Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Không phân biệt tông phái

NGƯỜI NÀO CÒN PHÂN BIỆT TÔNG PHÁI LÀ DO CHƯA THẤY CHÂN LÝ. Đã thấy thì không phân biệt. Đã phân biệt là do chưa thấy.
Vì sao?
Vì mọi tông phái xét tận nguồn đều giúp người ta trở về con người thật của chính họ.
Thiền tông thì kiến tánh.
Thiền Vipassana thì thấy rõ như thật. Chữ "Vipassana" dịch sát nghĩa thì có nghĩa là "kiến tánh." Passana có nghĩa là "nhìn thấy," còn Vi có nghĩa là Như Thị. Thấy Như Thị nghĩa là Kiến tánh.
Cả hai loại thiền này đều dựa trên nền tảng của Tứ Niệm Xứ, quán thân/thân, quán thọ/thọ, quán tâm/tâm, quán pháp/pháp. Do ngôn ngữ sử dụng khác nhau nhưng khi hành rồi thì thấy không khác.
Thiền mà Ngài Đạt Lai Lạt Ma dạy các đệ tử là quán hình tượng Quán Âm Bồ tát, quán đến rốt ráo thì trở về cái rỗng lặng trong sáng vốn có ở mỗi người.
Tịnh độ tông thì Di Đà tự tánh; Phật A Di Đà chính là bản lai diện mục của mỗi người. Do đó Phật A Di Đà được xem là Vô lượng quang, vô lượng thọ là thế. Niệm Phật đến nhất tâm bất loạn thì đó gần như là một dạng định an chỉ; đến lúc buông luôn cả nhất niệm ấy thì con người thật hiện ra.
Trường phái "Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" thì lấy "Tri kiến Phật" làm tông chỉ.
Trường phái trì chú "Om Mani Padme Hum" thì ý nghĩa thật sự của câu chú này là "Quay trở về với Hoa sen ở bên trong mỗi người."
Vậy chẳng phải mọi tông phái đều quy về một mối là nhận diện ra con người thật của chính mình cả sao
Nói về ngôn từ thì có đến hàng chục từ dùng để chỉ cái con người thật đó; cho nên ngôn ngữ sai biệt là chuyện bình thường. Vượt qua ngôn ngữ thì mới thấy được điểm chung của mọi tông phái.
Các vị tổ sư khi thành lập tông phái đều nhằm vào điều này nhưng về sau người ta ngày càng không hiểu nên dần dà một số tông phái biến dạng thành mê tín dị đoan.
Nhưng xét đến tận cùng thì mọi tông phái đều hướng người ta về: Nương tựa nơi chính mình. Đây là điều Phật tuyên dạy trước khi Ngài nhập Niết Bàn.
Do đó người nào còn phân biệt tông phái này tông phái nọ là do họ chạy theo ngọn mà quên đi hoặc không nhìn thấy ra được nguồn gốc xuất phát của tông phái mình.
Mọi chuyện thật vô cùng đơn giản và giáo pháp của Đức Phật cũng rất là giản dị nhưng chính chúng ta làm cho nó trở thành phức tạp.
Hãy trở về với chính mình. Quay về nương tựa chính mình. Ngoài tâm cầu đạo là ngoại đạo.

3 nhận xét:

  1. Mình cũng nghĩ như vậy. Mình chỉ làm có mỗi việc là lấy khăn lau cho sạch cái tâm của mình mà lau hoài, dơ hoài. Mình nghĩ "pháp" mình tu chính là "lấy khăn lau tâm" :)

    Trả lờiXóa
  2. Văn Lê bình: mỗi ng là một vũ trụ, nên pháp thuyết cho mỗi ng mỗi khác.....tất cả các pháp của tứ thừa đều nhằm giúp con ng ngộ đc bổn tâm..... ng mà ko ngộ đc bổn tâm thì niệm phật vô ích, ngồi thiền bất động cũng vô ích,...... Bởi nên mới nói: đừng nhìn vào ngón tay, hãy nhìn mặt trăng. Mặt trăng chính là bồ đề, chơn như, phật tánh, bổn tâm, niết bàn, tây phương cực lạc,...dù ngôn từ có khác nhưng ý chỉ ko khác..... ngón tay là các pháp của tứ thừa, chỉ là phương tiện để đưa
    quý vị qua sông, khi đã đến bờ bên kia thì hãy bỏ thuyền mà lên bờ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Qua sông rồi thì sửa sang thuyền cho tốt để giúp người chưa qua!!! Và cũng là trả ơn mười phương thiện tri thức...

      Xóa