Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Thế nào là một Phật tử?

(Lưu ý: Do nhiều người dùng từ Phật tử nên tôi dùng theo cho mọi người dễ hiểu chứ chỉ ai nhập dòng Thánh rồi, nghĩa là đắc quả Nhập Lưu mới thật sự là một Phật tử; còn ai chưa nhập dòng thì chỉ là cận sự nam, cận sự nữ, thiện nam tín nữ..... mà thôi.)
Phật tử nghĩa là người có hành pháp, chứ không phải chỉ thờ hình Phật, ăn chay, đi chùa,...mà được gọi là Phật tử đâu.
Thế nào là người có hành pháp?
"Lắng nghe chính cái tâm của mình quả thật thích thú kỳ diệu. Cái tâm chưa được rèn luyện nầy không ngừng chạy quanh chạy quẩn theo những thói quen tật cũ hoang dại của nó. Nó nhảy nhót một cách điên cuồng bấn loạn, vì chưa bao giờ được rèn luyện. Vì lẽ ấy ta phải luyện tâm. Và pháp hành thiền trong Phật Giáo mật thiết liên quan đến tâm. Hãy trau giồi tâm, hãy phát triển chính cái tâm của ta. Điều nầy rất quan trọng, tối quan trọng. Rèn luyện tâm là công trình vô cùng thiết yếu. Phật Giáo là tôn giáo của tâm. Chỉ có thế! Ai thực hành pháp trau giồi tâm là thực hành Phật Giáo." (Ajahn Chah)
Các pháp môn tu từ Tịnh độ, Thiền, Mật, Giáo cũng chỉ nhằm hướng về cái Tâm. Ai tu mà không hướng về cái Tâm thì xem như tà ma ngoại đạo. Tà ma ngoại đạo nghĩa là như vậy chứ không phải theo tôn giáo khác, không theo Phật giáo là tà ma ngoại đạo đâu. hihihihihihi
Người theo tôn giáo nào mà hướng về cái Tâm thì người đó theo đạo Phật. Còn người theo Phật Giáo mà không hướng về cái Tâm thì vẫn là tà ma ngoại đạo.

Đức Phật dạy gì?

"Một hôm, một đệ tử ngoại đạo đến yết kiến đức Phật. Phật hỏi:
- Thầy ngươi dạy gì?
- Bạch Thế Tôn, thầy con dạy biết.
- Thầy ngươi biết như thế nào?
- Dạ, biết liên tục ngày đêm.
Rồi người đệ tử ngoại đạo lại hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn, Ngài dạy gì?
- Như Lai dạy biết.
- Ngài biết như thế nào?- Như Lai khi nào cần biết thì biết, khi nào không cần biết thì thôi.

Cái biết của vị Đạo Sư ngoại đạo ấy dù miên mật đến đâu vẫn là cái biết của bản ngã, thời gian và ý niệm, nên tuy không gián đoạn nhưng nhìn kỹ chỉ là cố gắng nối dài thời gian trong nỗi sợ hãi, bất an. Còn tánh biết thể hiện nơi đức Phật là tùy duyên thuận pháp mà ứng hiện, thoạt có thoạt không, dường như không có nhưng khi cần động dụng thì liền có, đó mới thật sự là miên mật mà không cần lưu giữ niệm niệm kế tục bất đoạn làm gì. Cái biết hữu ngã có sinh diệt nên mới muốn được thường hằng, còn tánh biết vô ngã không sinh không diệt nên cũng không thường không đoạn."

 Xem nguồn bài viết ở đây

NHƯ LÝ TÁC Ý

"Câu hỏi:
Kính thầy! Kính xin thầy giải thích cho con hiểu thực nghĩa của cụm từ: NHƯ LÝ TÁC Ý.
Thực ra có người hỏi con, con giải thích nhưng họ bảo có người giải thích khác nên con kính nhờ Thầy giúp con để bạn con tham khảo và hành trì cho "ĐÚNG". Con xin cảm ơn Thầy.

Trả lời:
Đừng cố tìm một định nghĩa trên ngôn từ về tác ý là gì mà phải thấy ra hành trạng của nó như thế nào. Như lý (yoniso) là đúng với thực tánh của đối tượng, tức đúng với đối tượng như nó đang là; phi như lý (ayoniso) là không đúng với thực tánh của đối tượng, vì cho nó là, buộc nó phải là hoặc mong nó sẽ là một cách chủ quan không trung thực. Tác ý (manasikàra) là hướng khởi tâm. Hướng tâm khởi lên trên đối tượng như nó đang là tức như lý tác ý, hướng tâm chủ quan trên đối tượng theo quan niệm của mình tức phi như lý tác ý. Ví dụ khi sân con thấy sân sinh diệt như nó đang là tức con khởi tâm thấy đối tượng đúng với thực tánh của nó, đó là tâm khởi với như lý tác ý. Khi tâm khởi với hướng đúng như vậy thì con thấy sân tự sinh tự diệt. Nhưng nếu con có thái độ chủ quan chống đối lại sân như nghĩ "sân là sai, cấm không được sân, hoặc mong sân sẽ chấm dứt ngay..." tức con không thấy được thực tánh của sân như nó đang là, đó chính là phi như lý tác ý. Khi khởi tâm với hướng chủ quan sai lệch - hữu vi, hữu ngã - thì sân bị dồn nén sẽ bùng lên mạnh hơn về sau. Vậy vấn đề không phải là có diệt được sân theo ý mình hay không, mà là có thấy ra thái độ đối với thực tánh sinh diệt của sân như thế nào, hữu vi hữu ngã hay vô vi vô ngã. Như lý hay không như lý là nơi thái độ đối với đối tượng chứ không phải nơi đối tượng ấy."
Hỏi - Đáp Thiền - Thầy Viên Minh.
Xem nguồn ở đây

TÂM SỰ CỦA MỘT NGƯỜI ĐÃ TỪNG KHÔNG MUỐN VÀ KHÔNG THỂ ĂN CHAY.

(Ai muốn ăn chay nhưng không thể ăn được ngay thì có thể học hỏi cách này đây nè mọi người.)

ĂN CHAY
Nói về việc ăn chay là mình phải nói thật với lòng mình là mình không muốn ăn chay tí nào, ăn chay một ngày là đầu óc mình choáng váng, lúc đó tính tình cũng sân si ghê lắm, mình không đi gây sự nhưng ai nói mình không đúng sự thật mà mình biết được là mình làm cho ra ngô ra khoai mới thôi. Hồi còn đi học, một lần mình lỡ hứa gì đó nên ăn chay một tuần, ăn được tới ngày thứ 3 thì người gần như lảo đảo tinh thần không còn minh mẫn nữa, sáng đó lên lớp gặp thầy dạy môn Cấu trúc Dữ liệu, tự nhiên thầy kể thầy có một người học trò là sư, thông tuệ Phật pháp nên hay giảng cho thầy nghe, sau đó thầy bị thu hút, nhưng thầy ăn chay không được, vì không có protein trong người thầy sẽ uể oải không có sức đi dạy, quan trọng là tâm mình tốt, tu tâm là được. Nghe tới đây mình mừng quá, trưa về ăn mặn luôn (Đúng là thời trẻ trâu).
Không hiểu sao duyên số đưa đẩy một cách vô tình, mình càng đi càng gần tới Phật pháp (mặc dù không cố ý nha) rồi thay đổi tâm tánh dần dần, bây giờ ai nói gì, đúng sai phải trái, có oan ức cho mình hay không mình đều mặc kệ không đi thanh minh thanh nga gì nữa, coi đó là sự vô minh của họ và chỉ lo sửa bản thân mình thôi (khi mình chưa đủ bản lĩnh và thông tuệ, chỉ có thể sửa mình, không nên sửa người khác).
Tâm tánh thay đổi khiến thói quen ăn uống thay đổi, mình ăn nhiều rau hơn, khẩu phần thịt dần giảm bớt, sân si cũng không thấy như ngày xưa, không tranh luận kiểu "tao đúng, mày sai" nữa. Bây giờ, nếu ăn chay vài ngày cũng thấy bình thường rồi. Hóa ra tâm thay đổi khiến cho biểu hiện bên ngoài thay đổi. Ngày xưa mình không hiểu, cố ăn chay ép buộc, gọi là xả gốc theo ngọn,chạy theo cái bên ngoài, cố đấm ăn xôi, tuy nhìn bề ngoài cùng là ăn chay như nhau nhưng bản chất hoàn toàn khác. Mình không có ý định ăn chay trường (ngu chắc, đồ ăn ngon thế kia mà) nhưng sẽ thực hiện mỗi tuần ăn chay vài ngày vì sự an lạc cho bản thân và thể hiện sự từ bi mình học được từ Phật pháp.
Con đường đến với Phật pháp của mình hoàn toàn tự nhiên, chắc kiếp trước mình cũng không đến nỗi nào ác, vì nếu ác quá sẽ khó mà thấy chánh pháp và về với pháp của Phật Thích Ca được. Từ ngày có một ngọn đèn le lói cuối đường hầm do thần tượng (một người vô cùng đặc biệt trong lòng mình) mang lại, mình cảm thấy sống rất hạnh phúc. Hạnh phúc đó không phải do người khác mang lại, cách cư xử của thiên hạ ngàn đời vẫn thế, hạnh phúc là mình do mình nghĩ khác, rộng rãi trong tâm hơn nên có thể bỏ qua, tha thứ và buông xả.
Lời Bình: Cái gì tự nhiên thì mới là đúng hướng, còn phải ép buộc để làm thì hổng có vui tí nào!

 

Làm sao để kiến tánh?


Để thấy chân lý, để kiến tánh, hay để thấy thực tánh pháp thì chỉ có một cách duy nhất. Đó là: hãy sống cuộc sống của mình một cách chánh niệm tỉnh giác; ngôn ngữ ngoài đời gọi là "hãy sống thật sâu." Dù là ai, dù có địa vị xã hội như thế nào, dù sống trong biệt thự hay nhà tranh vách lá, dù làm nghề gì, dù là trí thức hay bần cố nông, dù giàu hay nghèo, dù đẹp hay xấu, dù giỏi hay dở.... thì vẫn không quan trọng, mà quan trọng là hãy sống cuộc sống ấy một cách trọn vẹn.

Thế nào là sống trọn vẹn?

Đó là khi làm gì (dù là làm những việc bình thường như uống nước, đi lại, quét nhà, nấu ăn,....) thì hãy dùng toàn bộ sinh mệnh của mình để làm điều ấy.

Khi dùng toàn bộ sinh mệnh của mình để làm việc dù là những công việc được cho là tầm thường nhất, nhỏ nhặt nhất, thì mỗi ngày mình một thông minh hơn, trí tuệ hơn.

Lạ lùng vậy đó! Ai không tin thì làm thử xem rồi sẽ thấy.

Ví dụ: Nếu không có chánh niệm tỉnh giác thì không thể sắp được một dĩa mận gọn ghẽ như thế này đâu nha mọi người.
Xin mời mọi người ăn mận.



49. TRÀ TỲ

VI TIẾU _HT. Thích Viên Minh_
49. TRÀ TỲ
Dù đã đi theo thiền, một thiền sinh vẫn còn đầy ắp kiến giải về các luận A Tỳ đàm, Duy Thức, Trung Quán và triết học Đông Tây.
Sư nói:
- Con có biết không, trình tự sa đọa của con người là từ không còn khả năng sống với đạo mới đưa đến đạo lý. Từ không trực nhận đạo lý mới đưa đến triết lý. Từ không hiểu triết lý đưa đến triết học. Khi những hệ thống triết học được hình thành thì sự sống đạo cũng bị... trà tỳ!
۞
Lời góp ý:
Kết luận thì đã không còn là chân lý, huống chi lặp lại những kết luận thì chẳng khác người mù sờ voi. Người mù sờ voi còn có chỗ đúng, kẻ lặp lại ngôn ngữ nói về chân lý thì hoàn toàn mò trăng đáy biển.
Người giác ngộ hồn nhiên sống đạo, nhưng vì người mê mà nói đạo lý. đáng lẽ nương đạo lý để thấy đạo, người mê lại học được đôi ba điều rồi ba hoa triết lý. Nhưng triết lý vẫn còn là những suy luận mơ hồ chưa có gì xác định. Người mê sau lại phân tích, lý giải, phê phán, hệ thống hóa triết lý bằng thế trí biện tài mà thành ra triết học với những giả thiết, định đề, định luật, hệ luận, phương pháp,... rất ư là logic, để đo lường chân lý trong những kết luận thật sắc bén vững vàng như đinh đóng cột. Tưởng đã nắm đạo trong tay, hóa ra chỉ là đạo giấy.
Bịnh này, ngoài Phật, may ra theo Lão Tử mà “tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” mới mong “huyền đồng” mà trở về với Đạo.
An nhiên tâm lặng lẽ
Sáng suốt tuệ nhật soi
Nói Đạo còn xa Đạo
Huống kẻ mù sờ voi!

NGƯỜI SUỐT ĐỜI GẶP MAY

(Ai muốn suốt đời gặp may thì hãy học hỏi nhân vật này đi nha!)

Buổi sáng đi làm, chị nhìn thấy bánh trước của chiếc xe máy bị xẹp hoàn toàn, chị nghĩ: “May quá, nếu xe xẹp lốp trên đường cao tốc thì không biết hậu quả sẽ ra sao”.
Vì phải dắt xe đi thay săm nên chị đến công ty trễ mất 15 phút. Bà phó phòng nói rằng giám đốc cho gọi chị. Chị nghĩ: “Nếu giám đốc khiển trách về việc đi làm trễ thì mình sẽ thành khẩn xin lỗi chứ không thanh minh”.
Nhưng không có một lời khiển trách nào cả. Sếp gặp chị để mong chị thông cảm rằng lẽ ra hôm nay chị phải nhận được quyết định tăng lương, vì đã đến hạn, nhưng vì mục tiêu chống lạm phát nên Chính phủ đã cắt giảm nhiều hạng mục đầu tư công, trong đó có một dự án của công ty. Do vậy, tình hình tài chính của công ty có gặp khó khăn nên chị và một số người đáng lẽ được tăng lương đợt này nhưng phải lùi lại một thời gian và sẽ được đền bù vào kỳ tăng lương sau.
Chị về phòng làm việc với một niềm vui nho nhỏ: “Vẫn là may. Nhà nước cắt giảm đầu tư công tới hơn 41.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp lao đao, phải giảm lương của cán bộ công nhân viên, thậm chí có đơn vị phải cắt giảm nhân lực. Mình không bị giảm lương, lại còn được đền bù vào kỳ tăng lương sau, thế là may. Cái may thứ hai là mình được làm việc với một ông giám đốc tài ba và rất tử tế”. Buổi chiều, chị mua hải sản, làm một bữa cơm thịnh soạn để cả nhà ăn mừng ba cái may trong ngày của chị.
Ngày hôm sau, trên đường đi làm về, chồng chị bị một gã ngổ ngáo chạy xe đánh võng va vào xe của anh ấy, khiến chồng chị bị tai nạn, xây xát ở chân và tay. Khi nghe chồng kể chuyện này, chị nghĩ: “Thế là quá may, bị tai nạn giao thông mà chỉ xây xát nhẹ chứ không phải vào viện”. Và chị lại làm một bữa tươi để ăn mừng cái may của gia đình mình.
Như thế đó, chị là một người suốt đời gặp may. Đó không chỉ là một lối tư duy tích cực mà còn là một lối sống lạc quan và nhờ lối sống này mà chồng con chị không bao giờ phải nghe tiếng thở dài (cái âm thanh não ruột nhất thường phát ra từ người đàn bà). Ở đâu và bao giờ, nụ cười cũng luôn nở trên môi chị và nhờ thế, trong giao tiếp chị luôn chiếm được cảm tình của người khác và chị làm việc gì cũng hanh thông. Giờ đây tuy đã gần 40 tuổi rồi nhưng nom chị vẫn trẻ trung như tuổi 20.
Hạnh phúc là gì? Câu hỏi này rất khó trả lời. Giàu có chưa chắc đã hạnh phúc. Tiền bạc và của cải là thứ mà ai ai cũng muốn tìm kiếm nhưng không phải cứ muốn là có. Song một lối sống lạc quan là cái mà chúng ta hoàn toàn có thể tự tạo ra được.
-SƯU TẦM- 


BỒ TÁT BÓ TAY LÀ BỒ TÁT HAY. BỒ TÁT THÀY LAY LÀ BỒ TÁT DỞ.

Có một kẻ lang thang, đi vào chùa, thấy Bồ Tát ngồi trên Đài Sen nhận cúng bái của mọi người, anh ta vô cùng ngưỡng mộ. Kẻ lang thang nói:
- Tôi có thể đổi chỗ ngồi với Người một lát không?
Bồ Tát trả lời:
- Chỉ cần anh không mở miệng.

Kẻ lang thang ngồi lên Đài Sen. Trước mắt của anh là cả ngày hỗn loạn ầm ĩ, người đến phần lớn là cầu điều này điều kia. Anh vẫn cố gắng chịu đựng trước sau không mở miệng. Một ngày, một phú ông đến. Phú ông:
- Cầu Bồ Tát ban cho con một đức tính tốt.
Nói xong ông dập đầu, đứng dậy, ví tiền lại bị rớt xuống mặt đất. Kẻ lang thang vừa muốn mở miệng nhắc nhở, nhưng kịp nhớ đến điều kiện của Bồ Tát.

Sau khi phú ông đi ra, thì có một người nghèo bước vào. Người nghèo nói:
- Cầu Bồ Tát ban cho con ít tiền. Người nhà con lâm bệnh nặng, đang rất cần tiền ạ.
Cầu xong ông dập đầu, đứng dậy, nhìn thấy một túi tiền rơi trên mặt đất. Người nghèo thốt lên:
- Bồ Tát quả thật hiển linh rồi.
Ông cầm túi tiền ra đi. Kẻ lang thang muốn mở miệng nói không phải hiển linh, đó là đồ người ta đánh rơi, nhưng anh lại nhớ đến điều kiện của Bồ Tát.

Lúc này, một người ngư dân đi vào. Ngư dân cầu xin:
- Cầu Bồ Tát ban cho con bình an, ra biển không gặp sóng gió.
Đoạn dập đầu, đứng dậy, ông vừa muốn đi, lại bị phú ông túm chặt. Vì túi tiền, hai người đánh nhau túi bụi. Phú ông cho rằng người ngư dân đã lấy túi tiền, mà ngư dân thì cảm thấy bị oan uổng không cách nào chịu đựng nổi. Kẻ lang thang không thể nhịn được nữa, anh ta liền hô to:
- Dừng tay!
Rồi đem chân tướng nói ra cho họ. Tranh chấp nhờ đó mà đã yên.

Lúc này Bồ Tát mới nói:
- Ngươi cảm thấy làm vậy là đúng chăng? Ngươi hãy tiếp tục đi làm kẻ lang thang đi! Ngươi mở miệng tự cho mình rất công bằng, nhưng, người nghèo vì vậy mà không có tiền cứu chữa người thân; người giàu không có cơ hội tu đức hạnh; người ngư dân ra biển gặp sóng gió chôn thân dưới đáy biển. Nếu ngươi không mở miệng, mạng sống người nhà kẻ nghèo kia được cứu; người giàu tốn chút tiền nhưng giúp người khác mà tích được đức; ngư dân cũng vì dây dưa không cách nào lên thuyền, tránh được mưa gió, có thể còn sống sót.

Kẻ lang thang im lặng ra khỏi chùa… Rất nhiều sự tình, nó thế nào, chính là như thế đó. Để nó tiến triển theo tự nhiên, kết quả sẽ tốt hơn. Khi đối mặt với sự việc, ai có thể biết rõ kết quả gì sẽ xảy ra chứ?

Yên lặng theo dõi diễn biến, chính là một loại năng lực! Thuận theo tự nhiên, là một loại hạnh phúc!
Sưu tầm.

 

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Những câu hỏi có lẽ nhiều người hay hỏi

Quỷ Ãlavaka liền hỏi:
1- Vật sở hữu quý nhất của con người là gì?
2- Điều gì nếu thực hành đúng sẽ đem lại hạnh phúc?
3- Hương vị nào ngọt ngào hơn tất cả?

Đức Phật trả lời:
1- Niềm tin là vật sở hữu quý nhất của con người.
2- Giáo pháp nếu thực hành đúng sẽ đem lại hạnh phúc.
3- Sự chân thật là hương vị ngọt ngào nhất.

Quỷ lại hỏi:
1- Sống thế nào gọi là cao thượng nhất?
2- Làm sao vượt trùng dương?
3- Làm cách nào chế ngự phiền não?

Đức Phật đáp:
1- Sống với trí tuệ gọi là cao thượng nhất.
2- Nhờ kiên trì vượt trùng dương.
3- Nhờ tinh tấn chế ngự phiền não.

Quỷ lại hỏi:
1- Thành đạt trí tuệ bằng cách nào?
2- Làm sao mưu tìm sự nghiệp?
3- Cái gì làm cho tình bằng hữu trở nên khắng khít?
4- Từ thế gian này sang thế gian khác làm sao tránh khỏi phiền não?

Đức Phật trả lời:
1- Người kiên trì có niềm tin sáng suốt, thành đạt trí tuệ bằng cách nghe giáo pháp của bậc đại Giác có khả năng dẫn đến Niết Bàn.
2- Người làm công việc chính đáng một cách kiên trì cần mẫn, sẽ tìm được sự nghiệp.
3- Đức quảng đại khoan dung làm cho tình bằng hữu trở nên khắng khít.
4- Người Cư sĩ thành thật có được bốn phẩm hạnh: Chân thật, giới đức, can đảm, và bố thí rộng rãi, sẽ không còn phiền não sau khi qua đời.

Trích: Đức Phật và Quỷ Ãlavaka
Xem nguồn bài viết ở đây

Chả đậu xanh bùi thơm cho bữa cơm ngày ăn chay

 mon chay ngon thom bui cha do
Nguyên liệu:
  • 150g đậu xanh bỏ vỏ
  • Dầu ăn, gia vị
  • Xốt mayonnaise chay
Thực hiện:
- Đậu xanh cho vào nước ấm ngâm cho nở qua đêm hoặc khoảng 5h là được.
- Đem rửa sạch, để ráo.
- Cho đậu xanh với chút nước vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Bạn chỉ cho ít nước thôi để việc xay đậu dễ dàng hơn đừng cho nhiều quá vì sẽ làm cho bột đậu bị nhão.
- Cho phần đậu đã xay vào bát, trộn thêm chút gia vị đảo đều, dùng màng bọc thực phẩm bọc lại. Để vào tủ lạnh cho bột se hơn khoảng 15 phút.
- Đun dầu sôi, dùng thìa thả từng viên nhỏ đậu xanh vào, chiên vàng.
- Khi chả đỗ đã vàng, lật mặt chiên tiếp.
- Vớt ra để vào rổ thấm dầu. Món chay ăn nóng kèm với xốt mayonnaise chay.

cac buoc thuc hien mon chay cha do
Xem nguồn ở đây

PHƯỚC BÁU LÀM NGƯỜI

Trong kinh Chiggaasutta (Samyuttanikāya, bộ Nidānavagga), Ðức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, ví như mặt đất này bị nước tràn ngập sâu như biển. Một người ném một tấm ván xuống mặt nước biển, tấm ván có một lỗ nhỏ vừa đầu con rùa chui vào; hễ gió hướng đông, tấm ván trôi về hướng tây; gió hướng tây, tấm ván trôi về hướng đông; gió hướng nam, tấm ván trôi về hướng bắc; gió hướng bắc, tấm ván trôi về hướng nam... Có con rùa mù ở dưới đáy biển sâu ấy, cứ trải qua 100 năm, ngoi đầu lên một lần.
Các con nghĩ thế nào, con rùa mù kia, cứ trải qua 100 năm, nổi lên một lần chui đầu ngay vào cái lỗ của tấm ván ấy có được dễ dàng không?
Chư Tỳ khưu bạch với Ðức Thế Tôn rằng:
- Kính bạch Ðức Thế Tôn, con rùa mù kia, phải trải qua 100 năm nổi lên một lần, chui đầu ngay vào cái lỗ nhỏ của tấm ván, thật là một điều quá khó!

Ðức Phật dạy rằng:
- Này chư Tỳ khưu, được tái sanh làm người là điều khó hơn thế nữa.

Ðức Chánh Ðẳng Giác xuất hiện trên thế gian là điều quá khó hơn nữa.
Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng được phát triển trên thế gian này là điều vô cùng khó hơn thế nữa.
Nay các con đã được sinh làm người rồi !
Ðức Chánh Ðẳng Giác cũng xuất hiện trên thế gian này rồi !
Chánh pháp của Như Lai đã thuyết giảng đang phát triển trên thế gian này rồi !

Này chư Tỳ khưu, vì vậy, các con hãy nên tinh tấn không ngừng tiến hành thiền tuệ, hầu mong chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế: Khổ thánh đế, Nhân sanh Khổ thánh đế, Diệt khổ thánh đế và Pháp hành Bát chánh đạo đưa đến sự chứng ngộ Niết Bàn, pháp diệt Khổ thánh đế.

Đấng Toàn Tri đã thuyết giảng về quả báu của việc được làm NGƯỜI, quả báu của việc được sinh ra trong thời kỳ có Đức Phật hoặc còn giáo Pháp của Ngài, quả báu của việc được sinh vào quốc độ có đạo Phật là quốc giáo, quả báu của việc có duyên được thân cận bậc thiện trí thức để học và hành theo Chánh Pháp của Đấng Thập Lực Tuệ. Ngài đã ví chúng sinh như 4 loại hoa sen sau:

- Có đóa hoa sen vượt qua khỏi mặt nước, chỉ chờ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời liền nở ngay ngày hôm đó.
- Có đóa hoa sen vươn lên, nằm ngang tầm mặt nước, sẽ chờ nở vào ngày hôm sau.
- Có đóa hoa sen còn ở dưới mặt nước, sẽ chờ thời gian 3 hoặc 4 hôm nữa mới nở được.
- Có đóa hoa sen còn non vừa mới tượng hình ở dưới nước sâu. Những mầm sen non ấy sẽ làm vật thực cho loài rùa, cá....

Bốn loại hoa sen này được so sánh như 4 hạng người ở trong đời:

- Ugghāitannū: Hạng người có trí tuệ bậc thượng, bén nhạy. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp, chưa cần khai triển, hay trong một bài kệ có 4 câu, chỉ được nghe 2 câu đầu, bậc ấy có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn ngay tức khắc.

- Vipañcitannū: Hạng người có trí tuệ bậc trung. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp và khai triển, hay được nghe một bài kệ đầy đủ 4 câu, bậc ấy có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.

- Neyya: Hạng người có trí tuệ bậc thường. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp và khai triển xong, còn cần phải có thời gian thân cận gần gũi với bậc Thánh Nhân, bậc thiện trí hướng dẫn chỉ dạy thêm, bậc ấy mới có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trong kiếp hiện tại này.

- Padaparama: Hạng người có trí tuệ kém. Dù được nghe nhiều, học nhiều đi nữa hoặc dù có thân cận với bậc thiện trí, họ cũng chưa có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả ngay trong kiếp hiện tại này. Nhưng đây là một cơ hội tốt, một dịp may, để bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn trong kiếp vị lai.
Đức Phật quán xét tất cả chúng sinh bằng Phật nhãn thấy rõ có 4 hạng người như vậy; cho nên, sự thuyết pháp của Ngài sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho 3 hạng người trước có thể chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn ngay trong kiếp hiện tại, và cũng đem lại lợi ích cho hạng người thứ tư (padaparama) ở kiếp vị lai.

Sưu tầm


Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Bốn Quy Tắc Tâm Linh

Người Ấn Độ dạy chúng ta về: “Bốn Quy Tắc Tâm Linh” như sau:
1. Quy tắc đầu tiên: "Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp cả".
Điều này có nghĩa rằng không ai xuất hiện trong cuộc đời chúng ta một cách tình cờ cả. Mỗi người xung quanh chúng ta, bất cứ ai chúng ta giao lưu, đều đại diện cho một điều gì đó, có thể là để dạy chúng ta điều gì đó hoặc giúp chúng ta cải thiện tình hình hiện tại.
2. Quy tắc thứ hai: "Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra".
Không có điều gì tuyệt đối, không có điều gì chúng ta trải nghiệm lại nên khác đi cả. Thậm chí cả với những điều nhỏ nhặt ít quan trọng nhất.
"Không có; Nếu như tôi đã làm điều đó khác đi..., thì nó hẳn đã khác đi. "
Những gì đã xảy ra chính là những gì nên xảy ra và phải xảy ra giúp chúng ta học ra bài học để tiến về phía trước. Bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời mà chúng ta đối mặt đều tuyệt đối hoàn hảo, thậm chí cả khi nó thách thức sự hiểu biết và bản ngã của chúng ta.
3. Quy tắc thứ ba: "Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm."
Mọi thứ bắt đầu vào đúng thời điểm, không sớm hơn hay muộn hơn.
Khi chúng ta sẵn sàng cho nó, cho điều gì đó mới mẻ trong cuộc đời mình, thì nó sẽ có đó, sẵn sàng để bắt đầu.
4. Quy tắc thứ tư: "Những gì đã qua, cho qua."
Quy tắc này rất đơn giản. Khi điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã giúp ích xong cho sự tiến hoá của chúng ta. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, tốt hơn hết là chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình.
Sưu tầm
 

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Canh hoa thiên lý

Nguyên liệu:
  • 200g hoa thiên lý – có thể dùng cả phần lá
  • Bột canh
Thực hiện:
Hoa và lá thiên lý rửa sạch, để ráo, nhặt riêng phần hoa và lá. Phần lá bạn nếu non thì để nguyên, nếu già bạn vò sơ nhé!
Đun sôi một nồi nước, thả lá thiên lý vào đun thêm khoảng 2-3 phút. Nêm 1/2 muỗng cafe bột canh.
Khi lá thiên lý gần chín bạn mới thả hoa thiên lý vào, để lửa to nấu khoảng 2 phút là chín, nêm nếm lại với bột canh cho vừa ăn.
Tắt bếp, lấy canh hoa thiên lý ra bát.
Cuối hè đầu thu cũng là lúc những chùm thiên lý nở rộ, bạn hãy tranh thủ lúc này để nấu cho cả nhà những bát canh mát lành ngọt thơm vô cùng hấp dẫn này nhé! Bát canh hoa thiên lý dù chỉ nấu suông, chẳng có chút thịt nào vẫn ngọt ngào quyến rũ lắm đấy!
Sưu tầm


mon chay canh hoa thien ly  cho thuc don chay don gian

Đậu tẩm vừng chiên

Nguyên liệu:
  • 100g bột chiên giòn
  • 1 nắm vừng
  • 2 bìa đậu loại mềm ngon
  • Dầu ăn để chiên
Thực hiện:
Đổ bột chiên giòn và vừng ra bát.
Từ từ thêm nước vào, khuấy đều cho bột tan hết, thêm chút muối tùy thích. Vì đậu phụ có nước nên bạn cần pha bột hơi đặc một chút để khi thả vào đậu ra nước là vừa, nếu pha bột loãng quá thì khó tạo thành lớp vỏ giòn bọc bên ngoài đậu.
Đậu cắt miếng vuông vừa ăn, dày chừng 1.5cm. Thả các miếng đậu vào bát bột bạn vừa pha.
Làm nóng nhiều dầu trong chảo cỡ nhỏ, khi dầu sôi bạn thả đậu vào chiên với lửa vừa.
Khi đậu vàng đều thì vớt ra giấy thấm dầu để 1-2 phút rồi bày lên đĩa, khi ăn chấm cùng xì dầu nhé!
Đậu chiên tẩm vừng tuy cách làm chỉ thêm công đoạn pha bột rồi nhúng đậu nhưng độ ngon thì khác hẳn so với đậu chiên thông thường bạn nhé! Nếu món đậu chiên trực tiếp khiến người già hay các em bé khá khó ăn do lớp vỏ ngoài hơi dai thì đậu chiên tẩm vừng lại có độ giòn nhẹ nhàng bên ngoài và đậu bên trong thì vẫn mềm mịn nên ai cũng có thể ăn được dễ dàng! Món này rất nên xuất hiện trong thực đơn cơm chay của gia đình bạn đấy!
Sưu tầm

mon chay dau tam vung chien cho thuc don chay don gian

Giá đỗ xào mướp

mon chay muop xao gia cho thuc don chay don gian 
Nguyên liệu:
  • 1-2 quả mướp cỡ vừa
  • 300g giá đỗ
  • Dầu ăn, bột canh
Thực hiện:
Mướp bào sạch vỏ, bổ đôi rồi xắt lát xéo. Giá đỗ nhặt rửa sạch, để ráo.
Làm nóng chảo với 1 muỗng canh dầu ăn, trút giá đỗ vào xào trước, để lửa to xào khoảng 1-2 phút.
Trút mướp vào xào cùng, vẫn để lửa to, nêm với 1/2 muỗng cafe bột canh, đảo khoảng 2-3 phút rồi nêm nếm lại cho vừa ăn.
Tắt bếp và lấy giá đỗ ra đĩa.
Giá đỗ xào mướp là món khá dễ ăn, dù là món chay vẫn mang lại cảm giác khá đậm đà, vừa miệng khi ăn cùng cơm.
Giá đỗ thì giòn, còn mướp lại mềm và thơm, có thể ăn nhiều mà không gây ngán.
Sưu tầm
 

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Đậu Bắp Và Cà Tím Xào Chay

 
Nguyên Liệu:

-Cà Tím
-Đậu bắp
-Ớt trái (loại ăn với phở)
-ba rô băm
-Đậu hủ chiên cắt mỏng
-muối
-bột nấm
-nưóc tương ngon
-hắc xì dầu
-đường thốt nốt.
-nước
**** pha chén nước sauce gòm có nưóc, muối, bột nấm chay nước tương ngon và nước tương đen (cho có màu tí)

Cách Làm:

-Bắt chảo cho dầu vào khi chảo nóng. Cho ba rô vào khử cho thơm. Kế đó cho ớt trái vào đậu hủ vào. Và rồi cho cà tím và đậu bắp vào. Đão cho đều rồi mới cho chén nước sauce vào. Vặn lửa nhỏ lại cho nguyên liệu thấm đều. Khi cà tím chín nếm lại cho vừa thì tắt bếp trút ra dĩa dùng với cớm nóng.

Tác giả: KimKhanh
Nguồn: KimKhanh's Culinary Creations

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

LÁ SEN NON CUỘN CƠM.

Xin giới thiệu mọi người một món ăn chay đơn giản dễ thực hiện, mà lại hầu như không tốn kém gì cả. (đối với dân nhà vườn bởi vì nguyên liệu được lấy từ vườn nhà mình hoặc vườn nhà hàng xóm)

Đó là món LÁ SEN NON CUỘN CƠM.

Bước 1: Ra vườn ngó lên, ngó xuống, ngó ngang, ngó dọc, cứ thấy lá cây nào ăn được thì quơ tuốt. Ví dụ: đọt ổi, đọt xoài, lá lốt, lá cách, lá nhàu, rau muống,….. Tóm lại thấy gì quơ nấy, cũng được mấy nắm. Lá sen thì lấy lá sen non, là loại lá còn cuốn lại, chưa mở ra phẳng. Lá này ăn mới không bị đắng mà có tác dụng an thần, ngủ ngon.


Bước 2: Các loại lá cắt nhỏ cho dễ cuốn. Nếu có dưa leo thì cắt thành từng lát dài dài mỏng mỏng.
Bước 3: Lấy lá sen mở ra, để vài lát dưa leo lên, trải cơm nguội lên, rồi trải lên một lớp mắm bắp chuối (đọc cách làm món mắm này bên dưới), sau đó trải lên một lớp rau đã cắt nhỏ. Cuốn lại rồi ăn. Nếu chưa ăn liền thì có thể bọc bên ngoài một lớp bánh tráng cho cuốn không bị bung ra hoặc lấy dây cột cuốn lại cũng được.

CÁCH LÀM MÓN MẮM BẮP CHUỐI

Bước 1: Bắp chuối hái xuống, lấy tim bên trong thật kỹ, bởi vì nếu sót thì ăn sẽ đắng. Phần bắp non trong lõi thì cắt khoanh. Sau đó ngâm với nước và muối cho ra bớt chất chát.

Bước 2: Cho bắp chuối vào xoang luộc cho sôi cùng nước muối.
Bước 3: Luộc xong thì đổ ra thau, bóp với muối cho ra chất chát. Xả nước rồi lại bóp. Làm đến khi nào tay không còn bị rít thì có nghĩa là chất chát không còn.
Bước 4: Trộn bắp chuối cùng đậu hủ trắng và mắm đậu cùng một ít bột năng. Nêm cho vừa ăn. Trộn nhuyễn.
Bước 5: Bắp lên bếp nấu chín.

Món mắm này có thể ăn với cơm và dưa leo. Ngon tuyệt vời! Có thể tích trữ trong tủ lạnh để ăn trong vài ngày.

Chân lý phát hiện ra sau khi làm món ăn này là: Cây chuối và cây sen không nói tiếng nào mà phục vụ con người ghê gớm! Không một bộ phận nào của chuối và sen lại không có một tác dụng nào đó. Trong khi mình lại nói quá trời! hihihihihi
 

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Thiền Tứ Niệm Xứ trong cuộc sống

Có lần Ngài Xá Lợi Phất đi khuất thực bị một người (do muốn thử Ngài) đập một gậy vào đầu từ sau lưng. Ngài chỉ thốt lên một câu: Ồ, cái gì thế nhỉ? Rồi không ngoái đầu lại để xem mặt kẻ đánh mình, Ngài lại tiếp tục cất bước. Người đàn ông ấy nể Ngài quá nên xin quy y Tam Bảo luôn.

Không dám bàn luận về tâm của bậc thánh nên chỉ nói về Tứ Niệm Xứ thôi.

Khi đang đi mà bị đánh như thế thì có đau không? Chắc chắn là có, bởi vì đánh như thế mà không đau thì chắc là gỗ đá vô tri rồi. Đau mà biết đau, rồi dừng lại ở chỗ ấy. Vậy là quán thân/thân.

Khi quán thân trên thân không xong phải qua cảm thọ thích hay không thích. Thân bị đau thì dĩ nhiên là không thích rồi. Không thích biết không thích. Đó là quán thọ trên thọ.

Khi quán thọ trên thọ không xong thì phải qua tâm rồi. Khởi lên tham (thích) hay sân (không thích). Sân mà biết mình sân. Đó là quán tâm trên tâm.

Quán tâm không xong thì chuyển qua pháp. Khi tham thì phát khởi hành động dính mắc; khi sân thì  phát khởi hành động loại bỏ. Từ đau rồi đến không thích rồi nổi sân rồi phát khởi hành động mắng chửi hay đánh đập cái người hay nguyên nhân làm cho mình đau. Khi phát khởi hành động rồi mà vẫn quán sát được thì đó là quán pháp trên pháp.

Khi ta áp dụng thiền Tứ Niệm Xứ vào cuộc sống hằng ngày thì tùy lúc, tùy duyên. Có lúc mình dừng lại ở quán thân/thân (ai thường được thế này là cao thủ rồi) có lúc phải qua quán thọ/thọ (dừng lại được ở đây cũng là cao thủ luôn), có lúc phải rơi xuống quán tâm/tâm (đến được mức này cũng không vừa đâu); quán 3 cái trên không xong nữa thì lọt xuống quán pháp/ pháp (vẫn còn chánh niệm tỉnh giác)

Quán cả 4 cái đều không xong thì xem như để cho Phật tạm nghỉ hưu và cho Tham Sân Si nắm quyền điều hành vậy.

Trên thực tế, từ quán thân/thân mà chuyển đến quán pháp/pháp diễn ra rất nhanh chỉ trong 1 sát na thôi. Cho nên chúng ta hay để cho Phật nghỉ hưu dài dài là thế đấy hihihihihihi

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Ai muốn đối trị với bệnh sân của mình thì có cách này.

Đó là: Khi muốn nổi sân thì cứ việc sân, không cần đè nén nó làm gì. Mỗi lần đè nén cũng như mỗi lần cho 1 viên thuốc nổ vào súng, cứ nhét thuốc nổ vào mãi, rồi khi đủ duyên thì súng phát nổ. Lúc ấy còn ghê hơn nữa! Và thường những khi như vậy, chúng ta thấy vô cùng hổ thẹn với chính mình. Chúng ta tự trách mình rằng: Mình tu rồi mà sao mình sân dữ vậy! Rồi chúng ta sám hối rồi chúng ta tự hứa mình không nên sân nữa. Rồi khi có chuyện bực mình, mình không dám sân nên ém nó lại. Rồi khi đủ duyên nó lại nổ. Rồi lại xấu hổ, rồi lại sám hối. Cái vòng lẩn quẩn này làm chúng ta không ra nổi sân đâu.

Tốt hơn hết mỗi khi nổi sân thì cứ việc sân nhưng phải QUÁN SÁT nó. Nghĩa là khi sân thì biết mình đang sân. Mình quán sát phản ứng của cơ thể như hơi thở, nhịp tim, độ nóng trên gò má,…. Mình quán sát tư tưởng như muốn chửi, muốn mắng, muốn đánh, muốn đập cái gì đó,…. Khi quán thân, quán thọ, quán tâm không xong mà dẫn đến hành động thì mình có thể phát khởi hành động chửi mắng người khác hay đập bể cái gì đó. Khi làm những hành động này thì mình QUÁN SÁT nó. Đó là quán pháp. Một người luôn quán sát rõ thân và tâm của mình thì thường biết dừng lại đúng lúc đúng chỗ, không để cho cơn sân xỏ mũi dắt đi.

Khi mình quán sát cơn sân vài lần như vậy thì mình sẽ nhận ra rằng: SÂN LÀ VÔ THƯỜNG. Khi tự thân nhận ra điều này thì đó là chánh kiến. Khi đã có chánh kiến rồi thì mới có chánh tư duy. Khi có chánh tư duy rồi thì tất cả những cái còn lại đều chánh. Còn khi mình nghe thầy mình nói hay kinh sách nói sân là xấu, sân là vô thường, rồi mình tìm cách ém nó lại không cho nó bộc lộ ra. Lúc nào cũng tâm niệm sân là xấu, sân là vô thường mà không tự thân thấy được điều ấy. Thì đó đích thị là TU TƯỞNG. Vì sao? Vì không tự nhìn thấy sân là vô thường thì không có chánh kiến. Không có chánh kiến rồi thì tất cả những cái còn lại đều không chánh.

Do đó mà có câu KIẾN TÁNH KHỞI TU là thế đấy. Kiến tánh (thấy như thật) nghĩa là Chánh Kiến trong Bát Chánh đạo đấy. Một khi đã có chánh kiến thì dù muốn tu theo pháp môn nào hay muốn làm gì cũng đều là chánh cả.

