Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Thầy Viên Minh và “Sống trong thực tại”: “Chúng ta đều đã có sẵn niết bàn”

Hơn 300 doanh nhân, trí thức đã đến với buổi pháp thoại của thầy Viên Minh chiều 13/11, đúng ngày mà từ nơi xa, có tin thầy Thích Nhất Hạnh bị xuất huyết não phải nhập viện cấp cứu.

Thầy Viên Minh và “Sống trong thực tại”: “Chúng ta đều đã có sẵn niết bàn”
Không khí buổi pháp thoại dường như chùng xuống, tĩnh lặng hơn khi những triết lý tưởng chừng cao siêu và khó hiểu của đạo Phật được thầy Viên Minh diễn giải một cách giản dị và khoa học. 

Trong thời buổi mà con người, nhất là giới doanh nhân, trí thức đang mất mát niềm tin nơi chính mình và với xã hội, nhiều người tìm đến tôn giáo như một cứu cánh, nhưng bị lạc giữa mê cung của biết bao trường phái và còn lúng túng hơn… thì sự trở lại với đạo Phật nguyên thủy, trong sáng của Hòa thượng Viên Minh thực sự là một hành trình đáng chú ý.

Một cuốn sách bắt đầu từ doanh nhân


Hơn 300 doanh nhân, trí thức đã đến với buổi pháp thoại của thầy Viên Minh chiều 13/11, đúng ngày mà từ nơi xa, có tin thầy Thích Nhất Hạnh bị xuất huyết não phải nhập viện cấp cứu.

Không khí buổi pháp thoại dường như chùng xuống, tĩnh lặng hơn khi những triết lý tưởng chừng cao siêu và khó hiểu của đạo Phật được thầy Viên Minh diễn giải một cách giản dị và khoa học.

Giản dị đến mức mà người viết có cảm tưởng mọi bức màn che phủ dường như đã bị lột bỏ, để chân lý hiện lên như chính nó đang là.

Anh Lê Bá Thông, Tổng giám đốc Công ty TTT mở đầu với thầy Viên Minh bằng một lời tâm tình, nhưng cũng là tâm trạng của nhiều doanh nhân: “Một ngày đẹp trời, tôi được đọc cuốn sách “Sống trong thực tại” của thầy Viên Minh. Một cuốn sách giúp tôi thoát khỏi sự ngỡ ngàng, lo lắng, biết đâu là sự thật, đâu là niềm tin. Thì ra sự thật chính là cuộc sống hiện tiền, niềm tin chính là trong mỗi chúng ta, Đạo Phật chính là cách giúp ta tìm lại chính mình, đâu phải tìm đâu xa…”.

 Buổi pháp thoại của thầy Viên Minh chiều 13/11.
Ông Lâm Hoàng Lộc, một doanh nhân nổi tiếng một thời trong ngành ngân hàng tài chính, từng là Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu, Chủ tịch VPBank, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Kim Eng… Sau một quãng dài kinh doanh, ông đã tìm đến đạo Phật, và học cách buông bỏ, tìm lại chính mình.

Rời bỏ mọi công việc kinh doanh trong lúc đang trên đỉnh cao sự nghiệp, ông không làm gì nữa, chỉ đọc sách Phật để ứng dụng cuộc sống hàng ngày. Lập Quỹ Ấn tống trí tuệ với mong muốn phổ biến rộng rãi chánh pháp của Đức Phật, Nhà sách Trí Tuệ số 203 đường Nguyễn Đình Chiểu chính là nơi đã phát hành rất nhiều tác phẩm về đạo Phật hoàn toàn miễn phí.

Ông Lộc chia sẻ: “Sống trong thực tại” của thầy Viên Minh là tinh thần triết lý đạo Phật thời kỳ đầu, tôi đã xin phép thầy để được in ra giới thiệu bạn đọc, nhất là giới doanh nhân, sinh viên, những người muốn tìm hiểu đạo Phật trong sáng. Cuốn sách giúp ta thực hành thiền tuệ và thấy rõ pháp trong cuộc sống. Mỗi quý chúng ta sẽ cho ra đời một cuốn sách tại nhà sách Trí Tuệ…”.

Thầy Viên Minh thổ lộ: “Thiền Phật giáo đã được truyền khắp năm châu, nhưng cũng vì thế mà hiện nay có rất nhiều trường phái khác nhau. Vấn đề là làm thế nào trình bày một pháp thiền vừa hợp với nguyên lý giác ngộ giải thoát, vừa đáp ứng được nhu cầu tu tập thực tiễn của nhiều căn cơ trình độ khác nhau trong bối cảnh thời đại hiện nay, chứ không rập khuôn theo những phương pháp lưu truyền từ các trường phái thiền xưa cũ, mà phần nhiều đã mất gốc hay lỗi thời.

Thế rồi cơ duyên cũng đến, năm 2007, tập đoàn BTA đến xin đăng ký học thiền. Tập đoàn gồm nhiều doanh nhân có nhiều trình độ, nhiều tôn giáo hoặc không tôn giáo khác nhau. Họ là người có đầu óc khoa học nên thiền dễ tiếp cận hơn là những người mê tín hoặc những kẻ mong cầu năng lực siêu nhiên.

Nhưng ngoài tính thực dụng thì họ cũng rất lý trí, nên lại là trở ngại lớn cho việc sống thiền vốn rất giản dị hồn nhiên vượt ngoài lý trí.

Hơn nữa, mục đích thực tiễn của họ đơn giản chỉ muốn sử dụng thiền như giải pháp cho đời sống, để kinh doanh có hiệu quả hơn, để vượt qua bất an căng thẳng, để nâng cao năng lực thể chất và tinh thần cho đời sống thành đạt và hạnh phúc hơn…

Tất nhiên, thiền đủ thực tế để có thể đáp ứng được những nhu cầu đó, nhưng không phải là mục đích tối hậu của thiền, nên cũng không thể hy sinh thiền cho những mục đích tầm thường của đời sống dung tục, dù thiền chưa bao giờ tách rời cuộc sống bình thường…

Thiền xa rời cuộc sống là tự cô lập, và đó chỉ là một thứ xa xỉ phẩm không cần thiết từ sự chọn lựa lệch lạch và hư ảo. Thiền phải mở ra một chân trời vô hạn để vượt qua cái hữu hạn tầm thường… Vậy phải vận dụng như thế nào để có thể giúp họ đạt được mục đích bình thường của đời sống, mà vẫn không trái với nguyên lý cứu cánh giác ngộ giải thoát của thiền?

Mỗi bài giảng của tôi cho mỗi buổi thực tập với các doanh nhân BTA được tập hợp lại, viết thành cuốn sách “Sống trong thực tại”. Những câu hỏi trong cuốn sách cũng là của chính các doanh nhân, đáp ứng nhiều thắc mắc của doanh nhân để vận dụng thiền trong cuộc sống hàng ngày”.

Mình là nơi nương nhờ của chính mình

Trong suốt bài pháp thoại, thầy Viên Minh nhắc đi nhắc lại một chân lý giản dị: “Mỗi người tự mình là tối thượng, tự mình là tối tôn, tự mình là tối thánh. Trở lại với chính mình thì không còn đau khổ nữa. Đó chính là “bản tuyên ngôn” của đạo Phật.

Mình là nơi nương nhờ của chính mình, không ai khác là nơi nương nhờ. Khi mình trở về với chính mình, thì đó là nơi tối thượng. Tất cả chân lý, hạnh phúc của cuộc sống là ở nơi chính mình. Hơn 1.200 năm sau Đức Phật nhập Niết bàn, đức tổ Huệ Năng cũng nói: “Ở nơi mình vốn đầy đủ hết”.

Ngay cả những bậc tu hành đi tìm niết bàn cũng thấy niết bàn đang ở nơi chính mình. Tất cả chúng ta đều đã có sẵn niết bàn, không phải tạo tác để trở thành. Tất cả chân lý đều có sẵn, cả bên trong và bên ngoài.

Cuộc sống này vốn nó đã hoàn hảo, vì chúng ta không thấy ra được sự hoàn hảo đó nên vô minh, nên mới chạy theo sự hoàn hảo mình tưởng tượng ra, từ đó sinh ra ái dục.

Tại sao tôi viết “Sống trong thực tại”? Vì sau một thời gian tu tập, tôi cũng thấy té ra ở nơi mình vốn đầy đủ hết. Hạnh phúc chỉ có nơi mình mà thôi. Miền đất hứa, mảnh đất bình an chỉ có trong tâm hồn bạn. Bài kinh “Tứ niệm xứ” đơn giản là nhắc ta đừng quên thực tại, có 4 chỗ để mình cần phải nhớ là Thân, Thọ, Tâm, Pháp… Điều này có thể thực nghiệm được dễ dàng.

Một lúc nào đó bạn đầy lo âu sợ hãi, đừng cầu nguyện mà hãy trở về trọn vẹn với chính mình, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu không thể ngờ được. Ngay trong đau khổ, hãy trở về trọn vẹn với cảm giác đau khổ đó, bạn sẽ thấy đau khổ đó lại là hạnh phúc.

Đó là điều kỳ diệu. Cuộc đời có thể là bể khổ nhưng bản chất cuộc đời không phải là bể khổ. Mỗi người tự tạo ra bể khổ cho chính mình…”.


 Trong suốt bài pháp thoại, thầy Viên Minh nhắc đi nhắc lại một chân lý giản dị: “Mỗi người tự mình là tối thượng, tự mình là tối tôn, tự mình là tối thánh. Trở lại với chính mình thì không còn đau khổ nữa. Đó chính là “bản tuyên ngôn” của đạo Phật. 
Trong “An nhiên vô sự”, chương 9 của cuốn sách, thầy Viên Minh nhắc nhở, “an nhiên vô sự” là điều doanh nhân cần nhất, vì khi mình hoàn toàn thư giãn, buông xả, lúc đó phục hồi được năng lực vốn sẵn có trong mình. Người Nhật nhờ thiền mà làm việc rất hiệu quả. Khi bạn mệt mỏi, căng thẳng, đầy áp lực, chỉ cần 5 phút yên ổn trở về trọn vẹn với chính mình thì sự mệt mỏi tự nhiên tan biến, ngay lập tức đầu óc sẽ sảng khoái, năng lực được phục hồi…

Thầy Viên Minh nói: “Chỉ cần tâm mình rỗng lặng trong sáng thì tâm khí phục hồi. Doanh nhân cần bài học đầu tiên là biết buông xả cơ thể và buông xả tâm đúng lúc, buông bỏ cái ta lăng xăng, tạo tác, sẽ buông bỏ hết lo âu phiền muộn. Khi tư tưởng trong sáng, rõ ràng, đụng chuyện gì cũng giải quyết được.

Cuộc sống chính là điều kỳ diệu nhất, vì cuộc sống chính là tấm gương chân thực nhất để bạn có thể thấy lại được mình. Con người sinh ra không phải để thay đổi cuộc đời mà cuộc đời sinh ra để thay đổi chính mình. Chúng ta không thay đổi tấm gương, mà thay đổi khuôn mặt mình, thấy được bản nguyên của đời sống”.

Làm việc, sống là để thấy ra bản chất của con người mình, có thể xem đó là ý nghĩa mà thầy Viên Minh đã trao truyền cho mỗi doanh nhân, qua một cuộc trò chuyện giản dị và ấm áp.

BizLIVE: Thưa thầy, với doanh nhân, khát vọng làm giàu liệu có mâu thuẫn với chuyện an nhiên tự tại, tìm lại chính mình? Cách làm giàu như thế nào theo đạo Phật là chính pháp?

Thầy Viên Minh: Đạo Phật không hề nói không được làm giàu, những người giàu như Cấp Cộ Độc đã ủng hộ đạo Phật rất nhiều. Nhưng đạo Phật nói rất rõ thế nào là làm giàu chính đáng, không xuất phát từ tham vọng, sự ích kỷ, mà tùy duyên, thuận pháp thì rất tốt.

Tứ như ý túc giúp mình được như ý: có nguyện vọng đúng đắn; tinh tấn, cần mẫn; nhất tâm, trước sau như một; thông hiểu sự lý của tiến trình thực hiện dự án…

Làm giàu với tâm vị tha là làm giàu chính đáng, lương thiện, không hại mình, không hại người, mà lợi mình, lợi người. Làm giàu với công sức của mình, trí tuệ của mình, không phải làm theo kiểu bóc lột, trên sự đau khổ của người khác.

Khi có thu nhập cao phải biết sử dụng đồng tiền thế nào cho đúng đắn, đền ơn các vị sinh thành, những ân nhân nuôi dưỡng, giúp đỡ mình, làm việc thiện cho chúng sinh là cách để dành của cải tốt nhất

BizLIVE: Người ta thường nói: “Yêu là bể khổ, tình là dây oan”, quan niệm của thầy về số phận, oan nợ trong tình duyên?

Thầy Viên Minh: Nếu trong vật lý, hóa học, toán học có những định luật riêng, thì trong đạo Phật có định luật về nghiệp, đi theo định luật nhân quả.

Nhân duyên chúng sinh tạo tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với vạn vật chúng sinh tạo ra sinh mệnh của mình.

Nghiệp có ý nghĩa tuyệt vời. tất cả chúng sinh được tự do nhận thức và hành vi, nhưng phải chịu trách nhiệm về nhận thức và hành vi đó. Gieo nhân nào gặt quả đó.

Người Ấn Độ có 4 triết lý sống kỳ lạ: “Bất kì người nào mình gặp trong cuộc đời đều là người đáng gặp, dù là thù hay bạn. Tất cả điều gì xảy đến với mình đều là điều tất yếu phải xảy ra. Điều gì xảy ra cũng đều là đúng lúc của nó. Việc gì đến thì đến, việc gì đi thì đi”.

Hiểu như thế, để đừng bỏ lỡ từng giây phút sống cực kỳ quý báu của chính mình.
KIM YẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét