Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Một quyển sách thiền không hay mà phải nói là quá hay, thật tuyệt vời!!!


"Từ Chánh niệm đến Giác Ngộ - Cẩm nang của người tu thiền" do thiền sư Ajahn Brahm viết, và do Nguyễn Nhật Trần Như Mai dịch (có cả sách nói trên Youtube nữa đó mọi người!)

Quyển sách thích hợp cho tất cả, từ những người không biết gì về thiền đến những người đã hành thiền lâu năm.

Nửa đầu quyển sách nói về Thiền định; nửa sau nói về thiền Minh sát. Nếu chỉ quan tâm đến thiền định thì chỉ cần đọc nửa đầu. Quyển sách thiên về pháp hành nhiều hơn lý thuyết.

Quyển sách hướng dẫn rất chi tiết từng bước hành thiền, cũng như những khó khăn trở ngại và cách vượt qua chúng trong từng giai đoạn hành thiền. Văn phong lại vô cùng nhẹ nhàng giản dị. Do đó quyển sách cực kỳ thích hợp cho những ai mới bước chân vào con đường thiền.

Hy vọng các bạn sẽ thích quyển sách này, giống như tôi vậy đó!

Chúc các bạn thành công!

Thân ái!


http://thuvienhoasen.org/images/file/GSVlkp1G0QgQAKdi/tuchanhniemdengiacngo.pdf

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Sở tri chướng là mắc kẹt vào cái mình biết

Danh mục Bài viết, Khoa học, Tâm linh
26-06-2012

Tôi gọi anh là một nhà khoa học trẻ vì anh có khả năng buông bỏ những kiến thức, những học hỏi mà anh đã tích lũy để có thể trở thành khách quan hơn trong công việc khảo cứu và trình bày công trình khảo cứu của anh. Theo nguyên tắc, nhà khoa học phải có tinh thần khách quan, và anh biết trong giới các khoa học gia, có rất nhiều vị tự cho là khách quan, nhưng trên thực tế, vẫn quan sát và trình bày dưới cái nhìn chủ quan của mình. Trong đạo học, nhất là đạo Bụt, chúng tôi được dạy rằng phải buông bỏ sở tri mới có cơ hội đi tới trong việc tìm cầu chân lý. Sở tri là những kiến thức mình đã thu lượm được trong quá trình học hỏi và khám phá. Nếu mình đã tin vào cái sở tri ấy như là chân lý tuyệt đối rồi thì mình không còn khách quan nữa, mình không có được cơ hội tiếp cận với sự thật nữa, bởi vì cái sở tri kia đã trở thành một chướng ngại, gọi là sở tri chướng (jneya avarana).
Nhà khoa học cũng như nhà đạo học phải có khả năng buông bỏ sở tri chướng. Trong kinh Bách Dụ, Bụt có kể chuyện một chú bé bị kẻ cướp bắt cóc, sau khi đã cướp bóc và đốt phá cả xóm. Người cha của đứa bé vì bận đi buôn bán cho nên vắng mặt trong lúc ấy. Về nhà anh thấy nhà mình đã cháy và bên cạnh nhà có một thân thể cháy nám của một em bé, và tin ngay rằng đó là thi thể đứa con mình. Anh bứt tóc đấm ngực tự trách mình đã không làm tròn bổn phận của một người cha. Và sau khi làm lễ hỏa thiêu hình hài của con mình, anh đã để tro đứa con vào một cái túi gấm, đi đâu cũng mang theo, cả những lúc ăn, ngủ và làm việc. Một đêm kia, thức dậy lúc nửa đêm sau khi nằm mộng thấy con, anh không ngủ được, cứ thương tiếc và khóc lóc, không thể nào nguôi được. Ngay lúc ấy thì có tiếng gõ cửa bên ngoài. Đứa con đã may mắn thoát khỏi tay kẻ cướp và lần mò về được tới nhà. Đứng trước căn nhà mới nó tin rằng đây là căn nhà của nó và gõ cửa gọi cha, nhưng người cha không chịu mở. Đứa bé đang gọi “cha ơi, cha ơi, mở cửa cho con”. Vì đã tin chắc chắn rằng con mình đã chết, và mình đang ôm túi tro của nó, ông cho rằng đứa bé ngoài kia là một đứa du côn nào đó chỉ muốn nghịch ngợm quấy rầy không cho mình ngủ. Kêu cứu một hồi, đứa bé nghĩ rằng đây không phải nhà của mình cho nên bỏ đi, và từ đó hai cha con xa nhau vĩnh viễn.
Kết luận câu chuyện ngụ ngôn ấy, Bụt bảo nếu ta đã tin vào một cái gì như là chân lý tuyệt đối thì ta sẽ mắc kẹt vào đó, và nó trở thành chướng ngại cho ta nhận ra sự thật. Cho nên cả nhà khoa học lẫn nhà đạo học phải biết luyện tập để buông bỏ những sở tri của mình. Tinh thần khoa học là tinh thần khách quan, không vướng mắc vào cái thấy chủ quan của nhận thức mình. Nếu nhà đạo học làm được như thế thì ông ta cũng có tinh thần khoa học. Còn nếu nhà khoa học không làm được như thế thì ông ta không phải là một nhà khoa học đích thực.
Trong các cộng đồng tôn giáo, giới tiến bộ chỉ là một thiểu số rất nhỏ và hay bị lên án, trừng phạt. Nói như thế không có nghĩa là trong giới khoa học gia, mọi người đều có khuynh hướng tiến bộ. Đa số các nhà khoa học đều có khuynh hướng bảo thủ: họ sợ những khám phá mới làm sụp đổ cái cấu trúc nhận thức của họ. Những gì họ cho là chân lý, họ dựa lên đó để khám phá thêm. Nhưng nếu cái căn bản kia sụp đổ thì họ phải bắt đầu từ số không trở lại, vì vậy cái khuynh hướng bảo thủ luôn luôn có đó.
Kiến thức phải được xây dựng trên một nền tảng vững vàng, trong đó các nguyên lý cơ bản, các ý niệm, các hằng số cơ bản. Nhưng ta biết trong lịch sử khoa học, cái nền tảng nhận thức ấy đã sụp đổ nhiều lần. Trong sách Discours de la Méthode chính Descartes cũng đã nói: “Nếu nền tảng cứ thay đổi hoài như thế thì không có gì chắc chắn để xây dựng trên nền tảng ấy.”
Trong đạo Bụt, những giáo lý căn bản như vô thường, vô ngã, không, tương tức, nhân duyên v.v…được sử dụng như những phương tiện để giúp người hành giả buông bỏ những ý niệm về thường, ngã, có, không, không nhân, không quả, nhưng những người thực tập cũng được chỉ dẫn là phải vượt thắng và buông bỏ luôn những ý niệm vô thường, vô ngã, không, tương tức, nhân duyên kia để đừng bị kẹt vào chúng. Đó đúng là tinh thần phá chấp, không cho bất cứ một ý niệm nào được sử dụng làm cơ sở cho tuệ giác, dù là ý niệm niết bàn, giải thoát, giác ngộ v.v… Vì vậy ta thường nghe: “Tìm niết bàn trong sinh tử, phiền não tức bồ đề, Phật và chúng sinh là một v.v…”
Sở tri chướng - cái mà mình biết là rào cản cho sự đi tới, vì vậy không những nhà đạo học phải buông bỏ mà nhà khoa học cũng phải buông bỏ.
Nếu nhà đạo học có thể bị ảnh hưởng bởi những chủ trương của tông phái mình, bởi những nhận thức của vị bổn sư và các vị giáo thọ của mình, và bị kẹt vào những gì mà mình đã được học trong kinh luận, kể cả những khái niệm về niết bàn, sinh tử, tịnh độ, ta bà vv… thì nhà khoa học cũng có thể bị ảnh hưởng của những trường phái khoa học của mình, những gì mà mình đã học trong thời gian đào luyện ở trường khoa học, những mô hình và lý thuyết mà mình đã được nghe và đọc.
Những ý niệm, những mô hình và những lý thuyết mình đang nắm giữ có thể đang là những trở ngại lớn cho công trình khám phá của mình. Những nhà khoa học lớn như Einstein cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những thành kiến siêu hình. Vì ông bị kẹt vào thực tại luận (realism) cho nên ông đã không chấp nhận được cái mô tả xác suất (probabilistic description) của thực tại nguyên tử và hạ nguyên tử mà cơ học lượng tử khám phá ra được. Vậy thì cả nhà đạo học lẫn nhà khoa học đều phải học hỏi và thực tập để có khả năng buông bỏ sở tri mới có thể thành công.
Nhà đạo học biết ông ta không nên bị kẹt vào những ý niệm, dù là những ý niệm căn bản nhất như ý niệm “tất cả đều có Phật tính”. Để giúp cho một thiền sinh thoát ra khỏi ý niệm ấy, một vị thiền sư (Triệu Châu) đã nói với vị thiền sinh ấy: “Con chó không có Phật tính”. Câu nói này có thể được xem như chống lại với giáo lý đạo Bụt là tất cả các loại hữu tình và vô tình đều có Phật tính. Nhưng lời nói của thiền sư không phải là để trao truyền hay xác nhận một ý niệm mà trái lại là để giúp vị thiền sinh vượt khỏi ý niệm ấy. Bởi vì còn bị một ý niệm giam hãm thì người ta vẫn chưa có tự do, dù cho đó là ý niệm về Thượng đế hoặc ý niệm về một thực tại tối hậu.
langmai.org





QUÁN PHÁP BÌNH ĐẲNG

(Thích Nhật Từ)
Đạo Phật chủ trương có nhiều pháp môn tức là nhiều con đường, nhiều lối đi, nhiều sự hành trì. Trong kinh Kim Cang đức Phật dạy “Chư pháp bình đẳng vô hữu cao hạ”. Các pháp môn vốn là ngang bằng với nhau, không phân cao thấp. Rất tiếc khi truyền bá, các tổ đã dùng những ngôn ngữ phương tiện như: Pháp môn này là số một, mầu nhiệm, được chư Phật hộ niệm, hộ trì… làm cho chúng ta cảm giác các bài kinh có cao có thấp, có phân tầng xã hội trong khi nó vốn không như thế. Cũng như trong các loại thuốc, không thể nói thuốc nào hay hơn thuốc nào. Chỉ có uống đúng thuốc thì nhanh hết bệnh, uống trật thuốc thì bệnh nặng hơn thôi.
Đó là phương pháp tu đạo, cao và thấp còn lệ thuộc vào căn tính và sự ứng dụng với từng con người. Bản chất pháp môn trong đạo Phật không có cao và thấp. Từ đó, những quan niệm cho rằng Thiền chỉ áp dụng cho căn cơ cao thượng, còn Tịnh độ áp dụng cho sơ cơ là không chuẩn xác. Hoặc những quan niệm cho rằng tu Thiền, mười người tu thì một người chứng, còn tu Tịnh độ mười người tu thì mười một người chứng… cũng là hình thức khích lệ cường điệu. Tu chân chính, đúng phương pháp phù hợp với mình mới mang lại hiệu quả cao nhất. Nhưng người tri thức áp dụng phương pháp Tịnh độ một cách có nghệ thuật, chính là Thiền. Nhứt tâm bất loạn là cốt lõi của Thiền: Hơi thở, nụ cười, thư thái, buông xả, chánh niệm, tỉnh thức, an lạc từng bước chân, hay là trong tư thế đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi, nói, nín, động, tịnh, thức và ngủ giữ được sự tỉnh thức… là nhất tâm bất loạn. Như vậy, Tịnh độ cũng chính là Thiền. Khi chúng ta xem tất cả các pháp môn đều hỗ trợ cho nhau, không còn thói quen xem pháp môn của tôi là số 1, pháp môn của người khác là thứ yếu, thầy của tôi là số 1, chùa của tôi là số 1… Trong đạo Phật có tông môn pháp phái như là những sở trường, những con đường, cũng giống như giao thông có nhiều phương tiện, không thể nói xe hơi là số 1, xe lửa là thứ yếu, máy bay là số 1, xe Honda là số 1… Tùy điều kiện, địa hình, hoàn cảnh mà mỗi loại phương tiện phát huy được hết tiện ích riêng. Hiểu được như vậy, ta có được tri thức dung thông vô ngại.
Trong kinh Dược Sư có hai vị Bồ tát là Nhựt Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu. Nhựt Quang là ánh sáng mặt trời, Nguyệt Quang là ánh sáng mặt trăng. Mặt trời và mặt trăng hiếm khi gặp nhau, mỗi khi gặp luôn dẫn đến một trong hai hiện tượng hoặc là Nhật thực, hoặc là Nguyệt thực. Cả hai đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vụ mùa và công việc làm ăn. Từ đó người ta mới có thành ngữ: “Mặt trăng, mặt trời với nhau” nghĩa là hai người không được tâm đầu ý hợp, có tính cách loại trừ, xung đột. Họ thường giải quyết xung đột bằng cách một còn một mất. Ai có tính cách như thế thường có cái tôi rất lớn. Cái tôi đó trở thành ám khí, chướng khí hay suy khí. Do vậy, không thể nào sống chung với nhau được, nỗi khổ niềm đau từ đó mà phát sinh.
Đức Phật Dược Sư được gọi là “đức Phật dược chất tâm linh”. “Dược” là dược chất, “Sư” là thầy thuốc. “Thầy thuốc dược chất tâm linh”, lý do nào mà Ngài có được danh hiệu cao thượng này?

Ngài đã thành công trong việc huấn luyện hai cao đệ - Nhựt Quang và Nguyệt Quang - trở thành cánh tay trái, tay mặt của Ngài. Đó là biểu tượng của sự hóa giải những xung đột trở thành hai xung lực hỗ trợ lẫn nhau. Lúc đó, khổ đau trở thành hạnh phúc, phiền não trở thành Bồ đề, trần gian trở thành Tịnh độ, bùn nhơ là chốn cho hoa sen nở. Cái tôi được chuyển hóa là hạnh phúc có bản lĩnh. Như vậy, toàn bộ tiến trình tu tập của con người là làm sao để giải phóng cái tôi.

Có người đặt ra vấn đề: Nếu tôi tu tập theo Phật là vô ngã, không may có kẻ ngoại xâm, chẳng lẽ tôi không kháng cự, không chống đối, để mặc cho chúng giày xéo quê hương, mang lại nỗi đau tang tóc, chết chóc, bất hạnh? Trong tình huống đó phải có những người nhập thế. Đối với vấn đề ứng xử với kẻ ngoại xâm, giáo lý nhà Phật dạy ta không nên xuất phát từ lòng hận thù, giống như Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, chuyển lòng sân hận, căm thù của mình qua động tác bóp mà thần thái bên ngoài vẫn bình tĩnh. Hay như Trưng Trắc, Trưng Nhị ăn ý với nhau: Người chị nói với người em nên để cho giặc phương Bắc không đánh giá cao người miền Nam bởi sự khinh địch sẽ sớm dẫn đến thất bại; người em nghe lời, cố nén nỗi đau, nén cái sân vào trong mà giả vờ bắn trật. Đó là động tác của những nhà ngoại giao về chính trị.
Đạo Phật dạy khi đất nước lâm nguy thì ơn tổ quốc, ơn đồng bào, ơn xã tắc ở quê hương được đặt lên hàng đầu trong tứ trọng ân. Mỗi người Phật tử đều phải có trách nhiệm. Lúc đó, ta nên tham chiến bằng thái độ của lòng từ bi. Hãy phát nguyện rằng: Tôi xin nhận nghiệp sát về phía mình để cứu giúp cho hàng triệu con người vô tội. Tôi ngăn chặn hành động sát nghiệp của giặc ngoại xâm để sát nghiệp đó không được gieo rắc ở nhiều người hơn. Đó là Đại Trí, Đại Dũng trên nền tảng của Đại Bi.
Như vậy, cũng trong một động tác sát nghiệp, người phát nguyện yêu nước và khởi xuất từ lòng từ bi sẽ giảm được nghiệp sát sanh, hậu quả cũng nhờ đó mà nhẹ đi. Phước báu bảo vệ quê hương xã tắc, bảo vệ mạng sống của đồng loại và ngăn chặn nghiệp sát của kẻ ngoại xâm lại tăng gấp trăm lần. Vì nó có tác dụng bù trừ nên ta thấy những vị tướng tài có lòng yêu nước, không hận thù thường sống thọ. Có người sống đến 80, 90 tuổi. Một ví dụ điển hình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong lịch sử, nhà Trần có đức thánh Trần Hưng Đạo…
Giải quyết các xung đột bằng thái độ vô ngã chính là sử dụng hòa đàm thay vì vũ khí. Ngày nay, Liên Hiệp Quốc đã sử dụng giải pháp của đạo Phật và thấy rất hiệu quả, tuy kết quả đến chậm nhưng không có những phản ứng phụ, không gây tổn thất cho các phía. Trong chiến tranh, nói theo đạo Phật: Không có bên nào chiến thắng, cả hai bên đều thất bại, hoặc ít, hoặc nhiều; chiến thắng chỉ là sự tương đối trong tư thế giành chủ quyền dù đúng hay sai, dù chánh nghĩa hay phi nghĩa.
Do đó, kẻ thù của hạnh phúc, của phát triển, của tâm linh, của đạo đức chính là cái tôi của mỗi người chứ không phải ai khác. Người tu học Phật sẽ bắt đầu quay lại chính mình nhiều hơn, thay vì đổ trách nhiệm, quy kết cho hoàn cảnh và tha nhân. Phản quan tự kỷ để thấy rõ cái bế tắc ở chỗ nào rồi từ đó tháo gỡ là cả một tiến trình tu tập.


Diệu Giác


Một vị Tăng đến tham vấn, thấy Sư đang làm vườn. Hỏi:
-- Nghĩ thì gặp sở tri chướng, làm thì gặp phiền não chướng, vậy như thế nào mới đạt được an lạc của Diệu Giác?

Sư chống cuốc, ngâm bài kệ:
Ta không biết đâu suối nguồn an lạc
Sáng sớm ra vườn bón đậu trồng dưa
Ta không biết đâu bến bờ Diệu Giác
Ðúng ngọ về chùa cất cuốc ăn trưa.

Lời góp ý:
Diệu Giác không phải là lý tưởng để "nghĩ về". Nghĩ về là sở tri, nên dù nghĩ về Diệu Giác cũng là sở tri chướng. An Lạc không phải là mục đích để "nắm bắt". Nắm bắt là sở đắc, nên dù nắm bắt an lạc cũng là phiền não chướng.
Tìm An Lạc và Diệu Giác ở đâu đó trong hay ngoài thế gian cũng đều là tìm lông rùa sừng thỏ.

Nghe nói Ðạo là Xuất Thế thì người ta cứ lăng xăng hướng ra ngoài thế gian mà tìm kiếm. Nghe nói Ðạo là nhập thế thì người ta lại lặn lội hướng vào trong thế gian mà tầm cầu. Ðạo không trong không ngoài, chẳng có chẳng không, nhưng:

Lặng lặng không đâu mà chẳng có
Loay hoay chẳng có ở nơi đâu!

Thôi thì cứ theo Thiền Sư sáng sớm ra vườn bón đậu trồng dưa, chừng nào nghe bảng hiệu về chùa mà độ ngọ, chớ có mất công lý giải An Lạc với Diệu Giác làm gì cho phí một đời cơm áo.

Thầy Viên Minh.

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Tứ Niệm Xứ

Bốn Nền Tảng Của Chánh Niệm

Tỳ Khưu Brahmavamso

Giới thiệu: Ðại đức Brahmavamso là vị lãnh đạo tinh thần của hội Phật Giáo Tây Úc, và là viện chủ thiền viện Bodhinyana, huyện Serpentine, tiểu bang Tây Úc, Úc châu.
-oOo -

Các vị thiền sư Phật Giáo đã nói rất nhiều về cách hành trì Pháp Tứ Niệm Xứ (Satipattana), ngoại trừ người tu sĩ nầy. Cho nên, trong bài pháp ngắn hôm nay, tôi cũng xin theo xu hướng nầy để trình bày một vài điều quan sát thực tế về pháp hành thiền đó, vốn là một pháp giảng của Ðức Phật mà có lẽ đã có nhiều ngộ nhận trong hàng thiền sinh Phật Tử.

Các bạn nào đã từng tham gia vào các trung tâm Phật Giáo thì chắc đã nghe nhiều vị thầy tuyên bố rằng Pháp Tứ Niệm Xứ là "một con đường duy nhất" để tiến đến Giác Ngộ. Mặc dù lời tuyên bố nầy có vẻ khẳng định và hấp dẫn, nhưng thật ra, đó không phải là lời phiên dịch chính xác của kinh điển nguyên thủy và cũng không nhất quán với những lời Phật dạy trong các bài kinh khác. Cụm từ Pali "Ekayana Magga" trong bài kinh số 10 (Kinh Tứ Niệm Xứ) trong Trung Bộ Kinh thường được dịch là "con đường duy nhất" cũng được dùng trong bài kinh số 12 (Ðại Kinh Sư Tử Hống) và có ý nghĩa rõ ràng là "một con đường với một mục đích duy nhất". Có nhiều con đường khác nhau nhưng cùng chung một mục đích. Thật ra, "con đường duy nhất" đã được Ðức Thế Tôn đề cập đến, không phải là Tứ Niệm Xứ, mà là Con Ðường Tám Chánh (Bát Chánh Ðạo), như trong Kinh Pháp Cú:
"Trong tất cả các con đường, Con Ðường Tám Chánh là thù thắng nhất (...) 

Ðây là con đường duy nhất, không có con đường nào khác, để đi đến tri kiến thanh tịnh"(...) 
(Pháp Cú, 273-274, giản lược)


Như thế, "con đường duy nhất" đến Giác Ngộ, như mọi Phật Tử đều đã biết rõ, là Bát Chánh Ðạo. Bốn nền tảng của Chánh Niệm (Tứ Niệm Xứ) chỉ là một phần của con đường đó. Ðó là chi phần thứ 7 (Chánh Niệm). Ngoài ra, còn có Chánh Ðịnh là chi thứ 8, và cũng còn có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Tinh Tấn, và 3 chi của Chánh Giới (Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng). Mỗi chi phần nầy đều cần thiết như nhau, để đạt Giác Ngộ. Nếu có chi phần nào mà không cần thiết thì ắt hẳn Ðức Phật đã dạy về Ðạo Bảy Chánh, Ðạo Sáu Chánh, v.v. Thế nhưng, trong kinh điển, lúc nào Ngài cũng luôn luôn đề cập đến Ðạo Tám Chánh. Cho nên, trong công tác tu học và hành trì của các bạn, các bạn cần phải luôn luôn ghi nhớ rằng tất cả tám chi phần của Bát Chánh Ðạo cần phải được tu dưỡng đồng đều và trọn vẹn, như là "một con đường duy nhất."

Hành trì pháp Tứ Niệm Xứ như lời Phật dạy là một công phu rất cao cấp. Cao cấp đến nỗi mà Ðức Thế Tôn dạy rằng nếu người nào có thể hành trì nghiêm túc bốn niệm xứ đó theo phương cách mà Ngài đã đưa ra thì chỉ trong bảy ngày, người đó có thể đạt Giác Ngộ hay đắc quả Bất Lai (Kinh Tứ Niệm Xứ). Nhiều thiền sinh đã từng tham dự các khóa thiền 7 ngày, 10 ngày, hay nhiều hơn mà vẫn chưa đạt được một kết quả cao quý nào như Ðức Phật đã hứa hẹn. Tại sao thế ? Tôi nghĩ rằng đó là vì họ đã không thực hành nghiêm túc đúng theo những lời Phật dạy.

Nếu bạn muốn thực hành pháp Tứ Niệm Xứ theo phương cách mà Ðức Phật nói có kết quả nhanh chóng tiến đến Giác Ngộ, thì có nhiều việc mà bạn cần phải hoàn tất trước khi bạn bắt đầu quán niệm. Các công việc sửa soạn nầy có thể tóm tắt như sau: Bạn cần phải hành trì trọn vẹn bảy chi phần kia của Bát Chánh Ðạo. Hay nói một cách khác, như Ðức Phật đã giảng trong Tăng Chi Bộ ("Chín Pháp - Phẩm Niệm Xứ", Kinh số 63 và 64), bạn phải tuân giữ chặt chẻ 5 Giới luật, buông bỏ 5 Triền cái (tham lam, hận sầu, hôn trầm, trạo hối, nghi ngờ), rồi mới hành thiền Quán Niệm.

Các điều kiện tiên quyết tối quan trọng nầy thật ra đã được Ðức Phật giảng trong hai bài kinh về Tứ Niệm Xứ (trong Trung Bộ và Trường Bộ) trong câu Pali: "Loke Abhijjha-Domanassam". Câu nầy thường được dịch là: "sau khi nhiếp phục tham lam và ưu sầu trên đời" hay tương tự như thế. Lời dịch như vậy thường không được các thiền sinh hiểu rõ và họ xem thường lời dạy đó của Ðức Phật, và vì thế, họ đã không đạt được kết quả nào cả ! Vào thời Ðức Phật còn tại thế, các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, và cư sĩ ắt hẳn đã hiểu ngay câu nói đó có nghĩa là "sau khi đã buông bỏ năm Triền cái"! Các bản chú giải chính thống về hai bài kinh Tứ Niệm Xứ đều giải thích rõ ràng rằng cụm từ Abhijjha-Domanassam là dùng để chỉ năm Triền cái. Trong các bài kinh giảng khác của Ðức Phật, Abhijjha là đồng nghĩa với Triền cái thứ nhất, Domanassam là đồng nghĩa với Triền cái thứ nhì, và nếu dùng chung lại với nhau -- trong thành ngữ Pali -- đó là cách viết tắt cho nhóm năm Triền cái. Ðiều nầy có nghĩa là cả năm Triền cái phải được buông bỏ trước khi bắt đầu hành trì pháp Quán Niệm. Cho nên, theo ý kiến của tôi, chính vì các thiền sinh cố hành thiền Quán Niệm trong khi vẫn còn vướng mắc vào các Triền cái mà họ đã không đạt được kết quả tốt hay lâu dài.

Chức năng của việc thấu đạt các tầng thiền (Jhana) -- chi phần Chánh Ðịnh của Bát Chánh Ðạo -- là để buông bỏ tất cả năm Triền cái để giúp triển khai tuệ Minh sát. Trong bài kinh số 68 của Trung Bộ (Kinh Nalakapana), Ðức Phật dạy rằng khi hành giả chưa đạt các tầng thiền Jhana, năm Triền cái cùng với bất lạc và giải đãi sẽ xâm chiếm tâm và trú tại đó. Chỉ khi nào hành giả đạt vào các tầng thiền thì năm Triền cái cùng với bất lạc và giải đãi mới không xâm chiếm tâm và không trú tại đó. Ðức Phật đã dạy rõ ràng như thế.

Thiền sinh nào đã trực nghiệm được các tầng thiền mạnh mẽ nầy thì ắt đã biết được, qua kinh nghiệm bản thân, bản chất thật sự của tâm sau khi các Triền cái đã buông bỏ. Thiền sinh nào chưa biết các tầng thiền thì chưa hiểu rõ các dạng vi tế của các Triền cái. Họ tưởng rằng các Triền cái đã buông bỏ, nhưng thật ra, họ đã không nhận thức được chúng, và vì thế, đã không đạt kết quả tốt trong khi hành thiền. Do đó mà pháp hành Thiền Vắng Lặng (Samatha) để nuôi dưỡng các tầng thiền Jhana là một phần của pháp Quán Niệm, và vì thế nếu cho rằng pháp Quán Niệm (Satipattana) là một pháp "Thiền Minh Sát thuần túy" (Vipassana) thì điều nầy không được chính xác cho lắm. Vị thầy của tôi, ngài Ajahn Chah, đã nói đi nói lại nhiều lần rằng Samatha và Vipassana -- Vắng Lặng và Minh Sát; Chỉ và Quán -- phải đi đôi với nhau, không thể tách rời được, như thể hai mặt của một đồng tiền.

Sau khi đã kiên trì hoàn tất các công tác sửa soạn cần thiết, thiền sinh giờ đây có thể an trú chánh niệm vào một trong bốn đề mục: thân thể của mình, các cảm thọ đau đớn hay hỷ lạc, tâm thức, và đối tượng của tâm. Khi các Triền cái đã tàn lụi và thiền sinh có thể duy trì định lực vững mạnh để chú niệm vào các đề mục nầy, thì lúc đó thiền sinh mới có thể quán chiếu được phần sâu thẳm trong tâm thức, sâu hơn cả các nhận thức thông thường, về tính chất vô thường của cái gọi là Tự Ngã mà chúng ta thường bám víu vào đó. Chúng ta thường cho rằng thân thể nầy là tôi, là của tôi, rằng các cảm thọ sướng hay khổ là có liên quan với cái tôi, rằng cái tâm đang quán sát chính là linh hồn của tôi, rằng các đối tượng của tâm như là ý nghĩ và hành thức (cái "chọn lựa") là Tự Ngã, là tôi, là của tôi. Mục đích của Tứ Niệm Xứ là để hướng dẫn thiền sinh phải làm gì sau khi đã thoát ra các tầng thiền, để khám phá ra cái ảo tưởng đã được ngụy trang khéo léo của cái gọi là Tự Ngã, và từ đó thấy được điều mà Ðức Phật đã khám phá, đó là Chân Lý của Vô Ngã.

Ðây không phải là điều dễ làm, không phải bất cứ người nào cũng làm được trong thời gian ngắn, nhưng đó là điều khả thi, có thể hoàn tất được trong bảy ngày. Nhưng với điều kiện là thiền sinh phải hành trì trọn vẹn và nghiêm chỉnh theo các lời Phật dạy mà không chạy theo một ngõ tắt nào khác. Kính lễ ngài trưởng lão cao tăng đã nhiều năm giáo huấn để hôm nay con được pháp học và pháp hành tốt.


Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

TÔN GIẢ TÍ HON

Thích Nữ Trí Hải
Thuở Phật còn tại thế, một hôm vị đệ tử Ðại Trí của Ngài, Tôn Giả Xá Lợi Phất, đi khất thực trong thành Vương Xá. Ngài bỗng nhớ đến một người bạn nghèo của thân phụ, và muốn đến gieo phước cho ông. Tôn giả đi đến nhà ông lão. Khi thấy Tôn giả từ xa đi lại, ông lão nghĩ thầm “ Kìa là cháu Upatissa (tên của Tôn giả lúc ở đời) yêu dấu của ta ngày xưa đến khất thực. Y không biết rằng ta không còn gì để cho y”. Nghĩ thế, ông lão lánh mặt, tự nhủ xin được chút gì mới cúng dường Tôn giả. Ít hôm sau, ông lão kiếm được một ít cháo và một mảnh y phục nhờ sự tụng đọc kinh điển Bà La Môn. Ông định bụng sẽ cúng dường Tôn giả. Lúc ấy Tôn giả đang nhập định quán sát thấy ông lão muốn bố thí, nên Ngài xuất định, ôm bát đến nhà ông lão. Tôn giả đứng trước cửa như thường lệ, ông lão ra đảnh lễ Tôn giả mời vào nhà để cúng dường. Tôn giả chỉ nhận phân nửa bát cháo, rồi đậy nắp bát. Nhưng ông lão năn nỉ: “ Bạch Tôn giả, đây chỉ là một phần ăn. Xin Tôn giả nhận tất cả, cho con trọn phước báo đời sau. Con muốn cúng tất cả cho Ngài.
Nói rồi ông lão đổ trọn bát cháo vào bát Tôn giả. Tôn giả Xá Lợi Phất dùng cháo ngay tại chỗ. Khi Ngài dùng xong, ông lão lại cúng nốt mảnh y phục cho Ngài.
- Bạch Tôn giả, nguyện cho con đời sau sẽ có được trí tuệ siêu việt như Ngài.
- Này Bà LaMôn, ngươi sẽ được toại nguyện.
Tôn giả đáp, và sau khi nói lời tùy hỷ công đức, Ngài đứng lên tiếp tục du hành đến Kỳ Viên tịnh xá.
Ông lão sau khi cúng dường Tôn giả thì vui mừng vô hạn, và tăng lòng ái mộ đối với Tôn giả. Do sự ái kính này, ông lão thác sanh vào một gia đình thí chủ thường xuyên của Tôn giả Xá Lợi Phất. Khi bà tín nữ mang thai, bà đâm ra khát khao hơn bao giờ hết là được cúng dường cháo hằng ngày cho chúng Tỳ kheo của Tôn giả Xá Lợi Phất, gồm tất cả 500 vị. Bà khao khát được mặc y vàng, đến ngồi ngoài cổng tịnh xá mà chực ăn phần cháo thừa của chúng Tăng để được thừa hưởng phước trí trang nghiêm. Thân quyến và chồng bà giúp bà thực hiện ước nguyện ấy, cúng dường cháo hằng ngày cho chúng tỳ kheo. Có người cho rằng sự thích mặc áo vàng của bà là điềm báo trước người con trong bụng sẽ là một vị Tỳ kheo đệ tử Phật, và họ lấy làm sung sướng.
Ðúng kỳ sanh nở, một hài nhi xinh đẹp ra đời, cả gia đình hân hoan đón tiếp. Họ tắm em bé bằng nước thơm, mặc cho em bé những y phục vô cùng quý giá đã may sẵn từ trước, và đặt em bé trong một chiếc nôi lộng lẫy như một hoàng cung, đắp cho em bé một mền gấm sang trọng. Rồi thỉnh Tôn giả Xá Lợi Phất và chúng Tỳ kheo đến quy y cho em bé. Khi Tôn giả đến, em bé đang nằm ngửa nhìn chăm chăm vào Tôn giả với một cặp mắt tinh anh lạ kỳ, một cái nhìn trìu mến như đối với đồng hàng quyến thuộc. Em bé nghĩ “ Ðây là thầy của ta đời trước nhờ Ngài mà ta được sang quý đời này. Ta phải cúng dường Ngài một cái gì”. Khi mẹ ẵm em bé lên để thọ tam quy với Tôn giả, những ngón tay của em quấn vào trong cái mền gấm. Gia nhân la lên “ Kìa tay em bé kẹt trong cái mền gấm” và chạy lại gỡ ra thì em bé òa khóc như không muốn rời. Người mẹ nói: “Ðể vậy đừng làm em bé khóc” và ẵm con đến cho Tôn giả. Khi đến trước Tôn giả, em bé thả tay cho cái mền rớt phủ trên chân Ngài. Người mẹ thông ngôn rằng: Bạch Tôn giả, xin Ngài nhận cho con của cúng dường này, và cho con được thọ tam quy làm đệ tử Ngài.
Tôn giả hỏi:
- Tên đứa bé là gì?
- Bạch Tôn giả xin cho hài nhi cái tên của Ngài lúc tại thế.
- Vậy nó sẽ mang tên Tích Sa (Upatissa là tên của Tôn giả).
Khi được bảy tuổi, Tích sa nói với mẹ:
Thưa mẹ, con muốn xuất gia theo Tôn giả Xá Lợi Phất.
- Tốt lắm, cho con xuất gia.
Rồi bà mời Tôn giả lại nhà bạch:
- Bạch tôn giả, đệ tử của Ngài xin được xuất gia với Ngài. Chiều nay con sẽ đưa y đến tu viện.
Sau khi được Tôn giả nhận lời, bà mẹ sắm nhiều lễ vật cúng dường và dẫn chú bé đến Kỳ Viên tịnh xá. Tôn giả nói với Tích Sa:
- Tích Sa này, đời sống của người xuất gia rất kham khổ. Khi muốn ấm thì người phải gặp lạnh, muốn mát người lại gặp nóng. Những Tỳ kheo phải sống ngược đời như thế đấy. Liệu ngươi có chịu đựng không?
- Bạch Tôn giả, con sẽ làm tất cả những gì Ngài dạy bảo.
- Tốt lắm.
Rồi Tôn giả dạy cho Tích Sa quán pháp bất tịnh bằng cách năm món đầu trong 32 món ô uế trong thân là tóc, lông, móng, răng, da. Tôn giả lại truyền cho Tích sa thập giới và từ đó Tích Sa khởi sự cuộc đời của một chú tiểu.
Ðể mừng việc xuất gia của con, cha mẹ Tích Sa cúng dường toàn thể chúng Tăng ở Kỳ Viên tịnh xá suốt một tuần với một thứ cháo thập cẩm ngon lành. Những Tỳ kheo chưa chứng quả không ngớt thì thầm với nhau: “Ngon lành thật! Ðâu phải chúng ta luôn luôn được như thế này”.
Sau bảy ngày thiết đãi chúng Tăng, cha mẹ Tích Sa từ giả trở về nhà. Qua ngày thứ tám, chú tiểu Tích Sa bắt đầu ôm bát đi bọc hậu đoàn Tỳ kheo do Tôn giả Xá Lợi Phất dẫn đầu vào thành Xá Vệ để khất thực.
Những người trong thành phố bảo nhau: “ Nghe đồn hôm nay chú tiểu Tích Sa sẽ đi khất thực trong thành phố. Ta hãy sửa soạn tặng phẩm cúng dường”. Bởi thế, khi Tích Sa vào thành, những người quen biết cha mẹ chú tiểu đều đem phẩm vật cúng dường tới tấp. Chú tiểu nhận được 500 bát đầy phẩm vật và 500 bộ y phục đem về chùa. Hôm sau, những người chưa được cúng lại thân hành đem phẩm vật đến tịnh xá. Chú tiểu nhận thêm 500 bát, 500 y, rồi dâng tất cả 1000 y,1000 bát cho chúng Tỳ kheo tại vườn Cấp Cô Ðộc. Do đó, chú được mệnh danh là thí chủ Tích Sa.
Một hôm vào tiết trời giá buốt, trong khi Tích Sa quét dọn chung quanh tịnh xá, chú tiểu thấy chư Tăng tụm năm tụm ba, đang sưởi bên đống lửa liền hỏi:
- Bạch chư Ðại đức, tại sao chư Ðại đức phải hơ lửa vậy? (trẻ con thường không biết rét là gì).
- Chú tiểu ơi, chúng tôi lạnh cóng cả người phải hơ cho ấm. Bạch chư Ðại đức, khi nào trời rét thì ta đắp mền cho ấm. Mền sẽ ngăn cái lạnh không cho thấm vào cơ thể. Chú tiểu có nhiều phước đức mới có mền mà đắp, chớ chúng tôi làm sao có mền được!
- Bạch chư Ðại đức, thế thì ngày mai, vị nào cần mền, xin hãy đi với con vào thành.
Rồi chú xin chư Tăng thông báo như vậy cho chúng Tỳ kheo trong tịnh xá. Bởi vậy, hôm sau có 1000 vị Tỳ kheo cùng đi theo chú tiểu.Trước khi vào thành Xá Vệ, chú ghé từng nhà ở ngoài thành và đã được 500 cái mền. Khi vào thành, mọi người đều đổ xô đến cúng dường theo lời yêu cầu của chú tiểu. Tại một cửa tiệm, ông chủ đang ngồi sau một đống mền cao ngất. Một người đi đường đêÙn rỉ tai:
- Này, có một chú tiểu đang đi xin mền đó, nên giấu hết đi.
Ông chủ nói:
- Nếu tôi muốn cho, thì tôi cho. Không muốn, thì tôi không cho. Giấu làm gì? Nhưng người ta đi khỏi, ông chủ ngẫm nghĩ, và giấu bớt hai cái mền thượng hạng trong số mền bày bán. Ngay lúc ấy Tích Sa cũng vừa đến. Mới thấy mặt chú tiểu ông đã đem lòng thương mến vô cùng. Cả người ông tràn ngập sự kính yêu chan chứa. Ông nghĩ: Coi đáng yêu chưa tề! Trông mặt mũi một bé trai kháu khỉnh như thế kia, thì dù có đem cho cả thịt da, tim ruột của ta, ta cũng không tiếc, nói chi tới vài ba cái mền”. Và lập tức ông rút ngay hai cái mền quý giá nhất đặt dưới chân Tích Sa đảnh lễ mà bạch:
- Bạch Ðại đức, mong sao cho con được thấm nhuần ánh sáng đạo mà Ngài đã thấy.
Cư sĩ sẽ được toại nguyện.
Chú tiểu chúc tụng, rồi nói lời tùy hỷ công đức. Ngày hôm ấy chú nhận đúng 1000 cái mền cho chúng Tỳ kheo. Do đó, chú được mệnh danh là người cho mền. Ðó là nhờ công đức lúc mới sanh Tích Sa đã cúng dường meàn cho Tôn giả Xá Lợi Phất.
Tại tịnh xá Kỳ Viên, chú tiểu Tích Sa phải tiếp đón những cậu bé bạn củ đến thăm. Ngày nào chúng tới, hỏi han mọi chuyện, làm cho chú không có thì giờ mà tham thiền nhập định gì hết. Nghĩ rằng sanh tử là việc lớn chú đến xin đức Phật một đề mục thiền định để rút sâu vào rừng mà tu tập.
Khi đến một khu làng. Tích Sa gặp một ông lão. Chú hỏi:
- Thưa cư sĩ, gần đây có một khu rừng nào cho tu sĩ ẩn cư không?
- Bạch Ðại đức có. Vậy, xin người hãy chỉ đường cho tôi đến đó.
Mới nhìn chú, ông lão đã có cảm tình, nên bằng lòng dẫn chú đi. Vừa đi chú vừa hỏi ônglão địa danh những nơi đi qua. Khi tới rừng ông lão nói:
- Bạch Ðại đức, đây là chỗ tốt lành. Ngày hãy ở đây và xuống làng tôi khất thực. Tích Sa nhận lời, và từ đấy ngày ngày chú xuống làng để khất thực.
Dân chúng yêu kính chú khôn cùng và năn nỉ: “Ðại đức hãy ở đây thật lâu với chúng tôi để chúng tôi được thọ tam quy ngũ giới với Ngài”. Họ cúng dường những vật dụng cần thiết cho Tích Sa. Mỗi khi nhận Tích Sa đều chúc lành cho thí chủ như sau:
- Mong thí chủ được hạnh phúc an vui. Mong thí chủ khỏi khổ ách.
Sau hai tháng ở rừng nỗ lực tu tập thiền định, Tích sa chứng quả A La Hán. Bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất có ý định thăm chú, nên bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, con sẽ đi thăm chú tiểu Tích Sa.
- Ðược ngươi cứ đi.
Tôn giả đến bên người bạn cố tri của Ngài là Tôn giả Mục Kiền Liên.
- Hiền huynh tôi sẽ đi thăm Tích Sa.
- Tôi cũng đi với.
Và tất cả những vị Ðại đệ tử của Phật như Ngài Ca Diếp, A Nậu Lâu Ðà, Ưu Ðà Di, Phú Lâu Na v. v…đều đi cùng Tôn giả Xá Lợi Phất để thăm chú tiểu ở rừng. Khi đoàn Thánh chúng đến, dân cư tiếp đón nồng nhiệt. Họ vô cùng hân hoan khi thấy vị Thánh đệ tử Phật nổi danh thiên hạ, và xin Ngài ban một thời pháp. Nhưng Tôn giả từ chối.
- Ta đến thăm chú tiểu Tích Sa của ta cái đã.
Khi Tích Sa được tin, chú xuống làng thi lễ và làm bổn phận của một chú tiểu đối với những vị trưởng thượng đầy uy đức của mình. Chỗ nghỉ ngơi đã được dân cư lo chu đáo tại một ngôi chùa trong làng. Họ lập lại lời thỉnh cầu nghe pháp, mặc dầu trời đã tối. Tôn giả Xá Lợi phất nói:
- Vậy hãy đốt đèn lên và loan tin cho Phật tử xa gần đến nghe.
Khi dân làng tề tựu, Tôn giả Xá Lợi Phất bảo Tích Sa:
- Này, Tích Sa, các thí chủ của con ngỏ ý muốn nghe pháp. Con hãy nói pháp cho họ đi.
Toàn thể dân làng đều đồng thanh thưa:
- Bạch Tôn giả, vị Ðại đức của chúng con đây, không biết gì ráo, ngoài ra hai câu: “Mong gia chủ được hạnh phúc an vui, mong gia chủ thoát khỏi khổ ách.” Xin Ngài cho vị khác nói pháp cho chúng con nghe.
Khi ấy Tôn giả hỏi chú tiểu:
- Tích Sa, nhưng làm sao để được hạnh phúc an vui? Người ta làm thế nào để thoát khổ ách? Con hãy giảng rộng hai câu ấy.
- Thưa vâng, bạch Tôn giả.
Tích Sa thăng tòa, giảng như nước chảy về khổ đế, nguyên nhân khổ, Niết Bàn và con đường đưa đến tịch diệt. Và chú kết luận:
- Bạch chư Tôn giả, đó là đường đi của một vị A La Hán để thoát khỏi khổ ách, để được an vui.
- Giỏi! Con đã thông thuộc rành rẽ giáo pháp.
Những cư dân nghe xong thời pháp đều rất ngạc nhiên. Một số mừng vì lâu nay được cúng dường một vị thông tuệ, nhưng một số tỏ ý bất mãn bảo nhau:
- Không dè Ðại đức ấy thuyết pháp hay như vậy. Tại sao lâu nay Ðại đức cứ câm miệng hến, không chịu nói gì cả. Thật là gan lì.
Từ tịnh xá Cấp Cô Ðộc, Ðức Thế Tôn biết được tâm niệm bất kính của những cư dân này đối với Tích Sa. Ngài động lòng từ bi, muốn cho họ thoát khỏi tội báo xúc phạm một vị A La Hán, nên đích thân đến làng thăm chú tiểu. Khi thấy Ðức Phật đích thân đến làng chỉ vì để thăm Tích Sa dân làng mới hoàn toàn công nhận tầm quan trong của vị Ðại đức tí hon này. Ngài bảo Tích Sa đưa Ngài lên tận núi cao nhất từ đó có thể nhìn xuống biển cả, và hỏi:
- Tích Sa, khi đứng trên đỉnh núi này, nhìn quanh con thấy gì?
- Bạch Thế Tôn, con thấy nước biển mênh mông không bờ bến.
- Con nghĩ gì khi thấy đại dương?
- Bạch Thế Tôn, con nghĩ: trong vô số kiếp luân hồi, ta đã đổ bao nhiêu là nước mắt để khóc vì những nổi đau khổ, nước mắt ta có lẽ còn nhiều hơn nước trong bốn biển lớn kia.
- Ðúng lắm, Tích Sa.
Rồi Ngài đi thăm động đá nơi Tích Sa cư trú.
- Con nghĩ gì khi cư trú nơi đây?
- Bạch Thế Tôn, con nghĩ, ta đã chết vô số lần, vô số lầøn thi hài ta đã nằm trên mặt đất này.
- Ðúng lắm, Tích Sa! Không có một nơi nào trên mặt đất mà chúng sanh không xả bỏ thân mạng vô số lần ở đó.
Và Ngài hỏi tiếp:
- Tích Sa, khi con nghe tiếng hổ báo gầm trong rừng sâu con có sợ không?
- Bạch Thế Tôn, con không sợ. Trái lại một niềm yêu thích núi rừng lại tăng lên trong tâm thảm con.
Và Tích Sa đã đọc cho Phật nghe 60 bài thơ mình đã cảm hứng từ rừng sâu.
Sau khi thăm các nơi, Ðức Thế Tôn từ giã:
- Tích Sa, bây giờ ta trở về tịnh xá. Con muốn đi theo ta hay ở lại rừng?
- Bạch Thế Tôn, nếu thầy con (chỉ Tôn giả Xá Lợi Phất) muốn con trở về, con sẽ trở về. Ngài muốn con ở lại, con sẽ ở lại.
Tôn giả đoán biết Tích Sa không muốn trở về nên bảo:
- Tích Sa, con hãy ở lại núi rừng, nếu con muốn vậy.
Tích Sa đảnh lễ Phật và chư Tôn Giả rồi quay trở về rừng, sau khi đưa tiễn các Ngài một quãng xa.
Tại Diệu Pháp đường trong tịnh xá Cấp Cô Ðộc, khi chúng Tỳ kheo ngồi bàn tán về hạnh xả ly của Tích Sa, họ không ngớt lời tán thán:
- Khó thay những gì Tích Sa đã làm, bỏ tất cả lợi dưỡng, cung kính, để rút vào ẩn sâu trong rừng! Ðức Phật nhân đó thốt lên bài kệ thứ 75 trong kinh Pháp cú. “Một nẻo đường dẫn đến thế lợi, một nẻo đường khác dẫn đến Niết Bàn. Hàng Tỳ kheo đệ tử đấng Giác Ngộ khi hiểu nhhư vậy, không nên tham bám lợi dưỡng thế gian, mà hãy chuyên tâm vào hạnh độc cư thiền định”.
Thích Nữ Trí Hải
“Mắt trông thấy sắc rồi thôi
Tai nghe thấy tiếng nghe rồi thì không
Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng
Nhẹ nhàng ta bước ra vòng thế gian.”


Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Ván cờ sinh tử


Vào thời võ sĩ Đạo tại Nhật, có một kiếm khách nổi tiếng với đường kiếm tuyệt luân của mình. Ngoài ra, Ông còn có tài đánh cờ thuộc hàng thượng thặng.
Sau một quãng đời tung hoành ngang dọc trong chốn giang hồ, vị kiếm khách này đã ngộ ra lý Thiền nên đã “rửa tay gác kiếm”, khoác áo tu hành.
Qua nhiều năm dài tu hành tinh tấn, Ông đã trở thành một Thiền Sư được nhiều người biết đến về đạo hạnh.
Trong suốt thời gian đó, Ông cũng đã đem hết tâm huyết ra để nâng khả năng về Kiếm và Cờ của Ông lên hàng Kiếm Đạo và Kỳ Đạo.
Vì vậy, tên tuổi của Ông ngày càng thêm lừng lẫy. 
Nhiều người đã đến xin học đạo với Ông và do đó Ông đã có nhiều môn đệ.

Một ngày kia, có một chàng thanh niên đến ra mắt Ông để xin theo học Đạo. Vị Thiền Sư đã nhìn kỹ chàng thanh niên và nói :
- Ta chỉ nhận làm đệ tử những ai có đạo hạnh cao hoặc có khả năng khá về Kiếm hoặc Cờ. Ngươi tự xét thấy có khả năng nào trong các thứ ấy để có thể được ta thu nhận đây?

Sau một thoáng suy nghĩ, chàng thanh niên vội đáp :
- Con có khả năng chơi Cờ; mặc dù không phải là hạng cao thủ nhưng con cũng đã từng hạ nhiều tay chơi Cờ giỏi có hạng.

Liền đấy vị Thiền Sư lại hỏi :
- Vậy, bây giờ ngươi có muốn thi đấu về Cờ không?
- Dạ, thưa ! Con muốn thử. - Chàng thanh niên đáp.

Nghe vậy, vị Thiền sư vội đi vào phía sau Thiền viện và trong khoảnh khắc lại trở ra với một thiền sinh.
Đó là một nhà sư đã có tuổi vẻ mặt hiền lành, phúc hậu và là một trong những thiền sinh rất giỏi về Cờ trong Thiền viện.
Sau khi giới thiệu thiền sinh này với chàng thanh niên để thi đấu với nhau, ông đã nghiêm nghị nói:
- Trước khi bắt đầu cuộc đấu, Ta cần phải nói rõ: đây sẽ là một ván cờ “sinh tử”.
Người thua cuộc sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của ta. Các ngươi có đồng ý nguyên tắc này không?

