Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

"CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA DIÊM VƯƠNG VÀ KẺ ĂN MÀY "

Tận mắt thấy người chạy nạn ngày một nhiều, Vương Lão Lục cũng vác trên lưng tất cả tài sản của mình là một túi khoai lang, gia nhập vào dòng người chạy nạn.
Đi đến nửa đường, lão Lục gặp hai cha con đang đói lả, trên lưng người cha cũng cõng một cái túi rất nặng.
Người này thấy lão Lục cõng nhiều khoai lang trên lưng như vậy, liền hỏi xin lão một củ cho con ăn nhưng lão Lục không chịu.
Người này bèn nói: “Vậy ông bán cho tôi được không?”, vừa nói vừa đẩy toàn bộ túi bạc trên lưng mình xuống đất.
Lão Lục nhìn không chớp mắt vì cả đời lão ta nằm mơ cũng chưa bao giờ thấy nhiều bạc như vậy.
Lão liền vứt túi khoai lang xuống, cõng ngay túi bạc lên lưng vội vã lên đường vì sợ hai cha con người này đổi ý.
Vài ngày sau, rốt cục lão không đi được nữa vì quá đói, trên đường đi lão không tìm được bất kể thứ gì để mua ăn.
Hai cha con người đã mua khoai lang, rất nhanh đã vượt qua lão.
Lão nhìn túi khoai trên lưng của người kia thì bắt đầu hối hận, bèn bước lên phía trước hỏi mua lại số khoai lang trên, thế nhưng vô luận như thế nào người đó cũng không chịu bán.
Lão Lục thất vọng ngồi rạp xuống đất, ôm túi bạc trong người, đói khát mà chết.
Lão Lục đi gặp Diêm Vương.
Diêm Vương nói: “Ta vốn định cho ngươi một cơ hội phát tài, không muốn lấy mạng của ngươi. Thế nhưng, người thật sự là vì tiền mà chết, chim vì thức ăn mà vong mạng!”
Lão Lục nói: “Kiếp trước tôi nghèo kiết xác, kiếp này tôi không muốn lại làm người nghèo nữa”.
Diêm Vương nói: “Kỳ thực, kiếp trước của ngươi cũng không phải nghèo, bởi chỉ cần ngươi bán một nửa khoai lang và lấy nửa túi bạc kia. Ai bảo ngươi bán toàn bộ số khoai đó? Vậy thôi, nói chuyện kiếp này vậy, ta hỏi người, kiếp này ngươi có hai lựa chọn, một là vạn người nuôi sống một mình ngươi, hai là một mình ngươi nuôi sống vạn người, ngươi muốn cái nào?”
Lão Lục nghe xong, không lưỡng lự đáp: “Nhất định là người được vạn người nuôi sống!”. Sau đó, lão vui vẻ nghìn lần cảm tạ thiên ân mà rời đi.
30 năm sau, lão Lục lại trở lại trước mặt Diêm Vương, ca thán rằng Diêm Vương lừa gạt lão.
Diêm Vương cười nói: “Sao lại nói ta lừa gạt ngươi?”
Lão Lục nói: “Nghe lời của ngài, tôi cả đời là tên ăn mày”.
Diêm Vương nói: “Vậy là đúng rồi! Vạn người nuôi sống một người chẳng là ăn mày thì còn là gì! Ngươi không thể trách ta, chỉ có thể trách ngươi quá tham lam”.
Lão Lục nghe xong, liền cầu xin Diêm Vương: “Diêm Vương lão gia, đời kế tiếp của tôi, cầu xin ngài nhất định cho tôi những ngày tháng tốt lành!”
Diêm Vương nói: “Vậy nhé! Hiện nay ngươi có hai con đường: Một là trông coi một núi vàng, hai là trông coi một mảnh đất, ngươi muốn cái nào?”
Lão Lục lúc này cẩn thận chọn lựa, nghĩ ngợi, cảm thấy trông coi núi vàng vẫn là tốt hơn.
Diêm Vương nhìn bóng dáng lão Lục đã đi xa, bèn nói: “Con người này đúng là mệnh nghèo mà!”
Chúng tiểu quỷ hỏi tại sao? Diêm Vương liền nói: “Trông coi mảnh đất, trên thực tế là làm một vị quan lớn; mà trông coi núi vàng kia, lại chỉ là làm một con chuột, ngồi mà coi kho thóc thôi!”
***
Cuộc đời bạn do chính chính bạn mà ra. Trên cùng một con đường, có người đi chậm, có người chạy băng băng, có người thì đi xe,… Phương thức khác nhau, kết quả sẽ khác nhau. Vận mệnh giống nhau, có người cười mà chống chọi, có người lại khóc cầu xin, có người im lặng chấp nhận,… đều là thái độ khác nhau, kết quả sẽ khác nhau. Không ai có thể quy định cách sống của bạn, hết thảy đều là do bạn lựa chọn cho chính mình. Con người với tính cách khác nhau, lựa chọn sẽ khác nhau, lựa chọn khác nhau thì vận mệnh cũng sẽ theo đó mà khác nhau.

Sưu tầm.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Sướng và Khổ

Có một đề thi dành cho các thí sinh thuộc mọi lứa tuổi như sau: “Bạn hãy chứng minh bạn khổ.”
Thí sinh thứ nhất, một người đàn ông chừng sáu mươi, chứng minh: “Tôi lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Bố mẹ tôi quanh năm ‘bán mặt cho đất – bán lưng cho trời’. Vì nhà nghèo nên tôi phải nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền mưu sinh. Nghĩ mà tủi thân!...”
Thí sinh thứ hai, một phụ nữ trẻ, dẫn chứng: “Tôi là người kém sức khoẻ. Từ nhỏ đã hay đau yếu. Mỗi lần trái gió trở trời là tôi lại xụt xịt. Rất khó chịu!...”
Thí sinh thứ ba, một thanh niên tuổi chừng hăm mấy, viết ngay không chần chừ: “Tôi chẳng có tài cán gì. Giữa đám đông bạn bè, tôi chẳng biết ca hát. Mấy đứa bạn cứ trêu chọc bảo tôi giọng ngang như cua bò. Bực tức và chán ghê!...”
Thí sinh thứ tư toan đặt bút xuống viết thì khựng lại. Rồi anh suy nghĩ có vẻ rất căng thẳng. Cuối cùng, quyết định nộp giấy trắng.
Kết quả cuộc thi: Ba thí sinh đầu tiên được 1 điểm an ủi vì đã có… công viết. Còn thí sinh thứ tư thì phải lên gặp thầy để trình bày rõ lý do tại sao lại để giấy trắng.
Trong giờ sửa bài, giáo sư nhận xét chung:
- Các bạn không được điểm cao vì bài các bạn không thể hiện được tư duy sâu sắc. Các bạn chỉ liệt kê những điều không như ý xảy ra trong cuộc đời. Ai cũng làm được như thế. Thực ra nó không đủ chứng minh rằng các bạn khổ vì góc nhìn đó quá hẹp.
Rồi giáo sư quay sang thí sinh thứ tư và hỏi:
- Tại sao bạn để giấy trắng?
- Thưa giáo sư, thoạt đầu tôi cũng có khuynh hướng vội vàng liệt kê như các bạn kia. Nhưng tôi chợt giật mình…
- Sao bạn lại giật mình?
- Dạ, xin cho phép tôi đứng lên trước mọi người để trình bày được dễ dàng hơn.
Thế rồi cậu khập khiễng bước lên trên. Quay xuống nhìn mọi người, cậu nở một nụ cười thân thiện. Người ta thấy mặt cậu một bên bị nám đen. Cậu nói:
- Hồi tôi còn nhỏ, bố mẹ phải đi làm ngoài đồng, chỉ có chị tôi và tôi ở nhà. Một hôm, chị đang nấu cơm thì bị cháy nhà. Như quý vị thấy, tôi bị phỏng nặng, bây giờ vẫn còn dấu cháy trên mặt. Năm tôi lên bảy, bố tôi qua đời. Một buổi tôi đi học, một buổi tôi phải đi bán vé số ở khu chợ gần nhà để phụ mẹ. Cách đây ít năm, trên đường đi nhà thờ về, có một chú kia nhậu say lái xe tông vào tôi khiến chân tôi bị tật từ hồi đó. Bây giờ mỗi khi trời trở lạnh, chân tôi cũng khá đau. Gần đây, tôi thú thật là tôi yêu một người con gái, nhưng tôi thế này thì làm sao xứng với người ta được!
Trong phòng lúc ấy có nhiều người. Giọng cậu yếu ớt nhưng ai cũng nghe rõ vì bầu khí lặng im đến lạ thường.
- Nhưng sao bạn không viết những điều đau khổ này vào bài thi?
- Dạ không, vì tôi giật mình. Tôi giật mình khi tôi chợt nhớ lại lời của bạn tôi trong nhà thờ hôm Chúa Nhật. Anh ấy nói với mấy người nghèo khổ rằng: “Anh em thật có phúc.” Thế là tôi khựng lại để suy nghĩ.
Rồi tôi nhận ra: để chứng minh tôi thực sự khổ thì tôi phải chứng minh cho được rằng tôi không có gì để hạnh phúc.
Mọi người càng chăm chú. Vị giáo sư lên tiếng:
- Hay! Xin lỗi bạn, tôi không phải là Kitô hữu, vậy cho tôi hỏi anh bạn gì gì đó của bạn nói như thế nào về việc may phúc khiến bạn thay đổi cách nhìn như thế?
- Dạ thưa giáo sư, bạn tôi tên là Giêsu. Anh ấy nói: “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy những điều đang thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe những điều đang nghe. Nhiều người mong mỏi được như anh em mà không được.” (Mt 13:16-17).
Thưa giáo sư, lúc ấy tôi chợt nhìn thấy và nghe được nhiều điều may mắn trong cuộc sống của tôi.
Tôi có mẹ, có chị. Nhà chúng tôi tuy chẳng kín cổng cao tường nhưng đùm bọc nhau ấm áp. Tôi có trái tim biết rung động. Tôi có lòng quảng đại. Tôi có lương tâm. Tôi có bạn bè nói chuyện. Tôi có nhiều người cầu nguyện cho tôi. Tôi được đi học. Tôi có trí khôn để nhận ra trong cái xui có cái hên, tức là trong nghịch cảnh có ân sủng.
Ví dụ, vì lớn lên trong cảnh khó khăn, tôi thấy mình biết cảm thương với người nghèo hơn. Vì mang tật nguyền trên mình, tôi hiểu được nỗi đau của tha nhân. Vì thấy mình giới hạn, tôi đặt niềm tin vào Chúa nhiều hơn. À, cuối tuần nào tôi cũng được cùng mẹ và chị đi Lễ với bà con chòm xóm để nghe Lời Chúa.
Vì thế tôi không thể chứng minh là tôi khổ
 Sưu tầm.

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Bài học về 3 cạm bẫy cuộc đời

Có ba tên trộm đã nhìn thấy một thiếu phụ, một tên trong số đó nói: “Tôi sẽ đi ăn trộm con dê rừng mà thiếu phụ kia sẽ không hay biết gì cả”.
Một tên trộm khác nói: “Tôi sẽ dắt trộm con lừa ngay từ trong tay người thiếu phụ kia”.
Tên trộm thứ ba nói: “Cái này có khó gì, tôi có thể lấy trộm hết toàn bộ quần áo đang mặc trên người thiếu phụ kia”.

Tên trộm thứ nhất ngay tại chỗ rẽ của con đường đã lén lén đến gần con dê rừng, cởi bỏ cái lục lạc xuống, buộc vào đuôi con lừa, sau đó dắt con dê rừng đi. Người thiếu phụ nhìn quanh một lượt, phát hiện dê rừng không thấy đâu nữa, liền bắt đầu tìm kiếm.
Lúc này, tên trộm thứ hai đi đến trước mặt thiếu phụ, hỏi bà đang tìm kiếm gì, thiếu phụ nói bà đã bị mất một con dê rừng. Tên trộm nói: “Tôi đã nhìn thấy, vừa nãy có một người dắt theo một con dê rừng đi ra khỏi khu rừng này, bây giờ vẫn còn có thể đuổi kịp được”.
Thiếu phụ cầu khẩn người này dắt con lừa thay bà, còn mình thì đuổi theo lấy lại con dê rừng. Tên trộm thứ hai đã nhân cơ hội dắt trộm con lừa đi mất.
Người thiếu phụ từ trong rừng trở về, con lừa cũng không thấy đâu nữa.
Bà vừa đi đường vừa khóc, đang đi đang đi, bà nhìn thấy bên cái đầm nước có một người ngồi đó, cũng đang khóc. Thiếu phụ hỏi anh ta đã xảy ra chuyện gì.
Người đó liền nói, anh ta đã làm rớt một cái túi xuống hồ, ai mà giúp anh ta nhặt lên thì sẽ tặng cho người đó hai mươi thỏi vàng.
Người kia nói: “Ông chủ nhờ tôi đem một túi vàng vào trong thành, vì đi đường quá mệt mỏi, tôi bèn ngồi nghỉ ở bên đầm này, không ngờ đã ngủ quên mất, trong giấc mơ đã ném cái túi đó xuống đầm nước rồi”.
Thiếu phụ hỏi sao anh không xuống vớt cái túi đó lên. Người đó nói: “Tôi sợ nước, bởi vì tôi vốn không biết bơi, nếu ai có thể vớt túi vàng này lên đây. Tôi hứa sẽ tặng cho người đó hai mươi thỏi vàng”.
Người thiếu phụ mừng rỡ, nghĩ thầm trong lòng rằng: “Chính là vì người ta đã lấy trộm mất con dê rừng và lừa của mình, nên ông trời mới ban hạnh phúc cho mình”.
Thế là, bà liền cởi bỏ quần áo bên ngoài, lặn xuống nước, nhưng dù cố gắng đến mấy bà cũng tìm không thấy túi vàng kia đâu.
Khi bà từ dưới nước bò lên bờ, thì phát hiện quần áo không thấy đâu nữa.
Thì ra tên trộm thứ ba đã lấy trộm quần áo của bà đi mất.

Đây chính là ba cạm bẫy lớn của đời người: sơ suất, cả tin và tham lam.

Sưu tầm.

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

ĐỐI TRƯỚC MỘT CẢNH THẤY ĐƯỢC CÁC PHÁP TU.

Cùng một cảnh mà nhìn thấy khác nhau tùy theo pháp tu. Chủ yếu phá vô minh dẹp ái thủ,  đức Phật dạy mỗi trình  độ có lối quán sát khác nhau. Như một hôm Thiền sư Vân Môn thượng đường, đưa cây gậy lên bảo chúng: "Phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích nó là không, Duyên giác gọi nó là huyễn có, Bồ-tát thì  đương thể tức không, Thiền gia thì thấy cây gậy gọi là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến."

Phàm phu thấy cây gậy cho là thật nên khởi tâm phân biệt  đẹp xấu, đẹp thì ái (yêu), xấu thì tắng (ghét). Nếu ái thì muốn được về mình, là thủ; có ái có thủ là nhân sanh ra hữu và sanh lão tử của  đời vị lai. Hẳn đây là gốc mầm của sanh già bệnh chết.  Để dứt cái ái thủ này, đức Phật dạy hàng Nhị thừa phải dùng trí quán sát thấy cây gậy là vô thường, ngày nay nó như thế, mai kia nó sẽ cũ, sẽ mục, rồi trở thành không. Biết rõ như vậy thì lòng tham ái cây gậy sẽ dứt.  Đây là dùng trí quán sự vật trôi theo dòng thời gian biến hoại  để dứt ái thủ.

Cũng mục đích phá dẹp ái thủ, đức Phật dạy hàng Duyên giác quán sát cây gậy do nhân duyên sanh. Do đất nước gió lửa chung hợp sanh ra cây gậy, cây gậy đợi duyên hợp mới có, thì cái có này không thật, như huyễn, như hóa. Hàng Duyên giác thấy cây gậy như huyễn hóa thì đâu còn tâm tham ái. Thế là ái thủ dứt, dòng sanh tử cũng dừng ngang đây.

Bồ-tát  đã thấy tột lý nhân duyên không cần quán sát nữa, thấy cây gậy biết rõ
không thật tánh, nên nói  đương thể tức không. Bởi thấy không thật tánh nên Bồ-tát  đâu còn tâm luyến ái cây gậy, do đó dòng sanh tử dứt.

Đến thiền gia thấy cây gậy là cây gậy. Tại sao? Bởi vì người thấu đạt lý thiền, tâm không còn chạy theo cảnh, đối cảnh tâm như như nên nói cây gậy là cây gậy.

Hơn nữa, thấy cây gậy chạy xuôi theo dòng thời gian quán sát từ có biến hoại đến không là khái niệm khuôn theo lối Phật vạch sẵn. Nhìn theo khái niệm định sẵn của mình, chối bỏ sự hiện hữu của cây gậy. Chính khái niệm lệ thuộc theo thời gian khiến hàng Nhị thừa dễ bi quan. Tuy  đó cũng là trí thấy xa, song nó vượt hẳn thực tế.  Đến Duyên giác thấy cây gậy do duyên sanh, tuy có mà không thật, như huyễn hóa.  Đây cũng là lối nhìn theo khuôn cũ lối mòn Phật định sẵn. Khái niệm này nhìn theo sự tập hợp của nhân duyên trong không gian.  Đã tập hợp thì không có chủ, không chủ thì làm sao có thật. Thế cũng
phủ nhận sựhiện hữu của cây gậy. Khái niệm nhân duyên là do huân tập lời Phật dạy, cũng là tướng sanh diệt. Bồ-tát không cần quán sát, vì tâm  đã thuần thục, thấy cây gậy liền biết tức không. Song đây cũng là khuôn đúc đã thành hình, ráp từ những lời Phật dạy. Thiền gia không thế, nhìn cây gậy là cây gậy, không bị khái niệm nào chen vào, không bị khuôn cũ lối mòn nào  định sẵn. Nhìn thẳng sựhiện hữu của cây gậy, bằng tâm như như của mình. Cảnh và tâm, tâm và cảnh, không có gì gián cách. Tâm không khởi niệm, làm
gì có thấy thật, thấy giả; đã không thật giả còn gì tham ái hay chán ghét. Nếu không ái thì đâu có thủ, đây là giải thoát sanh già bệnh chết chớ gì. Chủ yếu của Thiền gia là trực diện đối cảnh, cốt tâm không khởi niệm. Cho nên câu chót bài kệ CưTrần Lạc  Đạo của Trúc Lâm nói "Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền" (Đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền). Quả là định nghĩa thiền một cách cụ thể. Cái cao siêu tuyệt vời của Thiền là trút sạch khái niệm, dù khái niệm đúng như lời Phật dạy, lột hết mọi kiến giải  đã huân tập, nhìn sự vật như sự
vật, không vì một lý do gì mà thêm bớt vào.  Đây là một con người tự do tự tại, không bị kiến thức nào trói buộc. Bởi vậy nên nói "Sanh không thích thiên đường, tử không sợ  địa ngục. Buông tay  đi ngang ngoài tam giới, mặc tình vươn bổng nào buộc ràng" (Thiền sư Đạo Giai).

Trích chương 1, Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ 20.
HT. Thích Thanh Từ.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Tinh túy Thiền của Như Lai

Một cư sĩ hỏi:
- Bạch thầy, Thiền được mô tả là “Truyền ngoài kinh sách và không qua văn tự”, vậy mà lại có nhiều cuộc vấn đáp và tham hỏi về Đạo giữa các thiền sinh và thiền sư hơn cả giáo môn. Như thế thì làm sao có thể nói Thiền là pháp môn “truyền ngoài kinh sách?”? Xin thầy giảng câu “ngoài kinh sách, không qua ngôn ngữ văn tự” nghĩa chân thực là thế nào?
Thiền sư thốt lên tiếng gọi:
- Cư sĩ!
Ông ta đáp ngay lập tức:
- Dạ.
Thiền sư nói:
- Tiếng “dạ” đó đến từ pháp môn nào?
Ông cư sĩ cúi đầu vái thiền sư. Thiền sư tiếp:
- Khi ông dự định tới đây, là ông tự quyết định. Khi ông định hỏi, là ông tự làm công việc “hỏi” đó. Ông không nhờ đến ai và cũng không cần phải dùng đến giáo pháp của đức Phật để làm chuyện đó.
Chính cái “tâm” này chỉ đạo cho bản thân, chính nó là cốt tủy của “truyền ngoài kinh điển và không qua ngôn từ”.
Đó chính là tinh túy Thiền của Như Lai. Những lời hùng biện lanh lợi, văn chương lưu loát, phân biệt và hiểu biết cảm thông, đều không tới được bờ mé của Thiền này. Chỉ có người nào thâm quán nội tâm một cách sâu sắc, không sa vào cái bẫy của chữ nghĩa, cũng không bị những lời dậy của chư Phật, chư Tổ che phủ làm mờ chân tánh, người nào vượt qua con đường độc đạo tiến tới Giác Ngộ và không để cho sự lanh lợi khéo léo trở thành nguyên nhân suy sụp, người đó sẽ, lần đầu tiên trong đời, đạt Đạo.
Ngay từ khởi thủy, tất cả mọi chúng sinh đều vốn đã đầy đủ trọn vẹn và toàn hảo. Chư Phật và người dân thường đều vốn bình đẳng là Như Lai tự bản chất.
Em nhỏ mới sanh vung tay khua chân cũng chính là hoạt dụng tuyệt vời của bản thể tự tánh.
Chim bay, thỏ chạy, mặt trời mọc, vầng trăng lặn, gió thổi, mây trôi, tất cả mọi sự vật hoán chuyển đổi thay đều từ hoạt dụng của guồng quay bản thể. Chúng không tùy thuộc vào lời dạy của người khác hoặc sức mạnh của ngôn ngữ.
Từ sự hoạt dụng của Giác Tánh, tức là bản thể của mỗi người, mà tôi đang nói chuyện đây và cũng vậy, các ông đang nghe tôi qua sự huyền diệu của Giác Tánh các ông đó.”
Trích: Ngữ lục của thiền sư Bassui Tokusho bằng Nhật ngữ
Arthur Braverman dịch sang bản Anh ngữ “Mud and Water”.
Tuệ Đăng (ĐPK) dịch sang Việt ngữ

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Tham vấn Thầy: Cục bộ - Toàn thể

Hỏi:
Thưa Hòa thượng! Có một số người có cái nhìn rất phiến diện cục bộ, chỉ cần khác tôn giáo, khác tín ngưỡng mà ở gần nhau thì giống như bầu trời thiếu không khí!
Vì thế, con muốn thỉnh hòa thượng nếu thuận duyên xin ngài vì chúng con dạy về cái thấy Đạo của Chúa, của Lão Tử, của Dịch lý, của Krishnamurti, của Osho.
Con xin tri ân hòa thượng! 

Đáp:
Sai lầm lớn nhất của con người là cố chấp cái nhìn cục bộ của mình. Thực ra chân lý là pháp phổ biến, không dành riêng cho bất cứ ai. Mỗi người giác ngộ chân lý qua tầm nhìn của mình về chính mình và vạn pháp. Người có tầm nhìn lớn nhất là người thông suốt được tất cả tầm nhìn của nhân loại. Như đức Phật thấy được 62 tà kiến của thế gian. Đừng hiểu tà kiến là thấy sai, cái sai không phải ở thấy mà ở cố chấp cục bộ. Ví dụ như những người mù sờ voi, cho con voi là cái chân, cái bụng, cái lưng, cái ngà, cái đuôi, cái vòi, cái tai, con mắt v.v... mỗi người đều đúng nhưng sai là do cố chấp vào cái nhìn cục bộ của mình mà thôi, thực ra con voi là tất cả những phần ấy không thể thiếu phần nào. 
Nhiều người Phật tử nghe Phật nói 62 tà kiến thì chấp rằng thường - đoạn, hữu biên - vô biên, có - không, khổ - lạc... đều sai. Phật nói 62 tà kiến vì ngoại đạo chấp một chiều mà trở thành phân biệt nhị nguyên, chỉ biết một mà không biết tất cả trong một. Phật có cái nhìn rộng lớn nên thấy nếu ráp 62 tà kiến lại trong một cái nhìn phổ quát thì tất cả đều đúng, trong khi người Phật tử kia cứ bắt chước Phật chê tất cả đều là tà kiến nên lại chấp vào "không", do đó không thể nào có được cái nhìn bất nhị.
Giả sử các tôn giáo khác đều thấp còn Phật giáo là tột đỉnh, thì cũng phải leo qua tôn giáo bậc 1, tôn giáo bậc 2, bậc 3... rồi mới leo lên đến tôn giáo tột đỉnh được. Có thể nói một tôn giáo tột đỉnh là tôn giáo ráp lại các tôn giáo bậc thấp mà có. Cũng như trước khi chứng quả Chánh Đẳng Giác, Phật cũng tu dưới rất nhiều hình thức đạo sĩ ngoại đạo khác nhau trong vô số kiếp. Đó là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi mà chủ yếu là phá đi những cố chấp cục bộ để trải nghiệm qua các chiều kích đa diện của pháp giới bao la này. Vì vậy đức Phật được gọi là bậc Minh Hạnh Túc. Sau khi giác ngộ đức Phật chỉ nói lên chân lý mà Ngài đã trải nghiệm và chứng nghiệm một cách toàn diện chứ không đưa ra chủ thuyết riêng của mình, do đó nếu nhìn kỹ chúng ta thấy Phật giáo bao gồm phần cao đẹp nhất của các tôn giáo như vô vi của Lão Tử, hữu vi của Khổng Tử, đức tin của đức Chúa Jesus v.v... 
Thực ra các tông phái Phật Giáo Phát Triển về sau cũng chỉ triển khai những phương diện vốn có này trong giáo lý Nguyên Thủy của đức Phật. Các tông phái Phật Giáo Phát Triển tuy triển khai rất mạnh một phương diện nào đó của Đạo Phật nhưng cũng vô tình cục bộ hóa giáo lý uyên nguyên phong phú và bất nhị của bậc Giác Ngộ. Một số ít  phương pháp thiền phát triển từ thế kỷ 20 (tất nhiên không phải tất cả) mệnh danh là Thiền Nguyên Thủy đang thịnh hành tại các nước Phật giáo Nam Tông và trên thế giới, tuy cũng đạt được những sở đắc rất hấp dẫn nhưng xét cho cùng thì cũng chỉ phản ánh những kinh nghiệm cục bộ mà thôi. 
Những người khác tôn giáo, khác tông phái, khác phương pháp tu tập ngồi lại với nhau thì gây ra tranh luận tự tán hủy tha, chính là biểu hiện tính cố chấp cục bộ của con người, và chính những người này biến tôn giáo hay tông phái vốn cũng đúng và hữu ích trong một phương diện nào đó trở thành phiến diện và cục bộ. Một người thông suốt được tất cả những phương diện nhận thức và tu chứng cục bộ khác nhau này sẽ có một tầm nhìn khoáng đạt vô chấp và biết tôn trọng vị thế của các tôn giáo, tông phái hay pháp môn tu khác mình. Chúng ta vẫn thấy ra và phân tích những cái sai phát sinh do bảo thủ truyền thống kinh điển, cố chấp chủ thuyết hay ý thức hệ mà các tổ chức tôn giáo thêm thắt về sau để giúp mình và người khác trở về nguồn chân lý uyên nguyên bất nhị vốn sẵn có trong trời đất, chứ không thuộc quyền sở hữu của một tôn giáo nào. TS. Viên Minh



HÒN ĐÁ NÉM ĐI

Có một người hành khất đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí, mong được đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ. Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: "Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi". Ði đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.
Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời khỏi hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: "Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta".
Trong cuộc sống, sao chúng ta cứ canh cánh mang hòn đá bên lòng, những gì đã lỡ cầm lên được thì dù khó cũng vẫn có thể bỏ xuống được và cần bỏ xuống ; nếu không vì người thì ít nhất cũng vì chúng ta, để được nhẹ lòng, thanh thản...!!!

Sưu tầm

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

KHI BỊ BẮT VÀO VIỆN TÂM THẦN, LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỨNG MINH BẠN LÀ NGƯỜI BÌNH THƯỜNG?

Tại một bệnh viện tâm thần của nước Ý, do tài xế chuyên chở bệnh nhân lơ là nhiệm vụ mà bắt nhầm 3 người bình thường.
Ba người đó bị nhốt trong viện ròng rã suốt 28 ngày trời, hai người trong số đó còn suýt chút nữa vì điều này mà biến thành bệnh nhân tâm thần thật sự.
Và làm thế nào họ đã thoát ra được?

Grey Back, phóng viên người Mỹ, đã đến nước Ý để phỏng vấn 3 người bất hạnh vừa mới được cứu thoát này.

Chuyện xảy ra do tài xế khi vận chuyển những người mắc bệnh tâm thần, dọc đường đã để cho 3 người bệnh bỏ chạy mất.
Để không bị mất việc, ông ta lái xe đến trạm xe buýt, bảo với mọi người rằng ông lái xe miễn phí.
Cuối cùng, ông đã “dụ” được 3 người lên xe, rồi gắn mác “bệnh nhân tâm thần” vào những vị khách này.

Đương nhiên, muốn ra khỏi bệnh viện tâm thần thì cách duy nhất là chứng minh bản thân mình không bị bệnh tâm thần.
Ba người họ đã làm được điều đó như thế nào?

Theo báo cáo của Grey Back, 2 người trong số họ đã dùng đủ mọi cách để chứng minh với nhân viên y tế rằng mình không phải người điên.
Tuy nhiên, họ càng nói nhiều, nhân viên y tế càng tin chắc rằng họ chính là người điên.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Grey Back với các nạn nhân.

Grey: Khi ông bị nhốt vào trong bệnh viện tâm thần, ông đã nghĩ ra cách gì để mà giải cứu mình?

A: Tôi nghĩ rằng, nếu muốn đi ra, trước hết cần phải chứng minh rằng bản thân mình không bị bệnh tâm thần.

Grey: Vậy ông đã chứng minh như thế nào?

A: Tôi nói: "Trái đất hình cầu", câu nói này chính là CHÂN LÝ. Tôi nghĩ, người NÓI RA CHÂN LÝ sẽ không bị xem là bệnh tâm thần.

Grey: Cuối cùng ông có thành công không?

A: Không, khi tôi nói câu này đến lần thứ 14, nhân viên y tế đã chích một mũi kim vào mông tôi.

C: Tôi và A được B cứu ra ngoài đấy. Anh ấy đã thành công thoát ra khỏi bệnh viện tâm thần, sau đó liền đi báo cảnh sát.

Grey: Lúc đó, chẳng phải ông cũng đã tìm cách để ra khỏi đó?

C: Đúng vậy, tôi nói với họ rằng tôi là nhà xã hội học. Tôi nói rằng tôi biết tổng thống nhiệm kỳ trước của nước Mỹ là Clinton, thủ tướng nhiệm kỳ trước của nước Anh là Blair.
Khi tôi nói đến tên các vị lãnh tụ của các đảo quốc thuộc Nam Thái Bình Dương, họ liền chích cho tôi một mũi. Tôi không còn dám nói tiếp nữa.

Grey: Vậy B đã giải cứu các ông ra ngoài như thế nào?

C: Sau khi anh ấy bị bắt vào trong đó, cái gì cũng không nói.
Lúc cần ăn cơm thì ăn cơm, lúc nên ngủ thì đi ngủ, những lúc cần xem sách đọc báo thì xem sách đọc báo.
Khi các nhân viên y tế cạo mặt cho anh, anh ấy nói cảm ơn.
Đến ngày thứ 28, họ đã để anh xuất viện.

Người B sau khi thoát ra liền đi báo cảnh sát, nhờ vậy mà giải cứu được 2 người bạn kia.

Thì ra là đơn giản như vậy!
Biện pháp tốt nhất lại chính là KHÔNG CẦN CHỨNG MINH GÌ CẢ.
Grey Back đã phát biểu cảm khái như vậy trong bài viết của mình:
"Một người bình thường muốn chứng minh sự bình thường của chính bản thân mình, đó là điều vô cùng khó khăn.
Có lẽ chỉ có những ai KHÔNG CỐ GẮNG ĐỂ CHỨNG MINH BẢN THÂN MÌNH MỚI ĐƯỢC XEM LÀ NGƯỜI BÌNH THƯỜNG"

Những người dùng đủ mọi cách để chứng minh rằng mình đang NẮM CHẮC CHÂN LÝ TRONG TAY, để chứng minh rằng mình TRI THỨC VÔ CÙNG PHONG PHÚ, để chứng minh rằng bản thân mình rất ĐẠO ĐỨC VÀ KHÔNG SAI LẦM, kể cả những người dùng đủ mọi cách để chứng minh rằng bản thân mình rất GIÀU CÓ, SANG TRỌNG, đều CÓ THỂ BỊ XEM LÀ NGƯỜI ĐIÊN, chỉ có điều là CHÍNH BẢN THÂN HỌ KHÔNG BIẾT mà thôi.

Ví như những người trong lòng không chín chắn mới hết lần này đến lần khác muốn chứng minh và biểu hiện với người khác "mình rất chín chắn", vì họ LO SỢ rằng bản thân sẽ bị người khác cho là mình vẫn chưa chín chắn !!!

Càng là người BÌNH THƯỜNG thì càng KHÔNG CẦN PHẢI CHỨNG MINH với người khác rằng bạn là người bình thường.
Còn với những tay cao thủ thì tất nhiên cũng không cần phải chứng minh với người khác rằng mình đã là cao thủ.

(Quà tặng cuộc sống)
Sưu tầm

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Vì sao có đến 84 ngàn pháp môn?

Thực ra con số 84 ngàn chỉ là tượng trưng chứ trong thực tế thì con số là không thể đếm được luôn đó chứ. Vì sao?

Vì mỗi người có biệt nghiệp riêng, có trải nghiệm riêng, có kinh nghiệm riêng, có số phận riêng................... Do đó mỗi người là một pháp môn tu tập khác nhau, chẳng ai giống ai được.

Đó là lý do vì sao thời Phật tại thế, các vị đệ tử của Phật, những người chứng quả A La Hán, nhưng mỗi người lại đệ nhất về một lĩnh vực khác nhau, chẳng ai giống ai được.

Thậm chí, xét về mặt phước đức thì có vị có phước hơn cả Phật Thích Ca về một số lĩnh vực nữa kìa (đó là do biệt nghiệp của họ). Ví dụ: Ngài A Nan là vị mà không ai có thể oán ghét hay nói xấu được, ngay cả Phật Thích Ca hay Ngài Xá Lợi Phất còn có người ganh ghét nói xấu hãm hại nhưng ngài A Nan thì không. Có vị thì đi đến đâu thì người ta cúng dường đến đó. Mỗi khi đi khất thực mà có vị này đi chung thì không bao giờ tăng đoàn bị đói. Hay có vị cứ mở miệng là hoa sen thơm ngát.....................

Do đó mỗi người là một biệt nghiệp, mỗi người là một pháp môn tu tập riêng biệt. Tu ngay nơi chính mình, ấy là đi đúng đường. Dòm ngó, bắt chước người này người nọ, chỉ là con khỉ giả người chẳng thể làm người được. Bất cứ ai hay cái gì từ ngoài vào chỉ là khai thị cho mình thấy ra pháp môn tu tập riêng biệt của chính mình. Nên nhớ cho là như vậy. Không thấy ra pháp môn tu tập riêng biệt của mình thì còn mãi trầm luân.

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Chiếc tắc-xi "5 sao"

Tại một thành phố nước Mỹ, có một vị trung niên bắt taxi đến sân bay.
Sau khi lên xe, hành khách phát hiện chiếc xe này không chỉ vẻ ngoài bắt mắt, bố trí trong xe cũng rất ngăn nắp và trang nhã. Tài xế trang phục chỉnh tề, xe vừa chạy, liền nhiệt tình hỏi độ ấm trong xe có thích hợp không? Lại hỏi hành khách muốn nghe nhạc hay radio? Hành khách lựa chọn nghe nhạc và một đoạn hành trình thoải mái bắt đầu.
Khi xe dừng trước một đèn đỏ, lái xe quay đầu cho vị khách biết trên xe có tờ báo buổi sáng và tạp chí định kỳ, phía trước có một tủ lạnh nhỏ, trong tủ lạnh có nước trái cây và cocacola, có thể tự lấy dùng, nếu muốn uống cafe, bên trong bình thủy có cafe nóng.
Sự phục vụ đặc biệt này khiến vị khách thực sự ngạc nhiên, ông không khỏi nhìn vị tài xế thắc mắc, vẻ mặt vị tài xế như ánh mặt trời ấm áp bên ngoài khung cửa.
Trầm mặc một lúc, tài xế chủ động mở lời: “Tôi là một người không chỗ nào không nói chuyện, nếu anh muốn nói chuyện phiếm, ngoại trừ chính trị và tôn giáo, cái gì tôi cũng có thể nói. Nếu anh muốn nghỉ ngơi hoặc ngắm phong cảnh, tôi sẽ yên lặng lái xe, không quấy rầy anh.”
Từ lúc lên xe, vị hành khách này đã rất đỗi bất ngờ, lúc này ông không khỏi tò mò hỏi: “Từ bao giờ anh bắt đầu sự phục vụ này vậy?”
Vị tài xế nói: “Từ lúc tôi bắt đầu thức tỉnh.”
Tài xế nói trước kia mình là một người hay phàn nàn, thường xuyên càu nhàu khách, phàn nàn chính phủ bất tài, phàn nàn tình hình giao thông không tốt, phàn nàn xăng quá đắt đỏ, phàn nàn con cái không nghe lời, phàn nàn vợ không hiền thục… cuộc sống quả là ảm đạm.
Nhưng một lần vô tình anh nghe được một cuộc đàm thoại về cuộc sống trong một tiết mục quảng cáo, đại ý là nếu bạn muốn thay đổi thế giới, thay đổi cuộc sống của bạn, đầu tiên hãy thay đổi chính mình. Nếu bạn cảm thấy thời gian không vừa lòng, vậy tất cả những chuyện phát sinh đều khiến bạn cảm thấy như gặp xui xẻo; trái lại nếu bạn cảm thấy hôm nay là một ngày may mắn, như vậy hôm nay mỗi người bạn gặp phải, đều có thể là quý nhân của bạn.
“Cho nên tôi tin rằng, nếu tôi muốn vui vẻ, phải thôi phàn nàn, phải thay đổi chính mình. Từ thời khắc đó, tôi quyết định sẽ đối xử tử tế với mỗi hành khách. Đầu tiên tôi sửa sang xe trong ngoài sạch sẽ, trang trí mới hoàn toàn, sau đó, chuẩn bị tâm tính như ánh mặt trời, từ đó về sau tôi sáng tạo ra một cuộc sống mới.”
Đến nơi, tài xế xuống xe, ra phía sau giúp hành khách mở cửa, cũng đưa một tấm danh thiếp đẹp, nói: “Mong lần sau có thể tiếp tục phục vụ anh.”
Kết quả, việc làm ăn của anh tài xế không hề bị ảnh hưởng khi nền kinh tế trở nên đình trệ, anh đã thay đổi, không chỉ sáng tạo ra một đường thu nhập, mà còn tạo nên một cuộc sống bình yên như vậy.


Cuộc đời là một chuyến lữ hành, mỗi chúng ta đều có cơ hội trở thành tài xế, nghênh đón những vị khách đi ngang qua đời ta. Có lẽ chúng ta sẽ không thể luôn gặp những vị khánh hiền hòa, nhưng chúng ta có thể làm một người tài xế tốt bụng; dù không tránh được đoạn đường kẹt xe, nhưng có thể dùng tâm tình vui vẻ, cùng nhau hưởng thụ một đoạn hành trình hạnh phúc.

Biên dịch: Binh Minh, STV online

Xem nguồn bài viết ở đây.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Bản ngã và Tánh biết

Giác ngộ chỉ như một trò chơi trốn tìm gay cấn giữa bản ngã và tánh biết thôi. Trò chơi có gay cấn mới hứng thú chứ, phải không? Bản ngã tình nguyện làm người thoắt ẩn thoắt hiện để tánh biết đi tìm. Túm được bản ngã thì kết thúc trò chơi, và đó chính là giác ngộ. Pháp bày ra trận đồ kỳ lạ này thật là thú vị và hữu ích, phải không? Không biết chơi thì không bao giờ giác ngộ đấy.

Trong trò chơi trốn tìm này, lúc đầu tánh biết sai mắt tai mũi lưỡi thân ý đi tìm nó, nhưng nó lại biến thành cái biết của chính mắt tai mũi lưỡi thân ý nên 5 thức đầu vô tình biến thành công cụ của nó, còn ý thức thì cứ mãi tìm kiếm đối tượng ở bên ngoài nên không biết chính mình đã bị biến thành cái ngã hồi nào không hay, do đó càng hướng ngoại truy tìm càng làm theo ý đồ của nó. Khi ý thức đã trở thành cái ngã thì nó tự cho mình là TA còn 6 thức và 6 trần là CỦA TA, và nó bắt đầu chuyển qua một hướng khác tinh tế hơn là không tìm bản ngã nữa mà đi tìm TỰ NGÃ lý tưởng dưới những danh nghĩa cao đẹp nhất như tu luyện để đạt thành những sở đắc như Đạo, Quả, Niết-bàn. Đó là một cuộc đảo chính rất ngoạn mục của bản ngã, từ đó nó lên ngôi để thực hiện giấc mộng trở thành ĐẠI NGÃ. Cũng may là trong khi 6 thức đi tìm bản ngã rồi bị biến thành bản ngã thì tánh biết đều âm thầm phát hiện được. Nhưng bấy giờ bản ngã lại càng tinh vi hơn chứ không chịu đầu hàng, nó nhảy vào tánh biết và tự nhận đó là TỰ NGÃ CỦA TA, nó bám vào BẢN TÂM, TỰ TÍNH, NIẾT-BÀN, THƯỢNG ĐẾ, PHÁP TÍNH... là TỰ NGÃ, với một Đức Tin khẳng định kiên cố như là thành trì cuối cùng bất khả xâm phạm của nó. Nhưng rồi tánh biết cũng phát hiện luôn cả chiêu thức cuối cùng bí ẩn này của nó để kết thúc trò chơi giác ngộ giải thoát một cách hoàn hảo "Đến Bờ Kia" và được gọi là Đại Ngộ!
Viên Minh.
(Sưu tầm.)

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Còn 0 viên kẹo

Ồ, cái dòng trạng thái này của một bạn gái sao mà dễ thương quá, mà ứng dụng vào việc tu đạo cũng hay lắm đó nha!

Bạn này có 3 cô con gái, cô hai học lớp 1, cô ba học lớp mẫu giáo, và cô út chưa đi học. Bạn đang ngồi học phép cộng trừ nhân chia cùng cô hai. Bạn ra câu hỏi:

- Mẹ cho con 10 viên kẹo, sau đó mẹ xin lại một viên. Vậy con còn lại mấy viên kẹo?

Nghe xong câu hỏi, cô hai chưa kịp trả lời thì cô ba đã nhảy vào trả lời thế:

- Dạ còn 0 viên đó mẹ.

- Ủa sao còn 0 viên vậy con. Con suy nghĩ lại xem sao!

Lúc này cô hai tính toán xong nên đáp: Dạ, còn 9 viên.

Nghe cô chị nói thế, cô ba lắc đầu lia lịa: Chị hai sai rồi, không đúng, còn 0 viên kẹo mới đúng cơ. Chị hai sai rồi, sai rồi.

Cô hai cũng không vừa: Làm sao chị sai được! Em tính thế nào ra 0 viên kẹo vậy.

Cô ba có vẻ uất ức nên chộp lấy từ giấy trắng của cô hai, dùng bút chì viết thật to con số 10 lên tờ giấy và nói với cô hai: Chị xem nè! Mười viên kẹo nè! Lấy hết 1 viên nè! (Nói đến đây thì cô nàng đồng thời lấy cục tẩy xóa đi số 1) Đấy, lấy mất 1 viên thì còn 0 viên là đúng rồi.

Quá buồn cười trước lý luận "sắc bén" của cô ba, bạn ấy cũng chỉ biết cười, nháy mắt với cô hai và xoa đầu cô ba nói: "Nói như con cũng có lý lắm đó!"

Trình độ mẫu giáo giải toán lớp 1 là như vậy đó!

Cho nên ai học đến đâu thì lý luận đến nấy. Tùy thuận theo kiến giải của người khác cũng là một pháp tu vậy (coi vậy mà khó làm lắm đó nha mọi người!)