Khi thấy ra điều này thì sẽ hiểu được rất nhiều câu nói trong Thiền tông. Ví dụ câu: đói ăn, mệt ngủ. Người luôn chánh niệm tỉnh giác, nghĩa là thường quán sát thân tâm mình thì biết khi nào cơ thể mình thực sự đói (nghĩa là đói do nhu cầu chứ không phải đói ảo, đói do tham ăn). Đó là chánh kiến. Khi thấy đói do nhu cầu thì mới khởi ý muốn ăn (đó là chánh tư duy) rồi ăn (đó là chánh nghiệp),….

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

"Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" nghĩa là nên sinh cái tâm không trụ vào đâu cả. Vậy tâm trụ chỗ nào?

Ngày ..... tháng ..... năm .....

Tâm Ðạt con,

Hôm nay Thầy góp ý về pháp danh Tâm Ðạt của con. Ðúng ra Thầy không nên nói vì pháp danh đó do một vị Thầy khác đặt, tất nhiên vị ấy có chủ ý riêng làm sao Thầy biết được. Nhưng thôi, theo lời yêu cầu của con, Thầy cứ giảng theo ý Thầy vậy, con có đồng ý không?

Theo Thầy, đạt là đắc, là được, là tới mục đích rốt ráo. Nhưng ở đâu là nơi rốt ráo của tâm?

Một khi quá khứ tâm không thể đạt, tương lai tâm không thể đạt, hiện tại tâm không thể đạt, vậy tâm đạt chỗ nào?

Và khi mà: "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" nghĩa là nên sinh cái tâm không trụ vào đâu cả. Vậy tâm trụ chỗ nào?

Ngài Huệ Khả đến viếng Tổ Ðạt-Ma hỏi: "Xin Hòa Thượng an cái tâm cho tôi". Tổ Ðạt-Ma nói: "Ông đưa cái tâm đây ta an cho". Huệ Khả tìm tâm hồi lâu bèn thưa: "Bạch Hòa Thượng, tôi không thấy tâm đâu cả". Tổ nói: "Ta đã an cái tâm cho ông rồi đó". Sau này Ngài Huệ Khả được Tổ truyền y bát.

Qua câu chuyện trên con thấy Tổ Ðạt-Ma đã an cái tâm cho Huệ Khả ra sao? Thôi, bao nhiêu câu hỏi đó cũng đủ cho con thấy tâm bất khả đạt! Tâm không thể đạt được vì đạt chỗ nào thì chỗ ấy trở thành trụ tướng (tướng ngưng trệ) và tất nhiên đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não.

Thế thì con phải làm sao?

Thực ra chỉ đơn giản là nếu con muốn tâm đạt thì phải đạt chỗ không đạt mới được. Người tu phần đông nghĩ rằng tâm phải đạt đến chỗ tịnh, phải an trụ vào chỗ tịnh. Theo Thầy thì không phải đạt, không phải trụ mà là thấy, thấy tịnh và động để không bị rơi vào chỗ nào. Ðể khi đáng tịnh thì tịnh, khi đáng động thì động.

Ngày nọ có người hỏi Ðức Phật: "Có phải mục đích tu hành là để đạt được giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh, đoạn nghi tịnh, đạo phi đạo tri kiến tịnh, đạo tri tịnh, tri kiến tịnh không?". Ðức Phật trả lời: "Không". Người kia ngạc nhiên: "Nếu mục đích tu hành không phải thanh tịnh thì để làm gì?". Phật dạy: "Thanh tịnh là trạm xe, mục đích tối hậu là vô thủ trước Niết-bàn".

Vô thủ trước, vô sở trụ, bất khả đắc là những từ để chỉ tâm phải đạt tới chỗ không đạt, nghĩa là tâm đã buông hết mọi chỗ nắm bắt, mọi sinh y, mọi dục hỷ... chính vì vậy mà tâm lúc ấy được gọi là không, vô tướng, vô tác... Niết-bàn.

Khi tôn giả Mahàkotthita hỏi Ngài Sàriputta có phải mục đích sống phạm hạnh là để đạt được cảm thọ hay không cảm thọ như đã hy vọng không, Ngài Sàriputta trả lời: "Không". Và Ngài nói tiếp: "Với mục đích để biết, để thấy, để chứng, để ngộ, để hiện quán đây là khổ... Ðây là nguyên nhân của sự khổ... đây là khổ diệt... đây là con đường diệt khổ mà phạm hạnh được sống dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn".

Ðoạn trên Ngài Xá-Lợi-Phất một lần nữa xác nhận mục đích của Ðạo Phật không phải đạt được một trạng thái tâm nào, mà chỉ để thấy, để biết, để chứng, để ngộ, để hiện quán những sự thật ở đời. Mà chứng, ngộ, hiện quán... tức là vô thụ trước, vô sở trụ, bất khả đắc.

Nói thì nghe rắc rối nhưng thật rất giản dị, con có thể thực hiện một cách dễ dàng:

Khi tâm con có tham, hãy biết (thấy, chứng, ngộ, hiện quán) tâm có tham, không dừng lại (đạt, trụ, thủ trước) nơi tham.

Khi tâm con không có tham, hãy biết tâm không có tham, không dừng lại nơi không tham.

Khi tâm con có sân, không sân, có động, có tịnh, có ràng buộc, có giải thoát, v.v... con đều biết thật có như vậy và không dính mắc, không trụ trước vào tâm ấy.

Như vậy là không đạt hay đạt chỗ không đạt, nghĩa là không dính mắc vào đâu, là tâm thong dong tự tại.

Thấy, biết tâm mình ở mọi nơi là hiện quán, là chứng ngộ. Tâm mình không dính mắc vào nơi nào là an nhiên giải thoát.

Nhưng con đừng tưởng không dính mắc nơi nào là tâm không không đâu nhá, không không là dính mắc vào không rồi. Dính mắc vào không còn nguy hại hơn dính mắc vào có ở trạng thái này hoặc trạng thái kia tùy nhân duyên sinh khởi "tùy cảm nhi ứng tùy ngộ nhi an" mà, nhưng chính nhờ không dính mắc vào đâu mới có vô lượng tướng dụng, vô lượng lợi ích cho mình và người.

Nói thì nghe như lý luận chơi nhưng ai có thực sống mới thấy thật là dễ dàng, đơn giản và thiết thực vô cùng.

Tâm Ðạt con, bây giờ tâm con phải đạt thế nào?

Thầy.

Xem nguồn ở đây.