Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Sự liên quan giữa câu “Lý đốn ngộ, Sự tiệm tu” và việc hành trì các Ba La Mật.

Trong một bài kinh nào đó có nói rằng Phật Thích Ca đã thành Phật từ vô lượng số kiếp về trước và vì lòng từ bi mà Ngài thị hiện ở cõi Ta bà để độ chúng sinh. Có nơi nói chính xác là từ thời Phật Nhiên Đăng, Phật Thích Ca đã đắc quả vị nhưng vẫn phải trải qua hơn 20 vị Phật quá khứ để có thể trở thành Phật Toàn Giác. Người không hiểu thì cho rằng đây là chuyện không có thật. Nhưng thật sự là như vậy. Thành Phật ở đây có nghĩa là Ngài đã kiến tánh, nghĩa là đã nhìn thấy Phật tánh hay đã nhìn thấy tánh biết hằng sáng trong lặng lẽ bên trong mình. Đó gọi là Lý đốn ngộ. Nhưng sau khi kiến tánh Ngài phải trải qua Sự tiệm tu nghĩa là đem cái Lý ấy vào thế gian để cái Lý ấy ngày một rõ ràng hơn.
Tương tự như mặt trăng và mặt trời bị nhiều tầng mây che phủ thì chúng ta không thể nhìn thấy nhưng khi từng lớp mây bị tháo gỡ ra thì lúc đầu ta thấy mặt trăng/ mặt trời mờ mờ (ấy là giai đoạn 1 của kiến tánh.) Rồi khi thêm 1 hay một vài lớp mây được tiếp tục tháo rỡ ra thì mặt trăng/ mặt trời càng ngày càng hiển lộ rõ ràng. Làm sao để tháo gở các lớp mây ra. Đó là thông qua sự hành trì các pháp Ba La Mật. Mặt trăng sáng nhất là lúc trăng tròn vành vạch không mây che, mặt trời sáng nhất là lúc lên đến đỉnh, không bị mây che. Khi ấy ánh sáng bao trùm khắp nơi, soi đến cả những góc kín sâu nhất nhỏ nhất. Phật toàn giác cũng như vậy. Việc tu về Sự đã hoàn thành (nên gọi là Ba La Mật) thì khi ấy cái Lý (Phật tánh) mà các Ngài đã nhận ra trước đó không còn gì che khuất nữa.
Do đó, chỉ những ai đã thấy tánh, nghĩa là kiến tánh (dù là mới chỉ kiến tánh ở bước sơ khởi, nghĩa là thoáng nhìn thấy mặt trời/ mặt trăng lờ mờ trong làn mây) thì khi khởi tu các pháp Ba La Mật thì ấy mới thật sự là tu Ba La Mật. Còn chưa kiến tánh thì dù có trì giới, bố thí, tinh tấn,….. đến đâu đi nữa thì đó cũng chỉ như nước đổ lá khoai.
Tuy nhiên, người chưa kiến tánh thì hành trì Ba La Mật (dù thật sự không phải thế) để tránh rơi vào các con đường ác dù sao vẫn tốt hơn là không hành trì.

Do đó, việc tu thì nên xác định rõ, việc quan trọng nhất vẫn là kiến tánh. Nếu chưa kiến tánh mà tu thì dễ đi lạc đường hoặc trở thành tu hú là thế đấy.

(Có người thắc mắc vì sao những người kiến tánh rồi mà vẫn tranh luận cãi nhau. Đáng lẽ kiến tánh rồi thì tánh biết giống nhau chứ? Câu hỏi hay. Lý do họ cãi nhau hay không đồng nhất quan điểm với nhau là vì dù kiến tánh nhưng mỗi người kiến ở một giai đoạn khác nhau? Do đâu có sự khác nhau này? Do việc tu về Sự của họ khác nhau. Cũng như mặt trăng/mặt trời. Có người thấy lờ mờ, có người thấy rõ hơn một tí, có người thấy rõ hơn một tí. Có người thấy rõ hơn một tí nữa….. Người nào càng có trải nghiệm về Sự thì người ấy càng thấy rõ hơn. Do đó, những người này ít cãi với những người thấy lờ mờ hơn mình.)



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét