Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Cúng dường Phật hay buôn bán với Phật?

Một số người đặc biệt là người trẻ tuổi không dám bước chân vào chùa. Vì họ sợ phải cúng dường. Cúng dường ít thì tự thấy ngại, mà cúng dường nhiều thì không muốn. Đã vậy còn thêm 1 số người cứ “hù” miết: vào chùa mà không cúng dường mà dám ăn hay uống cái này cái nọ là mắc nợ Tam bảo, là lấy của chùa, là phải đọa địa ngục………. Nghe sợ quá, nên thấy chùa là tránh xa xa. Thiệt cái tình! Nếu nghĩ rằng vào ăn cơm chùa hay nghe thuyết pháp mà phải cúng dường thì đó không phải là cúng dường, đó là buôn bán với chùa hay buôn bán với Phật ấy chứ. Vì sao?

Chùa được xây dựng hay thiết lập là do công sức tiền của của thập phương bá tánh. Khi người ta cúng dường vào chùa thì có ai nghĩ đến việc yêu cầu người khác phải trả công hay phải mắc nợ mình khi được hưởng thụ thành quả này không? Hoặc khi vào ăn ké cơm chùa cũng vậy. Nếu mình ăn với một cái tâm hồi hộp lo sợ hổng biết có mắc nợ không, hổng biết có phải cúng dường không thì người nấu, người phục vụ, người bỏ tiền ra lo cho bữa ăn đó xem như hổng có phước gì cả. Gọi là cơm chùa mừ. Cứ việc ăn thoải mái, ăn cho thật hoan hỉ vào, ăn vì mình cần ăn, chứ không phải do mình tham mà ăn, ăn như vậy càng hoan hỉ thì những người phục vụ cho mình có bữa ăn đó càng được phước. Tưởng tượng xem: Mình cho ai một cái gì đó mà người nhận hoặc không cần món ấy lắm, hoặc nhận mà không vui, hoặc nhận mà không thoải mái thì việc cho của mình nó không thật sự có ý nghĩa tí nào. Còn khi mình cho ai cái mà họ thật sự cần và họ nhận với một tâm trạng hoan hỉ vô cùng thì mình cảm thấy lâng lâng cả mấy ngày luôn đó. Mọi người không tin, thì cứ thử đi rồi sẽ biết. Bởi vậy vào chùa cũng thế, đừng có để cho tâm trạng của mình bị đè nặng bởi việc cúng dường. Nếu cần thì cứ việc nhận nha mọi người, nhớ đừng có tham là được. Chịu nhận cái mình cần một cách hoan hỉ thì người cho mới có nhiều phước. Thời Phật còn tại thế, Phật và các vị thánh tăng, hay tỳ kheo đều đi ăn xin (nói cho hay hơn một tí là đi khất thực) một phần cũng bởi vì lý do này đấy. Ai cho cái gì cũng hoan hỉ nhận và hoan hỉ ăn. Như vậy người cho mới được phước.

Quan điểm của tôi là cần gì cứ việc vào chùa lấy, lấy cái mình cần, lấy một cách hoan hỉ. Đây là cách giúp ích cho người khác đấy. Ai nói gì mặc kệ họ. Khi nào mình lấy vì mình tham thì mình mới sợ, còn mình lấy cái mình cần thì hổng việc gì phải sợ, vì mình đang giúp cho người đóng góp vào chùa được phước đấy chứ!

Còn nếu muốn cúng dường gì đó cho chùa, thì điều đó phải xuất phát từ thật tâm cúng dường, chứ không phải vì sợ mắc nợ mà cúng dường. Khi mình sợ mắc nợ mà cúng dường thì đó là mình đang buôn bán với chùa, với Phật. Như vậy cả mình và người phục vụ mình không ai có phước gì cả. Tính toán quá thì phước chỗ nào mà phước. Cái gì xuất phát từ nhu cầu thật sự, từ thật tâm thì mới phước chớ!

Bởi vậy, muốn ăn cơm chùa thì cứ việc vào chùa ăn, muốn vào chùa nghe thuyết pháp thì cứ việc đi nghe, muốn xin băng đĩa sách về sử dụng thì cứ việc xin (một số chùa phát mấy cái này miễn phí chứ không có bán), hoan hỉ ăn, hoan hỉ nghe, hoan hỉ nhận, vậy thôi cũng đem lại phước cho nhiều người lắm rồi, không cần phải bỏ tiền vào thùng thì mới có phước đâu nha!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét