Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

“hãy lo tu thôi, đừng mất thì giờ về những chuyện thị phi đó!”

Xem nguồn bài viết ở đây


THẦY TÔI
Nếu không viết được về Thầy tôi trước khi chuyển hóa sang một kiếp sống khác, thì đó sẽ là điều tôi ân hận và tiếc nhất đời. Dù chỉ viết được một bài thay vì một cuốn sách, tôi cũng phải bắt đầu hôm nay...
Trước khi được gặp mặt Thầy lần đầu tiên, một buổi sáng mùa Xuân năm 1982 tại thiền viện Mount Tremper thuộc tiểu bang Nữu Ước, tôi không hình dung được là tác giả vĩ đại mà hai thập niên qua, tôi từng đọc say mê hầu hết mọi tác phẩm của ông, lại là một ông thầy tu nhỏ bé, đi đứng và ngôn từ nhẹ nhàng như vậy. Tôi đã có ý hơi lo lắng, về chuyện “vỡ mộng” khi sắp được gặp mặt người mà mình rất kính ngưỡng qua các sáng tác, từ thập niên 1960. Nhưng sự tin tưởng của tôi vào vị Thầy tác giả đó, thật sự đã tăng lên rất nhiều lần sau khi được diện kiến. Thầy cũng chính là người khiến cho tôi quyết định từ năm đó, sẽ dùng hết thì giờ rảnh của mình vào việc học và hành đạo Phật.
Tôi học được từ Thầy thật nhiều điều hay, tưởng như không đếm xuể, và không thể nhớ hết. Năng lượng từ bi của Thầy đã bao phủ con người tôi, sau khi được Thầy tiếp chuyện suốt nửa ngày “làm biếng” của Thầy trong khóa tu dành cho các thiền sinh Mỹ. Thầy ân cần dặn dò trước khi chia tay “Hãy thở và lái xe trong giới hạn 55 miles thôi”, đã khiến tôi cảm thấy vững tâm khi phải vượt qua mấy cái xe vận tải lớn, không còn vừa lái vừa run như bao lần trước nữa.
Khóa tu đầu tại Làng Hồng (mùa Hè 1984) đã khiến tất cả gia đình tôi thay đổi, trong chiều hướng biết sống hạnh phúc hơn. Gia tài lớn nhất mà chúng tôi để lại cho con cháu, chính là những gì chúng tôi học và hành được qua Phật Pháp mà Thầy đã chỉ dạy không ngừng nghỉ, từ ba thập niên qua. Riêng tôi, do thiện duyên được làm “thị thiệt” hầu Thầy trong một số khóa tu, vào những năm chưa có tăng đoàn Làng Mai, tôi học được một số điều từ cách nói năng, hành xử của Thầy - những bài học riêng tư chỉ có mình tôi - hoặc thêm vài đồng đạo được nghe, được hưởng. Tuy chưa thực hành giỏi, tôi cũng xin kể trong đây được vài chuyện mà tôi còn nhớ rõ.
Trong khóa tu năm 1987 tại tu viện Kim Sơn, đại chúng phiền lòng không ít vì sau mỗi buổi pháp thoại của Thầy, có một ông thi sĩ tự lên cầm micro đọc thơ (không hay gì mấy) của ông. Thầy từ bi ngồi nghe ông cúng dường nên không ai đứng dậy ra về trước, cho tới ngày gần chót, ông tự đề cao “thơ tôi hay hơn thơ Thầy vì tôi dám nói về Sex!” Trên máy bay từ California trở về Montreal cùng Thầy, tôi nhắc lại chuyện làm cho mình và đại chúng bực mình đó, khi bị “mất thì giờ nghe ông ta đọc thơ…”, Thầy nhỏ nhẹ bảo tôi “Mình phải tập thương cả những người như vậy!”
Trong những lúc chỉ có hai Thầy trò, khi nhắc tới tên một người đã từng bỏ Thầy đã viết nhiều bài báo sai sự thật để bôi xấu Thầy, Thầy vẫn luôn luôn gọi người đó là “anh”, không bao giờ có chữ “thằng”. Lòng bao dung và từ bi của Thầy khiến cho Thầy thương luôn những người “đánh phá” Thầy bằng ngòi bút hay lời đồn đại. Suốt cuộc đời tu hành, càng nổi danh, Thầy càng bị hàm oan nhiều chuyện do những con người “vô minh”, nhưng Thầy không một lần lên tiếng biện luận. Nhiều học trò xin Thầy lên tiếng cải chính để sự thật được sáng tỏ, Thầy chỉ nghiêm giọng dạy trò “hãy lo tu thôi, đừng mất thì giờ về những chuyện thị phi đó!”
Đem pháp môn Thiền Chánh Niệm và các phép thực tập từ Làng Mai đi giảng dạy cho các thiền sinh đã học từ nhiều truyền thống Thiền khác nhau (Nhật Bản, Trung Hoa, Nam Tông hay Tây Tạng…), hoặc từ các tôn giáo khác (Thiên Chúa, Tin Lành, Do Thái.v.v…), là chuyện không dễ dàng, nếu như Thầy không phải là một bậc chân tu lỗi lạc. Đối với các học trò cư sĩ Tiếp Hiện của thập niên 1980, Thầy cũng đã từ bi khuyến khích họ đi tìm hiểu và thực hành, thử nghiệm các phương pháp Thiền khác, để có lòng tin vững chãi hơn vào pháp môn Làng Mai. Trong một buổi họp với chúng Tiếp Hiện Canada, Thầy nói: “Nếu ba năm gặp lại thầy mà không thấy thầy tiến bộ, thì nên tìm thầy khác mà tu!”
Cũng vào khoảng cuối thập niên 1980, khi Làng Hồng bắt đầu có đông thiền sinh về tu học, dân Làng Cây Phong (Canada) chúng tôi đã phải năn nỉ Thầy để làm lò sưởi trong phòng Thầy ngủ và làm việc. Mỗi khi Đông về, Thầy ngồi viết bài mà tay tê cứng vì lạnh! Dù bản quyền hàng trăm cuốn sách mang lại cho Thầy một số tịnh tài đáng kể, hạnh “sống nghèo hành đạo” của Thầy có lẽ không có một vị Sư nào theo kịp, dù vị đó chỉ có một ngôi chùa nhỏ.
Sư cô Như Ngọc (chùa A Di Đà, Orange County) đã có kinh nghiệm vá áo tràng cũ cho Thầy khi cô sang tu tại Làng Mai. Chú Thanh Hương (sinh hoạt bên cạnh Thầy đầu thập niên 1970 tại Paris), cho biết chi tiết Thầy trò thường chỉ sống bằng tiền lương dạy học của Thầy, nấu cơm bằng gạo nuôi chim chứ không mua được gạo thường. Lúc đó, Thầy đã được Phật tử Âu và Mỹ cúng dường hàng triệu Mỹ Kim để giúp các chương trình xã hội Phật giáo bên Việt Nam, nhưng Thầy không bao giờ xài đồng tiền nào trong quỹ đó!
Kiến thức Phật học và kinh nghiệm hành đạo của Thầy tôi mênh mông như biển. Nhưng Thầy có thể dạy cả những bé thơ mới năm, sáu tuổi, cũng như chuyển đổi được tâm tình các cụ đã quá tuổi “Thất thập cổ lai hy” (trên 70). Thầy tôi càng hoằng pháp, càng có nhiều người hâm mộ và tu học theo, dù họ có duyên tham dự các khóa tu trực tiếp hay gián tiếp qua sách vở, băng và đĩa nhựa.
Công trình hoằng hóa nhân loại qua Duy Biểu học của Thầy có những dấu ấn sâu xa vào các tâm lý gia Âu và Mỹ. Sách vở của họ sáng tác từ giữa thập niên 1990 về sau, hầu hết đều nói tới Cognition therapy, Live here and now, Be aware.v.v… Theo anh Josepth Emet, một nhạc sĩ Canadian, giáo thọ Làng Mai, thì chữ Mindfulness không có trong tự điển tiếng Anh, trước khi sách The Miracle of Mindfulness được xuất bản đầu thập niên 1970… Trong chuyến bay đi thăm cháu ngoại kỳ này, tôi bật cười khi nghe cô tiếp viên hàng không nhắc nhở khách du hành: “Please, be mindful when you get back your luggage from the cabin above you!”
Ảnh hưởng của Thầy tôi lên các thế hệ tương lai sẽ còn lớn lao hơn hiện tại rất nhiều. Hòa thượng Mãn Giác khi sinh tiền có nói: “Thầy Nhất Hạnh là một con người đi trước thời đại khoảng 30 tới 50 năm”. Nếu có đủ duyên may được làm người trong kiếp tới, tôi lại mong được thực tập Phật Pháp qua pháp môn Làng Mai.
Chân Huyền.
Ngày 30/12/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét