Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

VỀ CHƠN VỌNG



Bây giờ chúng ta nói thêm về những pháp đang diễn ra trong hiện tại. Những cái đang thực sự diễn ra trong hiện tại là cái gì?

Hãy chỉ ra một cái gì đó đi! Ví dụ chúng ta đang khởi lên một tâm, tức khắc có người bảo đó là vọng. Còn nếu tâm không khởi, liền bảo đó là chơn. Nếu tâm không khởi là tịnh chỉ, là định, là chơn thì tại sao Đức Phật lại bảo có tà định? Định cũng có chánh định, có tà định. Vậy thì khi tâm không khởi, cũng có tâm không khởi là chánh mà cũng có tâm không khởi là tà. Khi tâm khởi, ví dụ như khởi tư duy thì vẫn có chánh tư duy và tà tư duy, khởi niệm thì có chánh niệm và tà niệm. Cho nên khởi cũng có chơn, vọng, chánh, tà. Vậy thì sao mình cứ muốn không khởi và cố gắng để mà không khởi? Không khởi dễ bị rơi vào thụ động tiêu cực chứ có phải hay đâu.

Chúng ta cần nhớ một điều: khởi là khởi, khởi thì liền giác, chứ đừng “chụp mũ” cho nó là chơn hay vọng. Nếu cái gì khởi mà quý vị cũng cho là vọng thì không đúng, nhưng khi đang vọng mà mình thấy rõ thực tướng của vọng, vậy là chơn. Thấy rõ vọng tức là chơn chứ ngay lúc đó không có cái chơn nào khác.

“Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Huyễn hoá không thân tức Pháp thân”.
Hoặc là:
“Đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh
Xu hướng chơn như tổng thị tà”

Nếu biết cái gì là chơn như thì cần gì phải tìm kiếm? Còn tìm kiếm tức chưa thấy nên chẳng qua chỉ là tìm cái chơn như trong vọng ảo của mình mà thôi. Chính khi thấy rõ vọng như thật là vọng thì ngay đó đã là chơn như rồi. Có đúng vậy không? Không chơn giác thì làm sao biết được vọng? Và biết rõ vọng một cách trung thực thì sao lại chẳng chơn?

Cho nên, vấn đề không phải là chơn hay vọng mà là có thấy, có tuệ tri được tướng trạng, thực tánh của pháp ấy hay không? Có thấy được pháp chân đế hay không? Còn lánh vọng cầu chơn chính là đang khởi vọng, đó là một sai lầm rất lớn chứ không phải con đường tuệ giác.

Trích " Thực tại hiện tiền"
www.trungtamhotong.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét