Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Vì Sao Tiền Là Vật Không Sạch Sẽ?

Hôm nay tôi sẽ giảng một bài Pháp đặc biệt. Pháp gì vậy? Là Pháp TIỀN. Vì sao tiền là vật không sạch sẽ? Quý vị thử nhìn xem! Tiền là thứ dơ bẩn nhất trên thế giới đó. Bởi vì người ta lúc đếm tiền, đa số thường thấm nước miếng để đếm. Trong nước miếng có chứa biết bao nhiêu là vi trùng, vi khuẩn. Không biết là tiền đã trải qua bao nhiêu lần nước miếng của người ta rồi, cũng không biết là đã có bao nhiêu giống vi trùng truyền nhiễm bệnh trong đó. Có thể thấy, hễ tiền được đếm càng nhiều lần thì tiền càng trở nên dơ bẩn hơn. Nhưng trái lại, vẫn có người yêu quý tiền còn hơn sanh mạng họ. Đó là đã biết nó dơ mà cố phạm. Có số người vì tham tiền mà hy sinh ngay đến sanh mạng mình cũng không tiếc. Điều đó đủ chứng minh ma lực của tiền là như thế nào rồi.

Người Trung Hoa khi sáng tạo ra chữ, họ đều rất cẩn thận và bỏ ra nhiều tâm huyết mới thành tựu được. Thông thường chữ có sáu loại là: Tượng Hình, Chỉ Sự, Hội Ý, Hình Thanh, Chuyển Chú và Giả Tá (giả danh để mượn tiếng). Mỗi chữ đều không rời phạm vi của sáu loại nầy. Như chữ tiền () thuộc Hội Ý. Tiền gồm có chữ kim () và hai cái mác ().

Có bài kệ nói về tiền như sau:
Nhị qua tranh kim sát khí cao,
Nhơn nhơn nhân tha phạm lao đao.
Năng hội dụng giả siêu tam giới,
Bất hội dụng giả nghiệt nan đào.

Nghĩa là:
Hai giáo tranh tiền sát khí cao,
Người người vì nó chịu lao đao.
Biết dùng thời đặng thoát tam giới.
Không biết dùng khó mà thoát tội.


Đại ý bài kệ nói rằng: Người ta dùng kim loại để đúc thành Tiền. Hai cái mác là hai người giành tiền, hai bên kẻ tranh người đoạt khiến sát khí bùng vút tận mây xanh. Nhiều người vì tiền mà sanh ra biết bao nhiêu phiền toái. Người biết dùng tiền thì đem nó làm nhiều chuyện có công đức, lợi người lợi mình và có thể thoát khỏi tam giới, khỏi phải chịu sanh tử. Người không biết dùng tiền thì dùng nó tạo nhiều nghiệp ác, cho nên đọa vào tam ác đạo, vĩnh viễn không được giải thoát. Chúng ta nên biết tiền là vật hại người và cũng không nên tham cầu nó.

Vì sao chúng ta xuất gia tu đạo? Bởi vì chúng ta muốn xem tài sắc như không có, chúng ta không chấp ở tài, cũng không chấp ở sắc. Sau nữa là đối với từng cử chỉ, hành động của chính mình, giờ khắc nào mình cũng hồi quang phản chiếu, nhiếp giữ tâm không để nó chạy ra ngoài. Trải qua ngày dài tháng rộng, đến lúc tâm chúng ta trong sạch như tấm gương, chúng ta sẽ tự rõ ràng được thiện ác. Như thế chúng ta mới thoát khỏi tam giới và sanh tử. Đó là hoài bão căn bản của người xuất gia. Nếu như chúng ta bỏ không nổi tài, xả không nổi sắc, tức là luống phụ cả ý nguyện xuất gia của mình.

Người thế gian làm đến quên sanh mạng để kiếm tiền, và nghĩ hết mọi cách để tích trữ tiền bạc cho con cái. Nhưng họ không biết rằng, để tiền lại cho con cháu tức là mang tai họa đến cho chúng. Trái lại, nếu họ không để lại tiền của thì sẽ không có phiền phức gì, gọi là: “Con cái giỏi hơn cha, lưu của để làm gì? Có con không bằng cha, lưu của để làm chi?” Con trai, con gái có bản lãnh hơn cha, nếu để tiền cho chúng, chúng cũng chẳng có chỗ dùng. Ngược lại, con trai, con gái không có bản lãnh như cha, nếu để tiền lại cho chúng, là dạy chúng không chịu làm việc để sanh sống, mà chỉ thích rong chơi, say sưa cờ bạc, đàng điếm rượu chè, suốt ngày lân la ở lầu Tần, quán Sở. Há đó không phải là hại con cháu sao? Vì vậy tôi khuyên người có tiền nên làm nhiều việc công đức, tế thế cứu nhân thì sẽ được vô lượng công đức.

