Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Cách làm MỨT CHANH DÂY (CHANH LEO)



Mứt chanh leo (gọi kẹo cũng được) có vị chua, không những giải ngấy hiệu quả sau khi bạn ăn quá nhiều thức ngọt khác. Mứt này còn rất đẹp và hấp dẫn.

mav005

Nguyên liệu:
  • 4 quả chanh leo, mua về lấy được khoảng 100ml nước cốt
  • 100g đường
  • Nửa quả chanh, vắt lấy nước
  • 10g bột Pectin (mua ở tiệm làm bánh)
  • Khuôn nhựa hay gì cũng được.
Thực hiện:
– Nước chanh leo + nước chanh + đường cho vào nồi nhỏ, bắc lên bếp đun lửa nhỏ vừa đun vừa khuấy cho tan hết đường.
– Bột pectin hòa với tí xíu nước quấy lên cho tan rồi đổ vào trong hỗn hợp trên (bột này giúp đông thành kẹo).
– Đun thật nhỏ lửa trong 10 phút, hỗn hợp sẽ dần keo lại.
– Chuẩn bị cái khuôn, quét một lớp mỏng dầu ăn dưới khuôn để lát nữa dễ lấy ra. Sau đó đổ hỗn hợp trong nồi vào khuôn, để trong điều kiện tự nhiên 1 ngày là kẹo đông chắc lại. Lúc này có thể xắt nhỏ ra thành từng miếng vừa ăn.
– Có thể áo lớp đường mịn quanh kẹo cho giống kẹo dẻo.
Xem nguồn ở đấy

BƯỚC AN LÀNH



Mấy trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, có một vị vua tên là Ashoka. Vua Ashoka thường nghĩ rằng muốn đạt được hạnh phúc, ông phải bành trướng lãnh thổ, và làm cho vương quốc mình lớn mạnh hơn. Và vua Ashoka đã mang quân đi chiếm lấn những nước lân bang để mở rộng biên cương của mình.
Một hôm, sau một trận chiến đẫm máu, vua Ashoka một mình một ngựa đi trên bãi chiến trường, giữa thây người và thú vật nằm vương vãi khắp nơi, có xác đã sình thối dưới sức nóng mặt trời và bị những con chim đói rỉa móc. Trong cuộc đời, vua Ashoka đã đạt được thật nhiều thắng lợi, mở rộng lãnh thổ, nhưng sao ông vẫn không hề cảm thấy mình có hạnh phúc hơn.
Vua chợt thấy xa xa có một vị tu sĩ thong thả bước những bước thận trọng, đi ngang qua bãi chiến trường. Vua Ashoka quan sát vị sư ấy. Tuy vị sư không nói một lời nào, nhưng con người của ông tỏa chiếu một sự an tĩnh và tự tại. Thấy vậy, vua đi đến gần và hỏi:
“Thầy có an lạc không?”
Vị sư đáp
“Thưa Ngài, tôi rất có hạnh phúc.”
Và sau cuộc gặp gỡ ấy, vua Ashoka đã trở thành một Phật tử thuần thành và hết lòng tu tập theo giáo lý đức Phật. Vua cũng đã hoàn toàn thay đổi đường lối cai trị của mình, hướng dẫn mọi người sống trong hòa bình.
Bạn thấy không, những bước chân thận trọng và tỉnh giác của một người có thể thay đổi và ảnh hưởng đến cuộc đời chung quanh, nhưng ảnh hưởng ấy không phải là một sự toan tính theo ý muốn của bản ngã, mà là một sự chuyển hóa tự nhiên.
NDN

Cách cúng dường tốt nhất



Trước giờ đức Phật nhập diệt chư Thiên rải hoa cúng dường đầy trời. Ngài Ananda khen ngợi đó là cúng dường cao thượng, nhưng đức Phật nói đó không phải là cúng dường cao thượng và dạy rằng: Ai hành đúng pháp, sống thuận pháp thì người ấy mới cúng dường Như Lai một cách cao thượng. Vậy cách cúng dường tốt nhất là:

1) Sống đúng tốt theo đường chân lẽ chính, nghĩa là hành động, nói năng, suy nghĩ không hại mình hại người. Chính tư tưởng và hành động lương thiện là năng lượng gây ảnh hưởng tốt cho những người đang sống trong cõi âm.
2) Tôn trọng người đã chết và có tâm từ đối với họ. Nếu họ là thân nhân hoăc ân nhân của mình thì phải tri ân và sám hối những điều lỗi lầm đã xúc phạm đến họ. Nếu họ là những sinh linh đang sống trong môi trường của mình thì sự tôn trọng và tâm từ là mối quan hệ tốt đẹp nhất giữa cõi âm dương.
3) Làm những điều phước thiện lợi lạc cho nhiều người, hoặc cúng dường bậc đáng cúng dường (Tam Bảo, Cha Mẹ, Thầy Tổ, các bậc ân nhân) và thành tâm hồi hướng phước lành đến những người đã quá vãng. Vì người đã quá vãng không dùng được vật chất dương gian mà chỉ hưởng được sự phước lành do sự thành tâm hồi hướng mà thôi.
4) Không nên cúng bái theo kiểu hối lộ vì sợ hãi hay cầu xin được lợi ích cho mình.
- Hòa Thượng Viên Minh.

CÓ 5 CÁCH ĂN CHAY CHÂN CHÁNH.



1. Một, ăn là vui với pháp, nghĩa là giữ y chánh pháp hoan hỷ vâng làm.
2. Hai, ăn là vui với Thiền định, nghĩa là trong ngoài lặng suốt, thân tâm vui đẹp.
3. Ba là ăn bằng suy nghĩ, nghĩa là thường nghĩ chư Phật lòng miệng như nhau.
4. Bốn là ăn bằng nguyện, nghĩa là đi đứng nằm ngồi thường cầu nguyện lành.
5. Năm là ăn bằng giải thoát, nghĩa là tâm thường thanh tịnh, chẳng nhiễm tục trần.
Năm nghĩa ăn nầy gọi là ăn chay. Nếu ai chẳng nhận năm nghĩa chay tịnh nầy mà tự hào là ăn chay đều là làm việc vô lý. Cần nhất phải dứt cho được cái ăn mê muội. Nếu phải va chạm gọi là phá trai. Nếu đã phá trai sao gọi là được phước? Đời có người mê chẳng rõ lý này, thân tâm phóng túng theo các nghiệp ác, tham dục buông tình, chẳng biết xấu hổ. Chỉ ăn được ba thứ rau cải rồi tự hào là ăn chay thì thật là phi lý.
ST

Để ý dưới gót



Trước lối vào của các thiền viện thường có tấm bảng ghi " Để ý dưới gót ".Nôm na ,đó chỉ là lời nhắc nhở : Hãy cẩn thận ,xem chừng bạn đang đi đâu .
Nhưng ý nghĩa thật sự của :Để ý dưới gót là : Phải luôn luôn ý thức rõ những hoạt động thường nhật của mình ,cả tinh thần lẫn vật chất .
Một vị tăng hỏi Thiền sư Kakumyo ( 1271 -1361 ) : Yếu chỉ của Thiền tông là gì ?" Sư đáp :"Để ý dưới gót ".
Ngôn ngữ Thiền - Thư pháp Thiền .
ST
 

Cuộc sống này buồn chán quá, con không biết mình phải lam gì bây giờ


Hỏi : Bạch Thầy:
Con thấy cuộc sống này buồn chán quá, con không biết mình phải lam gì bây giờ, con xin Thầy cho con một lời khuyên. Con cảm ơn Thầy!

Đáp : Không phải cuộc sống buồn chán mà trong lòng con buồn chán. Có thể con thấy cuộc sống không như ý muốn của mình, hoặc con nhận thức sai lầm về ý nghĩa cuộc sống và cũng có thể con đã làm gì đó khiến con thất vọng về bản thân mình trong hoàn cảnh xã hội mà con đang sống nên mới sinh ra buồn chán. Có thể là con chưa biết cách sống trọn vẹn với chính mình từng giây phút nên không thưởng thức được vẻ đẹp của cuộc sống?
Con nên thận trọng chú tâm quan sát lại thân tâm mình trong từng giây phút thì con sẽ hiểu ra nguyên nhân sự buồn chán của con, đồng thời con sẽ hiểu ra ý nghĩa đích thực của đời sống. Ví dụ như trong khi ăn cơm con đừng suy nghĩ lung tung mà chỉ trọn vẹn tỉnh thức với chính mình để cảm nhận được hương vị của miếng cơm đang nhai thì con sẽ thấy vẻ đẹp kỳ diệu bất ngờ của cuộc sống mà bấy lâu con đã bỏ quên để chạy theo ảo tưởng.
- Hòa Thượng Viên Minh.

Quan Niệm Bồ Tát – Thiền Sư Viên Minh



 Xem nguồn ở đây

Một người nọ nhìn thấy cái kén của con bướm. Sau đó, anh thấy một cái lổ nhỏ xuất hiện. Anh ngồi chăm chú theo dõi con bướm trong vài giờ đồng hồ và thấy nó cố gắng vùng vẫy tìm cách chui ra ngoài qua cái lỗ nhỏ đó. Rồi dường như nó không có thêm một tiến triển nào nữa. Trông cứ như thể nó đã làm hết mức có thể rồi và không thể xoay xở gì thêm được.

Thấy tội nghiệp nên người đàn ông quyết định giúp con bướm. Anh lấy một cái kéo và cắt cái kén. Con bướm dễ dàng thoát ra. Nhưng nó có một cái thân căng phồng và đôi cánh nhỏ bé, teo quắt. Thế là, con bướm đó sẽ phải bỏ ra suốt cả cuộc đời nó chỉ để bò trườn với cơ thể sưng phồng và đôi cánh co lại. Nó không bao giờ bay được…

Cho nên Quy tắc thứ ba của người Ấn độ :  “Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm”.

Người đàn ông tốt bụng đã không hiểu rằng chiếc kén chật hẹp và sự vùng vẫy của con bướm để chui qua được cái lỗ nhỏ ấy chính là cái cách mà Tạo Hóa buộc chất lỏng trong thân con bướm chảy vào cánh để sẵn sàng cho nó có đủ sức mạnh để cất cánh bay…
Vì vậy, đừng bao giờ tin vào quan niệm Bồ Tát độ mình cả. Nếu Bồ Tát đến độ mình tức là Bồ Tát can thiệp vào việc mình cần phải làm là để thoát ra khỏi cái kén (thoát khỏi vô minh) chính mình là người cần phải mở ra mọi cái mà mình đã trói buộc vào, không có Bồ Tát nào làm thay cho mình…

Quan niệm Bồ Tát cứu độ bị hiểu sai kiểu như người mẹ giúp con: ” Thôi con đừng đánh vần để mẹ đánh vần cho… Con đừng làm toán để mẹ làm toán cho…vân vân…và vân vân…” Bồ Tát chỉ ngồi để thấy, để xem mình đau khổ như thế nào và thoát khỏi đau khổ như thế nào… mà tâm Ngài vẫn hoàn toàn bất động, đó mới chính là Bồ Tát chân chính nhất.

Qua câu chuyện trên, con nhộng chỉ cần đợi thêm một chút nữa, nó có thể tự vùng vẫy thoát ra khỏi cái kén, thì nó mới đủ sức mạnh cất cánh bay cao… cũng như con người ta cần phải chịu đựng đau khổ thêm một chút nữa thì mới có được bài học Giác Ngộ cho chính mình… Thế cho nên, Bồ Tát chỉ khai thị mà không có cứu độ… khai thị cho mọi người thấy ra mọi cái đã có sẳn nơi mỗi người, và để mọi người biết tự trở về với chính mình…

Trong Phật Giáo không có quan niệm có người khác cứu độ… đừng xin xỏ mong cầu mà trở thành mê tín… Đức Phật dạy, Pháp hộ trì người sống đúng Pháp, thuận Pháp… Những người sống thuận Pháp, khi gặp chuyện thì tự động có Chư Thiên hộ Pháp hộ trì… Cũng như một người sống đúng tốt thì được nhiều người tin tưởng giúp đỡ… Chân lý chính là Thực Tế chứ không phải ảo tưởng …

Ngọc Lý chuyển bài
Trích từ Pháp Thoại do Thầy Viên Minh giảng về Hạnh Phúc


 Hỏi Đáp về Quan Niệm Bồ Tát

Kính thưa thầy! Sau thời gian học và làm theo sự chỉ dạy của Thầy con thấy tinh thần cũng như sức khoẻ của con cải thiện rất nhiều. Nhưng gần đây con có những suy nghĩ cũng như tâm trạng khác lạ, không biết điều đó tiêu cực hay tích cực nên hôm nay con xin Thầy chỉ dạy.
Má con rất sân, si và cho rằng những việc làm của mình là việc mà Bồ Tát phải làm để cứu người nên gia đình không êm ấm. Con cái khuyên góp ý thì mẹ nổi sân lên mạt sát, xúc phạm có khi còn đánh anh chị con và con (anh chị con là giáo viên được mọi người kính trọng). Trước kia con rất thương và lúc nào cũng lo lắng cho má, nên con rất mệt mỏi và bệnh thần kinh ngày càng nặng. Bây giờ như con “vô cảm” nhiều khi tự an ủi: “đó là duyên nghiệp của mình, kiếp sau mình với má chưa chắc là mẹ con với nhau” nên con chỉ làm tròn bổn phận của người con và tình cảm cũng như vật chất con mang san sẻ ra bên ngoài.
Con cảm ơn Thầy. Chúc Thầy, các sư và các ni ở chùa Bửu Long dồi dào sức khoẻ.

TRẢ LỜI
Quan niệm Bồ Tát đôi lúc bị hiểu rất lệch lạc trầm trọng đưa đến ngã mạn, tự cao và nhất là tự ý xen vào sự vận hành của pháp, của nhân quả nghiệp báo, của bài học mà mỗi người phải tự thể nghiệm, làm cản trở sự giác ngộ của người khác mà tưởng là mình đi cứu độ người. Sự hiểu biết sai lầm này chính là tà kiến. Địa ngục tà kiến còn tồi tệ hơn nhiều so với địa ngục A-tỳ. Vì dù ở trong cõi Vô sắc giới thì vẫn bị giam hãm trong địa ngục tà kiến này.
Sự giác ngộ của mỗi người không ai thay thế được. Vì vậy các con cứ làm tròn bổn phận của mình, chịu nhẫn nại để học ra trong đó bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi. Biết đâu nhờ thấy mẹ sai lầm mà các con không rơi vào sai lầm đó nữa. Còn mẹ thì các con đừng lo, dù mẹ chưa nhận ra sai lầm của mình thì Pháp vẫn không ngừng âm thầm tác động, nhắc nhở, khai thị để mẹ con tự biết điều chỉnh nhận thức cùng hành vi sai lầm đó. Thấy đúng, làm đúng và biểu hiện tấm lòng thương yêu, thông cảm với trình độ căn cơ của mẹ thì may ra có thể trợ duyên cho mẹ sớm thức tỉnh hơn mà thôi

  NGHE  BÀI GIẢNG  :   HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC
Theo Cội Nguồn

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Đức Phật dạy có 4 hạng người:



1) Từ tối tới tối: là hạng người đã tham sân si lại lấy tham sân si mà xử lý.
2) Từ sáng tới tối: là hạng người đang lúc không có tham sân si nhưng không biết dùng nên khi đụng chuyện lại để tham sân si khởi lên.
3) Từ tối tới sáng: là hạng người đang có tham sân si nhưng liền biết có tham sân si, sự chánh niệm tỉnh giác đó gọi là không tham sân si.
4) Từ sáng tới sáng: là hạng người đang lúc không có tham sân si thấy biết rõ ràng không có tham sân si.

Hai hạng người sau chính là những người lấy không tham sân si để sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha mà thầy đang hướng dẫn Phật tử.
TS Viên Minh.

Có ba yếu tố giúp con giác ngộ:



1) Nhận thức đúng: Tức chánh kiến, là thấy biết đúng bản chất của sự thật, đồng thời thấy ra tính hư ảo của bản ngã tham sân si. Thấy biết sai thì hành động, nói năng, suy nghĩ đều sai. Đó là lý do vì sao chánh kiến được đứng hàng đầu trong Bát Chánh Đạo. Không qua tánh thấy rỗng lặng trong sáng đó con không thể nào có được nhận thức đúng. Vậy con hãy thường tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác; sáng suốt, định tĩnh, trong lành hoặc thận trọng, chú tâm, quan sát vì đó là những yếu tố giúp con nhận thức đúng.

2) Vượt qua chướng ngại: Khi còn bản ngã tham sân si thì còn có cái ta đương đầu với chướng ngại, do vậy chướng ngại là thử thách để con thấy ra phản ứng của bản ngã, nhờ đó con thấy ra mức độ tồn tại của bản ngã như thế nào. Không có trở ngại thì những thành tựu chỉ nuôi lớn bản ngã mà thôi. Đừng sợ chướng ngại, đó là thước đo xem bản ngã có còn đó hay không. Trước chướng ngại hãy xem lúc đó chỉ có pháp hay chỉ là bản ngã đang đối kháng lại chướng ngại ấy. Cũng cần lưu ý, thuận lợi cũng là chướng ngại, vì khi được thuận lợi con sẽ sinh tham lam. Hãy xem, qua đó con có dính mắc không? Dính mắc và đối kháng là hai mặt tham sân của bản ngã. Khi nào con thấy chướng ngại là thực tánh pháp và tánh thấy cũng là thực tánh pháp, không còn bóng dáng của đối kháng hay dính mắc thì ngay đó mới thật sự là vô ngã, thật sự sống tùy duyên thuận pháp. Vậy vượt qua chướng ngại không phải là hủy diệt hay trốn tránh chướng ngại mà là vượt qua cái bản ngã tâm lý tạo ra chướng ngại ấy (hay nói cách khác là vượt qua sự đối kháng hay dính mắc đối với cái gọi là chướng ngại ấy mà thôi).

3) Thể hiện đức vô ngã vị tha: Nếu con thấy vô ngã trên lý thuyết nhưng trong hiện thực con vẫn ích kỷ thì chỉ có lý mà chưa có sự. Vậy con cần thể nghiệm đức vô ngã vị tha bằng cách thể hiện thành hành động, nói năng, suy nghĩ cụ thể để xem có còn bản ngã vị kỷ hay không. Phật dạy pháp Ba-la-mật không phải là để tích lũy công đức cho bản ngã mà chính là để thể hiện đức vô ngã vị tha. Hơn nữa chúng ta giác ngộ được là nhờ cuộc đời dạy cho chúng ta thấy rõ bản chất của chính mình và thế giới xung quanh, cho nên cuộc đời là ân huệ lớn lao, tạo điều kiện cho chúng ta học bài học giác ngộ giải thoát. Vậy hành động lợi lạc quần sinh cũng chính là đền ơn cuộc đời vậy. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác, hành động vị tha không vô ngã thì chỉ làm tăng trưởng bản ngã thôi.
TS. Viên Minh.

Bài học Giác Ngộ



Người thực sự thấy rõ bản thân mình thì sẽ thấy trong đó có tất cả cái xấu cái tốt mà người khác có. Bất cứ vị Phật nào trước khi thành Phật cũng đều trải qua vô số bài học về cái xấu cái tốt cái thiện cái ác trong vô lượng kiếp của mình, chính vì vậy khi thành Phật quý Ngài mới có lòng đại bi, đại trí. Đại trí vì thấy biết tất cả điều thiện ác, đại bi vì thông cảm tất cả điều thiện ác; và vì quý Ngài biết rằng tất cả chúng sanh đều phải trải qua bài học thiện ác này mới có thể giác ngộ giải thoát.
 
Một hôm có người nói với đức Phật rằng Ngài chỉ biết điều thiện thôi chứ làm sao mà biết hết điều ác trên thế gian này được. Phật trả lời rằng trên thế gian này không có điều ác nào mà ta không biết, chỉ là bây giờ ta không làm điều ác nữa thôi. Bởi vì chơn chánh biến tri một pháp là phải thấy sự sinh, diệt, vị ngọt, sự nguy hại mới đến xuất ly. Chính vì vậy đức Phật được xưng tán là bậc Thế Gian Giải (Lokavidù). Khi con còn ghét điều ác chứng tỏ con chưa thấy ra hết bản thân mình. Nếu con trở về tự lắng nghe quan sát chiêm nghiệm lại mình một cách trọn vẹn thì con sẽ có lòng thông cảm bao dung.

Khi trí tuệ hồn nhiên
Thấy pháp như thực tánh
Sống thuận pháp tùy duyên
An nhiên là cứu cánh

TS. Viên Minh.


Học Đạo



Học GIÁO (lời dạy của Bậc Giác Ngộ) là giai đoạn đầu, hiểu NGHĨA (ý của giáo) là giai đoạn 2, chứng LÝ (thấy ra sự thật) là giai đoạn 3, đạt SỰ (sống thuận pháp) là giai đoạn 4.
Nếu đúng là đạt SỰ thì trong SỰ này đã bao hàm GIÁO, NGHĨA và LÝ rồi nên không cần phải học lại. Phàm phu cũng đang sống trong SỰ nhưng chưa thấy LÝ nên vẫn bị kẹt trong SỰ, chỉ người sau khi ngộ LÝ và vào được SỰ thì mới không cần đến GIÁO, NGHĨA và LÝ nữa.

Có 4 hạng người nghe pháp thiền này:

1- Nghe pháp xong liền vào được cả lý lẫn sự
2- Nghe pháp xong liền nhận ra lẽ thật nên vào được lý
3- Nghe cũng thấy có lý nhưng hiểu theo ý mình nên không thấy được lý thật
4- Nghe nhưng không hiểu gì hoặc cố chấp sở tri sở đắc của mình nên không chấp nhận

- Hạng thứ nhất là những người chỉ nghe những bài giảng trong Pháp Thoại thôi liền buông được những quan niệm sai lầm về lý lẫn sự nên có thể sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha một cách dễ dàng. Những người này đã từng trải nghiệm, chiêm nghiệm, thể nghiệm bản chất cuộc sống một cách tự nhiên không qua quan niệm nào nên bây giờ nghe thì họ liền thực chứng và bừng ngộ: "Ồ! Đúng thế!".

- Hạng thứ 2 nghe thấy hợp lý rồi nghe đi nghe lại thì ngày càng thấy đúng với đời sống thực tế nơi chính mình và cuộc sống. Họ tin tưởng chấp nhận, nhưng khi vào sự thì thấy lúng túng, khó khăn, nên còn nghi ngại. Nguyên do là họ vẫn còn lý tưởng quá nên muốn thực hiện được ngay như những gì được giảng. Họ không biết rằng phải trải nghiệm qua bài học thực tế đầy cam go để điều chỉnh nhận thức và hành vi thì mới có thể sống tùy duyên thuận pháp được.

- Hạng thứ 3 nghe giảng nhưng nắm bắt bằng lý trí nên nửa hiểu nửa không, nửa tin nửa ngờ. Hạng người này dù nghe cũng thấy có lý nhưng cho đó chỉ là lý thuyết suông không thể hành được. Vì những người này nắm bắt nghĩa qua lý trí nên chưa vào được lý, họ không phân biệt pháp hành thực tánh với phương pháp chế định nên không thể thấy rằng phương pháp chỉ là những kỹ thuật chế định để đạt được những kinh nghiệm hoặc kết quảcục bộ thôi, chứ không thể thấy pháp, do đó họ không thể tin rằng hành chính là trực tiếp thấy pháp thực tánh như nó là (Vipassanà) và sống thuận pháp tánh ngay nơi thực tại ấy (Dhammànuddhammà patipanno viharati) chứ không phải hành là áp dụng theo phương pháp chế định nào để đạt được điều gì như mình nghĩ là.

- Hạng thứ 4 hoặc là nghe mà chẳng hiểu gì cả, hoặc là đã có chủ trương, đường lối, mục đích riêng mà họ đề ra để đạt đến nên khi nghe nói giác ngộ chính là trở về sống trọn vẹn, trong sáng và hồn nhiên ngay nơi thực tại thì họ không thể nào chấp nhận được. Không những không chấp nhận mà họ còn cười chế nhạo cái thực tại chân lý hoàn hảo đó và cương quyết chối bỏ nó để đi tìm chân lý lý tưởng mà họ mong cầu. Đó chính là thói quen thả mồi bắt bóng muôn đời của cái ta vô minh ái dục!

Đúng như Lão Tử đã nói: "Người bậc thượng nghe Đạo thì nhiệt tình sống theo, người bậc trung nghe Đạo thì như nhớ như quên, người bậc hạ nghe Đạo thì liền cười lớn, vì họ mà không cười sao gọi là Đạo được!" (Thượng sĩ văn Đạo cần nhi hành chi, trung sĩ văn Đạo nhược tồn nhược vong, hạ sĩ văn Đạo đại tiếu chi, bất tiếu bất khả dĩ vi Đạo!"
TS Viên Minh.

Phiền não và kiết sử



Mười phiền não và mười kiết sử nói chung có tính chất giống nhau.

1) 10 phiền não là nguyên nhân đưa đến đau khổ trầm luân phổ biến cho tất cả chúng sanh, đó là: Tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, hôn trầm, trạo cử, vô tàm, vô quý. (Đôi lúc còn triển khai tham thành Dục ái, hữu ái, sắc ái, vô sắc ái).

2) 10 kiết sử là những trói buộc chúng sanh trong luân hồi sinh tử, khiến cho không giác ngộ giải thoát được, đó là: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái, sân hận, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, trạo cử, vô minh. 10 kiết sử được sắp xếp theo thứ tự từ thô đến tế, từ thấp lên cao, từ dễ mở đến khó mở. Vì vậy:

- Mở được thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ gọi là bậc nhập dòng pháp
- Giảm được thêm sân hận và ái dục gọi là bậc thuận dòng pháp
- Mở được cả 5 trói buộc trên gọi là bậc không quay lại
- Mở được cả 10 trói buộc gọi là bậc hoàn toàn giác ngộ giải thoát.
TS. Viên Minh

Hữu vi và vô vi



Hữu vi trong nghĩa tạo tác nghiệp do bản ngã vô minh ái dục thì chắc chắn là khổ rồi. Còn vô vi (vô hành, vô tác, vô nguyện, vô thủ hữu) không phải là "không hành động hay không cố gắng gia công gì cả", mà là hành động hay cố gắng gia công thuận pháp chứ không thuận theo bản ngã vô minh ái dục (như hành động hữu vi, hữu ngã).

Bây giờ thầy lấy một ví dụ để con xem hành động nào có trách nhiệm với mình và người hơn. Nếu một bác tài đang lặng lẽ lái xe với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành (hoặc khi cần thì thận trọng, chú tâm, quan sát rõ ràng), biết rõ tình trạng đang điều khiển xe của mình, biết rõ tình trạng lưu thông trên đường... mà vẫn rất thoải mái tự nhiên trọn vẹn với việc lái xe. Như vậy con có cho là bác tài không trách nhiêm, không cố gắng làm gì cả không? Trong khi một bác tài khác, đang lái xe mà cứ hậm hực nghĩ cách trả thù một kẻ đã hại mình ngày hôm qua, hoặc mãi mê tính toán một kế hoạch làm ăn trong tuần tới, hoặc đang bị thu hút vào một bản tin thời sự nóng bỏng gây lo lắng bất an... vì vậy, nhiều khi anh ta lái xe trong tình trạng vô thức, khả năng gây tai nạn hay cản trở giao thông là rất cao. Như vậy không phải hành động hữu vi hữu ngã của anh ta không những làm khổ mình mà còn làm khổ người nữa hay sao? Tài xế thứ nhất hoàn toàn trọn vẹn với thực tại, tâm không lăng xăng tạo tác, không bị tham sân si chi phối, khả năng tự động điều chỉnh rất cao, như vậy là hành động vô vi thuận pháp. Tài xế thứ hai, không trọn vẹn với thực tai, bị quá khứ, tương lai và hiện tại chi phối, bị tham sân si dẫn dắt, nên tâm luôn lăng xăng tạo tác, hành động đó gọi là hữu vi thuận ngã. Hữu vi như vậy không khổ là gì, phải không?

Con muốn chuyển hóa một hành động hữu vi sang vô vi thì chỉ cần trở lại thận trọng, chú tâm, quan sát thực tại - trạng thái thân tâm đang là, hay công việc đang làm. Như vậy không những hành động hữu vi, hữu ngã được chuyển hóa mà còn làm công việc ấy chu đáo hơn nhiều trong vô vi vô ngã. Một người đang chăm chú lau nhà rất thoải mái tự nhiên và an lạc, bỗng thấy em mình đi chơi về giẫm lên sàn làm bẩn đi. Người chị nổi giận, bây giờ việc lau nhà trở nên bực bội không thoải mái nữa. Đó là chiều chuyển biến ngược lại từ hành động vô vi vô ngã thành hữu vi hữu ngã, từ an lạc đến khổ đau. Tóm lại, vô vi ở đây là thái độ hành động sáng suốt vô ngã, an lạc tự nhiên, thoát khỏi thái độ toan tính đầy lo lắng, sợ hãi, bất an của cái ta vô minh ái dục, chứ không phải là không hành động gì cả. Hãy chiêm nghiệm thật kỹ lưỡng chính hoạt động hàng ngày của con thì con sẽ thấy ngay đâu là vô vi, đâu là hữu vi...

TS Viên Minh.

Tạ ơn và sám hối



Lúc đầu, con đến trước bàn thờ Phật, đảnh lễ, rồi ngồi yên tĩnh nghĩ đến Ân Đức Tam Bảo, Cha Mẹ, Thầy Tổ, các bậc ân nhân, chư Thiên Long Thần Hộ Pháp và tất cả chúng sanh, rồi cung kính đảnh lễ tạ ơn (3 lạy).
Sau đó, nghĩ đến (hoặc nói thầm) những lỗi lầm do vô minh ái dục đã vô tình hay cố ý tạo nghiệp thân khẩu ý làm hại mình hại người, và đảnh lễ xin sám hối (3 lạy).
Nguyện xong, bắt đầu từ đó hàng ngày lạy tạ ơn và sám hối (trước bàn thờ Phật hay ngồi trong phòng cũng được tùy điều kiện mỗi người) như sau:

- Con xin đảnh lễ tạ ơn sám hối Phật (3 lạy )
- --------------------------------------- Pháp (nt)
- --------------------------------------- Tăng (nt)
- --------------------------------------- Cha Mẹ (nt)
- --------------------------------------- Thầy Tổ (nt)
- --------------------------------------- Chư Thiên, Long Thần, Hộ Pháp (nt)
- --------------------------------------- Các bậc ân nhân (nt)
- --------------------------------------- Tất cả chúng sanh (nt)

Cuối cùng xin nguyện sống vô ngã vị tha, lợi mình lợi người để thiết thực tỏ lòng báo ân và sám hối. Nguyện nhẫn nại với mọi nghịch cảnh, nghịch nhân, không để cho bản ngã đối kháng manh động, luôn sống bình thản học bài học Giác ngộ giải thoát.

TS Viên Minh.

8. LOẠN THỊ



Nhiều người than phiền Đạo Phật có quá nhiều tông phái, mà tông phái nào cũng cho mình là đệ nhất. Chân lý chỉ có một, vậy ai đúng ai sai?

Được hỏi vấn đề này, Sư nói:

- Tùy độ loạn thị mà đeo kính. Kính nào cũng đệ nhất khi hợp với độ loạn thị chứ sao!

۞

Lời góp ý:

Chúng sanh có “nhiều bụi trong mắt” nên nhìn cái gì cũng thành méo mó. Nói “tướng” thì thành “tướng vọng”, nói “tánh” thì thành “tánh huyễn”, nói “ta” thì thành ”ngã thủ”, nói “pháp” thì thành “pháp chấp”. Thế rồi luận tánh, luận tướng, nói ngã, nói pháp mà trở thành... loạn thị.

Mắt đã loạn thị thì cần phải đeo kính Chánh Kiến mới thấy được thực tướng. Thế là các tông phái khéo “tiếp thị” đã cho tung ra kính loạn thị đủ kích đủ cỡ, đủ loại model. Thiên hạ đua nhau sắm kính, các “tiệm kính” bán đắt như tôm tươi.

Ai mua được kính “hợp mắt” thì đều cho là đệ nhất. Thậm chí có người đeo phải kính giả thấy trời đất muôn màu muôn sắc rất ư là huyền bí, liền cho là kính tối thượng. Mà kính “của ta” bao giờ lại chẳng hơn thiên hạ!

Nhưng coi chừng, dù kính giả kính thật, thì cũng phải lo lấy bụi trong mắt, phải chữa tận gốc loạn thị, hãy tin vào mắt thật của mình đừng nghe các “chủ tiệm” quảng cáo. Nếu không, kính có ngày cũng hết “đát” hoặc rủi ro mất mát hư hao thì rồi loạn thị vẫn hoàn loạn thị!

TS Viên Minh - Vi Tiếu

11. NGOÀI DA



Gặp một vị Tăng nổi tiếng về thiền định, Sư hỏi:

- Tu như vậy ông được gì?

Vị Tăng thưa:

- Tâm tôi đã lặng lẽ.

- Thế thì ông chỉ được ngoài da!

- Vậy phải làm sao để được thành chánh quả?

- Ấy, ông lại tính chuyện ngoài da nữa!

۞

Lời góp ý:

Người tu hành cứ loay hoay đi tìm một cái gì đó để đạt đến, vì chưa thấy ra “xương tủy” của mình. Pháp vốn biến hóa vô cùng, tâm giác ngộ cũng phải vô cùng biến hóa mới có thể hài hòa với nhịp sống linh động hồn nhiên.

Tịnh hay động cũng là phiến diện. Không ai có thể động không mà chẳng tịnh, cũng không ai có thể tịnh không mà chẳng động. Nắm cái này bỏ cái kia, suốt đời lăng xăng qua lại nên chẳng có lấy một phút giây an ổn trong sáng thì làm sao có thể tự tại hồn nhiên “hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” cho được?

Hễ mở miệng nói câu “làm sao để được” là còn xa ngàn dặm mất rồi.

Làm sao để được thành chánh quả

Cứ loay hoay tính chuyện ngoài da

Nơi sinh tử muôn đời phước họa

Sao chẳng dừng ngàn dặm bôn ba?

TS Viên Minh - Vi Tiếu

Người đời thường mang hai cái đãy (cái bị).



Người đời thường mang hai cái đãy (cái bị).
Một cái trước ngực chứa đầy lỗi lầm của người khác.
Một cái sau lưng chứa đầy lỗi lầm của chính bản thân.

Do đó, người đời thường bực bội, bất an trước các lỗi lầm quá dễ thấy của người khác. Trái lại, với các lỗi lầm của chính bản thân, người đời thường che giấu, không muốn ai thấy, chính mình cũng không thừa nhận, không nhận ra, cho nên khó khá được, cho nên khổ dài dài. Muốn hết khổ, muốn bớt khổ, người đời - dù theo tôn giáo nào - nên đổi vị trí của hai cái bị nói trên.
Khi nhận thấy chính bản thân cũng có quá nhiều khuyết điểm, nhược điểm, người đời chắc chắn không còn dám cất cao giọng chỉ trích nhục mạ người khác, cũng như không còn chỉ trích tôn giáo, tín ngưỡng của người khác đang theo.

- Kính cảm tạ lời chỉ giáo của Thầy. Thực hay quá. Nhưng riêng tôi, tôi không muốn đổi vị trí của hai cái bị đó thì sao, thưa Thầy ?
- À, quí vị không muốn đổi vị trí của hai cái bị, thì quí vị đổi nội dung của chúng cũng được mà.
- Tôi chưa hiểu rõ ý của Thầy ?
- Nếu quí vị vẫn giữ vị trí của hai cái bị :
Cái bị trước ngực qúi vị chứa đựng toàn là ưu điểm của người khác.
Cái bị sau lưng quí vị chứa đựng toàn là ưu điểm của bản thân.
- Tôi vẫn chưa tỏ tường ?
- À, khi đó quí vị sẽ thấy ưu điểm của người khác quá nhiều, lắm khi vượt trội hơn mình, mình thực ra chẳng bằng nhiều người lắm. Từ đó, mình bớt đi tánh phê phán, phỉ báng người khác - hãy thu mình lại, quan sát chính bản thân, quan sát chính bản tâm, mình sẽ được bình an ngay.
ST

TU HaY KHÔNG TU???



Hỏi : Con kính đảnh lễ Thầy.
Bạch Thầy, con thích đi tu, nhưng người thân và bạn bè con nói là không cần đi tu làm gì, lấy vợ lập gia đình rồi sau này làm phước, đi chùa, bố thí... thì cũng là tu tốt cả. Con nhìn thấy việc lập gia đình là một cái nghiệp phải lo, và là một chướng ngại trên con đường tu hành của mình. Như con quan sát thấy, nói vậy thì dễ lắm nhưng thực tế thì hoàn toàn khác. Khi yêu nhau thì hứa hẹn sẽ hỗ trợ nhau tu hành đủ thứ... và thực tế khi lập gia đình rồi người ta phải sống với nhiều thứ phải lo. Giả sử như cuộc sống mình êm đềm thì điều này có thể thực hiện được, nhưng nếu cuộc sống khó khăn thì việc mà toàn tâm toàn lực cho việc tu là rất khó, rồi còn dính mắc vào con cái... Con gặp một số người bây giờ ân hận nói với con biết ngày xưa đi tu là tốt rồi, vì bây giờ ràng buộc nhiều thứ không thể tu được.
Con hiểu rằng tu là chính trong đời sống của mình, Tu không phải là trốn tránh sự đời. Con nghĩ mình nên vào chùa thì sẽ có nhiều điều kiện hơn phải không Thầy, nhưng điều quan trọng là chọn một môi trường tu nghiêm túc. Ở chùa mình được Thầy chỉ dạy, được sống trong đạo pháp, được giúp ít cho chúng sanh nhiều điều khác nữa, nếu học hành tốt nữa thì sẽ giúp rất nhiều cho đạo... và sự ràng buộc của mình cũng sẽ không còn nhiều với gia đình. Đôi lúc, mình tu tinh tấn thì có thể còn trợ duyên rất nhiều cho gia đình nữa.
Quan điểm của con như vậy có khách quan không Thầy. Con mong Thầy chỉ dạy.

Đáp : Con thấy như thế nào đúng thì cứ làm. Khi con thích điều gì thì nó là động lực thúc đẩy con làm điều đó, và khi làm điều đó con có dịp học ra bài học của mình trong hoàn cảnh mà con chọn lựa. Chọn đúng hay sai tùy thuộc vào mức độ nhận thức sự việc của con, nhưng điều đó không quan trọng bằng qua hoàn cảnh chọn lựa đó con có học ra được điều gì cho sự giác ngộ giải thoát hay không.

Có người chọn lập gia đình làm lẽ sống rồi nhờ bị đau khổ, ràng buộc mới thấy ra sự thật. Có người chọn xuất gia làm lý tưởng nhưng khi vào tu mới thấy ra không phải như mình nghĩ rồi rơi vào tình trạng tiến thối lưỡng nan. Do đó chọn lựa đúng sai khó mà biết trước, có trải qua thực tế mới biết thực hư. Đường đời vạn nẻo, dù chọn nẻo nào cũng phải học cho ra sự thật thì không cần phân vân do dự làm gi, tốt nhất là chuẩn bị trầm tĩnh sáng suốt mà học bài học mới cho thông suốt. Có lẽ phân vân là do hiểu chưa đúng chữ tu chữ học ấy mà thôi!

- Hòa Thượng Viên Minh.

Trở về thực tại?



Hỏi : Thưa thầy cho con hỏi, con chưa hiểu lắm câu "trở về thực tại", thực tại ở đây là cảnh vật hoàn cảnh sống xung quanh đang hiện hữu, khi có ý niệm hay mơ tưởng gì không thật hay gây đau khổ thì mình dừng lại rồi quay về với hoàn cảnh sống xung quanh, công việc hiện thực của mình phải không ạ? Nếu như vậy thì có đè nén những tư tưởng đó không thưa thầy?
Con xin thầy giải thích cho con ạ. Con xin cảm ơn thầy.

Đáp : Một ý niệm hay một mơ tưởng không thật có nghĩa là đối tượng của nó không thật nhưng bản thân ý niệm khởi lên đó vẫn là một trạng thái sinh diệt của tâm, vì vậy trở về thực tại trong trường hợp này chính là niệm tâm. Niệm tâm là tâm quay về biết chính mình chứ không đuổi bắt đối tượng không thật kia nữa.

Trong khi con đang đi bộ mà tâm lại lang thang đi tìm đối tượng không thật (mơ mộng) gọi là thất niệm, bấy giờ con vấp phải một cục đá liền chợt tỉnh cơn mơ trở về biết mình đang đi và thận trọng chú tâm quan sát lại động tác đi đang diễn tiến nơi thân và đang tiếp xúc với đường đi, đó là niệm thân... Trong cả hai trường hợp trở về với thực tại thân hay tâm như vậy con đè nén cái gì?

- Hòa Thượng Viên Minh.

Như thế nào thì vào Pháp



Hỏi : Thưa thầy như thế nào thì vào Pháp, thầy cho con ví dụ ạ.

Đáp : Khi cái ta ảo tưởng khởi lên gọi là "ra pháp" (ra khỏi thực tánh pháp). Khi cái ta ảo tưởng biến mất thì gọi là "vào pháp" (Thiền Tông gọi là phản bổn hoàn nguyên). Ví dụ khi cái ta sợ hãi tưởng sợi dây là con rắn gọi là ra khỏi thực tánh pháp hay "ra pháp", khi cái ta sợ hãi biến mất thì thấy sợi dây là sợi dây gọi là trở về pháp tánh hay "vào pháp". Nhưng đó chỉ là dụng ngữ để tạm nói cho đẽ hiểu vậy thôi, khi nào tự con "vào pháp" thì biết liền chứ gì!

- Hòa Thượng Viên Minh.

Tâm thất niệm, tâm tạp niệm, tâm vọng niệm



Hỏi : Thưa thầy cho con hỏi. Thế nào là tâm thất niệm (có phải đó là tâm dao động, vọng động, suy nghĩ lo lắng sợ hãi về những chuyện ở tương lai hay áy náy những chuyện quá khứ phải không thầy)? Thế nào là tâm tạp niệm, tâm vọng niệm? Thầy có thể lấy cho con vài ví dụ về tâm thất niệm, tâm tạp niệm, tâm vọng niệm được không ạ. Con xin cám ơn thầy.

Đáp : Thất niệm là tình trạng tâm bỏ quên thực tại thân-tâm-cảnh vì đang dính mắc vào một đối tượng "ảo" bên ngoài. Thất niệm có thể xuất hiện dưới hình thức tạp niệm là suy nghĩ lung tung bất định từ chuyện này qua chuyện khác, hoặc dưới hình thức vọng niệm là suy nghĩ sai lầm không căn cứ trên sự kiện thật.
Ví dụ một học sinh đang ngồi trong nhà học bài nhưng tâm lại đang tưởng tượng đi chơi ngoài phố, đó là thất niệm. Đang nghĩ đi chơi ngoài phố rồi lại tưởng tượng lên xe buýt đến công viên, rồi vào siêu thị mua sắm v.v... đó là tạp niệm. Đã vậy cậu ta nghĩ rằng tâm mình đi lang thang khắp chốn như vậy thật là tuyệt vời, đó là vọng niệm.

- Hòa Thượng Viên Minh.

Sai lầm lớn nhất của con người là cố chấp cái nhìn cục bộ của mình



Sai lầm lớn nhất của con người là cố chấp cái nhìn cục bộ của mình. Thực ra chân lý là pháp phổ biến, không dành riêng cho bất cứ ai. Mỗi người giác ngộ chân lý qua tầm nhìn của mình về chính mình và vạn pháp. Người có tầm nhìn lớn nhất là người thông suốt được tất cả tầm nhìn của nhân loại. Như đức Phật thấy được 62 tà kiến của thế gian. Đừng hiểu tà kiến là thấy sai, cái sai không phải ở thấy mà ở cố chấp cục bộ. Ví dụ như những người mù sờ voi, cho con voi là cái chân, cái bụng, cái lưng, cái ngà, cái đuôi, cái vòi, cái tai, con mắt v.v... mỗi người đều đúng nhưng sai là do cố chấp vào cái nhìn cục bộ của mình mà thôi, thực ra con voi là tất cả những phần ấy không thể thiếu phần nào. Nhiều người Phật tử nghe Phật nói 62 tà kiến thì chấp rằng thường - đoạn, hữu biên - vô biên, có - không, khổ - lạc... đều sai. Phật nói 62 tà kiến vì ngoại đạo chấp một chiều mà trở thành phân biệt nhị nguyên, chỉ biết một mà không biết tất cả trong một. Phật có cái nhìn rộng lớn nên thấy nếu ráp 62 tà kiến lại trong một cái nhìn phổ quát thì tất cả đều đúng, trong khi người Phật tử kia cứ bắt chước Phật chê tất cả đều là tà kiến nên lại chấp vào "không" do đó không thể nào có được cái nhìn bất nhị.

Giả sử các tôn giáo khác đều thấp còn Phật giáo là tột đỉnh, thì cũng phải leo qua tôn giáo bậc 1, tôn giáo bậc 2, bậc 3... rồi mới leo lên đến tôn giáo tột đỉnh được. Có thể nói một tôn giáo tột đỉnh là tôn giáo ráp lại các tôn giáo bậc thấp mà có. Cũng như trước khi chứng quả Chánh Đẳng Giác, Phật cũng tu dưới rất nhiều hình thức đạo sĩ ngoại đạo khác nhau trong vô số kiếp. Đó là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi mà chủ yếu là phá đi những cố chấp cục bộ để trải nghiệm qua các chiều kích đa diện của pháp giới bao la này. Vì vậy đức Phật được gọi là bậc Minh Hạnh Túc. Sau khi giác ngộ đức Phật chỉ nói lên chân lý mà Ngài đã trải nghiệm và chứng nghiệm một cách toàn diện chứ không đưa ra chủ thuyết riêng của mình, do đó nếu nhìn kỹ chúng ta thấy Phật giáo bao gồm phần cao đẹp nhất của các tôn giáo như vô vi của Lão Tử, hữu vi của Khổng Tử, đức tin của đức Chúa Jesus v.v...

Thực ra các tông phái Phật Giáo Phát Triển về sau cũng chỉ triển khai những phương diện vốn có này trong giáo lý Nguyên Thủy của đức Phật. Các tông phái Phật Giáo Phát Triển tuy triển khai rất mạnh một phương diện nào đó của Đạo Phật nhưng cũng vô tình cục bộ hóa giáo lý uyên nguyên phong phú và bất nhị của bậc Giác Ngộ. Một số ít phương pháp thiền phát triển từ thế kỷ 20 (tất nhiên không phải tất cả) mệnh danh là Thiền Nguyên Thủy đang thịnh hành tại các nước Phật giáo Nam Tông và trên thế giới, tuy cũng đạt được những sở đắc rất hấp dẫn nhưng xét cho cùng thì cũng chỉ phản ánh những kinh nghiệm cục bộ mà thôi.

Những người khác tôn giáo, khác tông phái, khác phương pháp tu tập ngồi lại với nhau thì gây ra tranh luận tự tán hủy tha, chính là biểu hiện tính cố chấp cục bộ của con người, và chính những người này biến tôn giáo hay tông phái vốn cũng đúng và hữu ích trong một phương diện nào đó trở thành phiến diện và cục bộ. Một người thông suốt được tất cả những phương diện nhận thức và tu chứng cục bộ khác nhau này sẽ có một tầm nhìn khoáng đạt vô chấp và biết tôn trọng vị thế của các tôn giáo, tông phái hay pháp môn tu khác mình. Chúng ta vẫn thấy ra và phân tích những cái sai phát sinh do bảo thủ truyền thống kinh điển, cố chấp chủ thuyết hay ý thức hệ mà các tổ chức tôn giáo thêm thắt về sau để giúp mình và người khác trở về nguồn chân lý uyên nguyên bất nhị vốn sẵn có trong trời đất, chứ không thuộc quyền sở hữu của một tôn giáo nào.

- Hòa Thượng Viên Minh.

GIÁC NGỘ LÀ GÌ ?



Có một ông lão ăn xin ngồi ở bên lề đường đã hơn ba mươi năm… Ngày nọ, có một người khách lạ đi qua, ông lão đưa tay chìa chiếc nón cũ ra và nói:
- Xin ông có chút tiền lẻ nào cho tôi?
Người khách đáp:
- Tôi chẳng có gì để cho ông, nhưng kìa, ông đang ngồi trên cái gì vậy?
Lão ăn xin trả lời:
- Đó chỉ là chiếc hòm cũ thôi, tôi đã lê lết với nó từ rất lâu rồi!
Người khách lại hỏi:
- Ông có bao giờ để mắt nhìn xem bên trong có thứ gì không?
Lão ăn xin hờ hững trả lời:
- Chưa bao giờ!
Rồi lão nói thêm:
- Nhưng mở ra để làm gì chứ, tôi đã biết nó chẳng có gì bên trong mà!
Ông khách vẫn khuyến khích:
- Nhưng bây giờ ông hãy thử mở xem nào.
Lúc đó, vì nể lời vị khách nên lão ăn xin miễn cưỡng đưa tay mở nắp chiếc hòm ra. Vừa nhìn vào trong – ông lão bỗng sửng sốt – không thể tin vào mắt mình: Bên trong chiếc hòm cũ kỹ ấy chứa đầy những thỏi vàng…

.......
cách định nghĩa đơn giản của Đức Phật về trạng thái Giác Ngộ. Đó là trạng thái đã “chấm dứt tất cả mọi mê muội” trong ta. Đâu có gì quá siêu phàm trong sự thực này, đúng không? Dĩ nhiên, nếu đó là một định nghĩa thì quả thực đó chưa phải là một định nghĩa toàn vẹn. Vì nó chỉ nói với bạn những gì ngược lại với trạng thái Giác Ngộ: Là Chấm Dứt Khổ Đau. Nhưng cái gì sẽ còn lại ở trong ta, khi ta đã dứt hết khổ đau? Đức Phật không nói. Sự im lặng của Ngài giúp bạn tự tìm ra câu trả lời cho chính mình. Ngài dùng định nghĩa theo lối phủ định để giúp cho trí năng(1) của ta không thể nắm bắt nó, hay bám vào đó như là một điều gì để tin theo. Hoặc sai lầm hơn khi ta cho đó là một thành tựu của những bậc siêu phàm, một mục tiêu mà chúng ta khó có thể đạt tới được. Mặc dù Đức Phật đã báo trước rõ như thế, đa số người học đạo vẫn tin rằng Giác Ngộ là trạng thái chỉ dành riêng cho Đức Phật và một số người đặc biệt, mà không phải cho chính họ, những con người bình thường. Ít ra thì trong kiếp sống hiện tại, họ vẫn tin rằng họ không bao giờ có thể đạt tới trạng thái này.

Eckhart Tolle - Sức mạnh sự tĩnh lặng

Tâm của chúng ta sáng hơn mặt trời



Hỏi: Mặt trời có sáng không?
Đáp: Dĩ nhiên là quá sáng rồi, còn phải hỏi! (Nếu không bị mây che)
Vậy mà trong một bài kinh nào đó, Phật có nói rằng: tâm của chúng ta, nếu không bị vọng tưởng che lấp, thì sáng hơn mặt trời cả ngàn lần.
Choáng chưa mọi người!!!!!

Mặt trời lúc ở trên đỉnh chói chang đến mức không thể nhìn trực diện rồi. Vậy mà tâm chúng ta sáng hơn gấp ngàn lần thì kinh khủng cỡ nào rồi!
Tuy nhiên cái sáng của mặt trời là chói chang, còn cái sáng của tâm thì mát mẻ, thanh tịnh, an lành.

Chúng ta, ai cũng có một kho báu quý giá là một cái tâm sáng hơn mặt trời một ngàn lần; vậy mà mình suốt ngày suốt tháng suốt năm lo quanh quẩn làm cái gì đâu không hà. Cầu cái này mong cái nọ muốn cái kia. Có người thì tích lũy của cải, có người thì lăng xăng luyện thần thông, có người thì bận rộn chạy tới chạy lui. Chỉ cần mình buông ra mọi cái lăng xăng ấy là mình có kho báu liền. Vậy mà hổng chịu làm, mới chết chứ!

Bởi vậy trong Kinh Pháp Hoa có dạy rằng: Chúng ta chẳng khác nào chàng cùng tử lang thang khắp nơi nhặt nhạnh từng đồng để đắp đổi qua ngày mà không ngờ rằng mình có một gia tài đồ sộ; chúng ta chẳng khác gì người có một viên ngọc quý trong túi mà không bao giờ biết lấy ra dùng để cả đời phải cam phận đói khát.

Ồ, tự dưng nhớ ra hình tượng mà đạo Cao Đài thờ là CON MẮT, hay còn gọi là THIÊN NHÃN. Con mắt sáng suốt soi rọi rõ ràng khắp nơi. Chúng ta ai mà chẳng có con mắt ấy kia chứ! Nhưng quan trọng là có mà giấu biệt đi hổng dám sử dụng hihihihihi.

Đạo



Hễ là Đạo thì là tốt rồi! Khi nào chúng ta muốn Đạo trở thành tôn giáo thì mới không tốt!

Hãy truy lại lịch sử thì thấy rằng: tất cả những người được cho là giáo chủ một tôn giáo nào đó, họ có mặt để chỉ cho chúng ta thấy Đạo, và không bao giờ họ tự nhận họ là người sáng lập một tôn giáo nào cả. Nhưng do chúng ta không có khả năng nhìn thấy Đạo mà họ muốn chỉ nên chúng ta tung hê họ lên làm giáo chủ và biến những cái họ nói thành giáo điều. Điều này đúng đối với cả Phật giáo! Phật chưa bao giờ tự xưng mình là giáo chủ, chưa bao giờ tự xưng mình là thầy của ai cả. Ngài nói rất giản dị: Tôi chỉ là người chỉ đường. Có chịu đi hay không thì tùy mọi người. Vậy mà bây giờ chúng ta tung hê Ngài dữ quá!

Đạo thì không ngăn ngại, không chia cắt, còn tôn giáo thì có chia cắt, phân chia, tách biệt cái này cái nọ.

Đạo là gì? Đạo là Chân Lý chung, là quy luật của vũ trụ, không thuộc về ai về tổ chức hay tôn giáo nào. Bất kể đó là ai, màu da, tôn giáo, sắc tộc nào không quan trọng, dù là người, chư thiên, súc sanh hay ngạ quỷ cũng không sao. Hễ ai thấy được Chân Lý, nhận ra được quy luật chung của vũ trụ thì người ấy đạt đạo. Hễ ai còn phân chia ranh giới, còn tự đặt định vị trí cho mình, tự phân biệt mình với người khác thì người ấy chưa thấy Đạo. Bởi vì đã là Đạo thì làm gì có ranh giới!!!!!