạng thuần chủng. Sau này, ông đừng có nói là tôi đã không nói cho ông biết trước. Được thôi!”.
Hai con chó giao tranh chưa được hai phút, chó ngao Tây Tạng kia đã bại trận, cũng không còn dám kêu sủa gì nữa.
Anh chàng thua mất 3 vạn đồng, vô cùng sầu não: “Ông này, con chó đó của ông là chó gì thế? Sao lại dũng mãnh thế kia?”
Ông lão vừa đếm tiền vừa nói: “Đến bây giờ tôi cũng không biết nó là chó gì nữa, trước khi chưa rụng lông thì gọi là sư tử!”.
Anh chàng nghe xong thì cười không được mà khóc cũng không xong!!!
Bất cứ lúc nào thì cũng đừng có khoe khoang, hãy giữ khiêm tốn! Khiêm tốn! Khiêm tốn hơn nữa!
Những người có bản lĩnh thật sự, luôn luôn bảo trì một trạng thái bình tĩnh ôn hòa, giống như ông lão đó và “con chó già” của ông, chỉ là điềm đạm ung dung mà tồn tại.
Bạn đã là sư tử rồi, thì đâu cần phải chứng minh làm gì nữa? Đâu cần phải khoe khoang làm gì nữa?
Con người sống ở trên đời, không phải là để so đo với người khác. Bản thân hãy sống sao cho có ý nghĩa nhất, và làm ra những cống hiến vĩ đại nhất.
Tiểu Thiện, dịch từ cmoney.tw, theo tinhhoa.net

Có hai mục đích sống:

- Một là sống phấn đấu để đạt được điều mình muốn đạt, như được giàu sang phú quý, địa vị cao trọng, gia đình hạnh phúc, tài năng xuất chúng, kiến thức uyên thâm, tiếng tăm lừng lẫy v.v... thì đương nhiên cần nhiều điều kiện, khả năng để thành công, và cũng cần sự trợ lực của phong thủy, thiên thời, địa lợi, tử vi, bói toán, kể cả cầu xin, đút lót v.v... để được như ý. Muốn vậy thì cứ "tận nhân lực" rồi "tri thiên mệnh" thôi, chứ đâu có ai biết được số mệnh mình ra sao.
- Hai là sống trung thực để học ra bài học sự thật về cuộc sống, như hiểu được ý nghĩa đích thực của khổ đau và hạnh phúc, sự tương giao và mối quan hệ, thành công và thất bại, được và mất, hơn và thua, vinh và nhục, đúng và sai, thiện và ác, lợi và hại, đâu là nguyên nhân đâu là hậu quả v.v... để biết tự hoàn thiện thái độ nhận thức và hành vi cho đúng tốt, chứ cũng không thể chỉ tin vào số mệnh đã an bài để rồi "cũng liều nhắm mắt đưa chân / mà xem con tạo xoay vần đến đâu" được.
Trong cả hai cách sống trên mỗi người đều có quyền tự do tạo ra số mệnh cho mình, nhưng tốt nhất là phải "thuận thiên lập mệnh" nghĩa là phải biết sống thuận với quy luật vận hành của trời đất (pháp) thì mới có thể "đức năng thắng số" được. Đức thắng số có nghĩa là nên ăn hiền ở lành để làm lợi mình lợi người tốt hơn là sống buông xuôi tới đâu thì tới. Tốt nhất là sống vô ngã vị tha rồi qua đó học bài học tùy duyên thuận pháp, hiểu ra bàn chất của chính mình và ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Con muốn ăn cam!

Một bà mẹ có 3 người con trai, bà rất thương các con của mình. Một hôm 3 người con nói với bà: Chúng Con Muốn Ăn Cam, Mẹ Mua Cho Chúng Con mỗi Đứa Một Quả Nhé". Bà mẹ ra chợ mua về cho 3 đứa con nhỏ của mình 3 quả chanh thay vì là 3 quả cam.

Đứa thứ 1: Cầm quả chanh gào khóc và ném quả chanh đi "Con muốn ăn cam, chứ không phải chanh".
Đứa thứ 2: Thì ngồi cố gắng lột quả chanh ăn, vừa ăn vừa khóc một cách đau khổ và chịu đựng.
Đứa thứ 3: Cắt quả chanh ra, rồi nó đi lấy đường cho vào quậy một ly nước chanh, rồi ngồi uống ngon lành, sản khoái.

Rinpoche (vị Lạt Ma) dạy rằng: cuộc đời đôi khi không phải lúc nào cũng chúng ta những gì chúng ta muốn. Và đôi khi còn cho chúng ta những đắng cay chua, chát. Nhưng chúng ta hãy chuyển hoá hoàn cảnh, xử lý tình huống tốt nhất để chúng ta thích nghi một cách thoải mái nhất với hoàn cảnh. Thay vì phải gào khóc, hay cam chịu đau khổ như đứa con trai thứ 1 và thứ 2.

--- st ---

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Có hai loại cô đơn: Cô đơn hữu ngã và cô đơn vô ngã.

1) "Cô đơn hữu ngã" là khi con không cô độc nhưng lại cảm thấy cô độc lạc lõng vì không tìm được mối quan hệ hợp ý mình. Chính ý muốn "xây dựng môi trường tu học" như một tổ chức lý tưởng để thiết lập mối quan hệ hoàn hảo khiến con cảm thấy cô đơn. Biết đâu cuốn sách mà con định viết nhằm xây dựng một môi trường tu lý tưởng theo ý con lại tạo cảm giác cô đơn cho nhiều người khác!? Rồi phải chăng khi con không tìm thấy mối quan hệ lý tưởng trong môi trường tu hiện tại con lại muốn "quay về với thực tại chính mình" mà thực ra là đang trốn chạy sự tương giao hiện hữu, đang tự cô lập mình trong cảm giác cô đơn bất mãn? Khi con muốn tổ chức và tiêu chuẩn hóa mọi người theo tiêu chí của con thì sự cô đơn đã hình thành trong con một cách kiên cố!
2) "Cô đơn vô ngã" là khi con sống tương giao hài hòa vô ngại với mọi người dù mỗi người là mỗi cá thể đặc thù, nói cho dễ hiểu là mỗi người một tính cách, một trình độ, một biểu hiện độc đáo, một lý lịch quá khứ riêng tư..., mà con không hề có ý muốn tiêu chuẩn hóa mối quan hệ mọi người trong một tổ chức lý tưởng theo ý mình, ngay trong thực tại đó con vẫn thương yêu, tôn trọng, hòa hợp với mọi người dù đồng hay dị mà vẫn sống độc lập, tự tại giữa họ thì đó chính là sự cô đơn vô ngã của một người giác ngộ. Người giác ngộ nhận ra rằng mỗi người đều đã và đang dựng lên cho mình một cái ngã ảo tưởng từ đó phát sinh ra sự bất đồng, và điều kỳ diệu của pháp là chính sự va chạm của những bất đồng đó lại giúp phá vỡ thành trì của bản ngã, nên sự va chạm ấy vô cùng cần thiết, trong khi ý muốn "tổ chức môi trường tu học" hoàn hảo lại chính là ý đồ nuôi dưỡng và gia cố cho cái bản ngã luôn muốn cầu toàn, vì vậy mà nó không bao giờ giác ngộ được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của đời sống.

HT. Viên Minh.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Đạo lý đơn giản từ việc đắp chăn bông

Trong một ngôi chùa cũ nát, tiểu hòa thượng chán nản thất vọng nói với lão hòa thượng: “Trong cái chùa nhỏ bé này chỉ có hai hòa thượng chúng ta, lúc con đi xuống núi hóa duyên, mọi người đều là nói những lời ác với chúng ta, còn thường xuyên gọi con là hòa thượng hoang. Họ cho chúng ta tiền hương khói càng ngày càng ít đến thê thảm”.

Tiểu hòa thượng nói tiếp: “Hôm nay con đi khất thực, trời lạnh như vậy mà không có một ai mở cửa cho con, đến cơm bố thí cũng được ít. Chùa Bồ Đề chúng ta muốn thành một ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông vang xa không ngớt như Sư Phụ nói, con e là không thể”.

Lão hòa thượng khoác lên mình chiếc áo cà sa không nói lời nào, chỉ nhắm mắt lại lẳng lặng nghe, tiểu hòa thượng cứ nói và cằn nhằn liên miên…

Cuối cùng lão hòa thượng mở mắt to hỏi: “Bây giờ bên ngoài gió bấc thổi mạnh, lại có băng tuyết ngập trời, con có thấy lạnh không?”

Tiểu hòa thượng toàn thân run rẩy nói: “Con lạnh, hai chân con đều tê cóng cả rồi!”

Lão hòa thượng nói: “Vậy chi bằng chúng ta đi ngủ sớm đi”.

Lão hòa thượng và tiểu hòa thượng tắt đèn chui vào trong chăn ngủ.

Một giờ sau, lão hòa thượng hỏi: “Bây giờ con có thấy ấm không?”

Tiểu hòa thượng trả lời: “Đương nhiên là con thấy ấm rồi, giống như ngủ dưới ánh mặt trời vậy!”

Lão hòa thượng nói:

“Khi nãy, chăn bông để ở trên giường là lạnh, thế nhưng khi có người nằm vào lại trở nên ấm áp. Con thử nói xem, là chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông đây?”

Tiểu hòa thượng nghe xong liền nở một nụ cười nói: “Sư phụ, người thật là hồ đồ đó, chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho người được, phải là do con người làm chăn bông ấm lên mới đúng chứ!”

Lão hòa thượng hỏi: “Chăn bông đã không cho chúng ta sự ấm áp lại còn cần chúng ta đi sưởi ấm nó, như thế thì chúng ta còn đắp chăn bông làm gì?”

Tiểu hòa thượng nghĩ nghĩ một lát rồi nói: “Mặc dù chăn bông không sưởi ấm cho chúng ta, nhưng chăn bông dày lại có thể giữ hơi ấm cho chúng ta, khiến cho chúng ta ngủ được thoải mái”.

Trong bóng tối, lão hòa thượng hiểu ý cười cười: “Chúng ta là hòa thượng tụng kinh rung chuông, chẳng phải là giống người nằm dưới chăn bông? Còn những chúng sinh kia chẳng phải họ là một cái chăn bông dày đó sao? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện, thì chiếc chăn bông lạnh như băng kia cuối cùng cũng sẽ được chúng ta sưởi ấm. Lúc đó “cái chăn bông” dày kia cũng sẽ biết giữ ấm cho chúng ta. Chúng ta ngủ trong “cái chăn bông” như vậy, chẳng phải rất ấm áp sao? Ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông chùa ngân vang không ngớt, còn có thể là trong mơ được sao?”

Tiểu hòa thượng nghe xong liền bừng tỉnh mà hiểu ra hết.

Bắt đầu từ ngày hôm sau, tiểu hòa thượng đều dậy rất sớm đi xuống núi hóa duyên. Tiểu hòa thượng cũng vẫn gặp phải những lời ác như trước đây. Thế nhưng tiểu hòa thượng trước sau gì đều giữ vững thái độ nho nhã và lễ độ đối xử với mọi người.

Mười năm sau…

Chùa Bồ Đề đã trở thành ngôi chùa có diện tích hơn mười km, có rất nhiều hòa thượng, khách hành hương tới không ngớt. Tiểu hòa thượng cũng đã trở thành vị sư trụ trì.

Kỳ thực trên thế giới này, chúng ta đều là đang nằm trong chăn bông, người khác chính là chăn bông của chúng ta. Khi chúng ta dụng tâm đi sưởi ấm chăn bông thì chăn bông cũng sẽ giữ ấm cho chúng ta.

Ngủ…đắp…cả một đời, vậy mà hôm nay mới biết…

Hóa ra mối quan hệ giữa người và chăn bông là như vậy, thật là có đạo lý phải không?

Theo Daikynguyenvn.com

Năm trăm nghìn làm thế nào mua được ô tô?



Có một người phàn nàn với một vị lão hòa thượng: Thưa thầy! Vì sao mà con cố gắng thế nào cũng không thành công? Cũng niệm kinh, làm việc thiện rồi mà số mệnh vẫn không thấy cải biến gì?
Lão hòa thượng: Vậy, ta cho ngươi 500 nghìn có được không?
Người khách: Tiền của hòa thượng con không dám lấy ạ!
Lão hòa thượng: Ta là muốn ngươi làm giúp ta một việc.
Người khách: Thưa thầy, thầy nói làm việc gì con cũng tuyệt đối làm tốt giúp thầy.
Lão hòa thượng: Ngươi hãy giúp ta mua một chiếc xe ô tô.
Người khách (giật mình hoảng hốt): Thưa thầy, 500 nghìn sao có thể mua xe ô tô được chứ!
Lão hòa thượng: Ngươi biết 500 nghìn không mua được xe ô tô? Thế nhưng mà trên đời này có rất nhiều người vắt hết óc để suy nghĩ làm sao chỉ phải trả một chút thôi mà lại muốn đạt được rất nhiều thứ đấy!
Sưu tầm

Có người hỏi: “Khi ở một mình, ngài có ăn thịt không?” Vị hòa thượng trả lời quá hay!

Có người khách tới chùa chơi và hỏi lão hòa thượng: Hòa thượng, tôi muốn hỏi ngài một câu hỏi hơi “bất kính” một chút có được không ạ?
Lão hòa thượng: Xin ông cứ nói!
Người khách: Lúc ở nơi dân chúng đông đúc thì ngài ăn chay, vậy khi ở một mình trong phòng ngài có ăn thịt không?
Lão hòa thượng hỏi người khách: Ông là lái xe tới đây phải không?
Người khách trả lời: Vâng, đúng ạ!
Lão hòa thượng: Khi lái xe phải thắt dây an toàn, xin hỏi ông là ông thắt vì sự an toàn của bản thân hay vì cảnh sát? Nếu như là vì bản thân mình thì có hay không có cảnh sát ông sẽ vẫn thắt thôi.
Người khách: Tôi hiểu rồi!
Rất nhiều người nói rằng không có kỷ luật, không có người đốc thúc thì không thể kiên trì thành công thói quen của mình.
Bây giờ bạn đã hiểu nên làm thế nào chưa?
 Sưu tầm.