Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Sống Với Rắn Độc

BODHIYÀNA GIÁC MINH 
Những Lời Dạy Của Ngài AJAHN CHAH 
Sunanda Phạm Kim Khánh
và Sumanā Lê Thị Sương chuyển ngữ từ Anh sang Việt

Sống Với Rắn Độc
(Dưới đây là một bài Pháp ngắn do Ngài Ajahn Chah thuyết giảng cho một cụ bà người Anh vừa trải qua thời gian hai tháng, vào cuối năm 1978 và đầu năm 1979, tu học dưới sự hướng dẫn của Ngài, trước khi cụ bà lên đường về xứ).
Đây là thời Pháp được thuyết giảng vì lợi ích của một vị đệ tử mới, sắp lên đường trở về Luân Đôn (London). Ước mong rằng những lời dạy nầy sẽ giúp Cụ lãnh hội Giáo Huấn đã thọ nhận tại Wat Pah Pong nầy. Một cách giản dị, đây là pháp hành nhằm vượt thoát ra khỏi mọi khổ đau của vòng luân hồi.
Nhằm thực hành pháp môn nầy xin Cụ hãy ghi nhớ nằm lòng: phải nhìn tất cả mọi sinh hoạt khác nhau của tâm, tất cả những gì Cụ ưa thích và tất cả những gì Cụ ghét bỏ, giống như Cụ nhìn một con rắn độc. Rắn độc vô cùng nguy hiểm. Nọc độc của rắn đủ sức làm cho ta chết ngay nếu vô phúc bị nó cắn. Những cơn vui buồn thương ghét của ta cũng dường thế ấy. Những cơn vui mà ta ưa thích là con rắn độc, và những cơn buồn mà ta ghét bỏ cũng là con rắn độc. Cả hai đều ngăn ngừa không để cho tâm của ta được tự do, và tạo chướng ngại, không cho chúng ta thông hiểu chân lý đúng theo như Đức Phật dạy.
Như vậy cần phải cố gắng, ngày đêm gia công bảo trì chánh niệm. Dầu trong lúc đang làm gì, đi, đứng, nằm, ngồi, nói chuyện hay bất luận làm gì khác, luôn luôn phải làm với chánh niệm. Khi niệm được củng cố vững vàng, sự hiểu biết rõ ràng sẽ phát sanh, chung hợp với niệm. Niệm và hiểu biết rõ ràng sẽ khởi duyên cho trí tuệ phát sanh. Như vậy niệm, hiểu biết rõ ràng và trí tuệ cùng chung nhau sinh hoạt và lúc ấy ta sẽ như người ngày đêm "thức tỉnh".
Những Lời Dạy mà Đức Phật ban truyền cho chúng ta không phải là Giáo Huấn chỉ để nghe suông, hoặc chỉ giản dị để lãnh hội ở mức độ trí thức. Những Lời Dạy ấy là Giáo Huấn mà xuyên qua pháp hành, có thể thấm nhuần ăn sâu vào tâm thức. Dầu đi đâu hay làm gì ta luôn luôn có những Lời Dạy ấy. Ý nghĩa của đoạn "có những Lời Dạy ấy", hay "có Chân Lý" là: dầu chúng ta làm gì, dầu nói gì, chúng ta luôn luôn nói và làm với trí tuệ. Khi suy tư hay quán niệm, chúng ta suy tư và quán niệm với trí tuệ. Chúng ta nói rằng người có chánh niệm và giác tỉnh -- niệm, hiểu biết rõ ràng, phối hợp với trí tuệ như vậy là người sống gần Đức Phật.
Khi rời nơi nầy Cụ phải gia công đưa tất cả trở vào tâm mình. Hãy nhìn cái tâm của mình với chánh niệm, hiểu biết rõ ràng, và phát triển trí tuệ. Với ba yếu tố ấy chung hợp lại sẽ phát sanh trạng thái "buông xả", để cho tất cả đi qua, không dính mắc hay bám níu vào bất cứ gì. Cụ sẽ nhận thức rằng tất cả mọi hiện tượng đều luôn luôn sanh và diệt.
Cụ phải biết rằng cái gì phát sanh và hoại diệt chỉ là sinh hoạt của tâm. Khi một hiện tượng phát sanh nó liền hoại diệt, và liền theo đó chuỗi dài sanh-diệt không ngừng tiếp nối với nhau. Trong ngôn ngữ của Giáo Pháp ta gọi sự sanh diệt ấy là "sanh và tử", và đó là tất cả. Tất cả chỉ là vậy! Khi đau khổ phát sanh, nó liền trôi qua. Và khi nó trôi qua đau khổ phát sanh trở lại [*]. Chỉ có đau khổ phát sanh và hoại diệt. Khi thấy được bấy nhiêu Cụ sẽ có thể thấu hiểu một cách thường xuyên trạng thái sanh và diệt, và khi thông suốt như vậy Cụ sẽ thấy rằng trong thực tế chỉ có thế. Tất cả mọi sự vật chỉ là sanh và tử, không có bất luận gì tồn tại. Chỉ có sanh và diệt như thế ấy. Chỉ thế thôi!
[*] Nơi đây danh từ "đau khổ" hàm xúc đặc tướng bất toại nguyện của tất cả mọi kiếp sinh tồn trong thế gian vô thường luôn luôn biến đổi nầy. Ở đây không phải là sự đau khổ như thông thường được hiểu, nghịch nghĩa với hạnh phúc.
Lối nhìn nầy sẽ khơi động cảm giác thản nhiên an tĩnh đối với thế gian. Một cảm giác tương tợ phát sanh khi ta nhận thức rằng trong thực tế không có gì đáng được ham muốn; chỉ có sanh và diệt. Chúng sanh vào đời rồi từ giã cuộc đời. Đó là khi tâm tiến đạt đến "buông bỏ", để cho tất cả mọi sự vật trôi qua theo bản chất thiên nhiên của nó. Sự vật phát sanh rồi hoại diệt ngay trong tâm của ta, và ta thông hiểu như vậy. Khi hạnh phúc phát sanh, ta thấu hiểu. "Hiểu biết hạnh phúc" có nghĩa là ta không tự đồng hóa mình với nó, không xem hạnh phúc là "của mình". Và cùng thế ấy, ta không đồng hóa và xem bất toại nguyện và những điều bất hạnh là "của ta". Khi đã không còn tự đồng hóa mình với, và bám níu vào, hạnh phúc và đau khổ, ta chỉ tách rời, sống riêng với đường lối thiên nhiên của vạn hữu.
Vì lẽ ấy chúng ta nói rằng sinh hoạt tâm linh cũng tựa hồ như con rắn độc. Nếu ta không động đến rắn thì nó chỉ theo con đường của nó. Mặc dầu là rắn độc, dầu nọc độc của nó vô cùng nguy hiểm và nếu bị nó cắn ắt không phương cứu chữa, nhưng nếu không đến gần nó hay không nắm bắt nó ta vẫn không hề gì. Nó sẽ không cắn ta. Rắn độc chỉ hành động theo bản chất thiên nhiên của một con rắn độc. Nó là vậy! Nếu là người sáng suốt ta cứ để nó yên một mình. Cùng thế ấy, hãy buông bỏ những gì tốt đẹp, để nó yên. Ta cũng để yên những gì không tốt đẹp -- hãy để cho nó theo bản chất thiên nhiên của nó. Hãy để yên những gì ta ưa thích và những gì ta ghét bỏ, cũng như ta để yên, không động đến con rắn độc.
Vậy người thông minh sáng suốt sẽ có thái độ tương tợ, đối với những cơn vui buồn khác nhau phát sanh đến tâm mình. Khi điều tốt đẹp khởi sanh, hãy để yên cho nó tốt đẹp, nhưng ta cũng thấu hiểu. Ta thấu hiểu bản chất thiên nhiên của nó. Khi điều không tốt đẹp khởi phát cũng vậy, hãy để yên cho nó theo đúng bản chất thiên nhiên của nó. Không nắm giữ lại, bởi vì chúng ta không muốn gì cả. Chúng ta không muốn điều xấu, cũng không muốn điều tốt. Chúng ta không muốn nặng, cũng không muốn nhẹ, không muốn hạnh phúc cũng không muốn đau khổ. Đến chừng ấy, bằng đường lối nầy, lòng ham muốn chấm dứt và trạng thái thanh bình an lạc được củng cố vững chắc.
Khi được có loại an lạc nầy vững chắc củng cố trong tâm, ta có thể nương tựa vào và tùy thuộc nơi đó. Ta nói rằng trạng thái an lạc nầy đã phát sanh từ tình trạng vọng động mê mờ. Giờ đây rối loạn và si mê chấm dứt. Đức Phật gọi sự thành đạt Giác Ngộ cuối cùng là "sự dập tắt", trong ý nghĩa giống như ta dập tắt một ngọn lửa. Khi ngọn lửa bên ngoài được dập tắt, thì có sự "mát mẻ". Khi các ngọn lửa tham ái, sân hận và si mê bên trong được dập tắt, ắt cũng có trạng thái "mát mẻ". Giác ngộ và si mê cùng hiện hữu ở một nơi, giống như nóng và lạnh. Giờ đây là nóng, ngay tại nơi mà trước kia là lạnh. Khi nóng là hết lạnh, và khi lạnh là không còn nóng. Niết Bàn và luân hồi cũng cùng thế ấy.
Ta dập tắt ngọn lửa ngay ở nơi mà nó khởi phát. Nơi nào nóng, ta có thể làm cho mát. Sự Giác Ngộ cũng vậy. Đó là sự chấm dứt vòng luân hồi [*], ngưng lại cuộc vận chuyển triền miên của vòng quanh mê hoặc.
[*] Samsàra, Ta-Bà, vòng luân hồi -- theo đúng ngữ nguyên, là cuộc đi thênh thang bất định triền miên -- là danh từ thường được dùng để chỉ những kiếp sống thăng trầm trong biển trầm luân triền miên tiếp diễn, hình ảnh của tiến trình vô tận những hoàn cảnh sanh, già. bệnh, chết.
Đó là bản chất thiên nhiên của sự Giác Ngộ, dập tắt lửa nóng, làm mát lại những gì trước kia là nóng. Đó là an lạc, là chấm dứt luân hồi. Khi Cụ thành đạt Giác Ngộ thì đó là vậy. Đó là chấm dứt cuộc vận chuyển, dừng lại mọi si mê trong tâm ta. Chúng ta mô tả trạng thái chấm dứt nầy bằng những danh từ khác nhau hàm ý "hạnh phúc", bởi vì đó là phương cách mà con người thế gian hiểu lý tưởng mình là như vậy, nhưng thật sự nó đã vượt lên khỏi, vượt ra ngoài mọi tưởng tượng của người thế. Nó vượt lên khỏi hạnh phúc và đau khổ. Nó là thanh bình an lạc toàn hảo.
Trong khi chuẩn bị lên đường Cụ hãy giữ lấy lời dạy của Sư ngày hôm nay và thận trọng quán niệm. Những ngày mà Cụ đã trải qua tại đây không được mấy dễ dàng và Sư không có nhiều cơ hội để chỉ dạy Cụ. Nhưng giờ đây Cụ đã có thể học hỏi ý nghĩa thật sự của pháp hành. Ước mong rằng pháp hành nầy có thể dẫn dắt Cụ đến hạnh phúc. Ước mong nó sẽ giúp Cụ trưởng thành trong chân lý. Ước mong Cụ sẽ thoát khỏi mọi đau khổ của vòng luân hồi.

 Xem nguồn bài viết ở đây

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Yêu thương và được yêu thương

Tình yêu đích thực là vô điều kiên, là cho đi mà không mong cầu đáp trả. Thậm chí khái niệm cho và nhận không tồn tại, chỉ còn sự tương giao một cách trọn vẹn và vô ngã. Tình yêu nam nữ phổ biến hiện nay chỉ là sự trao đổi, mà hàng hóa chính là cảm xúc và cảm giác của hai bên. Khi còn ảo tưởng về cái tôi thì không thể xảy ra tình yêu đích thực, vì thế nào cũng có điều kiện nào đó hiện diện. Tình yêu lúc đó dù bắt đầu có nồng thắm đến đâu, dù khoái cảm có mạnh mẽ đến đâu cũng thật mong manh. Vì chỉ cần xuất hiện yếu tố bên ngoài làm cảm xúc - cảm giác của một bên thay đổi, thế là bão táp phong ba liền ập tới.

Khi ta yêu một người tức là ta yêu luôn cả mặt tốt và mặt xấu của người đó. Xấu và tốt như hai mặt của một bàn tay. Ta không thể chỉ giữ lấy một mặt mà bỏ đi mặt kia. Ta luôn tự vẽ ra cho mình một hình ảnh về người mình yêu hay người chồng của mình. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng của ta, không phải con người thực. Vì vậy ta cần nhẫn nại lắng nghe, quan sát và chia sẻ để có thể hiểu rõ về người bạn đời của mình. Khi thấu hiểu cả mặt tích cực và tiêu cực của người ấy, ta mới có thể yêu thương họ thật sự.

Khi ta thật sự yêu thương một người thì người đó sẽ cảm thấy tự do để được là chính họ. Tình yêu đích thực không ràng buộc đối tượng được yêu mà còn là động lực để cho họ đổi mới chính mình. Khi có biến cố xảy ra thì phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi nhiều hơn, nhưng họ cũng dễ buông bỏ tư kiến của mình hơn. Nếu cô gái biết chấp nhận chàng trai như anh ấy là, thì sẽ có cơ hội để chàng trai thay đổi thái độ của mình.

Quy luật của cuộc sống là vô thường, kể cả tình yêu đôi lứa. Nếu ta đủ nhẫn nại để quan sát, ta sẽ thấy rõ, vị đắng, vị ngọt của tình yêu. Thấy rõ nó sinh ra và mất đi như thế nào. Và khi hiểu rõ, ta sẻ không còn bám chấp vào hôn nhân nhưng cũng không sợ sệt hôn nhân nữa.

Ta có thể làm giấy kết hôn với người mình không hề yêu, và cũng có thể nhắm mắt ký giấy ly hôn khi mình vẫn còn yêu tha thiết. Hôn nhân hay ly hôn vốn chỉ là hình thức, là một bản hợp đồng mà thôi. Làm sao nó có thể ràng buộc được tâm ta. Quan trọng là khi có biến cố xảy ra, ta cần đối diện với chúng bằng thái độ sáng suốt và trong lành. Vì biến cố đó là như ý hay bất như ý cũng là cơ hội cho ta hiểu thêm về chính mình, về người mình yêu. Và từ đó nhận ra bản chất thật của tình yêu, của cuộc sống.

Đừng tưởng xuất gia đi tu là ta có thể trốn thoát được bài học tình yêu. Với hiểu biết mờ mịt không rõ ràng, bất cứ lúc nào ta cũng có thể gặp vướng mắc tình cảm bất kể ta đang làm gì, ở đâu. Đức Phật có dạy rằng chỉ có thể thoát ly một pháp khi ta đã tường tận mặt tích cực cũng như mặt nguy hại của nó, khi ta nhận biết rõ từ khi nó sinh ra cho đến khi nó mất đi. Nói đúng hơn, lúc đó nó tự thoát ly, chứ không ai làm gì cả.

Hãy nhớ điều quí giá nhất trong cuộc sống chính là sự bất toàn. Vì khi toàn vẹn thì sự sống sẽ kết thúc. Sự bất toàn là một phần của vô thường, một quy luật tất yếu của cuộc sống. Khi ta còn đang sống trong ảo tưởng về bản ngã, về cái tôi và cái của tôi, thì bản ngã luôn cầu toàn, và nỗ lực để được như ý. Nhưng những gì nó nhận được từ cuộc sống đều là bất toàn và bất như ý. Sau những cố gắng và nỗ lực vô vọng, nhờ sự bất toàn ấy mà cuối cùng bản ngã cũng đầu hàng. Ta bắt đầu sống vô ngã vị tha, và tự nhiên ta thấy sự bất toàn lại chính là động lực để phát triển và tiến hóa của vạn vật. Chính vì mọi thứ đều bất toàn mà ai cũng có cơ hội làm mới bản thân mình.

Bản ngã luôn mong cầu tốt hơn nhưng gì đang xảy ra. Nó không cho ta cơ hội trọn vẹn với thực tại đang là. Vì vậy ta rơi vào phiền não khổ đau. Nhưng chỉ cần ta buông mọi ý đồ muốn tốt hơn, và trở về trọn vẹn với những gì đang diễn ra. Ta sẻ thấy mọi sự đều vô thường, tự nhiên đến rồi đi. Tất cả đều có lý do, tùy duyên mà sinh khởi và cũng tùy duyên mà chấm dứt bất kể ta muốn hay không. Tất cả những thiện - ác trong đời đều:"Bất khả tư nghị", tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà nó được gán cho cái nhãn "thiện" hay "ác". Dù những gì đang xảy ra là thiện hay ác, nó đều là bài học giác ngộ vô cùng quí giá về cuộc sống.

Trích chia sẻ của thầy Viên Minh trong buổi gặp gỡ "Yêu thương và để được yêu thương" vào Thứ Bảy - 13/10/2012 - PT
Xem nguồn bài đăng ở đây
 


Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Bữa sáng tại McDonald’s



Tôi là một bà mẹ ba con (14, 12 và 3 tuổi), vừa hoàn tất chương trình đại học và bộ môn cuối cùng là xã hội học.

Giảng viên bộ môn này đã hoàn toàn truyền cảm hứng cho sinh viên với những phẩm chất mà tôi ước gì người nào cũng được như thế.
Đề tài cuối cùng cô đặt ra cho chúng tôi mang tên “nụ cười”. Cả lớp được yêu cầu ra ngoài và cười với ba người đồng thời ghi lại phản ứng của họ.
Tôi thuộc tuýp người thận thiện, luôn mỉm cười và chào hỏi mọi người xung quanh. Vì vậy, đề tài này đối với tôi mà nói thật dễ như ăn bánh.
Ngay sau khi được giao đề tài, một buổi sáng đẹp trời tháng Ba, tôi cùng chồng và con trai nhỏ đến tiệm thức ăn nhanh McDonald’s. Đó cũng là cách vợ chồng tôi dành thời gian chơi đùa cùng con mình.
Khi chúng tôi đang xếp hàng đợi đến lượt mình gọi thức ăn thì đột nhiên tất cả mọi người đều lùi lại, ngay cả chồng tôi cũng làm thế.
Tôi đứng yên không nhúc nhích dẫu chỉ một chút. Một cảm giác hoang mang tràn ngập khi tôi quay đầu nhìn xem vì sao mọi người lùi lại.
Khi quay đầu lại, tôi ngửi thấy một mùi hôi cơ thể kinh khủng và đứng sau tôi là hai người đàn ông vô gia cư nghèo khổ.
Khi tôi nhìn xuống một người đàn ông thấp bé đứng gần mình, ông ta mỉm cười. Đôi mắt xanh tuyệt đẹp của ông ngập tràn ánh sáng thiên thần và ông đang tìm kiếm sự chấp nhận.
Ông nói “Một ngày tốt lành nhé!” khi đếm những đồng xu lẻ đang nắm chặt trong tay.
Người đàn ông thứ hai đang mò mẫm tay mình khi đứng sau lưng bạn. Tôi nhận ra rằng người đàn ông này có vấn đề về thần kinh và người mắt xanh ‘lịch sự’ kia là người giúp đỡ ông ấy.
Tôi cố cầm nước mắt khi đứng đó cùng họ. 
Cô gái trẻ tại quầy hỏi họ muốn mua gì.
Ông mắt xanh nói “Cô cho chúng tôi cà phê cả nhé.” (Nếu họ muốn ngồi trong cửa hàng và sưởi ấm, họ phải mua gì đó. Họ chỉ muốn được ấm áp một chút, và cà phê là những gì họ có đủ khả năng chi trả.)
Lúc đó một động lực thôi thúc mãnh liệt khiến tôi dang tay ra và ôm lấy người đàn ông mắt xanh ấy.
Cũng trong khoảnh khắc đó, tôi nhận thấy mọi cặp mắt đang đổ dồn về phía mình và dò xét từng cử chỉ của tôi.
Tôi mỉm cười và gọi thêm hai phần ăn sáng đặt trên một khay riêng.
Sau đó, tôi đi vòng qua góc bàn mà hai người đàn ông chọn ngồi, để khay thức ăn lên bàn và đặt tay mình lên bàn tay đang lạnh cóng của người đàn ông mắt xanh.
Ông ngước nhìn tôi mắt ngấn nước và nói “Cám ơn cô.”
Tôi cúi xuống, vỗ vào tay ông ấy và nói “Tôi làm việc này không phải vì ông. Chúa thông qua tôi để ban tặng ông niềm hy vọng.”
Tôi bắt đầu khóc khi quay lại bàn với chồng và con trai mình. Khi ngồi xuống, chồng tôi mỉm cười và nói “Đó là lý do vì sao Chúa ban em cho anh, là để mang hy vọng đến cho anh, em yêu!”
Chúng tôi nắm lấy tay nhau một lúc lâu và biết rằng, bởi vì được nhận phước lành mà chúng tôi có thể lại cho đi những gì được nhận.
Vợ chồng tôi không phải là những ‘con chiên’, nhưng chúng tôi có niềm tin. Ngày hôm đó, ánh sáng thuần khiết của tình yêu Chúa trời đã soi rọi tôi.
Tôi quay lại trường vào buổi tối cuối cùng của lớp học với câu chuyện của mình trong tay. Tôi nộp bài và người hướng dẫn bộ môn đã đọc nó.
Sau đó cô ấy ngước lên nhìn tôi và nói “Tôi có thể chia sẻ câu chuyện này được chứ?”
Tôi nhẹ nhàng gật đầu khi cô yêu cầu cả lớp chú ý.

Và khi cô ấy bắt đầu đọc, tôi chợt nhận ra rằng, chúng ta là những sinh mệnh riêng lẻ và là một phần trong chỉnh thể vũ trụ, chia sẻ là điều cần thiết để hàn gắn và để được hàn gắn.

Bằng cách của mình, tôi đã làm những người tại cửa hàng McDonald’s, chồng tôi, con trai tôi, giáo viên bộ môn và tất cả mọi người tham dự ngày cuối cùng ở lớp học tối hôm đó xúc động.
Tôi tốt nghiệp với một bài học lớn nhất trong đời, đó là: 

 Chấp nhận người khác một cách vô điều kiện.

Nguồn:inspire21
Biên dịch: Hướng Dương

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

BÌNH THẢN TRƯỚC THỊ PHI CUỘC SỐNG

Vị Tổng giám đốc gọi hắn lên và hỏi chuyện:
- Tôi thấy cậu cũng đứng đắn, chững chạc và rạch ròi. Vậy sao trong công ty vẫn có lời ra tiếng vào, dị nghị đàm tếu thế?
Hắn trả lời:
- Thưa anh, trời nắng hạn cả tuần nay, đang trưa nắng gắt bỗng đổ trận mưa rào, người nông dân mừng rỡ ra mặt vì ruộng đất thoát khỏi hạn hán, kẻ làm nghề rửa xe hớn hở vì khách rửa xe đông, nhưng những người đang trên đường thì lại ghét vì đường bẩn và mưa ướt người.
Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ.
Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn bản thân em cũng đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích.
Cho nên em nghĩ rằng: Đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Cấp trên nghe lời thị phi thì nhân viên bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán.
Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không rướm máu.
Cho nên cứ an nhiên mà sống thôi!
(sưu tầm)

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

ĐÊM TRỰC!!

0 giờ
Một người đàn ông đến cấp cứu vì đau quặn bụng. Khi mình đến khám, ông ta cứ luôn miệng nói : Tôi quen anh giám đốc A. Tôi có làm ăn với chị trưởng phòng B. Có lẽ do ông ta nghĩ rằng, khi nói ra những mối quan hệ ấy, mình sẽ làm việc chu đáo hơn. Mình đã đáp lời rằng :
- Anh có thể thôi nói tên và chức vụ của người khác. Anh hãy nói về chính anh đi, tên, chức vụ và bệnh của anh.
Ông ta trố mắt ra nhìn mình, phải mất vài phút sau ông ta mới có thể bắt đầu khai bệnh.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng hay như vậy, bạn nhỉ? Cứ vỗ ngực tự hào chứng tỏ với nhau rằng : tôi là con ông D, cháu bà C, tôi quen biết ông E và có mối quan hệ thân thiết với bà F, thay vì chúng ta nói về chính mình.
Nhưng một người trưởng thành thật sự lại là người luôn tự đứng vững trên đôi chân mình, can đảm chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, không dựa vào ai cả, không đổ thừa ai cả.
---

0 giờ 30 phút
Một người phụ nữ 70 tuổi, được đưa đến phòng cấp cứu trong tình trạng suy kiệt nặng, da xanh niêm nhạt, thở ngáp cá, toàn thân khai mùi phân dãi. Khi mình xử trí cấp cứu xong, mình hỏi hai người con gái ăn bận rất bảnh bao và thơm tho : Bệnh nhân bị bệnh gì trước đây, điều trị ở đâu, và diễn tiến nặng bao lâu rồi?
Mình đã ngỡ ngàng khi nhận được một câu trả lời : Bệnh tim mạch và u hạch gì đó không rõ, mẹ tôi đã khó thở cả tháng nay rồi, nhưng tôi nghĩ không sao nên không đưa đi khám bệnh.
- Hai chị là con ruột?
- Ừ con ruột.
Mình im lặng thở dài khi kết quả xét nghiệm và MSCT trả về là bệnh Lymphoma ác tính di căn não, di căn phổi, đái tháo đường, suy thận... Làm sao mà cứu chữa? Mẹ thì chỉ có một trên đời.
Tuần trước mình có đi dự đám tang của một bệnh nhân rất thân. Và đã chứng kiến những giọt nước mắt ăn năn của người con út.
- Bác sĩ biết sao không, cả bốn tháng nay tôi chưa gặp mẹ, dù nhà tôi và nhà mẹ cách có vài bước chân. Ai ngờ trưa hôm thứ 7, nhận điện thoại báo mẹ đã mất rồi... Giá như tôi ...
Thật, càng lớn tuổi, mình càng sợ trực cấp cứu. Không phải vì sức khoẻ vì chuyên môn hay vì áp lực phải tiếp xúc phơi nhiễm với những bệnh lây nhiễm hay vì có thể bị hành hung bất cứ lúc nào. Mà vì cứ phải chạm vào thật sâu bên sau mỗi con người dù mình không muốn...

1 giờ sáng
Bệnh nhân nam 23 tuổi, cơ thể gầy teo, nấm trắng đầy miệng đến cấp cứu vì tiêu chảy. Khi mình giải thích tình hình bệnh và đề nghị nhập viện thì bệnh nhân không chịu vì không có tiền.
- Em điện thoại kêu ba mẹ vào viện đi.
- Ba mẹ em li dị hồi em còn nhỏ xíu. Em sống với bà, mà bà ở tuốt dưới Vĩnh Long, em nói thiệt, em bị nghiện ma tuý đá và bị nhiễm HIV.
- Nhưng nếu em không nằm viện thì phải làm sao?
- Em cũng không biết nữa.
Nhìn cơ thể bệnh nhân chi chít những hình xăm, mái tóc nhuộm vàng khè ... sao mà khác quá với cách bệnh nhân trả lời.
- Em chỉ nghĩ mình đau đến đây để bác sĩ cấp cứu...
Mình lại thở dài, dù tiếng thở dài chẳng làm đêm ngắn lại. Phần lớn những người sa ngã và lầm lạc thường được lớn lên trong gia đình không có hạnh phúc, cha mẹ ly dị, hay nghiện rượu, cờ bạc và thuốc lá. Có bao giờ mỗi bước chân đi, mỗi quyết định trong cuộc đời, chúng ta đều cẩn trọng?
Sanh con rất dễ, nhưng nuôi dưỡng con lại rất khó! Khó vô cùng.

2 giờ sáng
Một thanh niên sỉn rượu đến để may những vết thương vùng mặt và lưng do bị chém. Khi điều dưỡng hỏi phần hành chánh, thì anh ta nạt nộ đập bàn : Sao không khâu liền đi, cứ hỏi mấy cái vớ vẩn làm gì?
- Muốn khâu thì phải làm hồ sơ khai tên tuổi bị đánh ở đâu chứ, rồi còn phải kí tên yêu cầu khâu chứ.
- Tao đ* khai. Bây giờ tao hỏi tụi mày có khâu không thì bảo? Tụi mày có tin tao chém tụi mày bây giờ không?
Mấy anh bảo vệ nghe ồn ào, báo ngay cho công an. Và thanh niên sỉn rượu vừa thấy bóng công an lập tức bỏ chạy. Mới đó còn hùng hổ đòi đâm đòi chém ...
Thật, những người có xu hướng hung bạo và dễ kích động thường là những người sống trong sự sợ hãi và yếu đuối.
Vì sao khi đi trên phố mấy thanh niên trẻ hay nẹt bô rồ ga? Vì sao giữa đám đông mấy người trung niên kia ăn bận diêm dúa trang điểm cầu kì?
Bởi vì trong sâu thẳm họ khát khao được chú ý, khát khao được công nhận... nhưng họ chẳng có gì đặc biệt, buộc họ phải hành động như thế. Họ lạc loài!

3 giờ sáng
Một người đàn ông, 50 tuổi được đưa vào cấp cứu vì đau đớn vùng hạ sườn phải. Ông ta la hét inh ỏi :
- Bác sĩ đâu rồi? Tụi bây chết hết rồi hả? Tao vào bệnh viện cả tiếng rồi mà chẳng thấy tụi bây đâu...
- Bác sĩ đây, anh mới vào mà, y tá còn chưa kịp lấy dấu hiệu sinh tồn...
Người nhà vội nói bệnh nhân và quay qua nói với mình : Bác sĩ thông cảm, tại ảnh bệnh ung thư đường mật di căn gan, di căn hạch giai đoạn cuối rồi nên đau đớn và hay la hết. Bệnh Viện C đã cho về, khuyên gia đình, bệnh nhân muốn ăn gì thì cứ cho...
Đêm dường như sâu hơn với tiếng thở dài.
Nỗi đau niềm thống khổ là có thật, luôn hiện diện bên trong mỗi con người. Ai cũng đau cũng khổ, có người nhờ nỗi đau mà vượt lên được chính mình, tìm ra được con đường giải thoát và an lạc, nhưng cũng có người bị chết chìm trong đó.
Lẽ thường, khi người ta gần đến bên kia con dốc cuộc đời, cận kề cái chết, người ta sẽ buông bỏ hết những sân si, người ta sẽ chấp nhận và mỉm cười... Đằng này ...

Bốn giờ sáng
Một người phụ nữ đến cấp cứu vì đau đầu ngủ không được. Trong khi mình đang viết bệnh án thì nghe bà ta kêu lên : Chú bác sĩ và cô y tá kia, mau trả điện thoại lại cho tôi.
- Bà coi lại cẩn thận đi, tụi con đâu có lấy điện thoại của bà.
- Cô nói gì? Chỉ có cô và chú bác sĩ kia lại gần tôi... Không cô thì chú kia lấy. Báo bảo vệ hay công an ngay đi.
Bệnh nhân ngồi bật dậy, khác với lúc mới vào nhăn nhó khó chịu mệt mỏi.
- Ôi mẹ ơi, mẹ nói cái gì kì lạ vậy? Con giữ điện thoại của mẹ đây. Tại con đi đóng tiền tạm ứng nhập viện nên mẹ không biết.
- Vậy hả? Tao tưởng hai đứa này nó ăn cắp.
Bé Khánh vừa định lên tiếng, mình vội ngăn lại và thì thầm : Thôi bỏ đi em.
Mình nhớ một câu chuyện trong Phúc Âm, có người đến hỏi : Nếu ai đó tát vào má con thì sao? Chúa Giêsu đã trả lời : Con hãy đưa luôn má còn lại cho người ta tát. Và nếu có ai xin con cái áo khoác bên ngoài, con cũng hãy cởi luôn cái áo khoác bên trong mà cho.
Thường chúng ta chỉ đến với Thượng Đế khi bị đau khổ, mất mát, muốn mà chưa được...
Và khi chúng ta bị ức hiếp bị bắt nạt, chúng ta mong là luật công bằng, luật nhân quả được thực thi.
Nhưng Thượng Đế luôn im lặng. Ngài dạy : Hãy tha thứ, hãy cho đi nhiều hơn.
Bởi chỉ những người yếu đuối, thiếu thốn, bị bỏ rơi ... mới dùng đến bạo lực và đi xin.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma từng nói : Cây lúa nào hạt non hạt lép thì nó đứng thẳng vươn cao. Còn những cây lúa nặng trĩu hạt luôn oằn mình xuống dưới thấp.
Cái Tôi của ai nhỏ bé thì tâm lượng người đó mênh mông!

Sưu tầm trên internet


Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Món chay mì nấm rơm

 mon chay ngon tu mi va nam rom

Nguyên liệu:
  • 200g chả chay.
  • 1 cây mì căn.
  • 200g nấm rơm búp.
  • 1 tầu hủ ky non.
  • 1 cây boa rô.
  • 500g mì sợi.
  • Cà rốt, củ sắn, su su, củ cải.
  • Đường, muối, bột ngọt, nước tương,
  • Tiêu xay.
Cách Làm:

Chuẩn bị:
– Chả chay cắt miếng bán nguyệt để sẵn.
– Mì căn ướp gia vị, xíu hoặc nướng, cắt lát mỏng.
– Nấm rơm làm sạch rửa để ráo.
– Boa rô làm sạch cắt khúc 2cm, cọng chẻ đôi, lá để riêng.
– Hủ ky non xắt miếng xéo 2 cm chiên vàng.
– Hầm các loại rau củ lấy 2 lít nước. Mì sợi trụng chín, vớt ra rổ xóc dầu ăn có phi kiệu mì sẽ bóng và không dính vào nhau.

Thực hiện:
– Lọc lấy nước hầm rau củ ra một nồi khác. Bắc chảo dầu cho cọng trắng boa rô vào phi thơm, cho nấm vào xào thấm dầu xong trút vào nồi nước dùng, nêm nước tương + đường + bột ngọt + muối, để nước sôi nếm lại vừa ăn, xong thả lá boa rô vào.
Trình bày:
– Cho mì vào tô, xếp chả + mì căn xí + hủ ky chiên, chan nước dùng, rắc tiêu, bày ngò dùng nóng, cho vào món chay thêm nước tương, ớt, dấm tiêu.
Sưu tầm
Xem nguồn bài viết ở đây

6 MÓN NGON BIẾN TẤU TỪ TRỨNG

1. Salad trứng:

Nguyên liệu: Trứng, sữa chua, sốt mayonnaise, các loại rau bạn thích (hành tây, cà chua, dưa leo, rau xà lách..) và gia vị.


Cách làm:
- Trứng luộc chín, tách riêng lòng đỏ và trắng. Các loại rau rửa rạch, xắt miếng vừa ăn.
- Lòng đỏ nghiền nhuyễn cho sữa chua, sốt mayonnaise, muối, tiêu, bột nêm vào trộn đều, nêm nếm cho vừa ăn.

- Xếp rau ra đĩa, cho hỗn hợp trứng lên trên, đảo đều.

2. Trứng rán khoai tây

Nguyên liệu: Khoai tây, trứng, hành tây, sốt mayonnaise, gia vị.


Cách làm:
- Hành tây, khoai tây bỏ vỏ, xắt hạt lựu. Trứng đánh tan.
- Cho dầu ăn vào chảo, dầu nóng cho lần lượt hành tây, khoai tây vào rán vàng, vớt ra để ráo.
- Cho hành tây, khoai tây đã chiên vào trứng thêm sốt mayonnaise và gia vị sao cho vừa ăn.
- Đổ hỗn hợp trên vào chảo rồi rán vàng hai mặt là được.

3. Trứng hấp:

Nguyên liệu: Trứng, hạt nêm, chà bông.


Cách làm:
- Trứng đánh tan cho hạt nêm vào khuấy đều. Lọc trứng qua rây cho hết lợn cợn.
- Đun sôi nước cho trứng vào xửng hấp khoảng 10 phút.
- Rắc chà bông lên mặt. Món này ăn nóng rất ngon.

4. Canh trứng nấm:

Nguyên liệu: Đậu phụ non, cà chua, trứng gà, nấm tươi, gia vị, hành ngò.


Cách làm:
- Nấm, cà chua, hành lá làm sạch.
- Nấm thái nhỏ, cà chua thái múi cam, đậu phụ non cắt ô vuông, trứng đánh tan.
- Cho ít đầu ăn vào chảo, xào nấm và cà chua cho chín mềm, nêm chút gia vị.
- Cho nước vào nồi đun sôi, đổ đậu phụ non vào, nêm nếm lại cho vừa ăn.
- Đổ trứng vào nồi đang sôi, khuấy nhẹ tay để trứng không vón cục. Đợi canh sôi lại thì múc ra tô, cho thêm hành ngò vào.

5. Trứng cút sốt chua ngọt:

Nguyên liệu: Trứng cút, tương cà, đường, giấm, bột nêm, mè rang.



Cách làm:
- Trứng cút luộc chín bóc vỏ.
- Cho dầu ăn vào chảo, đợi dầu nóng cho trứng vào chiên đến khi vàng đều hai mặt rồi vớt ra để ráo.
- Chừa một ít dầu ăn vào chảo, cho tương cà, đường, giấm, bột nêm vào đảo nhanh cho tới khi sệt lại.
- Cho trứng cút đã chiên vào đảo đều cho trứng thấm gia vị. Cho trứng ra đĩa, rắc thêm mè rang lên trên.

6. Trứng bác cà chua

Nguyên liệu: Trứng, cà chua, hành lá, gia vị.


- Cà chua rửa rạch bỏ hột, cắt hạt lựu ướp với chút muối, đường, bột nêm.Cách làm:
- Trứng đánh tan.
- Cho dầu ăn vào chảo, xào cho cà chua thật mềm, cho trứng vào đảo đều tay, nêm nếm cho vừa ăn. Xào cho tới khi cà chua và trứng khô và tơi ra, cho hành lá vào. Món này ăn nóng với cơm hoặc dùng chung với cháo trắng cũng rất ngon.
Lưu ý: Trứng là món ăn dinh dưỡng chứa nhiều protein giúp bảo vệ gan, làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường trí não. Theo Tổ chức Tim mạch Anh, mỗi người không nên ăn quá 4 quả trứng trong một tuần để phòng tránh các bệnh về tim mạch.

Lê Hà Ngọc Trâm (vnEXPRESS.NET) 
Nguồn: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/noi-tro/nau-nuong/6-mon-ngon-bien-tau-tu-trung-3083397.html


Bí xanh kho tộ

Thời gian thực hiện : 30'
Giá thành : 20.000
Số người ăn : 4 người


Nguyên liệu :


- 2 trái bí non
- Hành,ớt
- Gia vị : đường, bột ngọt, muối, tiêu



Thực hiện :

- Bí xanh cạo lông và lớp vỏ xanh bên ngoài (chỉ cạo thôi chứ bạn đừng gọt bỏ luôn lớp vỏ bên ngoài thì kho sẽ ngon hơn), cắt từng khoanh tròn dày khoảng 1cm hoặc cắt dọc cũng được.



- Chiên sơ từng miếng bí cho hơi vàng sau đó vớt ra ướp tí muối, tiêu, đường , bột ngọt để khoảng 15'



- Bắt nồi lên bếp, cho tí dầu vào khử với kiệu hay đầu hành đập dập sau đó cho nước tương, đường, tiêu bột ngọt lên kho trước 1 tí cho hơi sánh lại rồi sau đó hãy cho bí vào kho cho sệ tlai. bạn đừng cho bí vao ngay từ đâu ví bí hơi mềm nếu nấu thời gian quá lâu trên bếp sẽ dể bỉ nát ra.




- Khi nồi bí kho đã sánh lại cho thêm tí hành tiêu, ớt và nhắc xuống ngay.




- Với những khoanh bí tròn , bạn đã có món cá kho tộ, với những miếng bí cắt dọc thì bạn lại có thêm món thịt ba chỉ kho tiêu rồi đấy. Món này mình ăn kèm với dưa leo và cà chua nhé. Chúc cả nhà ngon miệng.

Sưu tầm

Hoa Chuối (Bắp chuối) chiên giòn

Thời gian thực hiện : 30'
Giá thành : 40.000
Số người ăn : 4 người


Nguyên liệu :


- 2 hoa chuối (bắp chuối)
- Bột chiên giòn
- Rau sống
- Gia vị : giấm, đường, bột ngọt, muối, tiêu



Chuẩn bị :


- Bắp chuối tách bỏ lá ra chỉ dùng những trái chuối nhỏ nằm kẹp bên trong từnng lớp lá, ngâm nước giấm hay chanh loãng , rửa sạch, để ráo.(Lá chuối bạn sẽ dùng làm món khác nha)




- Bột chiên giòn pha tí nước trôn cho thật mịn để khoản 10' rồi cho bắp chuối vào .




- Bắt chảo lên bếp , làm nóng dầu và chiên từng miếng bắp chuối vừa ăn với lửa vừa.




- Vớt ra đĩa có giấy tẩm dầu cho rút bớt dầu trong miếng bắp chuối chiên giòn.



- Món này bạn dùng kèm với đĩa rau sống ăn với cơm, cuối tuần cuốn bánh tráng. Ăn giống như món cá cơm tẩm bột chiên giòn đó bạn.



Sưu tầm

Khoai Mỡ Chiên Xù - Nước tương Cà

Thời gian thực hiện : 30'
Giá thành : 25.000
Số người ăn : 4 người


Nguyên liệu :


- 1 củ khoai mở, rau ôm, ngò gai.
- Rau sống,
- Cà chua, nước tương, ớt.
- Gia vị : đường, bột ngọt, muối, tiêu.



Thực Hiện :


- Khoai mỡ gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài. dùng muỗng hoặc dao nạo mịn lớp thịt bên trong.
- Rau ôm và ngò gai thái nhuyễn.
- Trộn đều khoai mở, rau ôm, ngò gai, muối, đường, tiêu, bột ngọt. Ướp hỗn hợp khoảng 15' cho thấm đều gia vị.




- Bắt chảo dầu nóng, chiên từng miếng khoai mỡ với lửa vừa.



Trong khi chờ khoai mở vàng giòn, chúng ta cùng làm món nước tương cà nha!
- Để 1 trái cà lên bếp nướng với lửa nhỏ để cà có thể chín bên trong khi lớp vỏ bên ngoài vừa cháy. đến khi cà chín lấy xuống khỏi bếp lột bỏ lớp vỏ cháy đen bên ngoài. Cho trái cà đã được nướng chín lột sạch vỏ vào chén, dầm hơi nát và cho nước tương, ớt hiểm vào, vậy là bạn đã có 1 chén nướng tương cà rất thơm rồi đấy.



Và bây giờ chúng ta cùng trang trí cho món " Cá Chiên Xù" nào



- Với món "cá chiên xù" thì chúng ta cùng ăn với rau sống thì quá tuyệt phải không? Bạn cũng có thể thêm bánh tráng và bún để cuốn "cá" đó nha !




Sưu tầm

Nhân tướng học: Tại sao người chịu thiệt lại được phúc báo?

“Người ngốc” nhưng không phải thực sự là khờ khạo ngu ngốc, chỉ là người sẵn lòng chấp nhận chịu thiệt thòi. Một cảnh trong phim 'Siêu ngốc gặp nhau' (Ảnh: internet) “Người ngốc” nhưng không phải thực sự là khờ khạo ngu ngốc, chỉ là người sẵn lòng chấp nhận chịu thiệt thòi. Một cảnh trong phim 'Siêu ngốc gặp nhau' (Ảnh: internet)

Trên thực tế, muốn làm một người tốt, nhất định phải chịu thiệt ít nhiều. Đối với việc chịu thiệt thòi, tất nhiên đa số người ta đều không muốn, mà người thực sự làm được việc ấy, thì người khác lại cho rằng họ là những người ngu ngốc, khờ khạo. 

Vậy người sẵn lòng chịu thiệt có thật là ngu ngốc không? Người phải chịu một số thiệt thòi nhỏ, thường lại rất có phúc khí. Dưới đây sẽ từ phương diện tướng mạo mà phân tích hình tượng “người ngốc” nào là có phúc phận.
(Chú thích: đây là “người ngốc” nhưng không phải thực sự là khờ khạo ngu ngốc, chỉ là người sẵn lòng chấp nhận chịu thiệt thòi)

1. Ấn đường rộng
Ấn đường là chỗ ở giữa hai lông mày, rộng để vừa 2 ngón tay, nhưng không vượt quá phạm vi này
Người có ấn đường rộng, làm việc sẽ không tính toán chi ly, sức chịu đựng lớn, có thể khoan dung người khác, cho dù họ có bị người khác đối xử quá đi, cũng không để trong tâm, ngược lại họ vui khi giúp đỡ mọi người, vì vậy, những người này thường có quý nhân giúp đỡ.

2. Cánh mũi lớn mà lỗ mũi nhỏ.
Trong sách tướng cổ, người có lỗ mũi rộng, đa số không giữ được tiền, cũng tức là tiền đến tiền đi. Nhưng người có cánh mũi lớn mà lỗ mũi nhỏ là người rất độ lượng, rất dễ xài tiền, lại không so đo tính toán.
Ví dụ như đi ăn cùng bạn bè, nếu trong người có tiền, họ nhất định sẽ chủ động trả, vì vậy loại người này là điển hình cho việc chịu thiệt, nhưng cũng do việc chịu thiệt này, mà giúp cho họ quen biết được không ít bạn bè, một khi chính mình có khó khăn, bạn bè cũng sẽ vươn tay giúp đỡ họ vượt qua.
Cổ nhân nói: “Người có lỗ mũi rộng thường không phòng hộ, dễ mất tiền thậm chí phá sản”, mà người có lỗ mũi lớn này đại độ lượng và rất khoan dung, sẽ kiếm được tiền nhưng lại là người bỏ ra trước tiên, tục ngữ nói có xả bỏ thì có đắc được, kỳ thực người có tướng mệnh này ngược lại cuối cùng đắc được càng nhiều tài lộc.

3. Người có góc miệng hướng lên, lại thường hay mỉm cười.
Loại người này rất ôn hòa thuần tính, rất thiện chân, có điểm giống trẻ con, yêu thích giúp người. Nhưng cũng vì không có cơ mưu, họ dễ dàng bị người xấu lợi dụng. Bởi vì bản tính của họ rất tốt, dễ dàng thông cảm và chăm sóc người khác, nên họ thường có vận khí tốt, người có loại hình tượng này cũng là điển hình của “người ngốc” có phúc.

4. Miệng hơi mở mà khóe miệng hướng lên.
Miệng thường hơi mở và khóe miệng hướng lên đa số là người ngốc có phúc, người có miệng hơi mở thường bị lừa dối chiếm tiện nghi, suy nghĩ không sâu, nhưng nếu có góc miệng hướng lên, họ dễ dàng tha thứ và đồng cảm với người khác, vì vậy thường sẽ vì điều này mà chuyển họa thành phúc.

5. Lông mày dài mà lông mao nhiều
Loại người này làm việc có thủy có chung, giúp người sẽ giúp đến cùng, tâm địa rất tốt, chắc chắn luôn sẵn lòng làm những việc mà một số người cho rằng đó là việc chịu thiệt thòi. Ví dụ công ty có việc gấp, loại người này có thể tăng ca vô điều kiện, cũng không tính toán với người khác, vì vậy, loại người này là điển hình của người ngốc có phúc phận.

6. Lông mày dài sắc mà phía đuôi hơi rũ xuống.
Loại người này có phần đuôi của lông mày hơi rũ xuống, nhưng lông mày cần phải dài qua mắt mà không rời rạc. Đây dễ dàng là người ngốc có phúc, bởi vì lông mày dài và nhiều là đại biểu cho người có đầu có cuối, lông mày rũ xuống là không tính toán so bì với người khác, làm việc có thủy có chung, tính tình lại trung thực, tâm địa cũng thiện lương, vậy nên cuối cùng đều rất có phúc báo.

7. Khe hở giữa năm kẽ ngón tay
Bình thường khi chụm năm ngón tay lại, có một số người không có kẽ tay, lại có một số người kẽ tay hiện ra rất rõ ràng. Kẻ ngốc là loại người có kẽ ngón tay hiện ra rất rõ ràng.
Loại người có hình tượng này, cùng với cánh mũi lớn mà lỗ mũi nhỏ, chỉ là khác nhau về diễn tấu nhưng cùng một điệu nhạc huyền diệu trong đó. Họ đều là người có tính cách phóng khoáng mà không tính toán so bì, rất có nghĩa khí. Họ thường đem tấm lòng mà đối đãi người khác, mà không tính kể gì đến công sức bản thân bỏ ra đắc được nhiều hay ít, song loại người này cuối cùng lại càng đắc được nhiều hơn, bởi vì có xả bỏ thì mới có đắc được (có mất thì có được).

Nhìn một cách tổng quan
“Người ngốc” sở dĩ có phúc, là vì họ sẵn lòng chịu thiệt, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, thường làm việc tốt, chính vì vậy những điều may mắn, hảo vận thường đến với họ, nếu như bạn ôm giữ tâm thái chỉ muốn được lợi cho riêng mình, như vậy bạn chỉ có thể đắc được lợi ích nhất thời.
Chúng ta đừng ngại học hỏi, làm việc tốt, nói lời hay, trong tâm chứa đựng điều tốt đẹp, trước tiên tạo phúc cho người khác, sau đó người đó cũng sẽ tạo phúc cho bạn. Trước tiên tạo phúc cho người bằng thiện tâm vô tư, rồi sau sẽ được phúc báo.

Theo NTDTV
Biên dịch: Tuệ Minh
Xem nguồn bài viết ở đây


Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Thơ Bùi Giáng



ĐỪNG TƯỞNG.....
Đừng tưởng cứ núi là cao
Cứ sông là chảy, cứ ao là tù
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ Trên là Sáng cứ Tu là Hiền
Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
Cứ nhiều là được cứ tiền là xong
Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc không trông là mù
Đừng tưởng cứ Trọc là Sư
Cứ Vâng là Chịu cứ ừ là Ngoan
Đừng tưởng có của đã sang
Cứ Im lặng tưởng là Vàng nguyên cây
Đừng tưởng cứ uống là say
Cứ chân là bước cứ tay là sờ
Đừng tưởng cứ đợi là chờ
Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần
Đừng tưởng cứ Mới là Tân
Cứ Hứa là Chắc cứ Ân là Tình
Đừng tưởng cứ thấp là khinh
Cứ chùa là tĩnh cứ đình là to
Cứ già là hết hồ đồ
Cứ trẻ là chẳng âu lo buồn phiền
Đừng tưởng cứ quyết là nên
Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua
Dưa vàng đừng tưởng đã chua
Sấm rền đừng tưởng sắp mưa ngập trời
Khi vui đừng tưởng chỉ cười
Lúc buồn đừng tưởng chỉ ngồi khóc than
Đừng tưởng cứ nốc là say
Cứ Hứa là Thật, cứ Tay là Cầm
Đừng tưởng cứ giặc – ngoại xâm
Cứ Bè là Bạn, cứ Dân là Lành
Đừng tưởng cứ trời là xanh
Cứ Đất và Nước là thành Quê Hương
Đừng tưởng cứ Lớn là Khôn
Cứ Bé là Dại, cứ Hôn… là Chồng
Đừng tưởng chẳng có thì không
Chẳng trai thì gái, chẳng ông thì bà
Đừng tưởng chẳng gần thì xa
Chẳng ta thì địch, chẳng ma thì người
Đừng tưởng chẳng khóc thì cười
Chẳng lên thì xuống, chẳng ngồi thì đi
Đừng tưởng sau nhất là nhì
Gần quan là tướng, gần suy là hèn
Đừng tưởng cứ sáng là đèn
Cứ đỏ là chín, cứ đen là thường
Đừng tưởng cứ đẹp là thương
Cứ Xấu là Ghét, cứ Vương là Tình
Đừng tưởng cứ ghế là vinh
Cứ tiền là mạnh, cứ dinh là bền
Đừng tưởng cứ cố là lên
Cứ lỳ là chắc, cứ Bên là Gần
Đừng tưởng cứ đều là cân
Cứ đông là đủ, cứ ân là nhờ
Đừng tưởng cứ vần là thơ
Cứ âm là nhạc, cứ tờ là tranh
Đừng tưởng cứ vội thì nhanh
Cứ Tranh là Được, cứ Giành thì Hơn
Đừng tưởng Giàu hết Cô đơn
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo
Đừng tưởng cứ bến là neo
Cứ suối là lội, cứ đèo là qua
Đừng tưởng chồng mẹ là cha
Cứ khóc là khổ cứ la là phiền
Đừng tưởng cứ hét là điên
Cứ làm là sẽ có tiền đến ngay
Đừng tưởng cứ rượu là say
Cứ gió là sẽ tung bay cánh diều
Đừng tưởng tỏ tình là yêu
Cứ thơ ngọt nhạt là chiều tương tư
Đừng tưởng đi là sẽ chơi
Lang thang dạo phố vào nơi hư người
Đừng tưởng vui thì sẽ cười
Đôi hàng nước mắt lệ rơi đầm đìa
Đừng tưởng cứ mực là bia
Bút sa gà chết nhân chia cộng trừ…
Đừng tưởng cứ gió là mưa
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…
Đừng tưởng thu là lá tuôn
Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.
Đừng tưởng cứ Thích là Yêu
Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay
Đừng tưởng tình chẳng lung lay
Chỉ một giấc ngủ, chẳng may … có bầu.
Đừng tưởng cứ cầu là hên,
Nhiều khi gặp hạn, ngồi rên một mình.
Đừng tưởng vua là anh minh,
Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
Đừng tưởng tìm bạn tri âm,
Là sẽ có kẻ mạn đàm suốt đêm.
Đừng tưởng đời mãi êm đềm,
Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.
Đừng tưởng cười nói ân cần,
Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.
Đừng tưởng trong lưỡi có đường
Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười
Nhiều khi nói móc biết cười làm sao ?!!!
Đừng tưởng khó nhọc gian lao
Vượt qua thử thách tự hào lắm thay
Đừng tưởng cứ giỏi là hay
Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần
Đừng tưởng cứ quỳnh là thơm
Nhìn đi nhìn lại hóa ra cúc quỳ
Đừng tưởng mưa gió ầm ì
Ngày thì đã hết trời dần về đêm
Đừng tưởng nắng gió êm đềm
Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng
Đừng tưởng góp sức là chung
Chỉ là lợi dụng lòng tin của người
Đừng tưởng cứ tiến là lên
Cứ lui là xuống, cứ yên là mằn (mần, làm)
Đừng tưởng rằm sẽ có trăng
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu
Đừng tưởng cứ khóc là sầu
Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nước là trong
Cứ than là hắc, cứ sao là vàng
Đừng tưởng cứ củi là than
Cứ Quan là Có, cứ Dân là Nghèo_
Đừng tưởng cứ khúc là eo
Cứ lúc là mạc, cứ Sang là Giàu
Đừng tưởng cứ thế là khôn!
Nhiều thằng khốn nạn còn hơn cả mình
Đừng tưởng lời nói là tiền
Có khi là những oán hận chưa tan
Đừng tưởng dưới đất có vàng
Vàng đâu chả thấy phí tan cuộc đời
Đừng tưởng cứ Nghèo là Hèn
Cứ Sang là Trọng, cứ Tiền là Xong.
Đừng tưởng quan chức là rồng,
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì.
Đời người lúc thịnh, lúc suy
Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.
Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.
Ai ơi nhớ lấy đừng quên…

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Đừng vội quy kết (tu vậy là... tu hú)

Ta vẫn thường trách người này, người kia đi tu mà sao "đời" quá, tham-sân-si dữ quá, và ta dễ dàng quy kết "tu vậy là... tu hú chứ tu gì".
Với cái kết luận ấy ta dễ dàng đánh mất tín tâm vào Phật pháp, dễ dàng trở thành "quan tòa" và "xử đẹp" người ấy bằng sự xa lánh, chê bai, thậm chí không ngừng cáo buộc, đẩy họ dần xa mái chùa, gieo rắc tiếng xấu cho họ, làm những người sơ cơ học Phật thối thất tâm Bồ-đề mới khởi.
Đồng thời, với cách đánh giá đó ta cũng đang tưới tẩm những hạt giống sân-si và ngã mạn trong ta, khi đó, ta tự cho mình quyền nhận xét, chê bai người khác mà bỏ qua việc sửa chữa tự thân, khiêm hạ, cung kính... (vốn là nét đẹp của người học Phật, giúp mình tăng trưởng lòng từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vô lượng).
Thay vì chê bai, vạch lá tìm sâu, ta nhận diện rằng, may mà người ấy biết đi chùa, biết tụng kinh, niệm Phật nên mới đỡ như vậy. Ít ra, trong những giờ lên chánh điện, thực tập, công phu theo thời khóa thì khoảng thời gian ấy cũng đã giúp người ấy bớt những tạo nghiệp xấu ác rồi. Và, việc người ấy ăn chay cũng là hạnh lành giúp giảm thiểu việc sát hại sanh mạng loài khác. Rồi ta tán thán "lành thay", như Phật đã tán dương, khen môn đệ mỗi khi hỏi những điều có lợi cho chúng sanh, phát nguyện làm những việc thiện lành...
Ta làm được vậy thì ta cũng đang cùng người ấy tu, hạnh tu của ta là hạnh "tùy hỷ công đức".
Theo lời Phật dạy, phàm là chúng sanh còn trong luân hồi sanh tử thì còn tham-sân-si, còn tạo tác những xấu ác. Điều quan trọng là họ còn biết tu sửa, có thể họ chưa sửa ngay được nhưng với ý niệm muốn sửa của họ cũng đáng khen, đáng khích lệ, đáng tuyên dương lắm rồi.
Xét cho đến cùng thì nơi bản thân ta, có lắm điều ta muốn làm tốt hơn, sửa liền nhưng ta cũng chưa làm được và chấp nhận nó, thì cớ sao ta lại yêu cầu người khác phải làm những việc mà họ chưa làm ngay, những việc đòi hỏi thời gian đôi khi không phải chỉ một mà phải cần nhiều đời, nhiều kiếp mới làm được?
internet

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Quả phúc của sự trì giới



Sự trì giới có rất nhiều lợi ích. Trước hết là giữ giới có năm điều lợi ích thiết thực (Ud.86):
1- Nhờ sự không dể duôi mà đạt được tài sản lớn.
2- Có danh thơm tiếng tốt đồn xa.
3- Đi đến hội chúng, tâm dạn dĩ ung dung
4- Lúc chết không hôn mê
5- Sau khi chết, được sanh vào nhàn cảnh thiên giới.
Có lợi ích thiết thực khác nữa (A.V.1) như Đức Phật dạy cho tôn giả Ānanda rằng:
"Này Ānanda, giới là thiện, giới có mục đích là bất hối, có lợi ích là bất hối".
Khi người giữ giới không làm những điều lỗi lầm tội ác, do vậy, người ấy không bị ray rứt lương tâm, không sống trong trạng thái hối hận, tâm được an lạc tự tại.
Người cư sĩ thọ trì chín chắn ngũ giới, nếu nói riêng mỗi điều giới thọ trì có quả phúc như sau: 

"Không sát sanh" có 23 quả phúc:
1- Được trường thọ
2- Thân không tàn tật
3- Ít bệnh hoạn
4- Thân hình vừa vặn
5- Thân thể xinh tốt
6- Tướng khoan thai cao ráo
7- Cử chỉ linh hoạt
8- Bước chân đi dáng đẹp
9- Vẻ mặt tươi sáng
10- Tính tình nhu hòa
11- Tinh thần an vui
12- Tâm dạn dĩ dũng cảm
13- Có nhiều sức mạnh
14- Nói năng bặt thiệp
15- Không bị quần chúng bắt nạt
16- Không có sự kinh hoàng sợ hãi
17- Không bị kẻ thù hãm hại
18- Không bị chết do người cố sát
19- Không có chuyện bực mình
20- Thân thể sạch sẽ
21- Có đông tùy tùng
22- Được mọi người thương mến
23- Không gặp cảnh sanh ly tử biệt

"Không trộm cắp" có 11 quả phúc:
1- Có nhiều của cải
2- Có thực phẩm đầy đủ
3- Kiếm được thực phẩm dễ dàng
4- Có được tài sản chưa có
5- Tài sản có rồi được giữ vững
6- Muốn gì được đó
7- Tài sản không bị tiêu hao do thiên tai, hoả hoạn, trộm cướp, tịch biên hay
do người thân.
8- Có được tài sản không bị tranh đoạt.
9- Không bị nghe và biết "sự không có".
10- Ở đâu cũng được an vui.
11- Dễ đạt được tài sản Siêu thế.

"Không tà dâm" có 20 quả phúc:
1- Không bị thù địch
2- Không bị người ganh ghét
3- Không bị tai nạn do người hại
4- Ít bị xa lìa người thương
5- Là chỗ thương yêu của mọi người
6- Có nhiều thân hữu quí mến
7- Tìm cái ăn, cái mặc, chỗ ở dễ dàng
8- Ngủ nghỉ được an vui
9- Thức giấc được an vui
10- Nằm ngồi chỗ nào cũng an vui
11- Sinh kế không khó khăn
12- Không dễ bực mình
13- Không sanh khổ cảnh
14- Không sanh làm người bán nam bán nữ
15- Tánh người nghiêm túc
16- Làm việc minh bạch
17- Tướng mạo uy nghi
18- Ngũ quyền (mắt, tai ... ) đầy đủ
19- Cổ không cúp, "Tức là có oai phong"
20- Không gục mặt, "Tức là có uy quyền"

"Không nói dối" có 14 quả phúc:
1- Có ngũ quyền (mắt, tai ... ) được trong sáng
2- Có lời nói thanh tao
3- Có hàm răng khít khao đều đặn
4- Không quá mập
5- Không quá ốm
6- Không quá cao
7- Không quá lùn
8- Được hưởng xúc lạc
9- Miệng thơm như hoa sen
10- Lưỡi mỏng đỏ như cánh sen
11- Không câm ngọng
12- Có được kẻ tùy tùng tín cẩn
13- Lời nói được tín nhiệm
14- Tâm trí không bị rối loạn 

"Không uống rượu", có 15 quả phúc:
1- Làm người có trí nhớ tốt, không bị lẫn
2- Không bị điên khùng, đờ đẫn
3- Có sự hiểu biết mau lẹ
4- Thành người đa trí
5- Làm người tri thức
6- Làm người hiểu biết điều lợi ích và điều không lợi ích.
7- Làm người không hoảng hốt
8- Làm người không có sự bực bội
9- Không bị người vu khống
10- Làm người nói năng nghiêm túc
11- Làm người siêng năng chăm chỉ
12- Làm người tính trung thực
13- Làm người có liêm sỉ
14- Luôn có sự an vui
15- Luôn được người kính nể.

THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
CƯ SĨ GIỚI PHÁP
Chương 3, trang 74
Tỳ kheo Giác Giới (Bodhisīla Bhikkhu) biên soạn
PL. 2550 - TL. 2006
Nguồn
http://thuvienhoasen.org
Chuyển sang ebook 21-7-2009
Người thực hiện : Nam Thiên – namthien@gmail.com
Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org