Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Vài câu hỏi đáp


Hỏi: Xin cho biết làm thế nào sống được với những niềm đau nỗi khổ do hoàn cảnh đem đến?

Đáp: Cuộc sống là một chuyển dịch, biến đổi không ngừng, luôn mới mẻ và bất ngờ. Chính vì “cái tôi” mà con người luôn bám chấp vào tài sản, địa vị, tình cảm, truyền thống, tập quán… như là một điều gì đó cố định, thường hằng nên khi đối diện với những biến chuyển mới mẻ và bất ngờ như thiên tai, bệnh tật, tai nạn, mất mát tài sản, địa vị…, con người đâm ra đau khổ vì không ứng phó kịp thời với những chuyển biến đầy bất ngờ nói trên. Hoàn cảnh chỉ là một biến chuyển của cuộc sống, nó không mang đau khổ đến cho con người, mà là vì con người bám chấp nên con người đau khổ.


Do vậy, vấn đề không phải là sống được với những nỗi khổ niềm đau do hoàn cảnh mang đến, mà là vì không thấu hiểu, không bắt kịp với nhịp sống nên mới đau khổ. Và nếu lỡ đau khổ thì sao? Con người cũng có thể chấm dứt khổ đau bằng việc quan sát ngay chính nỗi khổ để thấu hiểu nỗi khổ khi nó vừa khởi lên trong tâm thức của mình, nó đã bám víu từ những định kiến nào?

Hỏi: Ta phải sống như thế nào để những nỗi khổ niềm đau không xuất hiện trong cuộc đời chúng ta, trong khi trăm người ngàn ý?

Đáp: Con người sống trong dòng chảy với tất cả các đặc tính của dòng chảy và ai ai cũng đều tích chứa quá nhiều hình ảnh, hình ảnh về chính mình và người khác. Con người đã sử dụng những hình ảnh này khi giao tiếp quan hệ với nhau; chính những hình ảnh này đã tạo ra xung đột, đau khổ. Nếu như không có hình ảnh thì chẳng có vấn đề nào xảy ra trong sự tương giao. Vì con người sống không tỉnh giác nên khi thấy, nghe, tiếp xúc đều thông qua hình ảnh; cũng vì có sẵn hình ảnh nên mới phản ứng, đôi khi phản ứng một cách mạnh mẽ vì cố chấp vào định kiến, cho mình là đúng; còn như nếu có làm gì sai trái, tức khắc con người sẽ đổ thừa cho hoàn cảnh hoặc biện minh cho sự sai trái của mình dưới nhiều hình thức. Chính vì vậy mà cuộc sống luôn đảo điên, đảo điên từ trong tâm thức con người, phóng hiện ra gia đình và xã hội…

Thực tại hay còn gọi là pháp Chân đê
Nếu như con người thường xuyên tỉnh giác thì khi nghe, thấy, tiếp xúc, sẽ không tạo ra hình ảnh để phản ứng. Thấy như là thấy, nghe như là nghe. Thấy, nghe như nó đang là và từ sự tỉnh giác, sáng suốt, nó có hành động của riêng nó, hợp lý (đối với cuộc sống, chứ không theo tư ý, tư dục của con người), lành mạnh, trong sáng, không bao giờ mâu thuẫn, xung đột. Và với người thường xuyên tỉnh giác, theo Krishnamurti, sẽ không có thách thức. Như vậy, nếu con người thường xuyên tỉnh giác, sẽ chẳng có vấn đề gì thuộc về tâm lý để giải quyết.

Hỏi: Tại sao con người lại sống rất mâu thuẫn, muốn hạnh phúc mà khi gần nhau lại tạo cho nhau những niềm đau, sự ganh tị, thị phi, nói chung là gây đau khổ cho nhau? Vậy phải làm sao?

Đáp: Vì con người muốn hạnh phúc phải là hạnh phúc cho riêng mình, vì mình. Cái hạnh phúc mà con người cần là sự thỏa mãn “cái tôi”, “cái của tôi” như nhà của tôi, vợ chồng, con cái của tôi, tài sản, địa vị của tôi, kiến thức của tôi, lý tưởng của tôi… Con người luôn muốn mình hơn người khác hoặc làm thế nào hơn người khác. Sự thỏa mãn cho tham vọng này được con người hiểu lầm là hạnh phúc. Trên con đường để đạt đến sự thỏa mãn này thì đối tượng (cái của tôi) là quan trọng còn tình người hoàn toàn bị bỏ quên mất. Tất cả những quan hệ tương giao của con người với nhau, bất kể người đó là ai, một cách thô thiển hay vi tế, chỉ là để thỏa mãn “cái tôi”, nên đương nhiên là phải ‘tặng’ cho nhau niềm đau nỗi khổ.


Tóm lại, việc làm khổ đau cho nhau không vì ở xa hay ở gần mà chính là cách sống. Biết bao nhiêu người ở xa nhau cũng làm khổ nhau đó thôi. Nếu như trong cách sống của mình mà không có “cái tôi” chỉ huy trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày thì mới thực sự có hạnh phúc cho mình và cho người khác. Vì thế, lắng nghe, chợt lắng nghe chính mình từng giây phút trong cuộc sống là việc tối cần thiết nếu muốn sống hạnh phúc, muốn sống có tình người.

Hỏi: Giữa người danh tiếng, giàu sang, thượng lưu, trí thức với người nghèo không danh tiếng có gì giống nhau và khác nhau?

Đáp: Những thể hiện bên ngoài như giàu có, nghèo nàn, thông minh, đần độn, khéo léo, chậm chạp…chỉ mang tính cách hời hợt còn tận nền tảng con người đều đau khổ, sợ hãi, lo âu… như nhau, chỉ khác là người khổ chuyện này, kẻ khổ chuyện kia, người khổ lúc này, kẻ khổ lúc khác. Con người thường cho rằng, người này khổ ít, kẻ kia khổ nhiều nhưng sự thật chỉ có khổ, không có chuyện khổ ít hay khổ nhiều. Chỉ có một nỗi khổ phổ quát, là điểm chung đồng của mọi người. Hãy lắng nghe chính mình, sẽ thấy rõ điều đó.


Tất cả mọi người đều tích chứa kiến thức, kinh nghiệm, truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng, tập quán… và con người sử dụng cái quá khứ này để ứng xử trong quan hệ tương giao trong lĩnh vực tâm lý nên họ khổ đau như nhau, đó là nỗi đau thời gian.

Con người khác nhau ở chỗ là người hiểu biết (người thường xuyên thấu hiểu chính mình) và người không hiểu biết (không biết chính mình, cuộc sống luôn bị chi phối bởi “cái tôi” muôn mặt). Có thể người nghèo, không có danh tiếng là người hiểu biết và người danh tiếng, giàu có, thượng lưu, trí thức vẫn là người không hiểu biết hoặc ngược lại. Tùy cách sống mỗi người mà được xem là hiểu biết hay không hiểu biết.

Hỏi: Chúng ta nghĩ gì về vấn đề bạo hành càng ngày càng gia tăng trong nhà trường?

Đáp: Con người vốn đã bị huân tập sâu dày về tính tham lam, sân hận biểu hiện qua sự nhẫn tâm, bạo hành, sợ hãi… Khi chào đời, con trẻ chẳng may gặp cha mẹ không tự biết mình, không biết lắng nghe chính mình và lắng nghe người khác trong đó có con mình. Lớn lên khi vào trường học, gặp thầy-cô là những người có thể không biết lắng nghe chính mình, không biết lắng nghe và tìm hiểu để hướng dẫn học trò, mà lại dùng uy lực nhân danh thầy-cô để dạy dỗ con trẻ, thậm chí dùng đến kỷ luật để răn đe. Từ môi trường chung quanh cộng với sự huân tập nơi tự thân đứa bé, đã xui khiến trẻ con đi đến vấn đề bạo hành, chẳng những bạo hành ở gia đình, nhà trường mà còn lan rộng ra đến xã hội và đưa đến chiến tranh.


Do vậy, điều quan trọng là thầy-cô giáo, các bậc cha mẹ phải có sự kiên nhẫn lắng nghe những tinh nghịch, quậy phá, phản kháng của con trẻ, đặc biệt là những phản ứng của riêng mình. Phải biết chơi đùa với trẻ, về mặt tâm lý như những người bạn để hướng dẫn con trẻ. Phải biết quan tâm, thương yêu trẻ, tôn trọng trẻ, không biến con trẻ thành một công cụ để cha mẹ thể hiện những khao khát, tham vọng chưa thực hiện được của mình và tưởng lầm đó là tình thương của cha mẹ.

Hỏi: Trong một gia đình cần có yếu tố gì mới được gọi là gia đình hạnh phúc?

Đáp: Gia đình là một tổ chức, mọi thành viên trong gia đình cần phải biết hợp tác hơn là dùng uy lực của người chồng, người cha, người vợ, người mẹ… Cũng vậy, con trẻ không dùng áp lực của mình đối với ông bà cha mẹ để yêu sách đủ điều do được cưng chiều. Điều quan trọng là mỗi thành viên trong gia đình phải biết lắng nghe chính mình, có lắng nghe chính mình thì mới có thể lắng nghe những thành viên trong gia đình; nhờ vậy mọi người sẽ không giấu kín những ẩn ức trong nội tâm, họ mới có thể ngồi lại trao đổi những khó khăn mỗi khi các thành viên trong gia đình gặp phải.


Cần thiết là phải biết bình tĩnh để nêu lên những thắc mắc riêng tư của mình với những người trong gia đình. Khi tất cả đều biết lắng nghe chính mình và lắng nghe các thành viên khác tâm sự thì lúc đó mọi việc sẽ được sáng tỏ, nhẹ nhàng và mọi người chẳng còn bận tâm, bận trí để hờn giận nhau hay gây gỗ xung đột. Có được như vậy thì gia đình đó mới được gọi là hạnh phúc.

Bạn có để ý điều này không, có khi chuyện của người khác, không liên quan gì đến gia đình mình; chuyện của người ta, vậy mà mình đem vào nhà để bàn cãi dữ dội đến nỗi dẫn đến xung đột, gây gỗ. Chỉ vì không biết lắng nghe chính mình mà chúng ta đã tự đem “lửa” vào nhà. Do vậy yếu tố duy nhất của một gia đình được xem là hạnh phúc thật sự khi các thành viên biết lắng nghe lẫn nhau.

Hỏi: Lòng tin là gì? Động cơ đòi hỏi lòng tin trong nếp sống thời hiện đại?

Đáp: Lòng tin là sự khẳng định một cách mạnh mẽ vào một điều gì đó - có hay không có - mà mình hoàn toàn không thấy, không nghe, không cảm nhận được một cách trực tiếp, cụ thể. Lòng tin hoàn toàn khác với sự tỉnh thức. Tỉnh thức là cảm nhận, thấy, nghe trực tiếp một sự kiện cụ thể đang xảy ra với các thấu hiểu thường nghiệm. Đỉnh cao của tỉnh thức là những khoảnh khắc tỉnh giác, mà về mặt tâm lý, toàn bộ nội dung của ý thức được quét sạch, trong khi đó lòng tin là một nhân tố được nhồi nhét thêm vào tâm trí con người vốn đã nặng trĩu những kinh nghiệm, kiến thức, xung đột, lo âu, buồn khổ…


Động cơ đòi hỏi lòng tin chính là sự khao khát muốn được an toàn do sợ hãi sự trống vắng ở nội tâm. Do vậy, lòng tin là một trong những trở ngại lớn nhất ngăn cản sự tỉnh giác nơi mỗi người. Người được gọi là hiểu biết là vì họ thấy, nghe, cảm nhận rất rõ ràng sự việc nên họ chẳng cần lòng tin.

Hỏi: Khi mình chết tâm mình ở đâu?

Đáp: Ý của bạn là muốn nói đến cái chết của thân xác phải không? Đây là nỗi bâng khuâng của đại đa số con người từ ngàn năm trước và có lẽ đến ngàn năm sau. Tại sao con người đặt ra câu hỏi này? Có phải do con người quá ư đau khổ ? Và con người vì không biết cách nào thoát ra khỏi nỗi khổ mà họ đang phải chịu đựng cho nên có người buông xuôi mặc kệ, sống hưởng thụ tới đâu thì tới. Có người muốn kiếp sau thành cây cỏ “Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Có người cố gắng tu để chết không phải xuống địa ngục, ráng làm phước để sau khi chết được sanh lên cõi trời, chờ ở đó để tái sinh kiếp sau sống sung sướng. Có người tin tưởng sau khi mình chết sẽ lên thiên đàng. Có người chạy đi tìm chân lý. Có người tự an ủi mình qua một niềm tin nào đó để cố sống vui trong kiếp đời ngắn ngủi, vô thường. Nhưng sự thật thì sao ?


Tất cả vạn vật, sinh vật trong đó con người đều chịu chung một qui luật tự nhiên là sanh, lão, bệnh, tử. Khi chết đi tất cả thân xác đều trở về cát bụi.
Còn phần tâm thức đi đâu? Ở đâu? Dòng chảy tâm thức con người vẫn còn đó! Dòng chảy này chính là dục vọng, tham lam, sân hận, âu lo, buồn khổ, sợ hãi v.v… Dòng chảy tự thể hiện ra con người và nó cứ tiếp tục trôi chảy và trôi chảy. Mỗi con người đều là đại diện của dòng chảy này với tất cả đặc tính: tham lam, sân hận, sợ hãi…Tất cả đều đau khổ như nhau. Vậy mà khi ông X khổ thì ông X thốt lên với tính cách của một cá nhân rằng : “Tôi là người khổ nhất trên đời, tôi là người bất hạnh nhất trên đời”, hoặc khi lâm vào hoàn cảnh túng quẩn, khó khăn, để tự an ủi, ông X nhủ thầm : “Nhìn lên mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống không ai bằng mình”. Lời thốt lên hay nhủ thầm của ông X, tất cả chỉ là ảo tưởng vì nó được hình thành từ cái tâm thức cá nhân riêng lẻ. Những ảo tưởng này rất vi tế , khó nhận ra.

Thí dụ một cách đơn giản như vầy, cái TV của tôi hư không còn sử dụng được nên tôi cho người thợ sửa TV. Ông thợ này sẽ rã nó ra, bộ phận nào còn xài được, ông ấy có thể thay thế cho bộ phận hư của TV khác hoặc phụ tùng nào có thể còn sử dụng được, tùy nhu cầu và điều kiện, ông thợ cũng dùng vào những gia dụng khác, còn bộ phận nào không xài được, ông ấy có thể tái chế v.v…
Con người cũng thế, sau khi mình chết đi, tùy nhân duyên và điều kiện mà sự sống chuyển dịch thể hiện ra. Không có chuyện sự tái sinh là một thực thể bất biến, nghĩa là con người đó đi từ kiếp này sang kiếp khác với một tâm thức cá nhân đổi thay riêng biệt mãi mãi như vậy, cho đến khi trở thành một bậc Giác Ngộ.

Nếu như câu hỏi được đặt lại : “Khi tâm thức mình chết đi thì nó ra sao ? ”

Cái chết của thân là lẽ tự nhiên. Còn cái tâm thức tham lam, sợ hãi… của mình mà chết đi thì sao? Đây chính là điểm mà con nên chú ý, nên quan tâm. Chính khi đó mới thật sự có tái sinh đúng nghĩa . Ngay khi đó tâm thức sẽ chuyển hóa và trở nên sáng suốt, bén nhạy, sinh động và bạn có thể gọi đó là tâm trí. Bạn hãy thử một lần chết xem sao? Bạn sẽ thấy ra những u mê, trói buộc, nô lệ…của truyền thống, những đạo đức giả mà xã hội đã áp đặt cho con người, sẽ chết ngay tức khắc.


Hỏi: Có phải do tham sống sợ chết nên người ta sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để bản thân được sinh tồn. Nhưng con người quên một điều là nhờ cộng sinh nên mới tồn tại, phải biết chia sẻ giúp đỡ nhau mới có sự sống. Vậy phải làm sao để ai cũng biết sống hòa đồng đừng vì lợi ích riêng tư ? 

Đáp: Không phải làm sao hết! Bản chất dòng chảy có nhiều thứ trong đó có tư lợi. Bạn biết rồi đó, con người do dòng chảy tự thể hiện nên luôn sống vì mình, vì tư lợi của mình thôi. Nói ra nghe lòng quặn đau nhưng đó là sự thật.


Vấn đề không phải là làm sao cho người khác hiểu để sống mà là chính bản thân mình đây, chính mình phải quay lại với mình và thường xuyên lắng nghe, quan sát những suy nghĩ, nói năng và hành động của mình trong sinh hoạt hàng ngày.

Khi có tỉnh giác với lắng nghe hay quan sát thì đời sống mới có trật tự (không có mâu thuẫn, xung đột) và khi đời sống mình có trật tự thì thế giới chung quanh mình ít nhiều cũng có ảnh hưởng.

Hỏi: Hiện nay trong giới trẻ vị thành niên và thanh niên có hiện tượng buồn chán. Nguyên nhân ? Cách giải quyết ?