Chúng ta là người xuất gia, chẳng những không tham tài sắc, mà ngay cả vọng tưởng cũng không nên khởi nghĩ tới. Khi đi đứng nằm ngồi, chúng ta đều nên khống chế vọng tưởng. Khống chế như thế nào? Chỉ có một pháp môn là niệm Phật hoặc trì Chú. Ít nói một câu thì niệm thêm được một tiếng Phật. Niệm đến khi có cảm ứng đạo giao là có thể khai ngộ và đạt được trí huệ. Cho nên nói: “Đả đắc niệm đầu tử, chuẩn nhữ Pháp thân hoạt” tức là: Đánh chết vọng niệm để Pháp thân bừng sống. Bởi vậy người tu đạo, giờ khắc nào cũng nên tự kiểm soát lấy mình. Cho nên nói: “Phải nhớ vô thường, cẩn thận chớ buông lung.” Chúng ta nên dùng hai câu nầy để cảnh giác, tự nhiên mình sẽ thức tỉnh trở lại. Hy vọng mọi người sẽ nghiêm trì giới luật, đó là điều tôi hằng trông mong!

Đây là hai câu nói rất có đạo lý: “Lung kê hữu thực, thang oa cận. Dã hạc vô lương thiên địa khoan.” Nghĩa là: Con gà trong lồng tuy có thóc ăn, nước uống, nhưng khi nó mập lớn thì bị giết, và bị bỏ vào nồi nước sôi để làm thức ăn cho người. Cho nên nói: “Thang oa cận” là nồi nước sôi kế bên. Con hạc rừng tuy không được thóc lúa để ăn, nhưng trời cao đất rộng, nó mặc sức tung hoành trong vũ trụ, không bị câu thúc, không chấp vào đâu, tiêu dao tự tại biết bao nhiêu!

Chúng ta là người xuất gia thì nên lấy trời đất làm lều và bốn biển là nhà, không nên có chỗ ở riêng tư. Nếu chúng ta có chùa thì cũng có lúc bị dính mắc, rồi giong ruổi tìm cầu, như thế là trái ngược với Phật Pháp. Cho nên sai lầm dù nhỏ, nhưng dẫn đến hậu quả to lớn. Đó cũng là ý nghĩa của câu: Sai một ly đi ngàn dặm.

Có vị thiền sư đã từng nói như thế nầy: “Năm qua nghèo, còn có đất cắm dùi; năm nay nghèo cả dùi cũng không!” Tư tưởng của ngài tự tại, giải thoát biết là bao! Thật là vi diệu không thể nghĩ bàn. Chúng ta nên noi theo gương của vị thiền sư nầy, là ngoài một bình bát và ba tấm y, ngài đã không tìm cầu chi hết. Tiền là vật ngoài thân, sanh không mang đến, chết không mang đi. Cho nên có tiền, chúng ta nên làm nhiều việc công đức, như in một quyển sách nhỏ để phổ biến tuyên dương Phật Pháp thì công đức vô lượng, so ra còn hơn là dựng chùa xây tháp cho chính mình.

Người sáng suốt thì không chấp trước và cũng không có hành vi ô nhiễm. Ô nhiễm cái gì? Tức là tham tài, ái sắc. Nếu không bỏ tài, thời không thể trừ khử ô nhiễm; sắc chẳng coi là không, thì không thể sạch hết nhiễm ô. Nếu mình không muốn bị ô nhiễm, chỉ có một biện pháp là phá tan hai cửa “tài sắc” đi. Tức thì tận hư không khắp pháp giới, đâu đâu cũng đều là chỗ ở của chúng ta. Chúng ta là người tu đạo, hãy nên ghi nhớ rằng: then chốt là ở tại hai cửa “tài sắc,” nếu có thể phá được chúng, thì chúng ta sẽ không chấp trước vào bất cứ gì. Người đời có câu nói mỉa mai rằng: “Người xuất gia không thích tiền - nhưng có càng nhiều càng tốt!”.

Người xuất gia chúng ta nên phản tỉnh, nên kiểm điểm lại, xem mình có thứ tư tưởng như thế không? Nếu có thì nên sửa đổi, còn không thì ráng mà tránh. Hy vọng mọi người đề cao cảnh giác và tự lực cánh sinh, nên học theo lời răn bảo của thiền sư Bách Trượng: “Một ngày không làm là một ngày không ăn.” Như quả ai cũng làm được như thế, thời người đời sẽ không còn châm biếm rằng: Kẻ xuất gia là con mọt gạo.

Người xuất gia ở chùa Kim Sơn biết tiền là vật không trong sạch, cho nên có người trì giới không giữ tiền bạc. Tức là tay họ không đụng chạm đến tiền, họ tuyệt nhiên không có liên hệ qua lại đến tiền bạc. Để tôi kể một câu chuyện có thật cho quý vị nghe. Tôi có đệ tử là con độc nhất của một ông triệu phú. Chú nầy chẳng những không muốn tài sản của cha, mà khi được cha giới thiệu cho một cô bạn gái, chú cũng cự tuyệt luôn. Rồi sau đó chú quyết định tìm đến chùa Kim Sơn xuất gia tu hành. Bởi vậy tôi mới đặt pháp danh cho chú là Hằng Không. Một ngày kia, cha chú gọi điện thoại hỏi: “Con cần tiền không? Cha có thể gởi cho con mà.” Nhưng chú không chịu nhận tiền của cha. Hành động đó thiệt là xứng với danh, đệ nhất đại ngu xuẩn. Chú giữ giới không đụng tiền, danh và quả thật phù hợp, vì một xu chú cũng không dính túi. Người không tham tài sắc tức sẽ không bị nhiễm ô. Nếu ai có hành vi như vậy thì nhất định sẽ được thành tựu.
Giảng ngày 10 tháng 10 năm 1980
HT Tuyên Hóa

Xem bài nguồn ở đây


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét