Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

CHÂN LÝ KHÔNG THỂ ĐƯỢC NGỘ RA QUA KINH ĐIỂN MÀ CHỈ CÓ THỂ ĐƯỢC NGỘ RA QUA TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG THỰC.



Nếu ôm chặt lấy Tam Tạng Kinh Điển và cố đọc càng nhiều càng tốt hòng mong được giác ngộ thì đó là điều không tưởng. Mỗi bài kinh Đức Phật thuyết là dành cho một đối tượng nào đó với một trải nghiệm nào đó. Do đó tất cả những kinh mà Phật thuyết đều là những trải nghiệm khác nhau. Nếu chúng ta chỉ lo ôm lấy kinh điển mà đòi ngộ chân lý, không thông qua trải nghiệm thì chẳng khác nào đi tìm lông rùa sừng thỏ. Điều ấy không thể có. Thời Phật còn tại thế có người không nghe một bài kinh nào cả, chỉ nghe Phật nói vài câu kệ mà ngộ ra luôn chân lý hoặc đắc luôn quả A La Hán.
Chưa có trải nghiệm cuộc sống mà ôm kinh điển thì càng ôm càng rơi vào chấp pháp, càng đọc thì cái chấp ấy càng to như núi và rắn như kim cương.
Hãy buông kinh điển ra, hãy đi vào cuộc sống, sống thực sự từng giây phút của cuộc sống, trọn vẹn với từng sự việc đến và đi trong cuộc sống thật. Khi nào làm được điều này thì hãy quay trở lại mà đọc kinh điển. Lúc ấy cái hiểu mới thật sự là cái hiểu đúng đắn.
Không phải bài kinh nào chúng ta cũng có thể hiểu đúng. Chỉ có những bài nào có liên quan đến trải nghiệm của chúng ta thì chúng ta mới có thể hiểu được mà thôi.
Vì vậy, càng ôm kinh điển, càng xa rời cuộc sống thực thì càng xa Như Lai là thế. Đó cũng là lý do vì sao có câu nói: “Càng tu càng ngu”!
Nên nhớ chân lý không thể được ngộ qua kinh điển mà chỉ có thể được ngộ thông qua cuộc sống thực mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày. Nên nhớ chân lý không phải là hệ thống ngôn ngữ phức tạp trong kinh điển mà chân lý chính là những điều bình dị ở xung quanh chúng ta.
Người nào biết sống cuộc sống của mình một cách chánh niệm tỉnh giác thì người đó sẽ ngộ ra chân lý. Chắn chắn là như vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét