Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Có hai loại cô đơn: Cô đơn hữu ngã và cô đơn vô ngã.

1) "Cô đơn hữu ngã" là khi con không cô độc nhưng lại cảm thấy cô độc lạc lõng vì không tìm được mối quan hệ hợp ý mình. Chính ý muốn "xây dựng môi trường tu học" như một tổ chức lý tưởng để thiết lập mối quan hệ hoàn hảo khiến con cảm thấy cô đơn. Biết đâu cuốn sách mà con định viết nhằm xây dựng một môi trường tu lý tưởng theo ý con lại tạo cảm giác cô đơn cho nhiều người khác!? Rồi phải chăng khi con không tìm thấy mối quan hệ lý tưởng trong môi trường tu hiện tại con lại muốn "quay về với thực tại chính mình" mà thực ra là đang trốn chạy sự tương giao hiện hữu, đang tự cô lập mình trong cảm giác cô đơn bất mãn? Khi con muốn tổ chức và tiêu chuẩn hóa mọi người theo tiêu chí của con thì sự cô đơn đã hình thành trong con một cách kiên cố!
2) "Cô đơn vô ngã" là khi con sống tương giao hài hòa vô ngại với mọi người dù mỗi người là mỗi cá thể đặc thù, nói cho dễ hiểu là mỗi người một tính cách, một trình độ, một biểu hiện độc đáo, một lý lịch quá khứ riêng tư..., mà con không hề có ý muốn tiêu chuẩn hóa mối quan hệ mọi người trong một tổ chức lý tưởng theo ý mình, ngay trong thực tại đó con vẫn thương yêu, tôn trọng, hòa hợp với mọi người dù đồng hay dị mà vẫn sống độc lập, tự tại giữa họ thì đó chính là sự cô đơn vô ngã của một người giác ngộ. Người giác ngộ nhận ra rằng mỗi người đều đã và đang dựng lên cho mình một cái ngã ảo tưởng từ đó phát sinh ra sự bất đồng, và điều kỳ diệu của pháp là chính sự va chạm của những bất đồng đó lại giúp phá vỡ thành trì của bản ngã, nên sự va chạm ấy vô cùng cần thiết, trong khi ý muốn "tổ chức môi trường tu học" hoàn hảo lại chính là ý đồ nuôi dưỡng và gia cố cho cái bản ngã luôn muốn cầu toàn, vì vậy mà nó không bao giờ giác ngộ được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của đời sống.

HT. Viên Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét