Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

QUÁN PHÁP BÌNH ĐẲNG

(Thích Nhật Từ)
Đạo Phật chủ trương có nhiều pháp môn tức là nhiều con đường, nhiều lối đi, nhiều sự hành trì. Trong kinh Kim Cang đức Phật dạy “Chư pháp bình đẳng vô hữu cao hạ”. Các pháp môn vốn là ngang bằng với nhau, không phân cao thấp. Rất tiếc khi truyền bá, các tổ đã dùng những ngôn ngữ phương tiện như: Pháp môn này là số một, mầu nhiệm, được chư Phật hộ niệm, hộ trì… làm cho chúng ta cảm giác các bài kinh có cao có thấp, có phân tầng xã hội trong khi nó vốn không như thế. Cũng như trong các loại thuốc, không thể nói thuốc nào hay hơn thuốc nào. Chỉ có uống đúng thuốc thì nhanh hết bệnh, uống trật thuốc thì bệnh nặng hơn thôi.
Đó là phương pháp tu đạo, cao và thấp còn lệ thuộc vào căn tính và sự ứng dụng với từng con người. Bản chất pháp môn trong đạo Phật không có cao và thấp. Từ đó, những quan niệm cho rằng Thiền chỉ áp dụng cho căn cơ cao thượng, còn Tịnh độ áp dụng cho sơ cơ là không chuẩn xác. Hoặc những quan niệm cho rằng tu Thiền, mười người tu thì một người chứng, còn tu Tịnh độ mười người tu thì mười một người chứng… cũng là hình thức khích lệ cường điệu. Tu chân chính, đúng phương pháp phù hợp với mình mới mang lại hiệu quả cao nhất. Nhưng người tri thức áp dụng phương pháp Tịnh độ một cách có nghệ thuật, chính là Thiền. Nhứt tâm bất loạn là cốt lõi của Thiền: Hơi thở, nụ cười, thư thái, buông xả, chánh niệm, tỉnh thức, an lạc từng bước chân, hay là trong tư thế đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi, nói, nín, động, tịnh, thức và ngủ giữ được sự tỉnh thức… là nhất tâm bất loạn. Như vậy, Tịnh độ cũng chính là Thiền. Khi chúng ta xem tất cả các pháp môn đều hỗ trợ cho nhau, không còn thói quen xem pháp môn của tôi là số 1, pháp môn của người khác là thứ yếu, thầy của tôi là số 1, chùa của tôi là số 1… Trong đạo Phật có tông môn pháp phái như là những sở trường, những con đường, cũng giống như giao thông có nhiều phương tiện, không thể nói xe hơi là số 1, xe lửa là thứ yếu, máy bay là số 1, xe Honda là số 1… Tùy điều kiện, địa hình, hoàn cảnh mà mỗi loại phương tiện phát huy được hết tiện ích riêng. Hiểu được như vậy, ta có được tri thức dung thông vô ngại.
Trong kinh Dược Sư có hai vị Bồ tát là Nhựt Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu. Nhựt Quang là ánh sáng mặt trời, Nguyệt Quang là ánh sáng mặt trăng. Mặt trời và mặt trăng hiếm khi gặp nhau, mỗi khi gặp luôn dẫn đến một trong hai hiện tượng hoặc là Nhật thực, hoặc là Nguyệt thực. Cả hai đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vụ mùa và công việc làm ăn. Từ đó người ta mới có thành ngữ: “Mặt trăng, mặt trời với nhau” nghĩa là hai người không được tâm đầu ý hợp, có tính cách loại trừ, xung đột. Họ thường giải quyết xung đột bằng cách một còn một mất. Ai có tính cách như thế thường có cái tôi rất lớn. Cái tôi đó trở thành ám khí, chướng khí hay suy khí. Do vậy, không thể nào sống chung với nhau được, nỗi khổ niềm đau từ đó mà phát sinh.
Đức Phật Dược Sư được gọi là “đức Phật dược chất tâm linh”. “Dược” là dược chất, “Sư” là thầy thuốc. “Thầy thuốc dược chất tâm linh”, lý do nào mà Ngài có được danh hiệu cao thượng này?

Ngài đã thành công trong việc huấn luyện hai cao đệ - Nhựt Quang và Nguyệt Quang - trở thành cánh tay trái, tay mặt của Ngài. Đó là biểu tượng của sự hóa giải những xung đột trở thành hai xung lực hỗ trợ lẫn nhau. Lúc đó, khổ đau trở thành hạnh phúc, phiền não trở thành Bồ đề, trần gian trở thành Tịnh độ, bùn nhơ là chốn cho hoa sen nở. Cái tôi được chuyển hóa là hạnh phúc có bản lĩnh. Như vậy, toàn bộ tiến trình tu tập của con người là làm sao để giải phóng cái tôi.

Có người đặt ra vấn đề: Nếu tôi tu tập theo Phật là vô ngã, không may có kẻ ngoại xâm, chẳng lẽ tôi không kháng cự, không chống đối, để mặc cho chúng giày xéo quê hương, mang lại nỗi đau tang tóc, chết chóc, bất hạnh? Trong tình huống đó phải có những người nhập thế. Đối với vấn đề ứng xử với kẻ ngoại xâm, giáo lý nhà Phật dạy ta không nên xuất phát từ lòng hận thù, giống như Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, chuyển lòng sân hận, căm thù của mình qua động tác bóp mà thần thái bên ngoài vẫn bình tĩnh. Hay như Trưng Trắc, Trưng Nhị ăn ý với nhau: Người chị nói với người em nên để cho giặc phương Bắc không đánh giá cao người miền Nam bởi sự khinh địch sẽ sớm dẫn đến thất bại; người em nghe lời, cố nén nỗi đau, nén cái sân vào trong mà giả vờ bắn trật. Đó là động tác của những nhà ngoại giao về chính trị.
Đạo Phật dạy khi đất nước lâm nguy thì ơn tổ quốc, ơn đồng bào, ơn xã tắc ở quê hương được đặt lên hàng đầu trong tứ trọng ân. Mỗi người Phật tử đều phải có trách nhiệm. Lúc đó, ta nên tham chiến bằng thái độ của lòng từ bi. Hãy phát nguyện rằng: Tôi xin nhận nghiệp sát về phía mình để cứu giúp cho hàng triệu con người vô tội. Tôi ngăn chặn hành động sát nghiệp của giặc ngoại xâm để sát nghiệp đó không được gieo rắc ở nhiều người hơn. Đó là Đại Trí, Đại Dũng trên nền tảng của Đại Bi.
Như vậy, cũng trong một động tác sát nghiệp, người phát nguyện yêu nước và khởi xuất từ lòng từ bi sẽ giảm được nghiệp sát sanh, hậu quả cũng nhờ đó mà nhẹ đi. Phước báu bảo vệ quê hương xã tắc, bảo vệ mạng sống của đồng loại và ngăn chặn nghiệp sát của kẻ ngoại xâm lại tăng gấp trăm lần. Vì nó có tác dụng bù trừ nên ta thấy những vị tướng tài có lòng yêu nước, không hận thù thường sống thọ. Có người sống đến 80, 90 tuổi. Một ví dụ điển hình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong lịch sử, nhà Trần có đức thánh Trần Hưng Đạo…
Giải quyết các xung đột bằng thái độ vô ngã chính là sử dụng hòa đàm thay vì vũ khí. Ngày nay, Liên Hiệp Quốc đã sử dụng giải pháp của đạo Phật và thấy rất hiệu quả, tuy kết quả đến chậm nhưng không có những phản ứng phụ, không gây tổn thất cho các phía. Trong chiến tranh, nói theo đạo Phật: Không có bên nào chiến thắng, cả hai bên đều thất bại, hoặc ít, hoặc nhiều; chiến thắng chỉ là sự tương đối trong tư thế giành chủ quyền dù đúng hay sai, dù chánh nghĩa hay phi nghĩa.
Do đó, kẻ thù của hạnh phúc, của phát triển, của tâm linh, của đạo đức chính là cái tôi của mỗi người chứ không phải ai khác. Người tu học Phật sẽ bắt đầu quay lại chính mình nhiều hơn, thay vì đổ trách nhiệm, quy kết cho hoàn cảnh và tha nhân. Phản quan tự kỷ để thấy rõ cái bế tắc ở chỗ nào rồi từ đó tháo gỡ là cả một tiến trình tu tập.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét