Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

THỜ CÚNG ÔNG BÀ (Thầy Viên Minh giảng)

Tục lệ dân gian thờ Cửu Huyền Thất Tổ là để nhớ ơn tổ tiên ông bà cha mẹ đã quá vãng thì đúng, nhưng rước ông bà về thờ thì đôi lúc chỉ rước ma quỷ về nhà thôi, vì phần lớn tổ tiên đã tái sinh qua kiếp khác rồi. Rước ma quỷ về thì người nào yếu họ nhập vào để tỏ quyền uy. Phật dạy đối với người đã quá vãng tốt nhất là làm phước hồi hướng cho họ được siêu sinh chứ không nên rước về giữ họ lại cõi âm khiến họ không đi tái sinh dương thế được.

Việc đi chùa không lệ thuộc vào vị trụ trì, chỉ nên nghiên cứu kinh sách, nghe giảng để hiểu Phật pháp, thông suốt đạo lý mà sống cho đúng tốt, nếu không hiểu đạo lý thì chỉ rơi vào mê tín dị đoan, nô lệ vào nghi lễ cúng bái cầu xin chứ không phải là Phật pháp. Biết tu tâm, dưỡng tánh, biết hành động, nói năng, suy nghĩ sáng suốt định tĩnh trong lành, biết sống lợi mình lợi người thì mới là Phật tử chân chính chứ không phải có pháp danh, đeo tượng Phật là Phật tử.

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Chính mình là cây ngô đồng, Phượng hoàng mới đến đậu.

Dưới đây là 9 điều về nhân tình thế thái đáng để bạn học hỏi khi nhìn ngắm cuộc đời của mình và của người khác:

1/ Thường xét lỗi của mình, sẽ từ từ quên đi lỗi lầm của người khác. Vốn không có ai đúng ai sai, chỉ là lập trường bất đồng. Mỗi người cần tôn trọng lập trường của nhau.

2/ Xin đừng mạo muội đánh giá người khác, bạn chỉ biết tên của họ, nghe người khác nói họ đã làm gì nhưng bạn không thể biết hết họ đã trải qua những gì.

3/ Một người chân chính mạnh mẽ, sẽ không quá quan tâm đến chuyện làm vui lòng đẹp ý người khác, điều quan trọng nhất là bạn phải nâng cao nội lực của chính mình. Khi bạn đã rèn luyện tốt rồi, tự khắc sẽ có người đến gần gũi với bạn. Chính mình là cây ngô đồng, Phượng hoàng mới đến đậu. Chính mình là biển lớn, trăm sông mới hội tụ. Như hoa có hương, ong bướm sẽ tụ hội. Khi bạn đến được tầng bậc nhất định, bạn sẽ có được những mối quan hệ xã hội tương ứng, mà không phải là ngược lại.

4/ Không ai có thể theo bạn cả 1 đời, cho nên bạn phải có năng lực vui sống ở nơi mình đang sống, vui với việc mình làm! Không ai giúp bạn cả 1 đời, cho nên bạn phải kiến lập 1 cái tôi tự lập mạnh mẽ.

5/ Đời người vốn là 1 loại cảm thụ. Lúc người bạn yêu vứt bỏ bạn, dù bạn kêu trời trách đất cũng không ích gì. Lúc có người nói xấu bạn, dù có trăm miệng cũng khó biện bạch được. Chuyện đời vốn dĩ: lúc đắc ý - tâm thế như triều dâng, lúc thất chí - tâm tình như hoa rụng. Thế cho nên đừng quá quan trọng chính mình, khi bị khuất nhục, không còn cách gì, muốn rơi lệ... Tất cả những giấy phút đó, đều không thể thiếu trong đời người.

6/ Đôi lúc, mình ngưỡng mộ, ham thích hạnh phúc của người khác. Bất chợt quay đầu nhìn lại, thấy cuộc sống của mình được người khác ngưỡng mộ. Kỳ thực, mỗi người đều đang hạnh phúc, chỉ là nó không nằm trong mắt bạn mà nằm trong mắt người khác, nên bạn không nhận ra. Hạnh phúc ví như 1 quả núi, không đỉnh cũng không đầu. Bạn chỉ có thể học cách đi thật chậm, chiêm ngưỡng cảnh núi, thưởng thức ánh sắc cầu vồng, hóng gió mát vi vu, tâm trạng thư thả mới có thể cảm nhận được sự sung túc mà cuộc sống mang lại cũng như hạnh phúc mà bạn đang có.

7/ Hạnh phúc không bỏ sót bất kỳ người nào, sớm muộn gì cũng có ngày nó tìm đến bạn.

8/ Đời người là 1 quá trình vận động, phát triển liên tục. Bạn sẽ không bao giờ biết thời khắc kế tiếp sẽ phát sinh chuyện gì, cũng sẽ không rõ vì sao vận mệnh lại đối đãi với bạn như vậy. Chỉ sau khi bạn trải qua các loại biến cố trong đời sống, bạn mới rũ bỏ cách nhìn phù hoa ban đầu, thay vào đó là sự nhìn nhận thế giới bằng tâm thái khiêm tốn.

9/ Ví như bạn quét lá, dù hôm nay bạn dùng hết sức, thì lá khô ngày mai vẫn bị gió thổi đến. Trên đời, có nhiều việc không thể mong gấp mong sớm được. Thay vào đó, bạn hãy sống trọn vẹn với giây phút hiện tại và không ngừng vươn lên.

Sưu tầm từ trang UNESCO-CEP.


Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

ĐỜI SỐNG CÓ MỘT KHÔNG HAI .

1. Làm người, nếu ai đó lợi dụng, chứng tỏ bạn cũng có giá trị.
2. Có kẻ ganh tị, chứng tỏ bạn đang đi trước họ
3. Bị người khác nói xấu, chứng tỏ bạn rất có sức ảnh hưởng.
4. Đối với con người: Cần nhìn thấu, không cần nói rõ
5. Đối với hoàn cảnh: Cần xây dựng, không cần chống đối
6. Với tâm trạng: Cần vui vẻ, không cần bi luỵ…
7. Bất kể chân thành thế nào, khi gặp người hoài nghi, bạn sẽ thành kẻ nói dối.
8. Dù đơn thuần ra sao, gặp phải người phức tạp, bạn lập tức trở thành nhân vật có nhiều toan tính
9. Bạn vô tư hồn nhiên, người thực dụng sẽ nghĩ đây là đứa ngốc nghếch
Dù chuyên nghiệp đến đâu, gặp phải người không hiểu biết, bạn cũng chỉ là kẻ vô dụng...

LỜI BÌNH
Vì thế không cần quá bận lòng đến những bình luận xôn xao của người đời. Bạn chỉ cần hoàn thành trách nhiệm bản thân, đối xử chân thành với tất cả, rồi sống cuộc đời có một không hai của chính mình, mọi chuyện tự nó sẽ trở nên tốt đẹp.
<Sưu tầm>


Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Con Đường Hạnh Phúc – HT Viên Minh & Trần Minh Tài


Câu hỏi: Dạ kính thưa thầy cho con hỏi ba má con mới biết đến đạo Phật thì nên nghe pháp thoại nào cho dễ hiểu ạ. Con xin tri ân thầy.

Trả lời: Con nên cho ba mẹ con nghe đĩa "Con Đường Hạnh Phúc" có trong Pháp Thoại trang web này để có cái nhìn khái quát về một đạo Phật thiết thực và trong sáng.

Thầy Viên Minh





Nếu muốn đọc sách thì vào đây


Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Cúng dường Phật hay buôn bán với Phật?

Một số người đặc biệt là người trẻ tuổi không dám bước chân vào chùa. Vì họ sợ phải cúng dường. Cúng dường ít thì tự thấy ngại, mà cúng dường nhiều thì không muốn. Đã vậy còn thêm 1 số người cứ “hù” miết: vào chùa mà không cúng dường mà dám ăn hay uống cái này cái nọ là mắc nợ Tam bảo, là lấy của chùa, là phải đọa địa ngục………. Nghe sợ quá, nên thấy chùa là tránh xa xa. Thiệt cái tình! Nếu nghĩ rằng vào ăn cơm chùa hay nghe thuyết pháp mà phải cúng dường thì đó không phải là cúng dường, đó là buôn bán với chùa hay buôn bán với Phật ấy chứ. Vì sao?

Chùa được xây dựng hay thiết lập là do công sức tiền của của thập phương bá tánh. Khi người ta cúng dường vào chùa thì có ai nghĩ đến việc yêu cầu người khác phải trả công hay phải mắc nợ mình khi được hưởng thụ thành quả này không? Hoặc khi vào ăn ké cơm chùa cũng vậy. Nếu mình ăn với một cái tâm hồi hộp lo sợ hổng biết có mắc nợ không, hổng biết có phải cúng dường không thì người nấu, người phục vụ, người bỏ tiền ra lo cho bữa ăn đó xem như hổng có phước gì cả. Gọi là cơm chùa mừ. Cứ việc ăn thoải mái, ăn cho thật hoan hỉ vào, ăn vì mình cần ăn, chứ không phải do mình tham mà ăn, ăn như vậy càng hoan hỉ thì những người phục vụ cho mình có bữa ăn đó càng được phước. Tưởng tượng xem: Mình cho ai một cái gì đó mà người nhận hoặc không cần món ấy lắm, hoặc nhận mà không vui, hoặc nhận mà không thoải mái thì việc cho của mình nó không thật sự có ý nghĩa tí nào. Còn khi mình cho ai cái mà họ thật sự cần và họ nhận với một tâm trạng hoan hỉ vô cùng thì mình cảm thấy lâng lâng cả mấy ngày luôn đó. Mọi người không tin, thì cứ thử đi rồi sẽ biết. Bởi vậy vào chùa cũng thế, đừng có để cho tâm trạng của mình bị đè nặng bởi việc cúng dường. Nếu cần thì cứ việc nhận nha mọi người, nhớ đừng có tham là được. Chịu nhận cái mình cần một cách hoan hỉ thì người cho mới có nhiều phước. Thời Phật còn tại thế, Phật và các vị thánh tăng, hay tỳ kheo đều đi ăn xin (nói cho hay hơn một tí là đi khất thực) một phần cũng bởi vì lý do này đấy. Ai cho cái gì cũng hoan hỉ nhận và hoan hỉ ăn. Như vậy người cho mới được phước.

Quan điểm của tôi là cần gì cứ việc vào chùa lấy, lấy cái mình cần, lấy một cách hoan hỉ. Đây là cách giúp ích cho người khác đấy. Ai nói gì mặc kệ họ. Khi nào mình lấy vì mình tham thì mình mới sợ, còn mình lấy cái mình cần thì hổng việc gì phải sợ, vì mình đang giúp cho người đóng góp vào chùa được phước đấy chứ!

Còn nếu muốn cúng dường gì đó cho chùa, thì điều đó phải xuất phát từ thật tâm cúng dường, chứ không phải vì sợ mắc nợ mà cúng dường. Khi mình sợ mắc nợ mà cúng dường thì đó là mình đang buôn bán với chùa, với Phật. Như vậy cả mình và người phục vụ mình không ai có phước gì cả. Tính toán quá thì phước chỗ nào mà phước. Cái gì xuất phát từ nhu cầu thật sự, từ thật tâm thì mới phước chớ!

Bởi vậy, muốn ăn cơm chùa thì cứ việc vào chùa ăn, muốn vào chùa nghe thuyết pháp thì cứ việc đi nghe, muốn xin băng đĩa sách về sử dụng thì cứ việc xin (một số chùa phát mấy cái này miễn phí chứ không có bán), hoan hỉ ăn, hoan hỉ nghe, hoan hỉ nhận, vậy thôi cũng đem lại phước cho nhiều người lắm rồi, không cần phải bỏ tiền vào thùng thì mới có phước đâu nha!


Không ít người chưa sống cho ra sống đã sợ chết.

"Đây là bài viết được nhà báo Trương Anh Ngọc viết sau khi biết tin một người bạn báo bị ung thư. Bài viết dành tặng cho tất cả những ai đang và sẽ sống có ý nghĩa".

Đối với tôi, đấy là một chuyến bay đặc biệt. Bay từ Châu Âu đến Châu Phi luôn đem đến một cảm giác rất khác lạ. Trước hết, đấy là một chuyến bay xuyên lục địa từ Bắc xuống Nam bán cầu. Sau đó, chuyến đi cho World Cup 2010, mà ở đó tôi suýt chết trong một vụ cướp, trên hành trình tác nghiệp đã được mở đầu theo một cách không thể quên.

Trong một chặng của hành trình xa lắc ấy, tôi ngồi cạnh một linh mục người Tây Ban Nha. Cha còn trẻ, có nụ cười rất đôn hậu và giọng nói trầm ấm. Chúng tôi nói chuyện về bóng đá, về cuộc đời, về sách vở và những chuyến đi khi máy bay vừa cất cánh lúc trời còn chưa sáng. Thế rồi, chẳng hiểu thế nào, ngài linh mục, một người rất uyên bác, bỗng chuyển chủ đề sang nói về cái chết, sau khi máy bay bị mất độ cao trong chốc lát và làm nhiều hành khách, trong đó có tôi, hoảng hốt đến cùng cực: "Con người ta thỉnh thoảng vẫn tự hỏi, cái chết sẽ đến với mình như thế nào, nhẹ nhàng hay đau đớn? Không ai trả lời, vì họ không trả lời được, hoặc không muốn trả lời. Nghĩ đến cái chết khiến nhiều người sợ hãi". 

Cha bảo, sợ hãi cái chết là một bản năng của con người, nhất là đối với những ai còn ham sống, còn nhiều điều chưa thể thực hiện được hoặc còn muốn hưởng thụ. Chỉ có những người đã trải qua tất cả, hoặc buông xuôi và không còn điều gì tiếc nuối nữa thì cảm thấy thanh thản và nhẹ nhàng. "Chẳng ai tránh được cái chết. Ngay cả nếu như chuyến bay này là định mệnh dành cho mình, mình phải chấp nhận", cha nói. Tôi tiếp lời vị linh mục: "Nếu máy bay chúng ta đang rơi, điều gì cha nghĩ đến đầu tiên?". Cha trả lời: "Ta nghĩ ta đang về với Chúa. Còn con?". "Nếu kịp thì con sẽ nghĩ nhiều lắm, đến gia đình và người thân, đến chuyến đi này và bài viết trong máy tính còn đang dang dở, đến bao năm tháng phía trước không được sống. Con còn rất trẻ cha ạ", tôi nói. Chúng tôi cùng cười.

Cái chết là điều mà chúng ta không ai muốn nghĩ, hoặc đơn giản là chưa nghĩ tới, cho rằng như thế là quá sớm hoặc có thể đem đến vận rủi. Nhưng nó vẫn sẽ đến, theo cách này hay cách khác và không ai có thể tránh được. Nếu cái chết đã không thể tránh được, thì sống như thế nào luôn là một câu hỏi mà chính chúng ta cũng không dễ trả lời. Vị linh mục có thể tìm đến đức tin để nương náu trong những lúc gian khó nhất và Chúa có thể làm cho cái chết của ngài trở nên nhẹ nhàng và thanh thản, nhưng chúng ta, những người còn rất trẻ, có thể tìm đến ai và bấu víu vào điều gì để khỏa lấp đi những nỗi lo lắng thường trực, sự mất niềm tin vào tương lai phía trước và những nỗi cô đơn lớn lao mà thế giới này có lúc không ai có thể chia sẻ cùng ta?

Tôi đã gặp và nói chuyện với nhiều người cũng đặt ra những câu hỏi như trên những hành trình mình đã đi qua trong đời. Và chính tôi, khi đối diện với chính mình trong những lúc gian khó, cũng tự hỏi mình câu đó. Để rồi sau rất nhiều những vấp ngã và thậm chí có lúc tuyệt vọng, chợt nhận ra rằng, cách duy nhất có thể tạo ra được sự lạc quan cho bản thân mình khi đối diện với những điều tệ hại nhất là sống tốt và có niềm tin rằng, việc sống tốt ấy của mình có thể đem đến niềm vui cho càng nhiều người càng tốt bằng sự chia sẻ. Chia sẻ những điều tốt đẹp, chia sẻ những ý nghĩ và các câu chuyện về sự tử tế, chia sẻ những hình ảnh về những chuyến đi và hy vọng những chuyến đi và kinh nghiệm đã trải qua ấy có thể thôi thúc nhiều người trẻ rời khỏi thế giới an toàn và nhỏ hẹp của họ để vững tâm bước ra thế giới.

Vị linh mục bảo, chúng ta đang sống trong một thế giới của những điều trái ngược. Nhiều người trong chúng ta chưa hoặc rất ít bay đi đâu đó, nhưng luôn sợ máy bay rơi. Nỗi sợ hãi ấy đã giết chết những hoài bão nhỏ nhoi của họ, tự cầm tù họ trong một cuộc sống cá nhân buồn tẻ và hèn nhát. 

Phải, cha hoàn toàn đúng. Không ít người chưa sống cho ra sống đã sợ chết. Cái chết không phải là tất cả, mà là một phần quan trọng của cuộc sống, một sự chuyển tiếp giữa những trạng thái của sự tồn tại. Sao không sợ sống một cách vô nghĩa, không có định hướng, không hoài bão và ước mơ, trong một cuộc đời nhờ nhờ hơn là sợ chết? Chết về tâm hồn, vì sự bon chen và xảo trá của cuộc sống khiến ta mờ đi cái tâm và mất đi sự lạc quan, tự nướng tuổi trẻ của mình vào điều vô bổ là cái chết ghê sợ hơn cả. 

Nhiều năm trước, tôi đã từng mất một người bạn. Một khối u não đã cướp đi cuộc sống của cô và đứa con trong bụng cô. Nỗi đau đớn trong tôi lúc nhìn cô hôn mê trong bệnh viện sau đó được thay thế bởi một ý nghĩ khác: mọi điều xảy ra trong cuộc đời này đều có lí do và đều có ý nghĩa của nó. Điều quan trọng là ta giải nghĩa nó thế nào. Cái chết của người bạn ấy có thể là động lực cho những người khác còn đang sống cảm thấy sự may mắn mà họ đang có trong tay: họ có cuộc sống. 

Và nữa, những người nghĩ nhiều về cái chết thực ra không phải là người bi quan, mà là người muốn sống thế nào cho không vô nghĩa và rồi họ biết cách xua tan đi những nỗi sợ hãi ngày càng dày lên xung quanh, vì sự bất trắc, những đe dọa rình rập ta ở bất cứ lúc nào trong từng mảnh li ti của cuộc sống. Một tế bào ung thư bắt đầu phát triển ở đâu đó trong cơ thể, lối sống không khoa học và theo chiều hướng bê tha, những suy nghĩ bi quan và bế tắc, những tai nạn dọc đường. Sợ chết, xét cho cùng là bình thường. Nhưng sợ sống không tốt thì không phải ai cũng nghĩ đến...
Chúng tôi tạm biệt nhau ở Nairobi. Trước khi chia tay, đột nhiên vị linh mục hỏi: "Ta muốn hỏi điều này. Nếu nói về cái chết, thì con muốn có điều gì trong đám tang của chính mình?", linh mục hỏi. Nghĩ một lúc, tôi trả lời: "Những nụ cười. Con không muốn cái chết của con trở thành một gánh nặng cho tất cả. Cái chết ấy phải đem đến sự thanh thản và niềm vui, bởi con muốn, sau này, mọi người nhớ đến con thì chỉ nghĩ đến những niềm vui, rằng con đã sống không vô ích". Vị linh mục gật đầu cười. Chúng tôi chia tay. Tôi không gặp lại ông từ ngày ấy, nhưng cái chết của người bạn và cuộc gặp trên máy bay đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm sống của tôi.
Xét cho cùng, cũng chỉ được sống có một lần thôi...
Trương Anh Ngọc (từ Roma, Italia)
Xem nguồn bài viết ở đây.


Lời bình: Người sống từng ngày mới thật sự là người biết sống. Mỗi sáng thức dậy thì hãy tự nhủ: “Có thể buổi sáng nàybuổi sáng cuối cùng của mình.”  Mỗi ngày đều tự nhủ: “Có thể đây là ngày cuối cùng của mình.”.Mỗi khi ăn đều tự nhủ: “Có thể đây là bữa ăn cuối của mình.” Mỗi khi làm gì đều tự nhủ: “Có thể đây là cơ hội cuối cùng cho mình làm công việc này.” Mỗi đêm trước khi đi ngủ đều tự nhủ: “Đêm nay là đêm cuối, giấc ngủ này có thể là giấc ngủ cuối.” Đừng tưởng những người như vậy là bi quan, mà họ chính là vô cùng lạc quan, vì họ biết giá trị của từng ngày, từng giấc ngủ và từng thứ mà mình đang có. Họ chính là những người thật sự sống và sống rất thực tế!

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

3 câu chuyện thâm thúy về 3 tính xấu của con người

1. Ông nông dân mãi nghèo khổ

Có một ông nông dân dậy từ rất sớm, nói với vợ sẽ đi làm đồng, lúc ra đến ruộng mới phát hiện máy cày hết dầu. Vốn định đổ thêm dầu, thế nhưng ông ta nghĩ đến ba bốn con lợn ở nhà vẫn chưa cho ăn, thế là ông ta lập tức quay về nhà. Đi qua nhà kho thấy vài củ khoai tây, ông ta liền nghĩ đến khoai tây có khả năng nảy mầm, thế là lại đi ra ruộng khoai tây. Khi đi qua đống củi, lại nhớ ra trong nhà thiếu củi, đúng lúc đi lấy củi thì nhìn thấy con gà ốm nằm trên đất... Cứ như vậy người nông dân chạy đi chạy lại, cuối cùng từ sáng tinh mơ cho đến khi mặt trời lặn, ông nông dân này vẫn chưa đổ dầu vào máy, lợn cũng chưa cho ăn, ruộng cũng chưa cày, cuối cùng chẳng có việc nào làm ra hồn.

2. Ổ khóa và chìa khóa - Cái nào quan trọng hơn?

Một đêm nọ, ổ khóa thức chìa khóa dậy rồi trách móc: “Ngày nào tôi cũng vất vả giữ nhà cho chủ nhân, thế mà chủ nhân lại thích anh, lúc nào cũng mang theo anh bên mình, thật ghen tỵ với anh quá!” Còn chìa khóa cũng không phục: “Ngày nào anh cũng ở nhà, chơi bời thoải mái, thật là nhàn hạ chứ không như tôi cứ lặn lội gió mưa vô cùng cực khổ, tôi càng ghen tỵ với anh hơn đấy!”

Có một lần, chìa khóa cũng muốn được hưởng thụ cảm giác nhàn hạ của ổ khóa nên tự mình giấu mình đi. Sau khi chủ nhân về không tìm thấy chìa khóa nên tức giận đập ổ khóa rồi vứt nó vào thùng rác. Sau khi vào phòng, chủ nhân lại tìm thấy chìa, ông ta lại tức giận nói rằng: “Ổ khóa vứt rồi giờ giữ lại nhà ngươi còn có ích gì nữa”. Nói xong, chủ nhân liền vứt chìa vào thùng rác.

Trong thùng rác, ổ khóa và chìa khóa gặp lại nhau, cả hai cùng than thở: “Hôm nay cả hai chúng ta đều rơi vào hoàn cảnh như thế này là vì chúng ta đều không nhận ra giá trị cũng như công sức của đối phương mà lại đứng núi này trông núi nọ, lúc nào cũng tính toán chi li, đố kỵ lẫn nhau, nghi ngờ lẫn nhau”.

3. Đi tìm hạnh phúc thật sự
Có một phú ông vô cùng giàu có. Hễ thứ gì có thể dùng tiền mua được là ông mua về để hưởng thụ. Tuy nhiên, bản thân ông lại cảm thấy không vui, không hề hạnh phúc.

Một hôm, ông ta nảy ra một ý tưởng kỳ quặc, đem tất cả những đồ vật quý giá, vàng bạc, châu báu cho vào một cái bao lớn rồi đi chu du. Ông ta quyết định chỉ cần ai có thể nói cho ông làm thế nào để hạnh phúc thì ông sẽ tặng cả bao của cải cho người đó.

Ông ta đi đến đâu cũng tìm và hỏi, rồi đến một ngôi làng có một người nông dân nói với ông rằng nên đi gặp một vị Đại sư, nếu như Đại sư cũng không có cách nào thì dù có đi khắp chân trời góc bể cũng không ai có thể giúp ông được.

Cuối cùng cũng tìm gặp được vị Đại sư đang ngồi thiền, ông ta vui mừng khôn xiết nói với Đại sư: “Tôi chỉ có một mục đích, tài sản cả đời tôi đều ở trong cái bao này. Chỉ cần ngài nói cho tôi cách nào để được hạnh phúc thì cái bao này sẽ là của ngài”.

Lúc ấy trời đã tối, màn đêm sắp buông xuống, vị Đại sư nhân lúc ấy liền tóm lấy cái túi chạy đi. Phú ông sợ quá, vừa khóc vừa gọi đuổi theo: “Tôi bị lừa rồi, tâm huyết của cả đời tôi”.

Sau đó vị Đại sư đã quay lại, trả cái bao lại cho phú ông. Phú ông vừa nhìn thấy cái bao tưởng đã mất quay về thì lập tức ôm nó vào lòng mà nói: “Tốt quá rồi!”. Vị Đại sư điềm tĩnh đứng trước mặt ông ta hỏi: “Ông cảm thấy thế nào? Có hạnh phúc không?” – “Hạnh phúc! Tôi cảm thấy mình quá hạnh phúc rồi!”.

Lúc này, vị Đại sư cười và nói: “Đây cũng không phải là phương pháp gì đặc biệt, chỉ là con người đối với tất cả những thứ mình có đều cho rằng sự tồn tại của nó là đương nhiên cho nên không cảm thấy hạnh phúc, cái mà ông thiếu chính là một cơ hội mất đi. Ông đã biết thứ mình đang có quan trọng thế nào chưa? Kỳ thực cái bao ông đang ôm trong lòng với cái bao trước đó là một, bây giờ ông có còn muốn đem tặng nó cho tôi nữa không?”.

Sưu tầm.

40 Châm ngôn sống sâu sắc của cụ già ở Thái Nguyên

1. Dạy con trẻ vạn lời hay, không bằng nửa ngày làm gương, làm mẫu.

2. Cha mẹ chỉ biết cho, chẳng biết đòi. Con cái thích vòi mà không biết trả.

3. Dâu, rể tốt cha mẹ được đề cao. Con cái hỗn hào đứt mười khúc ruột.

4. Cha mẹ dạy điều hay, kêu lắm lời. Bước chân vào đời ngớ nga ngớ ngẩn.

5. Cha nỡ coi khinh, mẹ dám coi thường, bứơc chân ra đường phi trộm thì cướp.

6. Cha mẹ ngồi đấy không hỏi, không han, bước vào cơ quan cúi chào thủ trưởng.

7. Con trai chào trăm câu không bằng nàng dâu một lời thăm hỏi.

8. Khôn đừng cãi người già, chớ có dại mà chửi nhau với trẻ.

9. Gọi cha: ông khốt, gọi mẹ: bà bô. Ăn nói xô bồ thành ngừơi vô đạo.

10. Mỗi cây mỗi hoa, đừng trách mẹ cha nghèo tiền nghèo của.

11. Cái gi cũng cho con tất cả, coi chừng ra mả mà cười.

12. Đồng tiền trên nghĩa ,trên tình, mái ấm gia đình trở thành mái lạnh.

13. Gian nhà, hòn đất, mất cả anh em. Mái ấm bỗng nhiên trở thành mái nóng.

14. Bố mẹ không có của ăn của để, con rể khinh luôn.

15. Coi khinh bên ngoại, chớ mong có rể hiền.

16. Ăn ở mất cả họ hàng, chớ mơ có nàng dâu thảo.

17. Rể quý bố vợ vì có nhà mặt phố. Con trai thương bố vì chức vì quyền.

18. Đi với Bụt mặc áo cà sa, quen sống bê tha, thân tàn ma dại.

19. Ngồi bên bia rượu hàng giờ, dễ hơn đợi chờ nửa giây đèn đỏ.

20. Củi mục khó đun, chồng cùn sống bậy, con cái mất dạy, phí cả một đời.

21. Hay thì ở, dở ra toà, chia của chia nhà, con vào xóm “bụi”.

22. Ngồi cùng thiên hạ, trăm việc khoe hay. Mẹ ốm bảy ngày không lời thăm hỏi.

23. Đi có bạn đường chân không biết mỏi, còn có mẹ cha sao không hỏi khi cần.

24. Nói gần nói xa, đừng biến mẹ già thành bà đi ở.

25. Bài hát Tây Tàu hát hay mọi nhẽ. Lời ru của mẹ chẳng thuộc câu nào.

26. Con trai, con rể bí tỷ say mềm. Nàng dâu ngồi chơi, mẹ già rửa bát.

27. Khoẻ mạnh mẹ ở với con, đau ốm gầy còm tuỳ nghi di tản.

28. Thắt lưng buộc bụng, nhịn đói nuôi con, dâu rể vuông tròn, cuối đời chết rét.

29. Mẹ chết mồ mả chưa yên, anh em xô nhau chia tiền phúng viếng.

30. Khấn Phật, cầu Trời, lễ bái khắp nơi, nhưng quên ngày giổ Tổ.

31. Vào quán thịt cầy ,trăm ngàn coi nhẹ, góp giỗ cha mẹ suy tị từng đồng.

32. Giỗ cha coi nhẹ, nuôi mẹ thì không. Cả vợ lẫn chồng đi làm từ thiện.

33. Một miếng ngọt bùi khi còn cha mẹ, một miếng bánh đa hơn mười ba mâm báo hiếu.

34. Cha mẹ còn thơm thảo bát canh rau. Đừng để mai sau xây mồ to, mả đẹp.

35. Ở đời bất thiện, là tại nhàn cư. Con cháu mới hư đừng cho là hỏng.

36. Bạn bè tri kỷ, nói thẳng nói ngay. Con cháu chưa hay đừng chê đồ bỏ.

37. Bảy mươi còn phải học bảy mốt. Mới nhảy vài bước chớ vội khoe tài.

38. Phong bì trao trước, bia bọt uống sau, dâu rể ngồi đâu đố ai mà biết.

39. Tiếp thị vào nhà bẻm mép, cẩn thận cảnh giác, đôi dép không còn.

40. Cầu thủ thế giới tên gọi chi chi, thoáng nhìn tivi đọc như cháo chảy, ông nội ngồi đấy thử hỏi tên gi?

** Tác giả: N.V.Ph - Hội Người cao tuổi phường Tân Thanh (Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).

Càng lớn tuổi dần, con người ta càng tiến dần về sự đơn giản và càng đơn giản thì càng hạnh phúc.

- Sự đơn giản đó là khi người ta không còn thích đến những nhà hàng sang trọng, lộng lẫy để “check-in” một cái cho bằng bạn bằng bè, họ thích ở nhà tự nấu nướng.
- Đó là khi người ta không còn thích đến rạp xem phim để xếp hàng coi cho bằng được một bộ phim đang hot, dư luận đang ồn ào, họ nằm nhà, chọn một bộ phim sau khi xem kỹ nội dung, họ nghiền ngẫm trọn vẹn bộ phim bằng cảm xúc chân thật nhất.
- Đó là khi người ta không còn thích đến những nơi đông đúc để thấy mình lạc lõng, không thích nhiều mình mà tẻ nhạt, họ thích trở về nhà, một mình mà không cô độc, một mình mà yên vui. Với họ, sự đơn giản là sự thanh thản.
- Đó là khi người ta không còn quá bận tâm đến xu hướng, đến sự nổi bật. Thay vì chọn một phong cách lòe loẹt, rườm rà, họ yêu thích sự giản tiện. Không cần cầu kỳ với vòng vèo, với những bộ áo quần hàng hiệu, họ chọn sự tối giản bằng mái tóc xõa, bằng bộ cánh nhã nhặn hợp vóc dáng, với khuôn mặt tươi tắn nhẹ nhàng, với mùi hương tự nhiên, sự quyến rũ mà họ có toát ra từ thần thái và trí tuệ.
- Đó là khi người ta thay vì nói oang oang về bản thân trong đám đông, cố chấp gạt bỏ những cái tôi khác, họ chọn cách lắng nghe, quan sát và ngồi lặng lẽ một mình. Họ dành nhiều nụ cười hơn sự cáu kỉnh, bực tức, họ chọn tha thứ hơn thù hận và cảm thông hơn hờn trách. Họ vui vì họ đã chạm tới sự đơn giản không phải vì sự kỳ vọng cho bản thân mình trở thành một phần đặc biệt của cuộc sống. Trong ánh sáng rực rỡ ngoài kia vẫn luôn có người chọn nép mình khuất sau bóng tối. Vì sự thật thì không sợ ánh sáng không thể chạm đến, vì giản đơn thì trong bóng tối vẫn có thể tỏa sáng để chiếu rọi hạnh phúc của chính mình.
Có bao nhiêu người đã chọn lựa một cuộc sống lặng lẽ, thu mình, không ồn ào, đủ chênh vênh nhưng không cô độc? Có rất nhiều.
Đó là khi con người nhận ra, họ đã đủ trưởng thành để đứng một mình, bình lặng và an nhiên.
Sưu tầm.

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Đừng bao giờ cho mình là quá quan trọng!

Ngàn vạn lần đừng cho mình là “quá quan trọng” bởi vì trên thế giới này, ai cũng đều rất quan trọng. Nhưng mà, bất luận là thiếu đi một ai thì Trái Đất này cũng vẫn cứ chuyển động.

Lạc đà và con ruồi
Có một con lạc đà phải trải qua trăm nghìn cay đắng khổ cực mới vượt qua được sa mạc cát rộng lớn. Một con ruồi đậu trên lưng con lạc đà và cũng tới nơi mà không mất một chút sức lực nào.
Con ruồi hân hoan, vui vẻ cười nói: “Lạc đà! Cảm ơn ngươi đã phải vất vả cõng ta tới đây, hy vọng sau này sẽ gặp lại!”
Nhưng mà con lạc đà lại lạnh lùng liếc nhìn con ruồi rồi nói: “Lúc ngươi ở trên lưng ta, ta vốn dĩ cũng không biết, cho nên khi ngươi đi cũng không cần phải chào hỏi. Bởi vì căn bản ngươi cũng đâu có trọng lượng gì, đừng tự đề cao mình quá, ngươi tưởng ngươi là ai?” 

Đừng bao giờ cho mình là quá quan trọng
Có một cậu thanh niên sống trong gia đình đông người, mỗi lần ăn cơm, đều là hơn 10 người ngồi ăn xung quanh một chiếc bàn lớn. Một lần nọ, cậu ta đột nhiên có suy nghĩ muốn đùa mọi người một chút.
Trước khi ăn cơm, cậu ta chui vào trong một cái tủ và trốn ở đó để cho mọi người phải đi khắp nơi tìm kiếm mình.
Nhưng thật không ngờ là không có một ai đi tìm cậu ta cả, thậm chí họ còn không để ý tới sự vắng mặt của cậu trong bàn ăn. Sau khi mọi người đã ăn no và rời khỏi bàn, cậu ta mới chui từ trong tủ ra và một mình ăn những thức ăn thừa còn lại.
Từ lần đó trở đi, cậu ta tự nhủ với lòng mình: “Sẽ không bao giờ cho mình là người quá quan trọng nữa, bởi vì như thế có thể sẽ phải nhận lấy sự thất vọng.”

Lúc nên cúi đầu thì cúi đầu
Benjamin Franklin được xưng là “cha đẻ của nước Mỹ”. Có một lần, ông từng đến thăm một vị lão tiền bối “đức cao vọng trọng”.
Lúc ấy ông tuổi trẻ lại khí thế mạnh, mẽ nên đã ngẩng cao đầu mà sải bước đi rất nhanh. Không ngờ vừa bước đến cửa thì đầu của ông bị đập mạnh vào cái khung bên trên. Đau điếng cả người, ông không ngừng dùng tay mà xoa xoa bóp bóp, lại vừa nhìn cái khung cửa thấp hơn thân thể mình.
Vị tiền bối ra chào đón Franklin chứng kiến cảnh này liền nói:“Rất đau phải không? Nhưng mà đây có lẽ là thu hoạch lớn nhất của chuyến thăm ta ngày hôm nay của cậu đấy! Một người muốn sống bình an vô sự trên đời thì lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng: “Lúc nên cúi đầu thì phải cúi đầu!” Đây cũng là một chuyện mà ta muốn dạy cậu.”

Một người có thể có tự tin, nhưng đừng tự cao tự đại.
Một người có thể phóng đãng một chút nhưng đừng kiêu căng, ngạo mạn.
Một người có thể sống rất thọ nhưng cũng không thể trường sinh bất tử.

Đừng cho mình là “quá quan trọng”, kỳ thực cũng là một loại tu dưỡng, một cảnh giới của cao thượng, một thái độ lạc quan và là một loại trưởng thành của tâm tính, hay còn là một loại tâm  không màng danh lợi!

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch
Xem nguồn bài viết ở đây.

Cái chai.


Nếu dùng một chiếc chai thủy tinh để đựng đầy sữa bò, mọi người sẽ nói: “Đây là sữa bò”.

Còn nếu đổ đầy dầu hạt cải vào chai thì mọi người lại nói rằng: “Đây là dầu cải”.
Chỉ khi bạn không đựng bất kỳ thứ gì bên trong chiếc chai thì mọi người mới công nhận “Đây là cái chai”.
Cũng giống như chiếc chai này, nếu trong tâm bạn tràn đầy thành kiến, tài phú, danh vọng thì bạn không còn là chính mình.

ST.


Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Người thật tu không thấy lỗi người!

Này mọi người, câu "Người thật tu không thấy lỗi người, chỉ thấy lỗi mình" rất dễ bị hiểu nhầm. Cái gây hiểu nhầm chính là từ "Lỗi." Sao là lỗi? Như thế nào là lỗi? Dựa vào đâu cho rằng cái này là lỗi, cái kia không phải là lỗi. Một khi thấy/nghe 1 cái gì đó, mình xác định rằng đó là sai, là lỗi thì ngay lúc ấy mình rơi vào nhị biên. Khi mình rơi vào nhị biên thì đấy là lỗi của mình chứ có phải của người đâu. Thật tu là vậy đó!

Một người thấu triệt lý duyên khởi, hiểu rõ nhân quả nghiệp báo thì không thấy lỗi. Vì sao? Vì mọi thứ đều hoàn hảo, mọi thứ đều răm rắp vận hành theo quy luật của vũ trụ. Mọi thứ đã là hoàn thiện rồi thì lỗi nằm ở chỗ nào. Lỗi chỉ có thể nằm ở cái bộ óc nhị biên, thích phân tích của mình chứ lỗi không nằm ở sự việc. Người thật tu chỉ thấy lỗi mình là như vậy đó.


Ví dụ: nhìn vào tấm hình này, có người nói con mèo kia bậy quá, dám leo lên tượng Phật nằm à, có người lại nói: Ôi con mèo đáng yêu, rất biết chọn chỗ ngủ. Vậy cái đúng/sai này là do mình hay do con mèo?


Câu chuyện về ba người thầy vĩ đại




Câu chuyện về ba người thầy vĩ đại
Khi Hasan, một nhà hiền triết Hồi giáo, sắp qua đời, có người hỏi ông: "Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?"

Hasan đáp: "Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta.

Người thầy đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: "Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên trộm." Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: "Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!" Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: "Có trộm được gì không?" và ông ta đều đáp: "Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ". Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc. Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: "Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!"

Người thầy thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất.Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ hãi trong lòng bằng hành động.

Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến dã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: "Con tự thắp cây nến này phải không?" Đứa bé đáp: "Thưa phải." Đoạn ta hỏi: "Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?". Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: "Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?" Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, kho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ta vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.

Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy. Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia. Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật.

Câu chuyện: CÁCH ĐỂ BIẾT SỰ THẬT


Một anh học trò nọ nhặt được một viên đá lấp lánh nằm trên đường đi. Anh bèn mang viên đá quý này đến gặp thầy để hỏi về giá trị của nó.

- Thưa thầy, viên đá này có phải là kim cương không ạ ?
Dù là một chuyên gia về đá quý nhưng người thầy đã không trả lời câu hỏi của người học trò mà chỉ yêu cầu anh ta:
- Con hãy tự tìm hiểu kiến thức về kim cương đi.
Theo lời thầy, người học trò vào thư viện tìm đọc tất cả các cuốn sách viết về kim cương. Khi quay về, anh chàng đã có một vốn kiến thức kha khá về loại đá quý này. Nhưng đến lúc đó, người thầy bảo:
- Bây giờ ta có thể nói cho con biết rằng viên đá con nhặt được chính là kim cương đấy.
Anh học trò ngạc nhiên hỏi: - Ồ, sao thầy không cho con biết ngay từ đầu? Chắc thầy có ẩn ý gì phải không ạ?
- Đúng vậy. - Ông thầy trả lời: - Ta muốn con học cách kiểm nghiệm mọi thứ rồi hãy tin người. Giờ đây, con đã hiểu rõ về kim cương và con có thể kiểm tra những điều ta vừa nói. Chỉ khi làm được như vậy con mới trở thành người thầy của chính mình.
_____________________________
Không ai biết rõ sự thật hơn bản thân bạn !
ST


Biết đủ là hạnh phúc!

Một cô gái ban đầu mới tới Paris sinh sống đã rất ngạc nhiên với con người nơi đây. Nhưng sau nhiều năm sinh sống cùng họ, cô đã hiểu ra rất nhiều điều về văn hóa của người Paris. Hãy cùng đọc ba câu chuyện mà cô đã trải nghiệm:

Câu chuyện thứ nhất: Quán cà phê hơn 50 năm tuổi

Lần đầu tiên tới Paris, tôi mang theo lời ủy thác của ông nội tôi, đó là thay ông đến hỏi thăm quán cà phê năm xưa mà ông yêu thích nhất ở Paris.
Tôi thầm nghĩ, hương vị của cà phê Paris có thể lưu lại đến nửa thế kỷ sao? Tôi thực sự không tin! Tôi liền lên Google kiểm tra một chút về nó, thật không ngờ quán cà phê đó vẫn còn tồn tại, thậm chí ngay cả địa chỉ cũng không thay đổi. Tôi bị kích động rất mạnh và quyết định đi tới đó ngay lập tức.
Đi tới quán cà phê, bước vào cửa và nhìn xung quanh, điều khiến tôi giật mình chính là trong quầy ba, một bà lão tóc bạc đang chăm chú điều chế cà phê.
Tôi đi đến trước mặt bà và xúc động lấy ra bức ảnh mà năm đó ông tôi chụp ở đây. Bà cũng rất xúc động, rồi bà chỉ vào một cô gái bán cà phê và nói đó là bà, tên là Sophia.
Lúc này tôi không chỉ là xúc động vì đã tìm được bạn cũ của ông nội, mà còn là cảm động về Paris.
Quán cà phê đã nửa thế kỷ, ngay cả nhân viên cũng không thay đổi, những bông hoa ở trước cửa vẫn là loài hoa năm xưa…
Tôi hỏi bà Sophia: “Bà ơi! Tại sao bà không mở rộng quán cà phê này ra? Ít nhất trước cửa cũng treo biển hiệu chữ vàng “Quán cà phê lâu năm” chẳng hạn?”
Bà Sophia cười và nói: “Nếu làm như vậy, quán cà phê của ta còn có thể khiến ông nội cháu nhớ mãi được sao?”
Tôi chợt biết rằng, quán cà phê này cũng giống bà Sophia và giống cả Paris đều an phận với chính mình chứ không ào ào bắt chước hay làm theo người khác mà thay đổi điều mình mong muốn.
50 năm trước một người đàn ông trẻ tuổi ngồi đó thưởng thức cà phê, 50 năm sau cháu gái của ông ấy cũng ngồi ở chính nơi đó thưởng thức cà phê. Hơn nữa, chủ quán cà phê vẫn là người ấy chỉ khác là đầu bà đã bạc trắng, nhưng vẫn với thái độ vui tươi, say sưa điều chế cà phê như xưa.
Ngay lúc này, trong lòng tôi trào dâng một cảm giác thật khó tả…

Câu chuyện thứ hai: Ông chủ cửa hàng phomai nổi tiếng

Tại Paris, phô mai Matthew là loại thực phẩm duy nhất khiến tôi bỏ tiền mua ngay mà không cần phải suy nghĩ gì bởi hương vị tuyệt vời của nó.
Từ khi cửa hàng này được một vị đạo diễn nổi tiếng của Hollywood tới quay hình cho một buổi giao lưu doanh nhân thành đạt thì nó càng trở nên nổi tiếng hơn rất nhiều. Cũng chính vì vậy, tôi đã hoài nghi rằng mình có thể không còn được chứng kiến nụ cười sáng lạn của ông Matthew trước quầy hàng mỗi lần tới đây mua phô mai nữa.
Nhưng mà ông Matthew vẫn y như trước đây, vẫn tươi cười niềm nở với những sinh viên khi vào quán của ông mua hàng và giới thiệu: “Xin chào! Phô mai Matthew là tự tay Matthew làm nhé!”
Mặc dù bây giờ người đến mua phô mai Matthew đều phải đứng xếp hàng dài, nhưng ông Matthew vẫn chỉ nhận rằng: “Tôi chỉ là một người yêu thích làm phô mai, miệt mài làm việc, rời xa phiền toái.”
Ông thậm chí còn từ chối rất nhiều những đơn đặt hàng lớn tại các chuỗi siêu thị.
Ông nói: “Chúng tôi ở đây vô cùng vui vẻ, những gì đang có hiện tại tôi cảm thấy rất hài lòng, tôi cảm thấy đã đủ rồi!”
Ông Matthew cũng nói:

“Tôi cũng không giàu có! Nhưng tiền đối với tôi mà nói giống như bánh pudding vậy, nhiều quá nó sẽ phá hủy răng của tôi!”

 Tôi đã hiểu rằng trong con người ông Matthew dường như luôn có tồn tại một loại cảm giác “thấy đủ rồi!”. 

Câu chuyện thứ ba: Xưởng thêu truyền thống

Gia tộc nhà bạn tôi – Malena nổi tiếng với nghề kinh doanh hàng thêu, xưởng thêu nhà họ là một trong hai công xưởng thêu thủ công còn tồn tại của Paris. Một xưởng thêu kia mới bán lại cho hãng Chanel.
Hàng năm, các nhà thiết kế nổi tiếng ở nước Pháp sẽ gửi những bản vẽ phác thảo đến đặt hàng họ thêu. Những thương hiệu nổi tiếng như LV, Chanel, Dior… đều cho người đến đàm phán với xưởng thêu để ký kết hợp tác. Nhưng mẹ của Malena cho rằng: “Như vậy thì chúng tôi sẽ biến thành một mắt xích trong dây chuyền sản xuất hàng xa xỉ phẩm của các tập đoàn nổi tiếng và sẽ bận rộn hết ngày này sang ngày khác.”
“Sau đó, ngay cả thời gian để may váy cưới hay lễ phục tốt nghiệp cho con gái của mình tôi cũng không có nữa. Tôi còn muốn may cả váy cưới cho cháu gái của tôi nữa. Chúng tôi không cần phải khiến mình trở nên hùng mạnh, bởi vì chúng tôi luôn được làm điều mình muốn, thế là đủ rồi!” 

Sau khi sống ở Paris một thời gian lâu dài, tôi phát hiện, mỗi người ở đây đều tự có vị trí riêng của mình. Sự tự tin của họ không phải nhờ so sánh với người khác, mà nằm ở chỗ họ có thể là chính mình bất kể lúc nào.


Thầy giáo của tôi thường nhắc nhở chúng tôi rằng: “Kỳ thực, hạnh phúc là khi chúng ta không có quá nhiều ham muốn.”
Một người sáng suốt luôn có một âm thanh trong lòng tự nhắc nhở mình: “Càng có nhiều không đồng nghĩa với càng hạnh phúc. Hạnh phúc không phải nằm ở có bao nhiêu mà nằm ở “thấy đủ.””

TheoNTDTV
Mai Trà biên dịch
Xem nguồn bài viết ở đây

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Bài học lòng bao dung của tiểu hòa thượng



Tôi còn nhớ một vị phương trượng ở trong một ngôi chùa trên một ngọn núi đã kể một câu chuyện rằng:

Trong chùa, có một tiểu hòa thượng vô cùng tự tin về trí tuệ và học vấn của mình. Những khi được trò chuyện cùng một người thông minh nào đó, tiểu hòa thượng này rất vui và thích thú. Nhưng mỗi khi gặp một người có học thức nông cạn, tư duy không mạch lạc, nói chuyện lẫn lộn không phân biệt trên dưới, tiểu hòa thượng sẽ cảm thấy ức chế mà tức giận. Tiểu hòa thượng sẽ nói những câu như: “Thế mà ngươi vẫn còn không hiểu? Ngươi bị đần à?” Vì vậy, sư phụ đã nhắc nhở cho tiểu hòa thượng rất nhiều lần, mặc dù tiểu hòa thượng trên miệng luôn thừa nhận sai lầm của mình, nhưng vừa gặp lại tình huống tương tự thì lại nhịn không được mà phát tiết lên.
Sau này trong một lần lên núi đốn củi, có một việc xảy ra lại khiến tiểu hòa thượng cải biến mình.

Ngày hôm đó, tiểu hòa thượng đốn được nhiều củi nên trong lòng cảm thấy rất vui sướng. Trên đường trở về, tiểu hòa thượng cảm thấy hơi mệt liền đặt gánh củi xuống bên suối và uống nước, rửa mặt. Lúc đó, một con khỉ nhỏ xuất hiện, lúc trước nó đã thường xuyên đến đây chơi và cũng thường xuyên gặp tiểu hòa thượng lên núi đốn củi. Thời gian lâu dần, con khỉ nhỏ và tiểu hòa thượng làm bạn cùng nhau.

Tiểu hòa thượng rửa mặt xong, muốn lấy chiếc khăn để lau mặt thì thấy chiếc khăn vẫn vắt ở trên gánh củi. Tiểu hòa thượng lúc này thực sự mệt rồi nên lấy tay chỉ vào gánh củi ý bảo con khỉ nhỏ ra lấy hộ. Chú khỉ nhỏ chạy tới gánh củi rồi rút một thanh củi khô và cầm chạy qua đưa cho tiểu hòa thượng. Tiểu hòa thượng cảm thấy rất thú vị, đồng thời đưa tay lên vẽ hình vuông và nói “khăn mặt, khăn mặt’ để cho chú khỉ đi lấy một lần nữa. Chú khỉ nhỏ cũng vui vẻ đi lấy nhưng vẫn là mang lại một thanh củi khô. Tiểu hòa thượng lại càng vui hơn, vừa cười to vừa cầm một hòn đá nhỏ ném trúng vào chiếc khăn mặt, sau đó chỉ cho chú khỉ và nói “Nhìn thấy chưa? Lấy cái khăn mặt kia kìa!” Chú khỉ con lại đi lấy lần nữa và vẫn là lấy một thanh củi khô, nhưng lại dương dương đắc ý như thể là muốn nói rằng: “Ngươi xem, ta tài giỏi chưa?” Tiểu hòa thượng nhìn thấy bộ dạng hài lòng của chú khỉ lại càng cảm thấy vui thích hơn.

Sau khi trở về chùa, tiểu hòa thượng đem câu chuyện trên kể lại cho vị phương trượng nghe. Nghe xong, vị phương trượng hỏi: “Con cùng các sư huynh, sư đệ giảng đạo lý, bọn họ nghe không hiểu, con sẽ tức giận. Nhưng con khỉ nhỏ nghe không hiểu, con vì cái gì mà lại cảm thấy thú vị?” 

Tiểu hòa thượng sững sờ, trả lời:“Khỉ con nghe không hiểu là chuyện bình thường, bởi vì nó là con vật mà! Còn sư huynh sư đệ của con là con người, họ phải hiểu những lời mà con nói mới phải chứ?” Vị phương trượng cười cười rồi nói: “Khỉ với người tất nhiên là không giống nhau, nhưng khả năng hiểu biết của mỗi người thì từ lúc sinh ra đã khác nhau, mà hoàn cảnh sống lại cũng khác nhau. Mọi người có sự khác biệt lớn như vậy, con dựa vào cái gì mà nói ai cũng phải hiểu con đây?” Tiểu hòa thượng nghe đến đây cúi đầu không nói gì.

Cải biến quan niệm có thể bao dung tất cả!
“Vì cái gì mà tiểu hòa thượng lại phát cáu với sư huynh sư đệ, còn đối với chú khỉ thì lại thấy thú vị?” Tình huống là giống nhau còn sự biến hóa như thế nào là do chính bản thân mình. Cho nên vấn đề không phải xuất phát ra từ người khác mà là xuất phát ra từ chính bản thân mình đấy!

Tiểu hòa thượng không tức giận với chú khỉ con là bởi vì tiểu hòa thượng cho rằng mình là người, nên có trí tuệ cao hơn khỉ rất nhiều vì vậy mà có thể bao dung sai lầm của nó. Còn sư huynh, sư đệ của tiểu hòa thượng là người, tiểu hòa thượng cũng là người, trí tuệ của người với người là ngang cấp với nhau, vì vậy không bao dung được thiếu sót của họ. Nếu như tiểu hòa thượng có thể cải biến quan niệm, cách nghĩ của mình thì sẽ có thể tiếp nhận và bao dung họ. Khi đó, nhìn thấy thiếu sót của sư huynh sư đệ, tiểu hòa thượng còn có thể tức giận được không? Đương nhiên là không, bởi vì khi ấy tiểu hòa thượng đã có thể bao dung được hết thảy mọi thứ rồi.

Mai Trà biên dịch
Xem nguồn bài viết ở đây.

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Bài học đắt giá từ câu chuyện chó ngao Tây Tạng thách đấu chó già trụi lông

Có một anh chàng dắt theo một con chó ngao Tây Tạng trị giá cả bạc triệu ra ngoài đi dạo. Anh ta hễ gặp ai cũng đều đem con chó ra khoe, lại còn huyênh hoang mà nói rằng: “Người không có bốn năm trăm cân sức lực thì không thể kéo nổi chú chó của tôi”.
Lúc này, anh chàng nhìn thấy một ông già bị hói đầu bên đường cùng với một con chó gần như đã rụng hết lông đang ngồi bên cạnh.
Con chó ngao Tây Tạng của anh ta hướng về phía con chó đó kêu sủa ầm ĩ, nhưng con chó già kia không thèm để ý đến nó.
Chàng trai cảm thấy không vui. Nói rằng: “Ông lão này! Con chó của ông lớn thế kia, là giống chó gì vậy? Hãy để hai con chó của chúng ta đấu với nhau thử xem? Nếu chó của ông thua hãy đưa cho tôi 500 đồng, còn nếu chó ngao Tây Tạng của tôi thua thì tôi sẽ đưa cho ông 2000 đồng”.
Ông lão nói: “Tôi đang lo lắng về thức ăn tháng sau của anh bạn già này đây! Nếu được thì hãy đánh cược lớn hơn một chút? Nếu chó của tôi thua, tôi sẽ đưa cho anh 5 vạn, còn nếu chó của anh thua thì anh hãy đưa cho tôi 3 vạn”.
Anh chàng cười lớn: “Con chó này của tôi là giống chó ngao Tây Tạng thuần chủng. Sau này, ông đừng có nói là tôi đã không nói cho ông biết trước. Được thôi!”.
Hai con chó giao tranh chưa được hai phút, chó ngao Tây Tạng kia đã bại trận, cũng không còn dám kêu sủa gì nữa.
Anh chàng thua mất 3 vạn đồng, vô cùng sầu não: “Ông này, con chó đó của ông là chó gì thế? Sao lại dũng mãnh thế kia?”
Ông lão vừa đếm tiền vừa nói: “Đến bây giờ tôi cũng không biết nó là chó gì nữa, trước khi chưa rụng lông thì gọi là sư tử!”.
Anh chàng nghe xong thì cười không được mà khóc cũng không xong!!!
Bất cứ lúc nào thì cũng đừng có khoe khoang, hãy giữ khiêm tốn! Khiêm tốn! Khiêm tốn hơn nữa!
Những người có bản lĩnh thật sự, luôn luôn bảo trì một trạng thái bình tĩnh ôn hòa, giống như ông lão đó và “con chó già” của ông, chỉ là điềm đạm ung dung mà tồn tại.
Bạn đã là sư tử rồi, thì đâu cần phải chứng minh làm gì nữa? Đâu cần phải khoe khoang làm gì nữa?
Con người sống ở trên đời, không phải là để so đo với người khác. Bản thân hãy sống sao cho có ý nghĩa nhất, và làm ra những cống hiến vĩ đại nhất.
Tiểu Thiện, dịch từ cmoney.tw, theo tinhhoa.net