Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Giữ trọn vẹn 5 giới không hề dễ!


Nhờ có một người nói câu này “Đừng nghĩ cuộc đời Như Hoa trong Gương... Như Trăng lồng đáy nước !” mà tôi ngộ ngộ ngộ ra một việc.

 

Giữ 5 giới là việc cơ bản nhất của một người tu theo đạo Phật nhưng để giữ tròn 5 giới này thì hoàn toàn rất khó.

Đối với giới “Không nói láo” thì ngày nào chúng ta còn dùng gương để soi rồi mới chịu nhìn bông hoa; còn dùng mặt nước để nhìn thì mới thấy trăng thì ngày ấy ta còn nói vọng ngữ. Chỉ có bậc nhìn thấy hoa là hoa, trăng là trăng mới hoàn toàn không nói láo, không nói vọng ngữ được.

Đối với giới “Không sát sanh” thì chỉ những ai không còn tâm sân hận mới có thể giữ hoàn toàn giới không sát sanh bởi vì sân hận là nguồn gốc của sát sanh.

Đối với giới “không trộm cắp, “không tà dâm”, “không uống rượu” thì chỉ ai không còn tâm tham mới có thể giữ trọn vẹn ba giới này.

Để có thể nhìn thấy hoa là hoa, trăng là trăng, không thông qua cái gương soi hay mặt nước, để không còn sự tham lam và sân hận thì người ấy phải hết sự si mê.

Hèn chi hèn gì mà “Duy tuệ thị nghiệp” (Lấy trí tuệ làm sự nghiệp) là câu cửa miệng của giới Thiền Tông. Lấy đúng thằng đầu sỏ mà oánh; thắng được thằng chỉ huy rồi thì bọn đàn em như rắn mất đầu, tự động tan rã thôi.

Há há há, ngộ ngộ ngộ.


Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

TU HỌC CÓ PHẢI ĂN CHAY TRƯỜNG?

Một ngừơi đến hỏi đạo sư :
- Kính Đạo sư, tu học phải ăn trường chay mới tu được phải không?
- Cũng không phải như vậy, ví như ngày xưa Phật Thích Ca tu, là một khất sĩ đi khất thực, ai cho gì ăn đó cho tới ngày viện tịch Phật không ăn trường chay.
Trong Phật giáo, có tông môn ăn trường chay, có tông môn không ăn trường chay.

- Vì sao tu mỗi ngày chỉ được ăn một bửa, chỉ ăn một bửa là tốt hay sao ? Phật Thích Ca chỉ dạy vậy phải không Đạo sư.
- Đúng vậy, đúng là Phật Thích Ca ra giới chúng như vậy, nhưng không phải là ăn như vậy là tốt nhất cho con người hay người tu.
Nhà ngươi lặng lẽ nghe thì mới hiểu được vì sao như vậy.

Khi tăng đòan vây quanh bên Phật Thích Ca tu lên đến cả ngàn người, phát sanh cái khó khăn khi cả ngàn người cùng đi khất thực, dân chúng thật khó bề lo vật thực để cúng dường cho cả ngàn người như vậy trong một ngày, dân chúng thời ấy còn rất nghèo khó ..
Thêm vào đó, xứ Ấn Độ nhiều nơi khô hạn, thiếu nước, thật khó khăn trong việc trồng trọt, số nươc mang về cúng dường cho tăng chúng chung dụng cũng là vấn đề không dễ chút nào.
Phật vì xót thương dân lành mà ra giới chúng - Mỗi ngày ăn một bữa - 15 ngày mới được tắm một lần - Phật cũng tuân thủ như vậy.
- Lời Phật dạy phải tuân thủ, ăn một bửa thì cũng không mất sức gì cho cam, nhưng 15 ngày mới tắm một lần thì thật là quá khó ?
- Thời nay vẫn còn giữ giới ăn một bửa, nhưng 15 ngày mới tắm một lần thì không còn ai tuân thủ như vậy nữa.

Đạo sư chợt hỏi:
- Vì sao ông hỏi việc ăn chay truờng như vậy?
- Vì ăn trường chay thì tôi khó làm được, vậy tu học chẳng được ư ?

- Ông tu học là việc chánh yếu, là cư sĩ không ai o ép chuyện như vậy đâu, vợ con cho ăn gì thì ăn vậy, đừng đòi hỏi phàn nàn thì cũng như Phật Thích Ca đi khất thực ngày xưa vậy, ai cho gì ăn đó có sao đâu.
- Mô Phật ! Cám ơn đạo sư, tôi có thể tu học được rồi.
Hong Thien Phap


Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Các bài pháp hay của Thiền sư Ajahn Chah

Những bài pháp hay tuyệt vời!
Thiền sư dùng những ví dụ minh họa vô cùng dễ hiểu để thuyết pháp.
Rất đáng nghe!
Hy vọng ai cũng đủ duyên để nghe và hành theo những bài pháp này!

Suối nguồn tâm linh
Mặt hồ tĩnh lặng
Hương vị của giải thoát
Chẳng có ai cả
Ngôi nhà thực sự của ta

Tất cả các bài pháp thoại/sách này đều có bản pdf. Mọi người vào google, gõ tên sách để tải về nếu muốn.

Im lặng không mệt; nói mới mệt!

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

CHUYỆN ÐỒ ĂN CÚNG NGƯỜI CHẾT.


Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về đồ ăn cúng người chết. Trong thời ấy, nhiều người giết hại nhiều dê cừu... để cúng đồ ăn cho người thân đã mệnh chung. Các Tỷ-kheo thấy họ làm như vậy, hỏi bậc Ðạo Sư:
- Bạch Thế Tôn, nay nhiều người giết hại sinh mạng nhiều loài hữu tình để cúng đồ ăn cho người chết, Bạch Thế Tôn, ở đây có hạnh phúc, lợi ích nào không?
Thế Tôn nói:
- Cúng đồ ăn như vậy cho người chết không có lợi ích gì. Khi đã sát sanh, làm sao có lợi ích được? Thuở xưa, các bậc Hiền trí ngồi giữa hư không thuyết pháp, nói rõ nguy hại của tập tục này, khiến toàn thể dân chúng ở cõi Diêm-phù-đề bỏ hành động ấy. Nhưng nay, bị sanh hữu tích lũy, nên hành động ấy lại khởi lên.
Nói vậy xong, Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, một Bà-la-môn thông hiểu ba tập Vệ-đà, một danh sư nổi tiếng bốn phương, muốn cúng dường đồ ăn cho người chết, cho bắt một con dê và bảo các đệ tử.
- Này các con thân, hãy dẫn con dê này đến sông, tắm cho nó, đeo vòng hoa ở cổ nó, cho nó ăn lúa độ nửa đấu, chải chuốt cho nó rồi đem nó lại đây.
Các đệ tử vâng lời, dắt dê đến sông, tắm cho nó, chải chuốt cho nó, rồi để nó đứng trên bờ sông. Con dê ấy thấy được việc của mình đã làm từ đời trước, suy nghĩ:
"Hôm nay, ta sẽ được thoát đau khổ", vì vậy nó cảm thấy sung sướng, cười lớn tiếng như đập bể cái ghè, lại nghĩ:
"Bà-la-môn này, khi giết ta, sẽ chịu nỗi đau khổ của ta thuở trước", nó khởi lòng thương hại người Ba-la-môn và khóc lớn tiếng. Các thanh niên ấy hỏi nó:
- Này bạn, bạn cười lớn tiếng rồi khóc lớn tiếng. Vì nhân gì bạn cười, vì nhân gì bạn khóc?
- Hãy hỏi câu hỏi này trước mặt thầy các ông!
Họ đem con dê ấy đi, và báo cáo cho thầy biết. Vị thầy nghe câu chuyện, hỏi con dê:
- Này dê, sao ngươi lại cười và sao ngươi lại khóc?
Con dê nhờ trí biết được đời trước, nhớ đến việc đã làm của mình, và nói với Bà-la-môn:
- Này Bà-la-môn, thuở trước, giống như ông, ta là một Bà-la-môn học giỏi các chú thuật, muốn cúng dường đồ ăn cho người chết, đã giết một con dê để cúng dường.
VÌ GIẾT CHỈ MỘT CON DÊ, TA BỊ CHÉM ĐẦU TRONG BỐN TRĂM CHÍN MƯƠI CHÍN LẦN SỐNG CHẾT. NAY LÀ LẦN THỨ NĂM TRĂM SỐNG CHẾT CUỐI CÙNG CỦA TA. HÔM NAY, TA SẼ THOÁT KHỎI SỰ ĐAU KHỔ ẤY.NGHĨ VẬY, TA CẢM THẤY SUNG SƯỚNG, DO NHÂN DUYÊN NÀY TA CƯỜI. CÒN TA KHÓC, VÌ TA NGHĨ RẰNG CHỈ VÌ GIẾT MỘT CON DÊ, TA PHẢI CHỊU KHỔ HÌNH CHẶT ĐẦU ĐẾN NĂM TRĂM LẦN. HÔM NAY TA SẼ THOÁT CÁI KHỔ ẤY. NHƯNG BÀ-LA-MÔN NÀY, VÌ GIẾT TA, SẼ NHƯ TA CHỊU KHỔ HÌNH CHẶT ĐẦU TRẢI NĂM TRĂM ĐỜI SỐNG. VÌ THƯƠNG XÓT ÔNG, NÊN TA KHÓC.
- Này dê, chớ sợ, ta sẽ không giết ngươi!
- Này Bà-la-môn, ông nói gì thế? Dầu ông có giết ta hay không, hôm nay ta cũng không thể thoát chết!
- Này dê, chớ sợ, ta sẽ bảo vệ ngươi, sẽ cùng đi với ngươi!
- Này Bà-la-môn, nhỏ nhoi thay là sự bảo vệ của ông và mạnh bạo thay là nghiệp ác ta làm!
Vị Bà-la-môn thả con dê ra, nói với các đệ tử:
Và cùng với các đệ tử, vị Bà-la-môn đi theo con vật. Con dê vừa được thả, vươn cổ lên, đến bụi cỏ mọc sau lưng tảng đá ấy, và bắt đầu ăn lá cỏ. Liền khi ấy, sét đánh trên lưng tảng đá ấy, một mảng đá bị đánh vỡ, rơi trên cổ con dê đang vươn ra và chặt đứt đầu. Nhiều người qui tụ lại xem.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh làm vị thần cây tại chỗ ấy. Với uy lực của vị thần, Bồ-tát ngồi kiết-già trên hư không, trên đại chúng đang đứng nhìn, và suy nghĩ: "Những chúng sanh này,nếu biết được kết quả của việc ác như vậy, sẽ không làm ác nữa!" Rồi với âm thanh dịu ngọt, Ngài thuyết pháp qua bài kệ:
Nếu chúng sanh biết được
Sự này sanh đau khổ,
Hữu tình sẽ không còn
Giết hại hữu tình nữa,
Vì ai giết hữu tình,
Sẽ phải sầu, phải khổ.
NHƯ VẬY, BẬC ÐẠI SĨ THUYẾT PHÁP KHIẾN CHO MỌI NGƯỜI SỢ HÃI ĐỊA NGỤC. VÀ NHIỀU NGƯỜI NGHE BÀI THUYẾT PHÁP ẤY, BIẾT SỢ HÃI ĐỊA NGỤC, NÊN TỪ BỎ SÁT SANH. BỒ-TÁT THUYẾT PHÁP XONG, AN TRÚ QUẦN CHÚNG VÀO NGŨ GIỚI, RỒI VỀ SAU ĐI THEO NGHIỆP CỦA MÌNH. CÒN QUẦN CHÚNG, AN TRÚ TRONG LỜI KHUYÊN CỦA BỒ-TÁT, SAU KHI LÀM CÁC PHƯỚC ĐỨC NHƯ BỐ THÍ... ĐƯỢC SANH LÊN THIÊN GIỚI, LÀM TRÀN ĐẦY THÀNH PHỐ CHƯ THIÊN.
Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, kết hợp hai câu chuyện với nhau, và nhận diện Tiền thân như sau: - Thời ấy, Ta là vị thần cây”.
(Trích KinhTiểu Bộ, Tập IV_ Chuyện Tiền Thân Đức Phật_ Tiền thân Matakabhatta_HT. Thích Minh Châu dịch ra Tiếng Việt).

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

VI TIẾU _HT. Thích Viên Minh_BUÔN BÁN


 
Mỗi ngày hai thời kinh, không lần nào Sư vắng mặt, dù khi mưa gió, nóng bức, khi tụng cùng chúng hay lễ một mình.
Trong Thiền viện có vị Tăng ưa thích phóng khoáng, bất chấp nghi lễ, rất ít tụng kinh niệm Phật. Một hôm gặp Sư, vị Tăng nói:
- Được lợi ích gì mà Thầy tụng kinh hoài vậy?
Sư đáp:
- Lại thêm một gã Thầy chùa buôn bán!

Lời góp ý:
Con người thật khó thoát được vòng luẩn quẩn của nhân quả nghiệp báo. Trong mỗi hành vi của họ đều phải hàm chứa nhân và quả, nghĩa là hàm chứa bản ngã, thời gian, luân hồi, sinh tử. Vị Tăng kia phải tính toán cái gì có lợi mới làm, thế là rơi vào sinh tử, không biết rằng đó chỉ là cái lợi nhỏ nhen của tính toán tư kiến tư dục, chút bọt bèo trong trùng trùng đợt sống sinh diệt cuốn phăng! Chỉ vì vị Tăng ấy còn mê, không thấy được Pháp thực tại hiện tiền, vượt khỏi thời gian. Nếu thấy được thì người sống Đạo chẳng cần tính toán chút ít lợi riêng, vì mỗi Pháp tự nó đã là cái dụng vô cùng. Thể - Tướng --Dụng của đạo vốn viên mãn, sao lại còn tính toán thiệt hơn? Người tránh cái hại đi tìm cái lợi nhỏ nhen sao bằng tâm địa viên dung vô ngại bất khả tư nghị, dù lợi hay hại vẫn tự tại an nhiên?
Người như thế Lão Tử khen là “vô vi nhi vô bất vi”. Đã vô vi thì làm gì mà không lợi (vô vi nhi vô bất trị). Thế mới biết tâm địa các bậc A - La - Hán đã vô vi (asankhàrà) nên nhất động nhất tịnh đều đã trọn vẹn nơi chỗ Đại Dụng của Đạo (mà Lão Tử gọi là Đức), đâu còn cần cái vị tha hữu hạn của bản ngã. Chỗ Đại Lợi của các Ngài là chúng sanh đều được hưởng mà không hề hay biết. Như mặt trời chiếu soi, không vị kỷ, không vị tha, không vị lợi mà muôn loài được lợi.
Vị Thiền Sư mỗi ngày tụng kinh, lễ Phật, bỏ ra ngoài lợi hại thế gian, đối với chúng sanh dường như là ích kỷ, nên lý trí của vị phàm tăng làm sao luận tới! ông ta chỉ lăng xăng trong cái gọi là lợi kỷ - lợi tha, đúng như là... “gã Thầy chùa buôn bán”.

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Phật Tại Tâm Trung , Tâm Ngoại Vô Phật

Ngoại đạo tu hành - nói ngoại đạo ở đây không phải là phê bình người khác, không phải là một lời nói xấu. Trong Phật Pháp nói ngoại đạo là chỉ cho ngoài tâm tìm đạo. Trong cửa Phật cũng không ít người đang ngoài tâm tìm đạo. Đó gọi là gì? Đó là "môn lí ngoại", ngoại đạo trong cửa Phật, nhiều lắm!
Phật pháp là tâm pháp. Cho nên Phật Pháp gọi là "nội học", hướng nội tìm cầu, không phải tìm kiếm bên ngoài. Tìm ở bên ngoài tìm không được. Bên ngoài toàn là giả, tất cả những thứ có tướng trạng đều là hư vọng. Ngay cả Đức Phật cũng nói, ngươi đi tìm Phật bên ngoài tâm đó là giả. Ngoài tâm không có Phật.
Vậy Phật ở đâu? Phật ở trong tâm. Quí vị nên tìm cầu ở trong tâm, đó mới là thật. Người tu theo pháp môn Tịnh Độ nên nhớ kỹ. Tâm tôi chính là Phật A Di Đà. Phật A Di Đà tức là tâm tôi. Chân tâm của quí vị chính là Phật A Di Đà. Ở đây có một việc không thể không biết. Đó chính là chúng ta không biết về "chân tâm". Nay chúng ta bàn về tâm đều là "vọng tâm". Tâm ta là gì? Chúng ta có thể suy nghĩ, đó là tâm chúng ta. Thứ giúp ta có thể suy nghĩ là thức thứ sáu. Ta có thể chấp trước, ta muốn chiếm hữu, đó chính là thức thứ bảy. Ta có thể ghi nhớ, ấn tượng của ta rất sâu sắc, đó chính là thức A lại da.
Tâm mà phàm phu dùng đó là "tâm thức", đó chính là "tam tâm nhị ý". Ba tâm hai ý là giả, không phải là thật. Chúng ta có một "chân tâm", "chân tâm" đó là Phật. Chân tâm ở đâu vậy? Không dùng "vọng tâm" thì "chân tâm" liền xuất hiện. Dùng vọng tâm, thì "chân tâm" không thấy nữa. Chân tâm bị chướng ngại, vọng tâm làm chướng ngại chân tâm rồi. Cho nên trong việc tu học của nhà Phật, giảng đến nguyên tắc cao nhất là "lìa tâm ý thức, thì chân tâm hiện tiền". Tâm là gì vậy?
Những gì chúng ta nói hôm nay rơi vào ấn tượng, ghi nhớ, tâm ghi nhớ dấu ấn này là A lại da.
Ý là gì? Ý là mạt na, là thức thứ bảy chấp trước, ngã chấp. Thức là phân biệt, là thức thứ sáu. Lìa tâm ý thức là gì? Tức là không phân biệt, không chấp trước, không ghi nhớ ấn tượng. Vậy thì thứ ta đang dùng đó là "chân tâm". Người biết dùng "chân tâm", tôi chúc mừng quí vị. Quí vị thật sự đã lìa tâm ý thức, vậy thì cần chúc mừng quí vị rồi. Vì sao vậy? Quí vị là pháp thân Bồ Tát.
Trong giáo lý đại thừa nói minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngồi dưới gốc Bồ đề đại triệt đại ngộ, chính là cảnh giới này vậy. Không dùng tâm ý thức nữa.
Lục Tổ Huệ Năng nghe "Kinh Kim Cang" trong phương trượng của Ngũ Tổ, nghe đến câu " ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", Ngài liền buông bỏ tâm ý thức, không cần đến nó nữa, đã minh tâm kiến tánh.
Nói cách khác, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta khởi tâm động niệm vẫn còn chấp trước, ý thức bạn dùng vẫn còn là phân biệt. Thức quí vị đang dùng là thức thứ sáu, quí vị đang dùng là thức. Quí vị vẫn còn ghi dấu ấn, điều này tôi thích, điều kia tôi ghét. Chủng tử nghiệp của A lại da sanh khởi. chúng ta toàn làm những việc này. A lại da là tâm luân hồi. Dùng a lại da chính là quí vị đã làm một việc luân hồi rồi. Làm sao có thể ra khỏi luân hồi sáu nẻo được. Ai đủ bản lĩnh buông tâm ý xuống? thì có thể nói, trong sáu nẻo luân hồi không tìm thấy họ nữa. Thật là gì vậy? Người tu hành chân chính mới có thể làm được...
------
Trích Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa - Tịnh Không Pháp Sư chủ giảng .

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

" Tiền - Vàng - Vật chất qúi giá hữu hình là cái diệt thân - Khi nào con chuyển đổi thành cái vô hình là con đã có Ngọc Như ý "

Hong Thien Phap
Xem nguồn bài viết ở đây
 
Trần tình với các bạn trẻ
Bạn kiên nhẫn đọc hết trang này
Cuộc đời bạn sẽ thay đổi thật tốt lành
An vui - Sung túc - Hạnh phúc
Những cái vi diệu đó tôi gói ghém nơi đây.

Tôi nay đã 70 tuổi rồi, nhưng ai hỏi tôi thích gì tôi không ngần ngại trả lời, tôi thích mến gần gũi với các bạn trẻ.
Vì sao như vậy ?
Vì ngày còn trẻ tôi đã đành mất đi một thời gian dài trong những nghĩ suy, đam mê không thật, kết quả thảm hại trong nghèo khó, không ai muốn chung cùng.
Tôi hối tiếc lúc trẻ tôi ngu mê, không có ai hướng dẫn chỉ dạy nên mới thê thảm như vậy.

Trung niên, tình cờ gặp một Sư bà gần 80 tuổi tu ẩn cư, thương tình chỉ dạy.
Không phải dạy thờ cúng kinh kệ, mà dạy cho những mấu chốt ứng xử để thành tựu trong đời - Sau cùng mới chỉ dạy cho Thiền định.

Tôi hiểu ra, chính vì không hiểu những mấu chốt nên sai phạm lỗi lầm, mà Nhân sai trái thì phải nhận Qủa đắng cay.

Tôi hiểu và thâm nhập được câu Phật chỉ dạy cho một người nhà quê ngu dốt nghèo đói: " Nhà ngươi sống sao ai cũng yêu mến thì có nghèo có đói cũng không được "

Tôi phải vật lộn với câu nói đó trong một tuần lễ mới có được câu trả lời cho Sư Bà hỏi " Phải rõ biết vì sao Phật nói như vậy "

Tôi nhớ ông bà mình thì hay nói " Có đức không sức mà ăn " Thì ra mình phải tự rèn luyện cho tâm tành tốt lành - Sống đạo đức như thế thì ai cũng mến thương - Ai cũng mến cũng thương, cũng quan tâm gần gũi giúp đở chỉ dạy - Thì sao nghèo đói được.

Sư Bà hài lòng, nhưng chỉ dạy thêm một mấu chốt khác :

" Không đói không nghèo là một chuyện - Nhưng vào đời thì kẻ ác gian cũng đầy khắp - Phải sống sao cho được an ổn trong cảnh xấu ác như vậy ? "

Câu hỏi này quá khó với tôi, một tuần lễ mất ăn mất ngủ vì tìm câu giải đáp mà chưa được, sau cùng gặp Sư Bà xin lỗi không tìm ra lời giải đáp.

Sư Bà cười bảo " Hỏi không phải để nghe câu trả lời của con mà muốn con tự quán xét mọi thứ trong đời có thiện có ác và trong tâm con phải dụng cách thức sao để ứng xử cho an ổn "

Mấu chốt sống an ổn trong đời ác trược là phải nói lên cái định hướng của mình trong cuộc sống có va chạm này.

Sư Bà nói ra mấu chốt: " Không mang lợi ích tới cho người thì thôi - Nhưng không bao giờ được mở miệng nói xấu người khác và làm hại kẻ khác là điều phải ghi tâm suốt cả cuộc sống "

Tôi cũng chưa thật hiểu Sư Bà giải thích thêm

" Không ai ưa mến người mà họ không biết có hại mình hay không - Kẻ ác gian thì lại quí trọng và tin dùng những người mà họ biết không bao giờ hại họ cả - Kẻ ác gian còn ưa mến thì sao không an ổn."

Một mấu chốt thấy như quá bình dị, lại là một lá chắn tuyệt vời cho tôi suốt thời trung niên bước ra thương trường kinh doanh.
Trong tiệc tùng giao tiếp tôi luôn đưa khẩu hiệu sống của tôi như vậy :
" Thà chết chứ không nói xấu ai, không làm hại một ai cả "

Chỉ giản dị như vậy nhưng tôi thành công vượt bậc, kẻ giang hồ gian ác cũng xin giúp đỡ, chia sẻ, quan quyền các cấp tin yêu, các doanh nghiệp mến mộ.
Gần như cả nước giúp tôi, sao tôi không thành tựu được.

Nhưng ai cũng ngạc nhiên, sao chẳng thấy tôi giàu có như một đại gia.
Tất cả đều theo dõi xem tôi đã làm gì với những lợi tức mà không ai mơ tưởng có được.

Thì ra tôi đã vận dụng thêm một mấu chốt mà Sư Bà căn dặn chí tình :
" Tiền - Vàng - Vật chất qúi giá hữu hình là cái diệt thân - Khi nào con chuyển đổi thành cái vô hình là con đã có Ngọc Như ý "

Cái hiện có là đã đủ sống bình ổn được mọi việc sinh họat, lợi tức tăng thêm là cái tôi mang đi giúp cho các cơ sở, doanh nghiệp tốt, thân cận phát triển vượt bậc.
Thật giúp là không cần không mong cầu đáp trả - Không cần một hợp đồng một lời hứa hẹn nào cả - Gíup là tận tình như vậy.

Bao nhiêu người nợ tôi một ân tình như vậy - Tiền bạc, công sức đưa ra là không bao giờ nhắc tới, muốn đền ơn đáp nghĩa cũng không nhận trở lại những cái vật quí giá nhưng là họa diệt thân mình.
Mọi ân tình đã làm xong - Tiệc mừng Khánh Kiệt, tôi tuyên bố từ giã thương trường đầy chông gai ác liệt.

Không còn một thứ gì để cho trộm cắp, để còn để mất nữa.
Thật sự vô sản.
Chỉ còn Ngọc Như Ý trong tâm mà thôi.

Bạn hỏi ngọc Như Ý ra sao ?
Là tôi khởi ý muốn gì là có ngay cho mình - Cần xe đi, thì có người vui đem xe tới - Vậy lưu giữ xe làm gì - Cần gì cũng có người muốn ơn đền nghĩa trả lo cho trọn vẹn - Vậy tiền chất chứa trong nhà chi cho vướng bận.

Đã như vậy thì còn chuyện gì bận rộn lo toan nữa - Ly nước đã thật sự lắng trong - Duỗi chân là thấy đạo, chẳng phải là chuyện khó làm.

Nếu trung niên tôi không hữu duyên gặp Sư Bà, thì cuối đời như bây giờ, các bạn cũng thường thấy cụ già 60 -70 cũng phải nhọc nhằn tìm bữa ăn cho mình cũng đã khó khăn lắm rồi, quá khổ.
Không sớm gieo Nhân lành thì Quả thê thảm như vậy làm sao né tránh được.

Vui hẹn gặp lại các bạn.


BỤT CÓ KHỔ KHÔNG?

 Làng Mai
Xem nguồn tại đây
Ngày xưa khi còn trẻ, thầy cũng tin như mọi người là khi mình thành Bụt rồi thì mình không còn khổ nữa. Nếu thành Bụt rồi mà còn khổ thì thành Bụt để làm gì? Đó là lý luận của mình. Nhưng nếu mình thấy được sự thật là khổ đau và hạnh phúc tương tức thì mình có một cái nhìn rất khác.
Sự thật là Bụt có khổ, nhưng vì Bụt có tuệ giác và tình thương lớn, và vì Bụt biết cách khổ cho nên Bụt khổ rất ít. Thầy nghĩ rằng Bụt cũng có nhức đầu, đau bụng, nhức mỏi chứ không phải là không. Nói rằng Bụt không đau bụng, nhức đầu, không nhức mỏi là không đúng. Tại vì đã có hình hài thì phải có những chuyện đó thôi. Nhưng vì Bụt có trí tuệ và từ bi lớn, và vì Bụt biết cách khổ cho nên Bụt khổ rất ít.
Có thể có những người không đồng ý với Thầy. Họ nói: nếu thành Bụt mà còn khổ thì thành Bụt để làm gì? Đó là lý luận của đa số. Nhưng Thầy thấy rất rõ là Bụt cũng khổ như mình nhưng Bụt khổ rất ít, tại vì Ngài có quá nhiều trí tuệ và từ bi. Nếu cần khổ thì Ngài cũng khổ.
Ví dụ như nghe tin đệ tử thương yêu của mình là thầy Xá Lợi Phất tịch thì Bụt có buồn không? Bụt có phải là một tảng đá đâu? Khi đệ tử thương của mình qua đời mà Bụt tỉnh bơ thì đâu được. Chắc chắn là Bụt có khổ nhưng vì Bụt có sẵn tuệ giác về vô thường, vô ngã, biết rằng thầy Xá Lợi Phất đang tiếp tục có mặt trong các sư em của thầy, thì Bụt khổ ít hơn các thầy khác nhiều. Bụt khổ ít hơn thầy Ananda, có phải vậy không?
Cho nên sự thật Thầy trao truyền là Bụt có khổ nhưng Ngài khổ rất ít. Ngài biết cách khổ. Cũng như Thầy vậy, Thầy cũng khổ nhưng Thầy khổ ít hơn nhiều người khác. Ví dụ nếu mình biết giáo lý về mũi tên thứ hai. Mũi tên thứ hai là sự lo lắng, sự bực bội của mình, nó làm cho mình khổ gấp mười lần, và vì vậy đừng để cho mũi tên thứ hai cắm vào thì mình đã bớt khổ nhiều rồi, huống hồ mình lại còn có những phương pháp khác.
Khi thành Bụt rồi thì mình còn phải tu nữa hay không?
Khi còn là một thầy tu trẻ, Thầy còn có một câu hỏi nữa là: khi thành Bụt rồi thì mình còn phải tu nữa hay không? Thực tế trong kinh nói rất rõ là Bụt cũng có ngồi thiền, đi thiền hành và thực tập an ban thủ ý như các thầy khác. Thành ra mình hỏi tại sao thành Bụt rồi mà còn phải thực tập nữa, còn phải tu nữa? Tu là để thành Bụt, tại sao thành Bụt rồi còn phải tu nữa? Đó là những câu hỏi rất thực tế.
Câu trả lời cũng dễ thôi, nhưng tại sao mình loay hoay mất bao nhiêu năm mà tìm không ra. Đó là vì hạnh phúc cũng vô thường. Bụt có rất nhiều hạnh phúc, và vì hạnh phúc của Bụt cũng vô thường như hạnh phúc của mình cho nên Ngài phải tiếp tục tu để tiếp tục chế tác hạnh phúc.
Thí dụ như mình đạp xe đạp, mình đạp mấy cái thì xe chạy, nhưng nếu mình không tiếp tục đạp thì xe đâu chạy nữa. Hạnh phúc của Bụt cũng vậy. Ngài biết cách nuôi dưỡng hạnh phúc cho nên hạnh phúc của Ngài kéo dài. Còn mình không biết nuôi dưỡng hạnh phúc cho nên hạnh phúc của mình rất ngắn ngủi.
Bởi vậy cho nên thành Bụt rồi mà Bụt cũng phải thực tập thôi. Ngài cũng thực tập an ban thủ ý, Ngài cũng thực tập thiền hành, thiền tọa, ăn cơm im lặng như mình vậy để nuôi dưỡng hạnh phúc của Ngài. Câu trả lời rất dễ, vậy mà trước đây mình cứ dại dột cho rằng: đã thành Bụt rồi thì còn tu nữa để làm gì?

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Phật Pháp rất chân thật!


LỜI ĐẦU SÁCH
Phật pháp tại thế gian, chẳng thể lìa thế gian mà có. Thế nên biết, người muốn ngộ được lẽ thật của muôn pháp, cũng phải từ muôn pháp mà ngộ, muốn nhận rõ Bản tâm chân thường cũng phải từ chiếc thân tứ đại vô thường mà nhận.
Người học Phật ngày nay nếu không muốn là kẻ đếm của báu cho người, phải sớm chuyển mê khai ngộ, tự mình dấn bước làm một hành giả nói ít hành nhiều. Được thế hi vọng có chút phần tương ưng.
Trên tinh thần ấy, vì muốn giúp cho Tăng Ni Phật tử đi đến chỗ rốt ráo viên mãn trong công phu tu hành, Hòa thượng Viện trưởng đã đinh ninh chỉ dạy rõ ràng chỗ thực dụng hằng ngày của một người con Phật. Nhận thấy giá trị quí báu ấy, chúng tôi biên tập lại những bài giảng dạy của Ngài trên những chặng đường hoằng pháp lợi sanh, với mục đích giao hòa cùng tất cả những bạn tu, một hướng sáng trên lối về quê xưa.
Được sự hoan hỉ chấp thuận và chứng nghĩa của Hòa thượng Ân sư, chúng tôi xin được gởi đến độc giả tác phẩm Phật pháp tại thế gian như một niềm đồng cảm, chia sẻ chút kinh nghiệm tu hành của một bậc Thầy dẫn đường, đã để lại cho chúng ta những huấn thị bằng cả cuộc đời tu tập của Ngài.
Vì là văn nói nên tác phẩm không sao tránh khỏi những sai sót tất yếu. Mong các bậc thức giả phủ chánh và lượng thứ cho.
Thường Chiếu, ngày 02-02-2005
BAN VĂN HÓA
THƯỜNG CHIẾU

PHẬT PHÁP RẤT CHÂN THẬT

H.T thiền sư Thích Thanh Từ

Giảng tại Bỉ 2002
Hôm nay, lần đầu tiên tôi đến chùa Hoa Nghiêm tại Bỉ theo lời mời của Ni sư Trụ trì, thăm viếng chư Ni và quí Phật tử, đồng thời đáp lại lòng chân thành thỉnh cầu của quí vị, thuyết một thời pháp. Đề tài tôi nói hôm nay là Phật pháp rất chân thật.
Sở dĩ tôi nói đề tài này vì có một số người hiểu lầm, tưởng đạo Phật huyền bí, khó hiểu. Như tụng kinh Bát-nhã thấy khó hiểu nên họ cho là bí hiểm. Nếu bí hiểm thì lời Phật dạy không có lợi ích cho chúng sanh. Vì vậy chúng tôi phải nói rõ giáo pháp của đức Phật rất chân thật, rất thiết yếu với cuộc sống của con người.
Phật là gì? Phật là người giác ngộ. Hồi xưa, từ thế kỷ thứ 13 trở về trước, người Việt Nam gọi Phật là Bụt. Sao ngày nay chúng ta lại gọi là Phật? Sự thật không có gì lạ. Ngày xưa, vùng Luy Lâu ở miền Bắc nước ta, được các nhà buôn từ nhiều nơi tụ hội về buôn bán, trong số đó có chư Tăng Ấn Độ theo thuyền buôn sang Việt Nam truyền đạo. Các ngài phát âm theo tiếng Phạn gọi Phật là Buddha, dân ta gọi trại lại thành Bụt. Điều này chứng minh Phật giáo Việt Nam đã có rất lâu đời, không phải mới đây. Về sau này, chúng ta gọi là Phật vì gọi theo người Trung Hoa. Chữ Buddha dịch sang tiếng Hoa là Phật-đà.
Như vậy, Bụt hay Phật là chỉ cho người giác ngộ được viên mãn, triệt để tất cả pháp ở thế gian, không phải giác ngộ sơ sài. Phật là bậc giác ngộ, Bồ-tát cũng là bậc giác ngộ nhưng giác ngộ từng phần, chưa triệt để viên mãn như đức Phật. Bồ-tát nguyên âm chữ Phạn là Bodhisattva, phát âm theo Trung Hoa là Bồ-tát hay Bồ-đề-tát-đỏa. Bodhi là giác, sattva là phần. Bodhisattva là giác ngộ từng phần.
Bây giờ chúng ta được gọi là gì? Là Phật tử. Phật tử là âm từ chữ Phật nghĩa là giác, tử là con. Phật tử là con bậc giác ngộ. Vậy Bồ-tát giác từng phần, còn chúng ta giác một tí nhỏ thôi nên gọi Phật tử. Nhưng không biết Phật tử chúng ta có giác chưa? Bởi giác ngộ nên Phật thấy đúng như thật tất cả pháp ở thế gian. Thấy đúng như thật nên Phật dạy chúng ta tu, nếu chúng ta hiểu và tu đúng pháp đó thì cũng thấy được lẽ chân thật.
Đạo Phật là đạo chân thật. Tại sao nói chân thật? Ở đây tôi đi từng bước cho quí Phật tử dễ hiểu, dễ nhận. Bước thứ nhất, khi đức Phật giác ngộ viên mãn rồi, Ngài thấy rõ chúng sanh sau khi chết bị luân hồi sanh vào sáu đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, người, a-tu-la và trời. Tại sao lại sanh trong sáu đường đó? Vì chúng sanh mê lầm tạo những nghiệp ác nên phải rơi vào ba đường xấu, ai sáng suốt tạo những nghiệp lành thì sẽ được sanh lên cõi lành.
Trong vòng luân hồi sanh tử, muốn được sanh chỗ lành thì phải tu nhân lành. Phật dạy chúng ta phải y cứ vào lý nhân quả. Còn đi trong luân hồi lục đạo là lý luân hồi. Như vậy luân hồi trong lục đạo do nghiệp dẫn nên gọi là nghiệp báo. Nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, là những bước đầu người Phật tử phải tu. Nhân đã gây thì quả phải chịu, đức Phật không hứa ai tin Ngài, cầu xin Ngài thì Ngài sẽ ban cho phước lành. Phật không hứa sao Phật tử cứ lạy cầu cho con được cái này, được cái kia? Nếu Phật ban phước xuống họa thì không có nhân quả nữa. Thế nên quí vị phải hiểu rõ điều này, mà tự chịu trách nhiệm về những hành vi tạo nghiệp của mình.
Như Phật tử muốn đi xa, trước khi đi thắp hương cầu Phật gia hộ cho con đi đường được bình an. Đó là tốt rồi. Nhưng ra đường gặp ai nói những chuyện trái ý mình, quí vị nổi tức chửi lộn với họ. Lúc đó bình an không? Phật có chen vào can thiệp được không? Không. Chúng ta bị những hoạn nạn, khó khăn là vì lòng nóng giận của mình, không làm chủ được. Không làm chủ được mình mắng người ta, người ta chửi lại mình. Gieo nhân nào phải chịu quả nấy, chớ Phật không chen vào can thiệp được.
Phật dạy chúng ta tu là bỏ tham, bỏ sân, bỏ si. Phật tử không chịu bỏ, cứ nhờ Phật gia hộ cho được bình an, cho mọi tai nạn đều hết, Phật gia hộ được không? Phật dạy lẽ thật, mà lẽ thật thì khô khan, đòi hỏi trí tuệ và sức tự chủ của chúng ta nên ta ngán thực hành. Còn nói cầu Phật, Phật sẽ ban cho đủ thứ hết thì Phật tử vui lắm, vì chúng sanh có bệnh yếu đuối, giải đãi, ỷ lại, không muốn tự lực mà chỉ thích ai đó làm giùm mình. Đức Phật nói lẽ chân thật mà chúng ta đi quá xa lời Phật dạy. Từ lời dạy chân thật đó, lần lần chúng ta biến Phật thành ông thần, ông Thánh và vì thế đạo Phật trở thành đạo của mê tín hoặc thần bí, tà ngoại.
Tại sao chúng ta có thái độ lệch lạc đó? Tại vì chúng ta yếu đuối, sợ sệt. Sợ cái này, sợ cái nọ, sợ cái kia, nên lúc nào cũng muốn trông cậy bề trên che chở cho mình. Nếu không có bề trên che chở thì sợ quá đi. Dù Phật nói Ngài không ban phước xuống họa, mà cũng cứ xin Phật hoài hoài. Nếu xin được thì nói Phật linh, nếu xin không được thì nói Phật không thương mình. Đức Phật lúc nào không thương chúng sanh? Phật thương tất cả chúng sanh không bỏ rơi người nào. Phật thương muốn độ hết tất cả, nhưng vì chúng ta không hiểu lời Phật dạy, không ứng dụng đúng rồi tưởng Phật không thương. Nên trong kinh nói: “Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử”, Phật thương chúng sanh như mẹ thương con.
Như người muốn được một mẫu bắp tốt, cứ ra chắp tay lạy trời hoài, mà không chịu gieo giống. Quí vị tưởng chừng nào được? Không có nhân thì không bao giờ có quả. Nhân không gieo mà đòi quả là chuyện không bao giờ có. Cũng thế, nhiều Phật tử không chịu gieo nhân mà đòi quả, đó là sai lầm. Muốn có một thửa bắp trúng nhiều hột, trước chúng ta phải lựa hạt giống tốt, rồi gieo trồng chăm sóc kỹ lưỡng, sau mới có kết quả bắp tốt.
Chúng ta kiểm nghiệm lại thế gian không có gì ngoài nhân quả. Nhân quả là chân lý trong cái tương đối, là một sự thật không chối cãi được. Phật tử không tin nhân quả thì không thể gọi là trung thành với Phật được, vì lời Phật dạy chúng ta không làm theo. Cũng như cha mẹ dạy con, đừng tập theo mấy đứa ngỗ nghịch hút á phiện, xì ke, ma túy. Cha mẹ dạy vậy, đứa con có hiếu nào lại theo đám hư hỏng kia chơi không? Nếu nó chơi với bạn hư thì đâu thể gọi là có hiếu được. Cũng vậy, nếu là Phật tử chân chánh, chúng ta phải thực hành đúng lời Phật dạy. Không có cái gì tốt xấu đến với chúng ta một cách ngẫu nhiên, mà đều có nhân có quả cả.
Có khi nào ta không ghét người đó, mà người đó lại hung dữ với mình không? Phải có thù oán với nhau mới có làm hung làm dữ. Đời này hoặc đời trước đã gây thù oán với nhau, bây giờ mới gặp lại, nhân quả không phải chỉ có một đời thôi. Nhân quả trải qua tới ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Ba đời đó liên hệ với nhau. Có những nhân mình gây đời trước, đến đời này mới trả quả. Có những nhân làm ngay đời này, đời này hưởng quả liền. Có nhân làm trong đời này nhưng đời này chưa được hưởng quả. Nó khác biệt như vậy, chớ không phải nói nhân quả là có liền.
Nhiều người cứ than thở tại sao tôi làm lành, mà cứ gặp những vui buồn, tai nạn hoài. Nghĩ như vậy rồi nói không có nhân quả hay nhân quả không thật, không đúng. Như trong phố có một căn nhà bán, người khác lại mua. Họ làm ăn rất siêng năng nhưng cuối năm hỏi anh chị dư dả không, người đó nói tôi làm một năm rồi mà vẫn còn thiếu nợ. Lạ chưa! Tại sao làm ăn khá mà thiếu nợ? Truy nguyên ra khi mua căn nhà đó họ phải vay tiền. Làm ăn khá trả được phân nửa hoặc một phần ba, còn nợ lại phân nửa hoặc hai phần. Chớ không phải làm ăn khá liền hết nợ.
Cũng vậy, chúng ta làm lành nhưng nợ cũ còn, trả chưa hết thì quả lành chưa tới kịp. Khi nào chúng ta trả hết nợ cũ quả lành mới đến. Cũng như người mua nhà kia, ít ra phải hai ba năm làm ăn siêng năng cần mẫn, trả hết nợ rồi mới có dư. Đó là một lẽ thật. Cho nên đối với lý nhân quả, chúng ta phải nhìn xuyên từ quá khứ, hiện tại đến vị lai. Có khi hiện giờ chúng ta làm những điều rất tốt, mà chưa có quả tốt vì chưa tới giai đoạn chín muồi, phải qua đời sau mới hưởng được. Không bao giờ nhân tạo mà mất, nó vẫn còn nhưng đủ thời kỳ chín muồi mới thu gặt kết quả. Trong nhà Phật luật nhân quả được khẳng định, chớ không phải chuyện mơ hồ. Đó là một lẽ thật, không nghi ngờ gì nữa. Vì vậy tôi nói Phật pháp là lẽ chân thật.
Kế đến nói về luân hồi. Luân là bánh xe, hồi là lăn tròn. Bánh xe lăn tròn lên xuống, lên xuống trong sáu đường hoài gọi là luân hồi. Trong kinh Phật nói, nếu đời này ta tạo nghiệp lành đời sau sanh vào cõi lành, tạo nghiệp dữ đời sau sanh vào cõi dữ. Hiện tại chúng ta làm lành, làm dữ thì nghiệp lành dữ đó sẽ dẫn ta sanh ở chỗ lành hay chỗ dữ. Điều này có thật không? Nói gần, như một gia đình sanh ba bốn đứa con, cũng người cha người mẹ đó mà mấy đứa con sanh ra giống nhau không? Đứng về mặt thể xác có phần giống một chút, nhưng về tâm lý thì mỗi đứa có khác. Đứa thích môn này, đứa thích môn kia, không giống nhau. Phải cha mẹ dạy không? Không. Phải thầy cô dạy không? Cũng không. Mà chính là tập nghiệp của quá khứ. Đời trước người đó là thợ mộc thợ hồ, nay sanh ra những việc thủ công họ làm giỏi lắm. Nếu người đó là nhà văn, bây giờ đi học văn chương giỏi. Ngày xưa là nhà toán học, bây giờ học toán rất mau. Chúng ta mới thấy có những vị thần đồng về âm nhạc, về toán… Như vậy biết rằng quá khứ của chúng ta, còn mang theo đến đời này chớ không phải hết.
Cũng thế đời này chúng ta tạo nghiệp lành, nghiệp tốt, thì đời sau được sanh vào cõi lành, cõi tốt. Nếu tạo nghiệp ác thì đời sau sanh chỗ ác. Đó là lý luân hồi. Luân hồi từ nghiệp dẫn đi, không phải bỗng dưng mà có. Đạo Phật nói nghiệp là do hành động của mình tạo, được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống, nên nghiệp chính là thói quen. Nghiệp lành, nghiệp dữ đều do chúng ta huân tập, không phải trời xui đất khiến mình khổ, hay trời xui đất khiến mình vui. Không có cái khổ vui từ bên ngoài đến, mà chính ở nơi mình. Nghiệp là một lẽ thật, không phải chuyện mơ hồ. Ai cũng tạo nghiệp, chỉ khác nhau là lành hay dữ thôi.
Nghiệp nào sẽ dẫn đi trong ba đường ác, nghiệp nào sẽ dẫn đi trong ba đường lành? Chúng ta chiếu theo năm giới: không sát sanh, không trộm cướp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu say, không hút á phiện, xì ke, ma túy. Đó là năm điều lành để bảo đảm dẫn chúng ta đi đường lành, đường lành thấp nhất là cõi người. Năm giới này phạm hết thì đi ba đường dữ.
Nếu người giữ giới không sát sanh, đời sau sanh ra được khỏe mạnh sống lâu. Không trộm cướp đời sau sanh ra của cải nhiều. Không nói dối, không nói lừa ai, nói đúng lẽ thật, đời sau sanh ra nói năng lưu loát, ai cũng quí cũng tin. Không tà dâm sống hạnh trinh bạch, bảo vệ hạnh phúc gia đình mình và gia đình người, đời sau sanh ra đẹp đẽ, gia đình yên ấm. Không uống rượu, không uống say, không hút á phiện xì ke ma túy, đời sau sanh ra sáng suốt. Rõ ràng nhân và quả theo nhau, không phải ngẫu nhiên người này sanh ra khôn ngoan, người kia sanh ra tăm tối. Tất cả đều có nhân duyên hết. Bởi vậy Phật dạy chúng ta tu để trở lại làm người tốt. Đó là luân hồi đúng theo nhân mình đã tạo, còn cái dẫn chúng ta đi vào các cõi gọi là nghiệp.
Hiện đời chúng ta có chứng thực được lý luân hồi này. Như quả địa cầu đang quay hết sáng tới tối, hết tối tới sáng. Quay như vậy là luân hồi. Trong con người chúng ta máu từ tim chảy đến khắp lục phủ ngũ tạng, rồi từ lục phủ ngũ tạng chảy về tim. Ra vào, ra vào lẩn quẩn như thế nên gọi là luân hồi. Như vậy từ địa cầu, từ bản thân, từ tâm niệm chúng ta, đều đi theo chiều hướng luân hồi. Nhiều người không hiểu, tưởng luân hồi là cái gì huyền bí. Sự thật nó như vậy.
Thấy được lý luân hồi, nhân quả chúng ta còn sợ sệt nữa không? Sợ ai? Thường thường sợ là sợ ai đó hành mình. Nhưng bây giờ chính ta là chủ nhân tạo ra mọi hoàn cảnh cho mình, thì còn sợ ai nữa. Có sợ chăng là sợ mình không tạo nghiệp lành lại đi tạo nghiệp dữ. Không ai muốn mình khổ cả, vì thế chúng ta phải tạo nhân lành để tránh khổ, được vui chứ!
Như vậy, đạo Phật cho chúng ta quyền quyết định hoàn toàn, không ai chen vô hết, không phải trời Phật can thiệp vào. Con người khổ quá thường kêu trời, lẽ ra phải kêu mình mới đúng. Tại sao hồi xưa mình ngu tạo nghiệp dữ để bây giờ chịu khổ như vầy. Hiểu thế mới hối hận ăn năn sám hối chừa cải. Còn kêu trời, đổ thừa trời thì không nhận phần lỗi về mình, không chịu trách nhiệm về những hành vi mình đã tạo ra trước đó.
Chúng ta gặp khổ lại đổ trách nhiệm ở một đấng nào, điều này đúng không? Không đúng. Biết tất cả tốt xấu, hay dở đều do mình tạo, ta nhận lấy trách nhiệm về mình. Đó là lẽ thật. Biết nhận lấy trách nhiệm để sửa là khéo tu. Còn không nhận trách nhiệm, cứ theo đà cũ oán hờn, thù hận là chưa biết tu. Người tu phải sáng suốt, biết rõ những gì ta lỡ tạo phải can đảm nhận, chớ không đổ trút cho người khác.
Phật tử học Phật rồi, thấy được trách nhiệm đối với mình, với nghiệp quá khứ đã gây tạo. Gặp cảnh khổ ta không kêu trời kêu đất, chỉ cười vì biết hồi xưa ngu dại mình tạo nhân này, nên bây giờ gặp quả đây. Ngày nay ta không tạo mà gặp cảnh xấu thì biết đây là quả ngu dại từ đời trước. Bây giờ phải ráng ăn năn sám hối. Nếu người gặp cảnh vui, làm gì cũng thành công thì không nên tự hào. Tự biết nhờ hồi xưa biết tu, biết làm lành nên bây giờ gặp cảnh tốt. Nghĩ thế càng gắng làm lành, không ngạo mạn tự cao. Có bỗng dưng được đâu mà ngạo mạn, đây là công của mình từ trước. Người biết tu rồi đứng trong xã hội rất vững vàng.
Người tin được nhân quả có can đảm không? Dám nhận trách nhiệm, không đổ thừa ai hết là can đảm. Do biết nhân quả, can đảm nhận hết những xấu dở để sửa mình, điều hay tốt cố gắng thêm lên. Hiểu đúng tin đúng như vậy, có giác ngộ không? Có giác ngộ chút chút nên nói là con Phật. Học Phật, bước đầu chúng ta phải nhận định cho thật thấu đáo, nếu không sẽ giống như người thế gian có bệnh nhát nhúa, hay đổ thừa. Việt Nam ta có những câu ca dao rất hợp lý nhân quả:
Bởi chưng kiếp trước khéo tu,
Ngày nay con cháu võng dù nghênh ngang.
Ông bà mình thấy rõ luật nhân quả. Sở dĩ ngày nay được tốt là tại hồi trước mình khéo tu. Ngày nay bị xấu là tại hồi trước mình không khéo tu, chớ có gì đâu. Phật tử mà không giác chút nào hết thì không phải là Phật tử, chỉ là kẻ tu mù thôi.
Tất cả quí Phật tử từ trước tới giờ sống đúng tinh thần nhân quả hay sống ỷ lại? Phần nhiều ỷ lại quí thầy, quí cô. Thôi kệ, làm ăn có tiền lâu lâu đem vô chùa cúng. Mình có tai nạn quí thầy cầu an cho, có chết quí thầy cầu siêu, khỏi lo tu. Đó là hoàn toàn ỷ lại. Ngày nay Phật tử hiểu đạo rồi, đừng quan niệm như thế nữa, mà phải thật tu. Chư Tăng Ni là người đi trước, chỉ cho chúng ta đường lối tu, chớ không phải gánh hết những gì chúng ta làm. Nhiều Phật tử nói tôi cúng chùa nhiều quá, bây giờ tai nạn dồn dập, không ai thương. Nghĩ như vậy là không hiểu đạo Phật hay hiểu không đúng đắn. Đạo Phật là đạo chân thật, chỉ lẽ thật cho chúng ta, chớ không dạy cái gì huyền hoặc, xa lạ với con người.
Phật dạy nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, để chúng ta tu ngay trong đời này và những đời sau. Nhưng đạo Phật không chỉ dạy tu trong sanh tử, mà còn dạy tu giải thoát sanh tử nữa. Đa số Phật tử thấy luân hồi trong ba đường tốt là hài lòng, ít ai muốn ra khỏi. Nhưng thật ra đạo Phật dạy phải làm sao giác ngộ cho sâu, cho triệt để, chớ không phải giác ngộ sơ sơ như vậy là đủ. Vì thế đức Phật còn dạy thêm các pháp tu để ra khỏi sanh tử. Đến đây tôi sẽ nói về lý nhân duyên.
Đức Phật dạy tất cả sự vật trên thế gian này không có cái gì tự nó thành hình, mà phải do nhiều nhân nhiều duyên tụ hợp lại mới thành. Như thế phải có hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất, trước khi nó tụ lại phải là Không. Ví dụ như trước khi đem những đóa hoa cúc cắm vào bình thì bình không. Không mới cắm hoa cúc vào được, chớ bình đầy cứng thì hết cắm hoa cúc. Như vậy trước khi cắm hoa cúc là cái bình không. Từ cái không đủ duyên tụ lại thành bình hoa cúc. Cũng như trước khi cha mẹ chưa sanh, chúng ta có hay không có? Lúc đó đâu có. Không có trong bào thai cha mẹ chớ không phải không có trong vòng luân hồi. Khi đủ duyên ta vào trong bào thai, từ từ được nuôi lớn cho tới ngày ra đời. Như vậy ngày nay chúng ta có là từ cái không trước, rồi nhân duyên tụ hội mới thành có.
Bình hoa này bây giờ có nhưng đôi ba bữa không còn. Sao vậy? Vì nó héo tàn, người ta bỏ đi. Vậy những gì do duyên hợp thì có ngày tan rã. Có cái nào hợp mà không tan đâu. Thân chúng ta đã do duyên hợp thì phải tan, phải hoại nhưng con người lại không chịu hoại. Do đó mới khổ.
Chúng ta lúc nào cũng muốn giác ngộ, mà lại giữ mê hoài. Nếu ngày mùng một tết âm lịch, bạn bè tới chúc chị năm nay nghèo mạt, chúc chị năm nay đau, quí vị có nổi nóng không? Điều đó nhất định không chấp nhận được. Song giàu nghèo là nhân quả của mình. Chúc là chuyện nói bóng nói gió vậy thôi, có thật đâu mà nổi giận! Nổi giận như thế là hữu lý hay vô lý? Vô lý. Còn chúc sống trăm tuổi hay làm ăn phát tài thì vui lên liền. Mà chắc gì sống trăm tuổi, nhưng nghe chúc thế là vui. Như vậy chúng ta đang đi trong mê hay đi trong giác? Mê. Đạo Phật là đạo giác ngộ, mà con Phật lại đi trong mê thì nói sao đây!
Tôi thấm thía câu chúc tết của một Hòa thượng Nhật Bản cho đệ tử: “Thầy chúc cho các đệ tử ông nội chết, bà nội chết, rồi cha chết, mẹ chết, con chết, cháu chết.” Ông chúc chết từ trên xuống dưới, quí vị chịu nổi không. Không ai chịu nổi câu chúc đó. Vị cư sĩ tức quá hỏi: “Tại sao Thầy chúc cho con lạ vậy?” Hòa thượng nói: “Thầy chúc tốt cho con đó.” Hỏi: “Tốt thế nào?” Đáp: “Con thấy già thì ông nội, ông ngoại chết, kế cha mẹ chết, con chết, cháu chết. Đó là chết theo thứ tự, người lớn đi trước người nhỏ đi sau. Bây giờ có nhiều người bất hạnh cha chưa chết mà con đã chết.” Hòa thượng chúc hợp lý như vậy mà có người nghe chịu không nổi.
Con người sống trong tưởng tượng nhiều hơn lẽ thật. Cứ nghe những lời vuốt ve, tán thưởng rỗng thì vui, còn lời nói thật lại buồn trách. Như vậy mới thấy chúng ta tu mà chưa giác. Nếu giác thì dù nói khổ, nói vui gì cũng biết nói rỗng. Chẳng qua mình tạo nghiệp lành hay dữ nên phải thọ quả, chớ có ai nói mà thành tốt xấu cho mình được. Chúng ta không cầu cúng, mong mỏi Phật ban cho cái này, cái nọ mà phải thật tâm chỉnh sửa lại cái xấu dở thành cái hay tốt, đó mới là thật tu. Quí Phật tử mùng một Tết có xin Phật không? Xin thôi là xin.
Nói thế có người thắc mắc tại sao mỗi đêm mình phải lạy Phật, nguyện này, nguyện nọ? Phật không cho cái gì hết, tại sao chúng ta lạy rất kính cẩn? Đó là sự hiểu lầm của người đời. Ví dụ như một nhà khoa học phát minh được một công thức lý hóa hay toán học. Từ khi họ mò mẫm cho tới ngày phát minh trải qua nhiều thời gian rất cực khổ, phải bóp đầu bóp trán mới được. Khi thành công thức rồi, chúng ta học và ứng dụng công thức đó chỉ năm mười ngày là thuộc. Nhờ công của người phát minh nhọc nhằn, khó khăn, sau này chúng ta biết thực hành được nhẹ nhàng và có nhiều lợi ích, cho nên ta mang ơn kính trọng người đó, đâu có gì phải ngạc nhiên. Đây là điều hoàn toàn hợp lý.
Cũng vậy, hồi Phật mới đi tu chưa giác ngộ, trải qua bao nhiêu năm khổ hạnh, phải ngồi dưới cội bồ-đề bốn mươi chín ngày đêm mới được giác ngộ. Bây giờ Ngài dạy lại chúng ta những điều Ngài đã giác ngộ như nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, chỉ chưa tới một giờ đồng hồ, ta đã hiểu hết rồi. Vì vậy chúng ta kính trọng Phật đã gieo cho chúng ta mầm giác ngộ. Chúng ta lạy Phật vì rất quí, rất trọng chỗ Ngài giác ngộ và ân đức Ngài đã giáo hóa giúp chúng ta cùng được giác ngộ như Ngài, chớ không phải lạy Phật để xin. Ngài đã tuyên bố Ngài không cho mà. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy ý nghĩa của sự tu hành.
Theo lý nhân duyên tất cả những gì có hình, có tướng ở thế gian này đều không thật. Đã do duyên tụ thì cũng do duyên tán. Ngày nay đủ nó hợp, ngày mai thiếu nó tan. Đó là lẽ thật. Lẽ thật như vậy mà chúng ta chịu tụ, chớ không chịu tán là mình vô lý. Thân này đủ duyên nó tụ, hết duyên nó hư hoại. Đủ duyên thì còn hết duyên thì mất, đó là chuyện bình thường, có gì phải sợ.
Chúng ta biết có tụ thì phải có tan, đó là một lẽ thật không chối cãi được. Đã là lẽ thật sợ cũng không được, cũng không khỏi, chỉ còn khéo tu thôi. Như hiện giờ ta được thân tốt, muốn ngày mai nó tan rồi tụ lại cũng tốt thì phải tạo duyên nghiệp tốt. Cái gì đến thời kỳ hoại phải hoại, chúng ta có sợ, có khóc mấy cũng hoại thôi. Biết rõ vậy, ngày mai chết ta cũng chỉ cười, hết duyên thì đi có gì đâu mà sợ.
Người hiểu đạo rồi sống ung dung tự tại, không hoảng sợ gì hết. Ai nói chi cũng không sợ, vì mình biết rõ lẽ thật, không chạy trốn nơi đâu được. Quí vị làm hết bổn phận của mình, tới ngày hết duyên thì cười đi. Như vậy tốt không? Còn lo sợ, rên rỉ khóc lóc có được gì, chỉ làm tâm tư rối loạn thêm. Tâm tư càng rối loạn con đường trước càng mờ mịt, khó chọn được nơi tốt. Như vậy có phải nguy hiểm hơn không!
Biết thế rồi chúng ta dễ tu hay khó tu? Có gì khó! Bởi mình biết con người ai cũng tới chỗ chết, có sanh phải có tử. Trong khi sanh đây mà sơ sảy một chút là bước vào cửa tử liền. Ví dụ đi xe lỡ tay đụng ầm một cái, rồi. Đó là cửa tử đã chực mở ra, không kịp để lo âu sợ sệt nữa. Từ lo âu sợ sệt, nhiều người chạy đi coi bói xem năm nay tuổi tốt hay xấu, đủ thứ. Như vậy Phật tử tin Phật hay tin quỉ thần? Tin lời Phật thì phải tu sửa chuyển đổi từ xấu thành tốt, mới đúng là Phật tử. Nhờ Phật dạy chúng ta mới giác, có giác một chút mới ứng dụng tu. Ứng dụng tu là tin Phật và tu như lời Phật dạy.
Thân này do duyên hợp thì thành, duyên tan thì mất. Nó có rồi mất, có rồi mất nên thân không thật. Từ không duyên hợp thành có, từ có hết duyên trở về không. Xác định vậy, chúng ta không còn tham sống tới trăm tuổi nữa. Hồi xưa mấy ông vua còn muốn phải muôn muôn tuổi kìa, nên bắt thần dân tung hô “Vạn vạn tuế”. Người nay chúc bá niên là một trăm năm, nhưng sự thật mấy người sống được tới tuổi đó. Chúc là chúc rỗng vậy thôi, mà thiên hạ lại thích chúc rỗng, không chịu nhìn lẽ thật. Đã duyên hợp thì phải tan, thân này không thật nên ai nói hơn nói thua, nói phải, nói quấy, có gì quan trọng.
Biết thân không thật, có ai nói anh hay chị xấu, dễ ghét… có buồn không? Thân này đã giả thì những lời khen chê cũng giả, cũng hư dối thôi. Giả sử có ai chửi bới, ta nên cười hay nên giận? Thân không thật thì chửi đó cũng rỗng, có gì để giận. Vậy mà ai nói nặng một câu thì giận năm bảy ngày chưa quên. Cái không thật mà ôm ấp giận, có phải khờ dại không? Cho nên thấy được thân không thật rất dễ tu, nhưng nếu thấy thân thật thì tu rất là khó.
Giả sử như bữa ăn thông thường của quí vị phải có muối tiêu, muối ớt. Hôm nào lỡ không có nó thì quí vị thấy khó ăn. Tại sao khó? Thân không thật, thức ăn tạm dùng cho qua ngày, đâu có gì quan trọng. Nhưng vì chúng ta đặt cái ngon cái dở lên trên nên thấy bực bội. Thân đã không thật thì vật thực nuôi nó cũng đâu có thật. Vậy mà ăn không ngon mặc không đẹp thì buồn. Phật tử thấy thân giả mà lại buồn giận những cái không đáng, đó là chưa khéo tu. Bởi vậy người xưa tu sống rất đơn giản, cảnh nào các ngài cũng hoan hỉ vì thấy thân không thật. Còn chúng ta bây giờ sống đòi cái này, cái kia, thua kém ai một chút là buồn bực.
Dù chúng ta có nuôi dưỡng cưng chiều cho thân sung túc, nhưng rồi cũng không giữ được nó, vậy cưng chiều quá làm chi. Ta chỉ nên mượn thân để tu, tu cho khéo cho hay. Từ phương tiện tạm bợ này, ta tiến lên được những bậc cao siêu hơn. Chớ còn nuôi dưỡng thân giả này dù trải qua bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp cũng chỉ ở trong vòng trầm luân sanh tử, không có lợi ích gì.
Trong kinh Phật thường nói, pháp của Phật như chiếc bè để qua sông. Nhờ nó chúng ta qua được bờ giác ngộ, chớ không theo giữ nó hoài. Nếu quí vị biết chắc thân này không thật thì giác ngộ kha khá, cũng phần giác tức là Bồ-tát. Khi giác ngộ chúng ta đọc kinh Kim Cang không khó. Trong kinh Phật nói:
Nhất thiết hữu vi pháp,

Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.

Nghĩa là tất cả những pháp có hình tướng sanh diệt đều giống như mộng, như huyễn hóa, như điện chớp, như sương mù, có đó rồi mất đó. Nhìn như thế là nhìn bằng con mắt giác ngộ. Thấy thân này thật là đang mê. Bây giờ chuyển thấy thân này giả, tốn chừng bao nhiêu công? Có gì ngăn trở không? Đâu có gì ngăn trở. Chúng ta đủ thẩm quyền chuyển mê thành giác, vậy mà không chịu chuyển, rồi than Phật không thương. Chúng ta không chịu chuyển, Phật thương sao được! Từ mê chuyển thành giác rất nhẹ nhàng, chỉ đổi cái nhìn là được.
Thấy thân duyên hợp hư giả, ai nói gì mình cũng cười, không quan trọng chi hết. Cuộc sống đạm bạc thế nào cũng tốt, lúc nào ta cũng chỉ nhớ cố gắng tu, cố gắng vươn lên. Đó là con người giác ngộ, dù chưa viên mãn nhưng cũng là Bồ-tát. Vậy Bồ-tát với phàm phu cách nhau bao xa? Cách nhau giữa mê và giác. Mê, giác từ trong tâm đổi là xong. Từ mê chuyển thành giác không phải trèo non lội suối gì hết, chỉ đổi cái nhìn thôi. Dễ không? Vậy mà Phật tử than “tu khó quá”. Phật đâu có bảo quí vị gánh đá lên núi, mà than gánh không nổi. Chỉ đổi cái nhìn sai lầm qua cái nhìn giác ngộ, gọi là chuyển mê thành ngộ. Chuyển một cái là xong, giống như trở bàn tay từ úp lật lên là ngửa vậy. Cho nên việc tu hết sức dễ.
Quí Phật tử hiểu đạo rồi nên cố gắng thực hiện tinh thần giác ngộ của đạo Phật. Tinh thần đó là tinh thần đúng chân lý, không phải tinh thần dọa dẫm hay dụ dỗ gì hết. Đức Phật nói đúng lẽ thật cho chúng ta nhận ra, nhận ra lẽ thật rồi, ứng dụng tu hành dễ chớ không khó. Chỉ vì ta chưa hiểu nên tu khó, hiểu rồi tu không khó. Khi tu, lâu lâu chúng ta phải tự kiểm lại xem mình có giác chưa. Nhiều người đọc kinh Kim Cang không hiểu, vì thấy thật mà Phật nói giả, thành ra lời Phật dạy không dính với quí vị. Bây giờ nếu hiểu căn bản từ lý nhân duyên, chúng ta thấy đó là lẽ thật, không phải Phật suy lý mà nói.
Có người lại nghi, nếu thấy các pháp như huyễn hóa, người ta chán đời không muốn làm gì nữa? Thấy cái gì cũng giả dối tạm bợ, thôi nhịn đói chết cho rồi. Đó là hiểu sai lầm. Đạo Phật dạy chúng ta giác ngộ, khi giác ngộ rồi nhìn lại người mê mới thấy thương. Người đời giành giựt hơn thua với nhau, nên có thương nhau cũng gượng mà thôi. Có những gia đình cha mẹ chết chia gia tài không đều, con cái oán hận, chớ thương gì. Rõ ràng tình thương đó không thật.
Chúng ta biết rõ cuộc đời như vậy, mình không còn vướng mắc, bận bịu nữa thì thấy những người đang vướng mắc, đang bận bịu mình thương. Thương là thương cái mê của họ. Vì chúng sanh mê mà Phật phải thương, tình thương ấy mới thật sự công bằng. Một ông Tổng thống mê Phật cũng thương, chớ không phải chỉ thương người nghèo, người giàu không thèm thương. Tình thương chân thật là thương kẻ mê sau khi mình đã giác. Do thương nên tạo điều kiện hướng dẫn người còn trong mê. Đó là thực hiện lòng từ bi. Chúng sanh còn mê còn khổ, ta giác một mình sao được. Như trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A-nan phát nguyện: “Như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ Nê-hoàn”, nghĩa là nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật, con nguyện không nhập Niết-bàn. Phật và Bồ-tát thương chúng sanh là thương cái mê của họ, chớ không phải thương giàu nghèo. Khi mê thì giàu nghèo gì cũng mê, nhiều khi giàu còn mê đậm hơn nữa. Vì vậy Bồ-tát thương hết, không bỏ một ai. Thương và cứu độ hết lòng thì đâu thể nói tiêu cực yếm thế được.
Tất cả chúng ta học Phật, hiểu Phật rồi, dù không phát tâm Bồ-tát, nhưng thấy người mê cũng đáng thương. Câu kinh đức Phật dạy, tôi không bao giờ quên là: “Cái khổ ở địa ngục cũng chưa phải là khổ. Cái khổ ở ngạ quỉ đói khát cũng chưa phải là khổ. Cái khổ súc sanh, làm trâu làm ngựa kéo cày kéo xe cũng chưa phải là khổ. Chỉ si mê không biết lối đi, đó mới thật là khổ.” Vì những cái khổ kia còn có ngày ra khỏi, còn khổ si mê này không biết chừng nào ra khỏi, cứ chìm trong sanh tử muôn kiếp. Cho nên cái khổ của luân hồi sanh tử là cái khổ lớn nhất. Chúng sanh còn mê là còn sanh tử, đây là cái đáng sợ nhất. Nhưng chúng sanh chỉ sợ nghèo, sợ thua người ta mà không sợ mê nên mới đáng thương. Người tu Phật sợ cái mê nên tránh, cầu được giác ngộ. Đó mới thật là người tu Phật.
Phật tử tụng kinh Bát-nhã thuộc lòng, trong đó Phật dạy: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”, nghĩa là người soi thấy năm uẩn không thật, liền qua hết các khổ nạn. Ngũ uẩn là gì? Sắc uẩn là vật chất, tức thể xác. Thọ, tưởng, hành, thức là tinh thần. Những thứ đó nguyên trước nó là không, duyên hợp giả có. Biết rõ nó có trong cái giả dối không thật, thì qua hết các khổ nạn. Quí vị thuộc Bát-nhã mà không chịu chiếu kiến, không chịu xem xét nên khổ nạn tới hoài, rồi nói Phật dạy không linh. Phật nói độ tất cả khổ ách, mà sao tới giờ tôi không độ được khổ nào hết? Đó là vì chúng ta không tu theo Trí tuệ Bát-nhã. Chớ khéo tu đúng như lời Phật dạy, chúng ta sẽ thấy hay đáo để, lời Phật là lời vàng. Phật nói lẽ thật triệt để, chúng ta cạn cợt nông nổi nên không thấy tới cái triệt để. Do không thấm, không biết nên nghĩ đọc kinh Phật cho có phước vậy thôi, chớ không hiểu lời Phật dạy. Không hiểu thì đâu có ứng dụng tu, cho nên khổ hoài.
Nên biết rõ thứ nhất là nhân quả, thứ hai là nghiệp báo, thứ ba là luân hồi. Đây là ba điều tu còn ở trong luân hồi, để chọn luân hồi trong ba đường lành. Nếu người biết đúng lý này, tạo nghiệp lành sẽ sanh vào đường lành. Nhưng trong kinh Phật không khuyến khích chúng ta lên cõi trời. Tại sao? Vì lên đó sướng quá, muốn gì được nấy, muốn ăn có ăn, muốn mặc có mặc, muốn đi chơi được đi chơi. Do không thấy khổ nên không phát tâm tu. Nơi nào có khổ có vui chúng ta mới thức tỉnh, mới phát tâm tu. Lên cõi trời điều gì cũng thỏa mãn hết, vì vậy khó tu. Chỉ ở cõi Ta-bà này khổ vui đầy đủ, chúng ta dễ tỉnh, dễ đánh thức mình. Trên trời có một chiều, ăn uống vui chơi thụ hưởng đến khi hết phước, rớt xuống cõi khổ. Sống trong cảnh khổ lại ráng tu để được lên trời, lên đó rồi tuột xuống nữa. Cứ như vậy lên xuống hoài, không ra khỏi trầm luân sanh tử. Người biết tu nên tìm một con đường chân thật, ra khỏi vòng luân hồi sanh tử.
Đức Phật đã khổ công tìm ra ánh sáng của đạo chân thật, bây giờ Ngài dạy lại chúng ta. Con đường khó khổ Phật đã gánh chịu hết, mình chỉ tu học theo những gì Ngài tìm ra và chỉ dạy lại, đỡ mất thời gian, đỡ tốn công sức khó nhọc biết bao nhiêu, chỉ có ứng dụng pháp Phật dạy để tu, dễ quá chừng. Vậy mà chúng ta không chịu tu thì thật là đáng trách, đáng thương làm sao! Mong tất cả quí vị nghe tôi nói, cố gắng tu hành theo giáo pháp chân thật của đức Phật đã dạy, để dứt khổ được vui.


Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Câu hỏi: Làm thế nào để chống lại những bất công trên thế giới mà không bị chìm đắm trong sự giận dữ, cay đắng, phẫn nộ và oán hận ?

 Xem nguồn ở đây
 
Thầy trả lời:
Chúng ta cứ tưởng tượng có một ông bác sĩ, ông gặp rất nhiều bệnh nhân và ông nói:“ Làm thế nào mà tôi thấy vui vẻ, khỏe mạnh được trong khi nhiều người chung quanh tôi đều bị bệnh?“ Chúng ta biết là nếu ông bác sĩ cũng bị bệnh thì không còn hy vọng gì nữa cả. Bổn phận của ông bác sĩ là phải giữ cho mình được khỏe mạnh để có thể chữa trị cho các bệnh nhân.
Cũng tương tự như vậy, nếu thấy có quá nhiều người đau khổ chung quanh mà ta không biết cách nào để đau khổ ít hơn, ta không biết cách nuôi dưỡng mình bằng niềm vui và hạnh phúc thì ta sẽ không giúp được gì cho ai cả. Có một phương pháp thực tập có thể giúp ta bớt khổ đau để ta có thể giúp được cho những người đau khổ nhiều hơn mình, đó là sự thực tập chánh niệm.
Chúng ta biết là có rất nhiều yếu tố tươi mát đang có mặt cho mình như nước mát, không khí trong lành,...những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt ở trong ta và chung quanh ta. Nếu tiếp xúc với những yếu tố đó thì ta được nuôi dưỡng và trị liệu. Và khi ta đau khổ ít, ta nuôi dưỡng được mình bằng niềm vui và hạnh phúc thì ta sẽ có khả năng giúp được cho những người xung quanh mình.
Sự thực tập của chúng ta là phải tự bảo hộ cho mình, không để bị tràn ngập bởi những đau khổ chung quanh. Điều này ta có thể làm được bằng sự thực tập chánh niệm. Ta ý thức là không khí trong lành, ánh sáng mặt trời, nước mát và rất nhiều mầu nhiệm của sự sống đang có mặt cho ta. Đất Mẹ có mặt đây để nuôi dưỡng và trị liệu cho ta. Nếu ta ý thức được điều đó và để cho Đất Mẹ cùng những mầu nhiệm của sự sống nuôi dưỡng và trị liệu thì ta mới có thể giúp ích được cho những người chung quanh mình.
Ông bác sĩ phải biết chăm sóc cho mình. Ông phải ý thức là sức khỏe và hạnh phúc của mình rất cần thiết cho những bệnh nhân đang tìm đến ông để được chữa trị. Sự thực tập thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, thực sự có mặt trong giây phút hiện tại để được nuôi dưỡng và trị liệu bởi thiên nhiên là sự thực tập rất quan trọng.
Khi ta dừng lại mọi rong ruổi, tìm cầu thì ta mới có thể thật sự có mặt trong giây phút hiện tại để được nuôi dưỡng và trị liệu bởi những yếu tố tươi mát của thiên nhiên. Khi đó ta sẽ chuyên chở năng lượng của bình an, niềm vui và hạnh phúc để giúp cho người khác bớt khổ hơn.
Chung quanh ta có rất nhiều hận thù, giận dữ, cay đắng, v.v. Nếu ta không biết cách trở về với tự thân để chăm sóc cho mình thì ta sẽ bị tràn ngập bởi năng lượng tập thể của sự hận thù, giận dữ, cay đắng đó. Vì vậy chăm sóc cho chính mình là điều rất quan trọng! Muốn như vậy thì ta phải biết cách trở về với hải đảo tự thân trong chính mình bằng hơi thở và bước chân chánh niệm để làm lắng dịu hình hài và cảm thọ của mình. Khi đó trong ta bắt đầu có sự bình an, tĩnh lặng và ta có thể thấy được rõ hơn. Ta biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm để đừng đưa đến tình trạng tệ hại hơn.
Chúng ta nhận ra rằng chỉ cần một hơi thở vào hay một bước chân chánh niệm cũng đã có thể giúp ta có được một chút lắng dịu và bình an. Vì vậy ta đừng nên chịu chết, ta phải biết là luôn luôn còn có hy vọng. Ta không nên cảm thấy bất lực, tại vì nếu biết cách thực tập thở trong chánh niệm và đi trong chánh niệm thì một hơi thở vào hay một bước chân thôi cũng có thể làm thay đổi tình trạng rồi.
Vấn đề ở đây không chỉ là “mình làm được gì?“ Thường thì chúng ta có ước muốn phải làm một cái gì đó để giúp cho thế giới bớt khổ. Nhưng “hành động“ (to do) chỉ là một trong những điều mà ta có thể cống hiến. “Sự có mặt“ (to be) cũng là một cách hành động. Nếu trong ta có sự thư giãn, sự bình an và lòng từ bi thì đó đã là hành động rồi. Cách ta nhìn người kia cũng có thể giúp được cho người đó rất nhiều. Nếu trong ta có sự bình an, tĩnh lặng và lòng từ bi thì sự có mặt của ta đã giúp ích được rất nhiều rồi. “Sự có mặt“ rất quan trọng và nó là nền tảng cho hành động. Trước hết mình phải có bình an trong tự thân, rồi sau đó mình mới có thể hành động để đem lại bình an cho người khác (To be peace first and to do peace later).
Chúng ta nói đến yếu tố tăng thân. Nếu thực tập với những người bạn nắm vững được phương pháp “có mặt“, có mặt một cách thư giản, bình an, tươi mát và lành mạnh thì ta sẽ được yểm trợ bởi năng lượng tập thể hùng hậu của sự bình an, niềm vui, hạnh phúc và ta có thể giúp được được rất nhiều người. Khi chúng ta có sự bình an, tươi mát và lòng từ bi thì năng lượng tập thể của sự bình an, sự tươi mát và lòng từ bi đó đã là sự đóng góp cho bình an và hạnh phúc trên thế giới. Chính năng lượng bình an và từ bi sẽ cho ta biết cần phải làm gì để nuôi lớn bình an, sự tươi mát và niềm vui cho thế giới này.
Câu trả lời là: Chúng ta phải thực tập chánh niệm để tự bảo hộ mình, không để cho năng lượng lượng tập thể của hận thù, bạo động, giận dữ, ... cuốn mình đi. Đồng thời ta phải biết cách trở về với hải đảo của bình an, tươi mát và từ bi trong tự thân. Nếu chúng ta có một nhóm bạn cùng thực tập như vậy thì chúng ta sẽ là chỗ nương tựa cho nhiều người khác. Vì vậy xây dựng một tăng thân cùng nhau tu tập là điều rất quan trọng!
Làng Mai
 

Vì sao mọi chúng sanh đều bình đẳng, chứ không phải là công bằng?


 
Ai cũng có cái bệ giống nhau (bình đẳng mà), nhưng do nghiệp mà có sự sai khác.
Nhiều thiện nghiệp (người cao) thì thành chư thiên.
Vừa có thiện vừa có ác nghiệp (người vừa) thì thành con người.
Nhiều ác nghiệp (người lùn) thì thành ngạ quỷ súc sanh.