Cả hai đều tỏ vẻ đồng ý và ngồi xuống chiếc bàn có đặt sẵn bàn cờ để bắt đầu thi đấu, trong khi vị Thiền sư đặt thanh kiếm trên chiếc bàn nhỏ trước mặt rồi ngồi xuống chiếc ghế cạnh bên để giám sát cuộc đấu.
Thoạt tiên, khi bắt đầu cuộc đấu cả hai đều rất thận trọng khi đi cờ như để dò ý và tìm hiểu về khả năng cũng như lối chơi cờ của đối phương.
Khoảng một lúc sau, với những bước vững chắc về thủ và linh động về công, vị thiền sinh đã đưa chàng thanh niên vào trạng thái bị động, phải lui về thế thủ.
Chàng thanh niên đã tỏ ra bối rối trước sự tiến công dũng mãnh của đối phương.
Chàng bỗng đâm ra lo ngại là không những sẽ bị thua cuộc và mất dịp được theo học Đạo mà còn bị mất mạng nữa. Do đó, chàng ta cố vận dụng trí óc để moi ra từ ký ức những thế cờ đã từng đánh và từng học được trước đây để mong chận bớt những nước cờ tấn công rất hiệu lực của đối phương.

Nhưng chàng ta chẳng nhớ ra được điều gì có thể xử dụng để thay đổi tình thế.
Trong cơn lo lắng miên man, bất chợt chàng có ý nghĩ: hay là xử dụng những nước cờ “liều”, biết đâu sẽ chẳng có kết quả tốt. 
Nghĩ xong chàng liền áp dụng ngay.

Đang ở trong thế thủ, bỗng bất thình lình chàng vùng lên tấn công quyết liệt. Những nước cờ “liều mạng” của chàng vừa đánh ra chẳng có một quy tắc căn bản nào cả, chỉ toàn là những nước cờ “thí” không ai dám sử dụng hay nghĩ đến trong khi chơi Cờ, nhất là trong một ván cờ sinh tử như thế này. Chỉ trong vài nước, thế cờ liều đột nhiên có kết quả. Nước cờ đang ở vào thế thủ bỗng chuyển sang thành thế công, bắt buộc đối thủ phải lui về chống đỡ.
Người thiền sinh cao cờ giờ đây bị đưa vào thế bị động vì những bước đi cờ lạ lùng, kỳ dị không thể tiên đoán được của chàng thanh niên liều mạng này.
Chàng thanh niên đang ở vào thế “thượng phong”, chàng tấn công tới tấp để mong chiến thắng. Trong lúc hăng say để đạt chiến thắng đó, từ trong nội tâm của chàng bỗng nổi lên ý nghĩ: 
“Hôm nay, đến nơi này để xin học Đạo, phải đánh ván Cờ “sinh tử” để được nhập môn, rồi trong lúc nguy khốn vì bị tấn công dồn dập đã phải dùng thế cờ “liều mạng” để chuyển bại thành thắng, đưa đối phương vào thế thúc thủ. Trong chốc lát đây ván cờ sẽ kết thúc, người thiền sinh phúc hậu kia sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của Thầy. Người Thiền sinh đã mất gần suốt cuộc đời để học Đạo, tu hành tinh tấn, có được đạo hạnh cao; nay lại phải trở thành “cây thước” để đo tài người đến xin học Đạo, để rồi phải bỏ mạng vì kết quả của ván cờ. Thật là oan uổng...”

Trong khi những ý niệm đó hiện ra và đưa chàng thanh niên vào suy tư thì nước cờ của chàng đang đi bỗng nhiên có vẻ chậm lại và mất phần kiến hiệu.
Và vì vậy, chỉ trong năm, ba nước cờ nguời thiền sinh đã tiến dần đến thế quân bình, rồi trong khoảnh khắc đã nắm lại được thế chủ động. 
Bây giờ đến lượt chàng thanh niên mất thế “thượng phong”.

Chỉ thêm vài nước, người thiền sinh đã đưa chàng thanh niên vào thế gần như không có lối thoát.
Nhưng bất chợt, đột nhiên thế cờ của người thiền sinh bỗng như chậm lại và có vẻ hòa hoãn, ngập ngừng trong khi thế cờ của chàng thanh niên lại có phần chần chừ, bất định.
Do đó, ván cờ đang ở vào giai đoạn sắp kết thúc bỗng nhiên như dừng hẳn lại.
Nhưng cuối cùng, dù muốn dù không, ván Cờ cũng phải đi đến chỗ kết thúc. Vì vậy, người thiền sinh nhân hậu kia bắt buộc phải ra tay hạ thủ để kết thúc ván Cờ. Thế thắng, bại đã hiện ra trước mắt.

Đột nhiên, vị Thiền Sư bỗng vụt đứng phắt dậy, hét lên một tiếng thật to và rút kiếm ra khỏi vỏ.
Mũi kiếm được chĩa ngay vào đỉnh đầu của chàng thanh niên. Nghe tiếng hét của Sư phụ, người thiền sinh vội cúi đầu, chấp tay niệm Phật.
Với một đường kiếm tuyệt luân và thần tốc không thể ngờ được, thoáng một cái lưỡi kiếm của vị Thiền sư đã cạo nhẵn mái tóc trên đỉnh đầu của chàng thanh niên.
Giờ đây, trông chàng thanh niên chẳng khác nào một người vừa được “thí phát” để “quy y”.
Và vị Thiền sư đã cất tiếng nói với chàng thanh niên:
- Hôm nay, ta chính thức nhận con làm môn đệ.

Ván Cờ đã kết thúc trước khi nước cờ cuối cùng được đánh ra để quyết định việc thắng bại mà chiến thắng đang nằm trong tay của vị Thiền sinh nhân hậu.
Là một bậc Thầy về Kiếm và Cờ, vị Thiền sư trong khi ngồi giám sát cuộc thi đấu đã thấy và hiểu rõ khả năng và lối chơi Cờ của đôi bên.

Ngoài ra, là một Thiền sư đắc đạo, Ông đã đọc được từng tâm niệm khởi nghĩ của hai kẻ ngồi trước mặt, nên hiểu được tánh ý, đức hạnh của người môn đệ của mình và thấy rõ tâm hạnh của người thanh niên xa lạ kia; sau cùng Ông đã đi đến quyết định. Dưới mắt vị Thiền sư: ván cờ đang sắp sửa được kết thúc mà phần thắng lợi đang nghiêng về phía người thiền sinh, môn đệ của Ông, nhưng chàng thanh niên lại là kẻ chiến thắng.
Chàng trở thành kẻ chiến thắng vì đã đánh bại được cái ước vọng nhiều tham muốn và lòng háo thắng của chính mình, dẹp bỏ được cái “ngã” riêng tư để nghĩ đến người mà không màng đến sự an nguy của chính bản thân.
Chàng đã tự chiến thắng mình bằng lòng nhân ái.
Chàng thực sự là một kẻ chiến thắng trong một chiến công vô cùng oanh liệt và quả cảm đúng như lời dạy của Đức Phật: “Chiến thắng oanh liệt và dũng cảm nhất mà không gây đổ máu và thù hận là tự chiến thắng bản thân mình”.

Chàng thanh niên thật vô cùng xứng đáng được thu nhận để bái sư học Đạo và có cơ duyên để trở thành huynh đệ với người thiền sinh nhân hậu kia.
St



DÙNG CẢ TRÁI TIM ĐỂ PHÁN XÉT

Trong phòng xử… án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah.
Lời bào chữa của bà lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bênh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói.
Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.
Thẩm phán thở dài và nói :
- Xin lỗi, thưa bà…- Ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà cụ đói khổ – nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn sắn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi.
Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo. Thế rồi ông thẩm phán lại nói tiếp:
- Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toàn này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật.
Nói xong , ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký :
- Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo.
Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà trong hạnh phúc của tất cả mọi người.
Đây là một phiên tòa xử nghiêm minh và cảm động nhất mà tôi được biết, vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta, vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim để phán xét.



Theo Internet

NGƯỜI CHĂN BÒ NANDA


Khi còn tại gia tôn giả Nanda là một thanh niên chăn bò mướn. Ngày ngày, Nanda dẫn bò đến ăn cỏ bên bờ sông Hằng thuộc địa phận xứ Kosambi. Lúc ấy gặp dịp đức Thế tôn trú tại đấy, cùng với chúng tỳ kheo 1250 vị.
Một hôm Thế tôn cùng các tỳ kheo du hành dọc bờ sông. Ngài thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước, và chỉ cho các tỳ kheo:
- Này các Tỳ kheo, các con có thấy khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước kia không?
- Thưa vâng, bạch Thế tôn.
- Các tỳ kheo, nếu khúc gỗ ấy không đâm vào bờ này, không đâm vào bờ kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên đất nổi, không bị người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị lọt vào xoáy nước, không bị mục nát bên trong,... thì nó sẽ hướng về biển, xuôi theo biển, nhập vào biển, Vì cớ sao, này các tỳ kheo, vì dòng sông này hướng về biển, xuôi theo biển, nhập vào biển. Cũng vậy, hỡi các tỳ kheo, nếu các con không đâm vào bờ này, bờ kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn, không bị người hay phi nhân nhặt lấy, không lọt vào xoáy nước, không mục nát bên trong,... thì các con sẽ hướng về, sẽ xuôi theo Niết bàn, sẽ nhập vào dòng Niết bàn. Vì sao? Này các tỳ kheo, chính bởi vì pháp của Như Lai giảng nói xu hướng Niết bàn, xuôi theo Niết bàn, nhập vào Niết bàn.
Khi được nghe nói vậy, một vị tỳ kheo bạch:
- Bạch Thế tôn, bờ này là gì? Bờ kia là gì? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là mắc cạn trên đất nổi? Thế nào là bị người nhặt, phi nhân nhặt? Thế nào là lọt vào xoáy nước? Thế nào là mục nát bên trong?
- Các tỳ kheo, bờ này ám chỉ sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Bờ kia chỉ cho sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. "Bị chìm giữa dòng" dụ cho hỷ và tham (khoái thích, ham muốn). Mắc cạn trên đất nổi đồng nghĩa với ngã mạn. "Bị người nhặt" là dụ cho vị tỳ kheo sống quá liên hệ với cư sĩ, chung vui chung buồn, an lạc khi chúng an lạc, đau khổ khi chúng đau khổ, trói buộc mình trong các công việc chúng xướng xuất. Ðó là vị tỳ kheo bị loài người nhặt lấy. Và này các tỳ kheo, "Bị phi nhân nhặt lấy" có nghĩa là vị tỳ kheo tu phạm hạnh với mơ ước được sanh lên cõi trời, hưởng phước báo chư thiên. "Bị lọt vào xoáy nước" là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng: tài lợi, sắc đẹp, danh tiếng, ăn và ngủ. "Bị mục nát bên trong" ám chỉ vị tỳ kheo theo các ác pháp, có những hành động khả nghi, không giữ giới mà hiện tướng thanh tịnh, nội tâm hủ bại, đầy dục vọng, đó gọi là mục nát bên trong.
Khi ấy người chăn bò Nanda đứng cách Thế tôn không xa. Chàng tiến lại bạch:
- Bạch Thế tôn, con không đâm vào bờ này, con không đâm vào bờ kia, con không chìm giữa dòng, con không bị mắc cạn trên đất nổi, con không bị loài người nhặt lấy, con không bị phi nhân nhặt lấy, con không lọt vào xoáy nước, con không mục nát bên trong. Bạch Thế tôn, mong Thế tôn cho con được xuất gia với Thế tôn, được thọ đại giới.
- Này Nanda, hãy đem trả bò cho chủ của con đã.
- Bạch Thế tôn, chúng sẽ tự trở về. Các bò mẹ đang mong gặp lại chúng.
- Tuy vậy này Nanda, con hãy trả lui các con bò ấy cho những người chủ.
Nanda vâng lời dắt bò về trả cho chủ rồi trở lại bên Phật:
- Bạch Thế tôn, con đã trả lại những con bò. Hãy cho con được xuất gia với Thế tôn. Hãy cho con thọ đại giới.
Rồi Nanda, người chăn bò, được xuất gia với Thế tôn, được thọ đại giới. Sau khi thọ giới không lâu, Tôn giả Nanda sống một mình an tịnh, thân cảm được lạc thọ mà các thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình đã hướng đến. Vị ấy biết sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã được làm xong, không còn bị trói buộc vào đời này nữa. Tôn giả Nanda trở thành một vị A La Hán.
Nguồn ở đây


Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Hiểu đạo và tu đạo

Có hai anh em nhà nọ cùng xuất gia với đức Phật. Họ tu một thời gian thì từ từ tách nhau ra, mỗi người rẽ sang một lối khác biệt nhau. Người anh thì rất tinh tấn hành đạo, còn người em thì hết sức cố gắng hiểu đạo.

Sau một vài năm người thì chăm chỉ sớm tối, người thì chỉ lo nghiên cứu, cả hai đều có chỗ thành đạt. Người anh thì chứng quả A La Hán, người em thì đã thâm nhập ba tạng kinh điển của Phật pháp.

Tuy nhiên, người em thường cho là mình học rộng nghe nhiều, tự vỗ ngực khoe khoang tỏ ra thông minh, làm cho mọi người phải biết đến tên mình, cho rằng như thế mới là vinh dự. Khi người anh biết điều ấy rất lấy làm lo lắng cho em, cảm thấy sự thành công của em mình không có triển vọng tốt đẹp, nên có lần khuyên nhủ em rằng:

- Thân người khó được, gặp Phật tại thế cũng rất khó. Chính đức Phật đã có nói, cơ hội mất thân người thì ví như mặt đất mênh mông, còn cơ hội được thân người thì ví như chút bùn dính trên móng tay. Bây giờ hiền đệ đã có thân người, nên lấy việc tu hành làm trọng, việc tìm hiểu để sau, hiền đệ phải hết sức thận trọng chọn lựa việc ưu tiên mà làm.

Người em nghe nói thế không thấy anh mình có lý nên bỏ ngoài tai, còn bác bỏ rằng:

- Ðiều huynh nói, đệ nghĩ rằng không hẳn đã đúng. Ðệ cảm thấy sự hiểu biết về Phật pháp của đệ tuy chỉ như giọt nước trong biển cả, và tuy chưa vào được cốt tủy của đạo, song đã đi thì phải đi cho trót. Ðợi đệ tinh thông tam tạng giáo nghĩa, đảm nhiệm chức vị "thầy của trời người", sau đó tu hành cũng chẳng muộn.

- Nhưng đời người vốn vô thường ngắn ngủi, lỡ như hiền đệ chưa học xong tam tạng giáo nghĩa đã bị vô thường cuốn mất thì sao? Cho nên chuyện tu hành là chuyện cấp bách nhất!

Nhưng người em vẫn chấp chặt vào ý kiến của mình, không chịu nghe lời khuyên của anh. Không lâu sau, người em mắc phải một cơn bệnh quái dị, không có thuốc nào cứu chữa chỉ còn chờ chết. Biết là không thể nào thoát chết, người em vô cùng khiếp sợ nói với người anh rằng:

- Lúc trước tiểu đệ ngu si đui mù, không chịu nghe lời khuyên bảo của hiền huynh. Bây giờ đứng trước cửa tử, tu hành không kịp nữa rồi!

Người em nói mà nước mắt dàn dụa, xin lỗi anh và không lâu sau trút hơi thở cuối cùng. Người anh niệm tình anh em, bèn nhập định quan sát xem người em đầu thai đi về chốn nào. Khi thấy người em đã thác sinh vào nhà một ông trưởng giả, người anh bèn nghĩ đến chuyện cứu độ em.

Nhà của người trưởng giả ở gần một ngôi chùa, người anh về đấy tu để dò xét chờ đợi cơ hội cứu độ em.

Người em trong đời sống mới vừa lên ba tuổi, bèn được người anh quy y cho và dạy cho niệm Phật. Ðó là một đứa bé thông minh khéo léo, học đâu biết đó nên được mọi người yêu mến.

Khi nó được bốn tuổi, một hôm được bà nhũ mẫu bồng lên chùa trên núi thăm sư phụ. Chùa tọa lạc trên một ngọn núi cao, các bậc thang bằng đá thì khúc khuỷu gập ghềnh, bà nhũ mẫu bồng đứa bé trong lòng sơ ý vuột tay, đứa bé rơi xuống núi, máu đổ thịt rơi, thân hình tan tác, chết một cách thê thảm.

Trong ngay cái sát na nó lìa đời, trong tâm sinh khởi niệm ác, oán hận bà nhũ mẫu ôm mình không cẩn thận khiến cho mình gặp tai nạn như thế này. Vì cái niệm sân hận trong tâm đó nên chết rồi là đọa ngay xuống địa ngục.

Khi người anh biết được chuyện này, thương xót đứa em bất hạnh đã đành, nhưng ông còn nhập định xem nó thác sinh vào chốn nào. Bỗng nhiên trong định, ông thấy em mình đã rơi xuống địa ngục, bất giác than dài:

- Trong địa ngục khổ sở đến chừng nào, khó độ đến chừng nào! Chư Phật và chư Bồ Tát còn không cứu được, ta làm sao cứu được hiền đệ đây!

Phật pháp khó nghe, thân người khó đắc, mà một khi được rồi thì có được bao năm? Chúng ta phải nắm bắt thời cơ, cố gắng tu hành. Trong đạo Phật, hiểu đạo là chuyện cấp bách nhưng hành đạo quan trọng hơn. Tốt nhất là nên tu và học cùng một lúc, hành và giải phải coi trọng ngang nhau.
< St >




PHẬT GIÁO ĐỘ SANH

HT. Thích Thanh Từ
I. MỞ ÐỀ
Tất cả việc làm của Phật giáo đều tập chú vào lợi ích cho chúng sanh. Chúng sanh là đối tượng duy nhất của Phật giáo. Thế nên sự truyền bá của Phật giáo vì lợi ích chúng sanh. Nếu không vì lợi ích chúng sanh, sự truyền bá ấy là vô nghĩa lý. Chúng sanh ở đây là những người hiện có mặt, nghe hiểu được những lời giáo hóa. Chúng ta đừng hiểu chúng sanh là những âm hồn, những kẻ chết.

Nếu Phật giáo sống với kẻ chết, thực chất Phật giáo đã chết mất rồi. Thế mà gần đây có một số Tăng, Ni đưa Phật giáo đi vào cõi chết. Tăng, Ni xuất hiện đông đủ chỉ ở những đám ma chay. Phật sự quan trọng của Tăng, Ni là đưa ma cúng đám. Ðó là nét bi thảm đang xuất hiện trên hình ảnh Phật giáo Việt Nam. Cần nói một câu chính xác hơn: "Phật giáo độ sanh, không phải độ tử".Nếu ai cố tình đem Phật giáo vào cõi tử, chính là kẻ làm hoại diệt Phật giáo.

II. GIẢNG DẠY
Vì tính cách độ sanh nên những người truyền giáo có bổn phận hằng giảng dạy cho tín đồ thông hiểu Phật giáo. Mỗi ngôi chùa là một nơi giảng dạy kinh điển, mỗi buổi lễ là mỗi lần giảng dạy giáo lý. Có thế, người Phật tử mới biết rõ đường lối tu hành, mới thâm nhập được giáo lý cao siêu. Phật giáo đã tự hào có một kho tàng kinh điển dồi dào, mà người Phật tử kể cả Tăng, Ni, đa số dốt nát về giáo lý. Lỗi ấy tại ai?

Bởi sự truyền bá còn sơ sót yếu kém, chính Tăng, Ni phải chịu trách nhiệm. Sở dĩ có sơ sót này, vì Tăng, Ni bận quá nhiều thì giờ lo cho người chết. Một người chết, Tăng, Ni mất mấy ngày đêm có mặt tại tang gia, sau khi chôn cất xong, phải mất bao nhiêu ngày trong những lễ trai tuần. Nếu chùa có đôi ba ngàn Phật tử, thử hỏi Tăng, Ni còn thì giờ đâu lo tu học và truyền bá chánh pháp.
Quả là chúng ta làm lệch lạc trọng trách của mình. Việc đáng làm chúng ta lại không làm, việc không đáng làm chúng ta lại dồn hết thì giờ vào đó. Ví như người chết đã nằm cứng đờ trong quan tài, mà ba bốn vị Tăng, Ni có khi nhiều hơn, thường trực tụng kinh cho họ nghe, thử hỏi đã nghe được những gì?
Ðúng theo tinh thần Phật giáo, người chết sau khi tắt thở tùy nghiệp thiện ác theo đó đi thọ sanh, có ai còn lẩn quẩn bên quan tài để chúng ta tụng kinh cho họ nghe. Việc làm này quả thật không đáng, mà chúng ta tốn nhiều thì giờ. Vì thế, việc tối quan trọng là giảng kinh dạy đạo, chúng ta phải bê tha đi. Nếu thật người chân chánh xuất gia, chúng ta phải điều chỉnh lại, đừng để đi mãi trên con đường sai lầm như thế. Chúng ta hằng nhớ trọng trách của mình là phổ biến chánh pháp lợi ích quần sanh, không phải vì tụng cúng để được lòng Phật tử.

III.- DỊCH KINH VIẾT SÁCH
Kinh điển Phật giáo hiện giờ chưa được phiên dịch hết ra chữ Việt. Thế là trọng trách Tăng, Ni còn nặng nề biết mấy. Những bản kinh chữ Phạn, sang Trung Quốc người ta đã phiên dịch thành chữ Hán. Tạng kinh chữ Hán có mặt ở Việt Nam khá lâu rồi, Tăng, Ni Việt Nam chưa phiên dịch được một phần mười (1/10). Cho đến những nghi lễ tụng niệm hằng ngày cũng vẫn đọc theo phiên âm chữ Hán, quả là một thiếu sót to tát của Phật giáo Việt Nam.

Tại sao Tăng, Ni không dồn hết thì giờ của mình trong việc học tập để phiên dịch kinh điển? Bởi vì Phật tử đòi hỏi việc đưa ma cúng đám, Tăng, Ni mới thiếu thì giờ học tập. Tăng, Ni là người hướng dẫn Phật tử, tại sao chúng ta mãi để những đòi hỏi không đáng, làm mất thì giờ vàng ngọc của người tu? Chính tại Tăng, Ni không gan chẳng dám nói thẳng, sợ mất cảm tình, khiến tệ đoan càng ngày càng thêm.
Ðâu những thế, có một thiểu số Tăng, Ni lại bày biện đủ cách rối ren, khiến đã mất thì giờ lại thêm mất thì giờ. Những kẻ này bề ngoài xem dường như thương Phật pháp, kỳ thật họ lợi dụng Phật pháp làm kế sanh nhai. Người Phật tử dốt nát không biết, thấy bày biện chừng nào lại càng thích chừng ấy, quả thật kẻ mù dắt đám mù. Kinh điển là những phương thuốc độ đời, Tăng, Ni là người chịu trách nhiệm truyền bá, mà không dồn hết thì giờ học tập phiên dịch, thật là trái với bổn phận biết bao. Tổ tiên chúng ta khi xưa học chữ Hán, nên Tạng kinh chữ Hán vốn không có gì khó khăn. Hiện nay chúng ta học chữ Việt, Tạng kinh chữ Hán là một cổ ngữ không làm sao đọc được. Tăng, Ni hiện nay không cố gắng dịch ra chữ Việt, vô tình chúng ta để giáo lý chết khô và chôn sâu trong các tủ kinh nhà chùa.

IV. THỌ CÚNG DƯỜNG
Khi xưa Phật còn tại thế, nếu Phật tử muốn thỉnh Phật và Tăng chúng cúng dường, Phật đều thọ nhận. Ðúng giờ thọ trai, Phật và chúng Tăng mới đến, nghỉ ngơi giây lát rồi thọ trai. Thọ trai xong, trong gia quyến tụ họp ngồi chung quanh đức Phật, Ngài vì gia quyến thuyết pháp, thuyết pháp xong, Phật vì gia quyến chúc lành, đứng dậy ra về. Thế thì người cúng dường vì Phật và Tăng chúng mà cúng, người thọ cúng dường cũng vì gia chủ hiện tại mà thọ. Phật thuyết pháp chúc lành cũng vì người sống hiện có mặt, đúng là ý nghĩa độ sanh. Ngày nay chúng ta lại khác, gặp ngày tuần, ngày giỗ của cha mẹ, Phật tử thỉnh Tăng, Ni cúng dường. Tăng, Ni thọ trai xong, vì người chết tụng một biến kinh cầu nguyện, cầu nguyện xong ra về. Như vậy, người cúng dường vì kẻ chết mà cúng, người thọ cúng dường cũng vì kẻ chết mà cầu nguyện.

Cả hai điều vì người chết , quả là Phật giáo độ tử, đâu còn là nghĩa độ sanh. Tăng, Ni đến nhà không có lợi ích gì cho người hiện tại hết, chỉ cầu lợi ích cho kẻ quá cố, song người quá cố chắc gì có mặt ở đây, nếu người quá cố đã thác sanh nơi nào rồi, việc làm này có phải viển vông không thiết thực chăng? Tại sao chúng ta không giữ theo nếp xưa, thực hành đúng tinh thần cúng dường Phật và Tăng chúng thuở trước, để ý nghĩa độ sanh được vẹn toàn, sự lợi ích cụ thể thiết thực tròn đủ trăm phần? Trước đã quá hay, tại sao nay chúng ta lại bỏ? Nay thật dở, tại sao chúng ta lại theo? Ở đây, chúng ta cần chỉnh lại, đừng để đưa Phật giáo vào cõi chết, gây thêm mê tín cho Phật tử, trái với đạo lý giác ngộ chân thật của đức Thích-ca.
Hơn nữa, khi xưa đức Phật thuyết pháp cho dân chúng nghe, nhân nghe pháp dân chúng liền cúng dường cơm, Phật không thọ nhận. Phật cho nhận như thế là nhờ giảng dạy nên có cơm ăn, không phải do lòng chân thành phát tâm cúng dường của Phật tử. Ngày nay tại sao chúng ta đi tụng kinh cho Phật tử để được cúng cơm cúng tiền, hoan hỉ thọ nhận? Làm thế có phải đi tụng kinh thuê chăng? Có trái với tông chỉ của Phật ngày xưa không? Ngày xưa, đức Phật cao cả thanh bạch đến thế, ngày nay chúng ta ti tiện thấp hèn lắm vậy. Ðây cũng là một điều chúng ta phải lưu tâm chỉnh đốn lại, đừng để những tệ tục cứ dắt mãi chúng ta trong đường mê tối. Thậm chí hiện nay có một ít Tăng, Ni đến tận nhà Phật tử dùng đủ lời lẽ để quyên tởi, thật đau lòng thay! Ðạo lý nào dạy những điều ấy?

V. DĨ HUYỄN ÐỘ CHÂN
Hoặc có người nói những việc cúng đám ma chay cho các Phật tử chẳng qua "dĩ huyễn độ chân", nhân cơ hội tang gia bối rối, chúng ta đến với họ để có cảm tình dẫn dắt họ vào đạo. Nhưng xin đặt câu hỏi, nếu vì cảm tình đến với đạo, mai mốt mất cảm tình thì sao? Chủ trương đạo Phật là tự giác tự nguyện, nếu không vì lẽ tỉnh giác đến với đạo, người ấy vẫn chưa xứng đáng là Phật tử. Huống chi, vì chiều theo cảm tình của họ, Tăng, Ni mất hết giá trị cao thượng, thanh nhã của mình, được đôi ba người Phật tử, mà người truyền giáo mất hết giá trị, thử hỏi việc ấy có đáng làm không? Chúng tôi đồng ý, nếu cần Tăng, Ni đến đám ma đám tuần tại nhà Phật tử, song với điều kiện tang gia thân quyến tụ họp lại, để nghe Tăng, Ni giảng một thời kinh, xong rồi hồi hướng công đức cho người chết, Tăng, Ni ra về. Như thế, khả dĩ nói "dĩ huyễn độ chân" được. Bởi vì nhân người chết, chúng ta giáo hóa kẻ sống cho hiểu đạo lý. Ðám tuần, ngày kỵ đều nên tổ chức như thế, việc làm này không trái với chánh pháp.

Hoặc có người nói Phật giáo từ bi, khi giáo hóa kẻ dương là nghĩ đến người âm, muốn làm sao cho âm dương lưỡng lợi, mới đầy đủ lòng từ. Chúng tôi đồng ý lẽ này, nhưng trong chùa trước khi thọ trai, Phật dạy Tăng, Ni phải cúng chim đại bàng, quỉ la-sát và các quỉ thần, không phải vì kẻ âm là gì? Mỗi chiều ở chùa hầu hết đều dùng nghi Mông Sơn để cúng cô hồn, đâu không phải vì kẻ âm. Hằng đêm ở chùa hai thời công phu, Tịnh độ sau đó đều phục nguyện "âm siêu dương thới", còn gì không đủ lòng từ bi. Nếu Phật tử có lòng hiếu thảo muốn cầu nguyện cho thân nhân, cứ đến chùa vào những thời công phu, Tịnh độ, Tăng, Ni sẽ vì thân nhân họ cầu nguyện cho. Có thế, không mất thì giờ tu hành của Tăng, Ni, Phật tử cũng được mãn nguyện.
Biết tôn trọng những bậc thầy hướng dẫn mình mới gọi người ấy biết đạo đức, vì việc riêng của mình, để bậc thầy mình mất hết giá trị cao thượng, là đạo đức chỗ nào? Sự hướng dẫn không khéo cả thầy lẫn trò làm việc vô nghĩa, còn chuốc lấy sự đau khổ là khác. Khi Phật còn tại thế, chúng ta có nghe Ngài đi đưa đám lần nào đâu. Cho đến chư Tỳ-kheo môn đồ của Phật, cũng không nghe đi đưa đám lần nào. Tại sao chúng ta hiện nay, cứ bận rộn đám ma đám tuần mãi. Thế là chúng ta đã đi đúng đường Phật hay đã sai rồi, cần phải vận dụng công tâm xét lại điều này. Bởi Tăng, Ni xuất hiện trong xóm làng đều do nhà có ma chay, nên bất thần Tăng, Ni đến nhà người nào họ liền ghét sợ, coi như một điềm bất tường sắp đến cho gia đình họ. Thật là ngày xưa xem "một vị Tăng đến là một ông Phật lại", ngày nay thì ngược lại. Thử hỏi còn gì hổ thẹn cho bằng?

VI. KẾT LUẬN
Chủ yếu Phật giáo độ sanh một cách thiết thực, người môn đồ Phật giáo phải thấy rõ điều này. Tất cả hành động, mọi cuộc tổ chức đều nhằm thẳng giáo hoá chúng sanh, bằng con đường từ bi giác ngộ. Ðem hạt giống từ bi giác ngộ gieo rắc trong lòng mọi người là truyền bá đạo Phật. Ngược lại, đem tình cảm mê tín gieo rắc trong lòng tín đồ, thử hỏi đây là truyền đạo gì? Vì giải thoát cho mình cho chúng sanh, nên chúng ta đi tu, tại sao chúng ta trở thành kẻ chiều chuộng phục vụ tín đồ để được cơm ăn áo mặc?

Quả là điều sai đạo lý không hợp với chánh pháp, chúng ta phải gan dạ đập tan những tập tục sai lầm ấy, đem lại con đường tu hành cao thượng thanh bai cho chính mình và huynh đệ mai sau. Trọng trách của chúng ta không phải đóng khung trong một nhóm bổn đạo, mà phải đem đạo giác ngộ giải thoát lại cho toàn thể chúng sanh. Làm được như vậy mới đúng tinh thần Phật giáo độ sanh.