Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Thưa sư, có phải cứ sống một cuộc sống đơn giản, xuất gia không gia đình là đã buông bỏ được hết rồi đúng không ạ?

Sư Chân Tuệ: Một người có thể sống rất đơn giản nhưng không hề buông bỏ, thay vào đó lại chấp chặt vào sự đơn giản. Nếu có vị sư nói rằng "Tôi phải ăn thật đơn giản, ngày một bữa thôi, đừng cúng dường cho tôi đồ ăn cao lương tôi không nhận đâu" thì ở đó không có sự buông bỏ thực sự. Nhưng nếu cúng dường gì ăn nấy, có sao mặc vậy, cúng y gấm thì mặc y gấm, cúng y rách thì mặc y rách, vậy người đó là người dễ nuôi - các phẩm chất buông bỏ có mặt.


Hỏi: Vậy Thưa Sư, Đức Phật dạy cần xả bỏ điều gì?



Sư Chân Tuệ: Đoạn diệt sự sát sinh, trộm cắp, tà dâm, tham, sân, tà kiến…Cái này mới gọi là xả ly. Nếu xả ly tài sản nhưng tâm còn đầy rẫy phiền não thì không gọi là xả ly. Sự xả ly thực sự ở trong tâm chứ không phải bên ngoài.



Một ông vua có thể sống đầy đủ nhưng lại rất đơn giản. Một anh nông dân, sống ở túp lều tranh nhưng lại có nhiều dính mắc, nhiều ước muốn, tham vọng.



(Sư Chân Tuệ)

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

ĐỪNG NHÌN MẶT MÀ BẮT HÌNH DONG

Có chàng thanh niên tên là Ca-la-việt, vì rất muốn có được đại trí tuệ như Bồ Tát Văn-thù Sư-lợi nên khi đến bất kỳ ngôi chùa nào cũng đều thành khẩn lễ bái tượng Bồ Tát Văn-thù Sư-lợi thân đeo anh lạc, ngồi trên sư tử, cầm bảo kiếm trí tuệ, một lòng cầu nguyện Bồ Tát hiện thân gia trì cho anh. Anh thường đối trước tượng Bồ Tát mà khấn nguyện rằng: "Bồ Tát Văn-thù Sư-lợi từ bi, đệ tử là Ca-la-việt khẩn khoản thỉnh cầu Ngài hiện thân gia trì, khai mở đại trí tuệ cho đệ tử."
Một hôm, Ca-la-việt chuẩn bị rất nhiều món ăn ngon đến cúng dường tăng chúng, lại còn bài trí một tòa ngồi rất sang trọng tinh tế, hy vọng Bồ Tát Văn-thù Sư-lợi từ bi đến thọ nhận cúng dường.
Không lâu sau, trong số tăng chúng đến thọ nhận cúng dường có một vị sư già què chân, y áo rách nát, luộm thuộm, lôi thôi lếch thếch, mặt mày vô cùng dơ bẩn, chống gậy đi thẳng lên tòa ngồi xinh đẹp quý giá, định ngồi xuống đó. Ca-la-việt nhìn thấy như vậy, thầm nghĩ:

"Tòa ngồi cao quý này là để dành riêng cho Bồ Tát Văn-thù Sư-lợi trang nghiêm, sao có thể để cho người khất thực luộm thuộm này ngồi lên được chứ!"
Thế là, Ca-la-việt vội vã chạy lên, kéo vị ấy xuống, bảo qua nơi khác ăn cơm.
Vừa kéo xuống, vị ấy lại chống gậy bước lên.

– Sao lại đi lên nữa?
Ca-la-việt lại chạy đến kéo xuống nữa. Nhưng vừa buống ra thì vị ấy lại chống gậy bước lên.
Bước lên kéo xuống đến bảy lần như vậy, vị ấy không bước lên nữa, quay tìm góc để ngồi. Cuối cùng, Ca-la-việt cũng thở phào nhẹ nhõm.
Sau khi cúng dường trai tăng xong, Ca-la-việt đến chùa, cung kính lễ Phật, đem công đức cúng dường trong ngày để kỳ nguyện hồi hướng:

– Đệ tử Ca-la-việt thành tâm kỳ nguyện: Nguyện đem công đức cúng dường trai tăng hôm nay hồi hướng cho đời này được nhìn thấy Bồ Tát Văn-thù Sư-lợi hiện thân gia trì, giúp đệ tử được đại trí tuệ.
Bận rộn suốt cả ngày, Ca-la-việt mệt mỏi vô cùng, sau khi trở về nhà liền ngủ say như chết. Anh nằm mộng thấy Bồ Tát Văn-thù Sư-lợi mà anh ngày đêm cầu nguyện. Bồ Tát bảo anh:
– Không phải lúc nào con cũng luôn tâm niệm, hy vọng gặp được ta, hy vọng ta đến thọ nhận cúng dường đó sao? Để đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của con, hôm nay ta đã hiện thân đến thọ nhận cúng dường, nhưng mỗi lần ta bước lên ghế con đều kéo xuống, tất cả là bảy lần, vì không để con sinh phiền não, ta chỉ còn cách tìm một góc khác để thọ trai.
Lúc này, Ca-la-việt giật mình tỉnh giấc, nghĩ đến buổi cúng trai tăng hôm nay, vị sư già bị què luôn muốn lên ngồi trên bảo tọa, thì ra chính là Bồ Tát Văn-thù Sư-lợi! Bồ Tát từ bi khai thị, thế mà mình không đến đảnh lễ, thật có mắt không nhận ra Thái sơn, ngược lại còn hết lần này đến lần khác kéo Ngài xuống!
Ca-la-việt càng nghĩ càng buồn, càng nghĩ càng hối hận: "Ôi! Tất cả đều là do tập khí của ta quen phân biệt, chấp trước vào hình tướng bên ngoài, mới nhìn lầm vị đại thiện tri thức. Hôm nay Bồ Tát Văn-thù Sư-lợi thị hiện tướng mạo như vậy, không phải là để dạy ta không được đánh giá con người qua hình tướng đó sao? Giáo hóa tâm tính của mình mới chân thật đáng quý; có khả năng đối diện với tất cả ngoại cảnh mà tâm không khởi sự phân biệt chấp trước, đó mới là đại trí tuệ chân chính."

 st

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

HÃY ĐỂ TÂM YÊN TĨNH


Hôm ấy đạo sư có việc ở làng quê hẻo lánh và đưa đệ tử đi theo. Cả hai đều cuốc bộ. Dọc đường, đạo sư bảo đệ tử tạm nghỉ chân dưới một tàn cây xanh um, như cái dù lớn che nắng trưa chói chang. Cách đó xa xa là một dòng suối nhỏ chắn ngang. Đạo sư bảo : " Thầy khát. Nhờ con lấy dùm thầy chút nước. "
Đệ tử mau mắn xách vò, thoăn thoắt bước tới con suối. Đến nơi, anh tần ngần nhìn dòng nước, rồi nhìn sang bên bờ kia. Bắt gặp một đàn bò còn ướt lông, hiểu ra cớ sự,anh quay lại gặp sư phụ, bộc bạch : "Thưa thầy, người ta mới vừa dắt bò qua suối. Nước bị quậy lên đục ngầu nên con không dám…"

Đạo sư ôn tồn : " Được con. Vậy mình chờ một chút".
Khoảng mười lăm phút sau, đạo sư bảo : "Lấy nước đi con!"
Đệ tử sốt sắng xách vò trở lại bờ suối. Anh thấy nước bớt đục hơn, nhưng vẫn chưa thể dùng được. Lập tức quay về chỗ sư phụ, anh áy náy nói :
"Thưa thầy, cũng chưa uống được đâu ạ."

Đạo sư mỉm cười : "Không sao, con. Mình chờ thêm một chút nữa."
Rồi ngài xếp bằng, hai bàn tay để lên lòng, sửa dáng cho thẳng lưng, lim dim đôi mắt, yên lặng dưỡng thân dưới bóng râm của tàn cây.
Khoảng nửa giờ sau, đệ tử ấy trở lại bờ suối. Bây giờ nước đã trong veo, có thể nhìn thấu lớp sỏi dưới đáy. Anh rón rén bước xuống để khỏi khấy động, và cố lựa chỗ tốt nhất để múc đầy vò nước mát mang về dâng thầy.

Đạo sư đón lấy cái vò, nhìn vào rồi bảo "Con xem. Làm thế nào con có được chỗ nước trong trẻo, mát ngọt này. Thật ra con chẳng làm gì cả. Con chỉ cần kiên nhẫn đợi cho cặn cáu có đủ thời gian để nó tự lắng xuống. Tâm con cũng thế. Khi tâm con nổi sóng, điên đảo, con đừng toan tính cách này cách kia để cố dẹp yên nó. Con hãy cho nó đủ thời gian để nó tự lắng xuống. Nên khi con giận ai, con đừng thèm nghĩ tới họ nữa, đừng ráng tranh cãi hơn thua. Con hãy hướng tư tưởng con sang việc khác. Tốt nhất là con làm thinh, giả mù, giả điếc và kiếm một chỗ mà ngồi thở đều đặn, nhẹ nhàng. Con chỉ tập trung vào hơi thở mà thôi."
Đệ tử đáp: "Thưa thầy, nhưng thường đang lúc tâm trạng bất bình thì con lại không nhớ được cách để thoát ra !"
Đạo sư gật đầu : "Phải đó con. Thế nên chỉ sau khi phạm sai lầm xong rồi thì mình mới biết là mình sai lầm. Nhưng như thế vẫn còn khá hơn là không nhận ra sai lầm mình vừa mắc phải. Mỗi một trạng huống trong đời tu của con là một bài thi khảo sát trình độ tiến hóa tâm linh của con. Nhưng khi con ở vào trạng huống đó, thì con không hề nhớ là mình đang được thi, đang được thử thách. Đến khi kịp nhớ ra thì con đã thua mất rồi, thi rớt rồi !"

 st

KHẤT THỰC NGHĨA LÀ GÌ ?

__ Khất thực nghĩa gốc gọi là xin ăn. Trong Phật giáo, khất thực là cách nuôi thân chân chánh của người xuất gia.
__ Khất thực đem đến bốn lợi ích cho vị tu sĩ :
1. Tâm trí rảnh rang, không bận rộn vì kế sinh nhai, để tiến tu giải thoát.
2. Trừ tâm kiêu căng ngã mạn, vì đi xin ăn làm sao đứng cao hơn thiên hạ.
3. Không thể tham ăn ngon, vì ai cho gì thì ăn nấy, không thể lựa chọn.
4. Không bận rộn nấu nướng, có nhiều thời giờ để hành đạo, giáo hóa chúng sanh.


_ Khất thực cũng đem đem đến ba lợi ích cho Phật tử :
1. Tạo cơ hội cho người bố thí đoạn trừ lòng keo kiệt.
2. Tạo cơ hội tương giao, để giáo hóa người.

3. Nêu gương sống giản dị, thiểu dục tri túc cho người đời noi theo.

__ Ngày nay, do điều kiện phát triển của xã hội nên người xuất gia không còn đi khất thực nữa, mà có Phật tử đem thức ăn đến chùa cúng dường, nấu nướng. Tuy nhiên, vẩn phải sử dụng với tinh thần khất thực như đã nói ở trên.

ST

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

6 “tội lỗi” lớn nhất mà người Việt đang mắc phải khi đốt vàng mã

Xem nguồn bài viết ở đây

Theo sư thầy Thích Tịnh Giác, bản chất của việc đốt vàng mã không phải là xấu, không phải mê tín, nhưng nếu đốt mà không hiểu thì vô tình người Việt đang mắc phải 6 tội lỗi, trong đó lớn nhất là tội làm mất đi tính dân tộc, lừa gạt chính mình và làm tổn thương lòng từ bi.
Theo khảo sát của Một Thế Giới, ngày 14 và sáng ngày 15 Tháng Bảy (âm lịch), trên các con phố ở Hà Nội người người, nhà nhà thi nhau mang vàng mã ra đốt trước vỉa hẻ với ý nghĩ cung cấp tiền bạc, vật dụng cho người thân đã mất để họ có cái tiêu xài ở thế giới bên kia và đốt cho các cô hồn.
Có thể thấy, cúng Rằm Tháng Bảy và đốt vàng mã vào ngày này đã trở thành một phong tục của người dân Hà Nội nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Hàng nghìn người sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để sắm sửa vàng mã, để cúng tế sau đó đốt đi. Vậy, ý nghĩa thực sự của việc đốt vàng mã là gì? Liệu đốt vàng mã có phải là mê tín?
Luận bàn về điều này nhân ngày Rằm Tháng Bảy, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Sư thầy Thích Tịnh Giác - Sư Trụ trì chùa Phúc Sơn, thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
"Đốt vàng mã không phải là sự mê tín mà là một vấn đề mang tính hiểu biết và giáo dục. Cần phải hiểu là hình nhân thế mạng và vàng bạc là xuất phát từ đâu, khi mọi người đã nghe được và hiểu biết về nó thì tôi tin mọi người sẽ không làm điều đó nữa.
Nếu ai đốt hình nhân thế mạng và đốt vàng mã thì phạm phải những điều như sau:
Thứ nhất, mất đi tính dân tộc của người Việt Nam, tức là chúng ta đang bị đô hộ văn hóa.
Vàng mã và hình nhân thế mạng không phải xuất phát từ Việt Nam mà xuất phát từ Trung Hoa. Cách đây mấy nghìn năm, chúng ta nằm ở phương Bắc, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa này. Thời xưa, tại Trung Quốc có những hủ tục tin vào thần quyền, tin vào thần linh, tin vào sự huyền bí. Con người thời buổi đó chưa được văn minh, chưa phát triển nên họ nhìn bóng đèn điện cũng cho rằng ma quỷ. Mỗi năm đến ngày tế hà bá thì họ mang một cô gái đẹp trong làng để dâng cho hà bá. Hoặc là ngày cúng thần lửa cũng phải đưa một cô gái đẹp lên giàn thiêu. 
Hay khi nhà vua chết, các cung phi mỹ nữ của vua cũng phải tuẫn tiết theo. Nhà vua chết, quan quân phải xây lăng tẩm ở dưới lòng đất sau đó đưa hết vàng bạc, châu báu của nhà vua đem chôn ở dưới đó với ý nghĩ là trả lại cho vua. Và xuất phát từ đó, hình nhân thế mạng, vàng mã được tạo ra là để đối phó với những hủ tục này.
Vua chết, các quan quần thần có con gái là phi tần của vua cũng đau đớn vì con mình phải chết theo. Khi con người bắt đầu văn minh, bắt đầu biết yêu thương lẫn nhau, bắt đầu có tình người thì họ phải nghĩ cách để đối phó với các tập tục. Các hình nhân được tạo ra, trên người hình nhân có ghi tên của các phi tần, của các cô gái đẹp được mang đi đốt, như là một sự thế mạng cho con người. Vàng bạc cũng vậy, nếu mang chôn đi sẽ là sự lãng phí lớn, làm tổn thất của cải của đất nước nên người Trung Hoa cũng làm vàng mã để đốt đi, thay cho vàng bạc phải mang chôn.
Người Trung Hoa làm vậy để cứu mạng những người sống cho nên việc làm này là rất đúng" - Sư thầy Thích Tịnh Giác cho biết.
Cũng theo thầy Tịnh Giác, vào thời kỳ đó vẫn chưa có trường học, giáo dục chưa phát triển nên không thể truyền đạt được ý nghĩa này cho thế hệ sau mà mai một dần qua hình thức truyền khẩu, tam sao thất bản, người trước làm rồi người sau biến hóa đi và vàng mã không còn được sử dụng theo đúng nghĩa nữa. Người ta cứ nghĩ là khi có ai chết là phải đốt vàng mã, hay khi bị bệnh tật thì phải đốt hình nhân để chữa bệnh nên mới dẫn đến việc không hiểu và làm không đúng. Đốt vàng mã với ý nghĩa để cho người đã chết được tiêu dùng thì lại càng sai, và khi đó, đốt vàng mã trở thành mê tín. 
"Ngày nay, chúng ta đang sống trong xã hội phát triển, văn minh hơn, không còn những hủ tục khi xưa nữa thì cũng nên dừng lại việc đốt vàng mã không đúng nghĩa như thế này. Nếu như chúng ta vẫn sử dụng vàng mã thì vô tình chúng ta đang mất đi sự hiểu biết của mình, làm mất đi văn hóa, tín ngưỡng, mất đi bản chất của dân tộc Việt, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang bị nô lệ về văn hóa" - Thầy Tịnh Giác nói.
Tội thứ hai, khi đốt vàng mã mà thầy Tịnh Giác đưa ra là: đốt vàng mã chính là một sự mâu thuẫn trong tâm tư của con người. Khi người thân mất đi, ai cũng cầu mong họ sẽ được về một thế giới an lạc, một thế giới tươi đẹp chứ không ai mong muốn người thân chết đi lại phải xuống âm phủ. Thế nhưng khi người Việt đốt vàng mã thì lại có ý nghĩ rằng đốt cho người thân ở dưới âm phủ có cái mà dùng. Đó chính là một sự mâu thuẫn lớn trong tư tưởng. Tâm thì muốn người thân đi về cõi trên, nhưng hành động thì lại thể hiện là người thân đó bị đày xuống địa ngục làm trâu làm ngựa, làm ma quỷ để nhận những thứ được đốt, tức là người đó sẽ không được siêu thoát.
Tội thứ ba, là chúng ta đang lừa gạt chính mình. Tội lừa dối chính bản thân là tội nặng nhất. Chúng ta cúng 1 triệu nhưng lại không dám cầm 1 triệu đó ra để đốt, mà phải tốn thêm 50 nghìn tiền xe để chạy đi mua vàng mã, tức là quy đổi tiền thật thành tiền giả, đồ dùng giả sau đó mới mang về đốt để lừa dối chính mình. Như vậy, chúng ta đang sống có xác mà không có hồn, không có sự tỉnh thức. Con người sống mà không có hồn là con người vô dụng, không có ích cho xã hội và là một sự lãng phí vô cùng lớn" - Sư thầy Thích Tịnh Giác phân tích.
Tội thứ tư mà người Việt đang mắc phải khi đốt vàng mã là làm tổn thương lòng từ bi, con người quá ư ích kỷ. Trong khi bao nhiêu người nghèo đang đói khổ, đang mắc phải chứng bệnh nặng thì không góp tiền lại để cứu giúp họ, đóng góp để nghiên cứu chữa trị những căn bệnh nan y mà nhẫn tâm đem đốt những đồng tiền của mình một cách vô nghĩa. Cũng có nghĩa người Việt đang tiêu diệt lòng từ bi của chính mình, dẫn đến xã hội bất an, gia đình bất ổn. Con người không còn tình thương thì sẽ không có chuyện thương vợ thương chồng thương con thương cái. Vô hình, hành động đó đang tạo lên một sự bất an lớn cho gia đình, xã hội.
Tội thứ năm, chúng ta đang tin tưởng một cách vô căn cứ những điều mà chúng ta đang làm. Việt Nam đồng không phải là tiền tệ phổ biến thế giới, và khi giao dịch với các nước khác, đồng tiền của chúng ta phải được bảo chứng, phải thông qua ngân hàng để đổi sang tiền USD, tiền của Lào, của Thái Lan, của Campuchia.... để giao dịch. Vậy với loại tiền vàng mã mà chúng ta đang đốt, ai sẽ là người bảo chứng cho chúng ta là sẽ dùng được ở dưới âm phủ? Ngân hàng nào sẽ đứng ra quy đổi cho chúng ta? Cho nên đây là điều không hợp lý và chúng ta cần phải xem lại xem tinh thần của mình liệu có đang ổn định?" - Thầy Tịnh Giác nói.
Tội thứ sáu, khi đốt vàng mã làm phạm phải tội sát sinh. Giấy được làm từ cây rừng, khi con người sử dụng phải có sự chuyển đổi, phải giúp ích cho cuộc sống của con người. Nếu sử dụng chỉ để thỏa mãn cho vấn đề tâm linh nhưng sự thỏa mãn đó lại không có căn cứ, không hợp lý thì vô tình gây nên sự lãng phí lớn, đang khuyến khích chặt cây rừng, hủy hoại môi trường, đe dọa đến cuộc sống của con người để phục vụ mục đích không đúng đắn. Đó là cũng được xếp vào tội sát sinh.
"Chúng ta đều là những người có ăn có học cho nên đừng để thua nhưng "con buôn", đừng để sống chỉ có xác mà không có hồn. Tôi tin rằng, khi mọi người biết được, hiểu được thì sẽ mọi người sẽ hành động khác" - Thầy Thích Tịnh Giác kết luận.



Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

BIẾT SỐNG TÙY DUYÊN

Nguồn: ở đây

Ta thường gọi nhân duyên tốt là thuận duyên, và nhân duyên xấu là nghịch duyên, tức là những điều kiện có lợi và bất lợi cho ta. Có những duyên thuận với ta, nhưng nghịch với kẻ khác và ngược lại. Đó chỉ là nói trong phạm vi con người, trong khi nhân duyên luôn xảy ra với vạn vật trong khắp vũ trụ. Bản chất của nhân duyên thì không có thuận nghịch, tốt xấu. Nó chỉ hội tụ hay tan rã theo sự thích ứng giữa các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể mà thôi. Ấy vậy mà thói quen của hầu hết chúng ta khi đón nhận thuận duyên thì luôn cảm thấy sung sướng và rất muốn duy trì mãi nhân duyên ấy, cón khi gặp phải nghịch duyên thì luôn cảm thấy khó chịu và tìm cách tránh né hay loại trừ.

Nhưng chưa hẳn thuận duyên sẽ đem lại giá trị hạnh phúc hay nghịch duyên sẽ mang tới khổ đau, bởi có khi nghịch duyên đưa tới sự trưởng thành, còn thuận duyên sẽ khiến ta yếu đuối. Và nhiều khi thuận duyên ban đầu nhưng lại biến thành nghịch duyên sau này, có khi nghịch duyên bây giờ nhưng lại biến thành thuận duyên trong tương lai. Tất cả đều tùy thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của ta.

Do đó, ta không cần phải khẩn trương thay đổi những nhân duyên mà mình không hài lòng, hay cố gắng tìm kiếm những nhân duyên mà mình mong đợi. Khi tâm ta đã vững chãi đủ để tạo ra những nhân duyên an lành thì những nhân duyên tương ứng sẽ tự động kết nối. Mà sự thật khi tìm được sức sống từ nơi chính mình rồi thì ta sẽ không còn coi là quan trọng những giá trị bên ngoài nữa. Nhân duyên nào cũng được cả, thong dong tự tại. ''Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời.''

(Bodhgaya Monk)