Đáp: Thời nào cũng có các em vị thành niên hay thanh niên buồn chán; không những thanh niên, vị thành niên buồn chán mà ngay cả người lớn, họ cũng buồn chán không thua gì. Họ là những con người mà con người thì ham muốn đủ thứ, không toại nguyện thì đâm ra buồn chán. Hay có những em được cha mẹ chăm sóc quá chu đáo, được hưởng nhiều tiện nghi cũng khiến các em đâm ra nhàm chán. Con người muốn luôn được đổi mới, muốn khác đi, đó là tiến trình thời gian. Chính thời gian tâm lý này là nguyên nhân đau khổ. Và muốn thoát được nỗi khổ chỉ có một phương duy nhất là chấm dứt thời gian tâm lý bằng sự tỉnh giác.


Hỏi: Cuộc sống độc thân có gì hay hơn cuộc sống có gia đình ? Và ngược lại ?

Đáp: Sao bạn lại so sánh ? Bạn muốn biết cuộc sống nào sung sướng hơn để bạn chọn phải không ? Khi bạn còn chọn lựa, điều này chứng tỏ bạn đang bối rối, mà bối rối thì chọn điều gì cũng không đúng. Khổ đau hay hạnh phúc là tự nơi tâm trí mình sống, nghĩa là có tỉnh giác hay không, tự mình có thấu hiểu vấn đề khi nó đến với mình hay không chứ không phải do hoàn cảnh đâu bạn ạ.


Hỏi: Thế nào là đắc đạo ?

Đáp: “Đó là thuần thục việc quan sát chính mình”. Người đạt đạo là người thường xuyên biết mình. Thí dụ : Bạn đang cười thì bạn tự biết đang cười, bạn khóc cũng tự biết đang khóc, bạn hờn giận ai bạn cũng phải thấy rõ trong lòng bạn đang hờn giận.


Bạn chỉ thấy nó như vậy thôi, đừng gọi nó là tốt, xấu, phải quấy, đúng sai gì hết. Chỉ quan sát nó như khi quan sát rác rưởi, lục bình… đang trôi chảy trên dòng sông vậy. Ngay tíc tắc đó bạn đang đắc đạo, và bạn cũng chẳng cần quan tâm đến việc đắc đạo hay không đắc đạo nữa. Ngược lại, những lúc bạn không biết mình, bạn sẽ chìm đắm trong buồn khổ mãi vậy thôi.

Hỏi: Ngồi thiền mỗi ngày có liên quan đến giác ngộ không ?

Đáp: Ngồi thiền mỗi ngày theo một phương cách nào đó để tăng cường sức khỏe, giúp cho hệ thần kinh và não bộ hoạt động hiệu quả là điều cần thiết, đáng được khích lệ. Tuy nhiên việc ngồi thiền mỗi ngày theo một phương pháp được hướng dẫn không liên quan gì đến giác ngộ vì giác ngộ mang tính đột phá, tức thời khi thời gian tâm lý (cái tôi) chấm dứt; và bậc giác ngộ là người đã thấu hiểu mọi ngõ ngách sâu kín của “cái tôi” qua cái thấy tức thời, bất chợt của tỉnh giác.


Thảo luận với các nhà khoa học , Krishnamurti cho biết, khi toàn bộ thời gian tâm lý trong não được quét sạch qua những khoảnh khắc quan sát, lắng nghe, não tự đổi mới - không phải mới đối với cũ mà là não trở về cội nguồn nguyên thủy của chính nó, nên não không còn là của cá nhân hay của riêng ai. Não trở nên sinh động, mới mẻ vì đã tái sinh, trong đó không có cái đã là, cái sẽ là, mà chỉ có cái đang là.

Trong thiền tỉnh giác (quan sát, lắng nghe), 4 tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi đều có giá trị như nhau; không có gì khác biệt giữa tọa thiền và sinh hoạt hàng ngày, vì tọa thiền cũng là một phần của đời sống như ăn uống, ngủ nghỉ, tập thể dục… Khi bạn có khuynh hướng thiên lệch, đặt nặng vào một tư thế đặc biệt như tọa thiền, điều đó chứng tỏ bạn đang bị sai sử bởi động cơ có mục đích tâm lý là muốn đạt được hay kéo dài một trạng thái nào đó như tỉnh giác chẳng hạn, trong khi thiền tỉnh giác thì không có động cơ hay mục đích.

Bạn thích tọa thiền thì cứ tọa thiền, không thích thì thôi; tất cả không có gì là sai trái cả. Vấn đề là chúng ta có thường xuyên thiền trong 4 tư thế nghĩa là trong sinh hoạt hàng ngày hay không, đó mới thực sự là điều tối quan trọng. Nếu bạn thường cảm nhận mọi diễn biến chung quanh bạn như: sự yên lặng của không gian, tiếng ồn, tiếng xe chạy, ánh sáng, người đi đường, nóng , lạnh… và nhất là cảm nhận dòng chảy trong tâm của bạn luôn suy nghĩ, nói và nói…Lúc đó, có thể bạn sẽ bất chợt cảm nhận được “cái đang là” – bản chất đích thực của sự sống.

Hỏi: Tại sao con người không sống với nhau một cách vô tư mà lại có tính toán ?

Đáp: Tư lợi là một trong những đặc tính của dòng chảy mà con người đang ở trong đó. Vì tư lợi nên con người mới so đo tính toán: được, mất, hơn, thua trong quan hệ tương giao. Qua sách vở, qua kinh nghiệm bạn thấy tính toán là một việc không tốt, nó đánh mất tình người nên bạn có ý nghĩ là nên sống vô tư. Đây phải chăng là một lý tưởng cần phải thực hành cho được ?


Bạn có để ý rằng khi mình sống với cái lý tưởng “vô tư” (cái sẽ là theo ý mình) thì chắc chắn sẽ có xung đột giữa lý tưởng và hiện trạng đang có của mình là sự tính toán. Chính xung đột này sẽ gây ra sự khó chịu, bất an trong lòng bạn, phải không ? Vì vậy bạn không cần phải nuôi dưỡng cái lý tưởng không thực ấy. Cái thực là cái đang hiện diện. Bạn chỉ cần đối diện, lắng nghe cái thực này, tức khắc sự tính toán sẽ chấm dứt mà không có một chút xung đột nào trong lòng bạn. Chấm dứt tính toán thì vô tư xuất hiện một cách tự nhiên không cần cố gắng.

Hỏi: Con người biết rằng thời gian sống với nhau rất là ngắn nhưng tại sao không trân trọng những giây phút sống gần nhau mà phải đợi đến lúc người thân quen chết đi rồi, mình mới hối tiếc ?

Đáp: Vì con người không biết trân trọng chính mình nên đương nhiên là không trân trọng người khác. Trân trọng chính mình không phải là sống ích kỷ, vì mình. Sự trân trọng này mang một ý nghĩa sâu xa là thấu hiểu. Thí dụ: Khi trong lòng bạn đang tức giận ai đó mà bạn chịu ngồi lại với nỗi tức giận đó của bạn, sống trọn vẹn với nó như một người bạn thân thương, tức khắc có sự chuyển hóa. Chính lúc đó là bạn đang trân trọng với chính bạn, đồng thời bạn đang trân trọng với người khác, bởi vì lúc đó bạn đang sống trong tình người.

Bạn hãy thử suy nghĩ một chút, khi người thân của bạn ra đi, bạn có hối tiếc chăng? Nhưng tại sao bạn hối tiếc và bạn hối tiếc cho ai ?

Hỏi : Có cần phải quan sát liên tục không ?

Đáp: Vì sao bạn muốn quan sát, lắng nghe liên tục? Có phải vì “cái tôi” của bạn nó có kinh nghiệm về việc quan sát nên nó thì thầm từ trong sâu thẳm với bạn rằng : “Lắng nghe đi bạn, quan sát đi bạn, cứ tiếp tục như thế, bạn sẽ khỏe ru ”. Bởi vậy khi bạn quan sát, bạn sẽ thấy cái động cơ thúc đẩy, nó được ẩn mình, giấu kín trong khi mình suy nghĩ, nói năng hay hành động. Thí dụ : Bạn đi học hát, bạn có lắng nghe thật sự cái gì nó thúc đẩy bạn đi học hát không ? Thật sự lắng nghe đi. Bạn hãy lắng nghe động cơ này bạn ạ. Lắng nghe động cơ là một phần của đời sống, không thể bỏ qua. Thấy động cơ là điều cực kỳ quan trọng.


Hỏi: Trong cuộc sống, tại sao con người không dám đối diện với sự thật mà họ lại thích sống trong ảo tưởng ?

Đáp: Đơn giản thôi, vì sự thật đem lại sự thấu hiểu chứ không phải đem lại khoái lạc cả về vật chất lẫn tinh thần nên con người luôn lẩn trốn sự thật và thích sống trong ảo tưởng vì ảo tưởng kích thích khoái lạc. Do vậy mà rất nhiều pháp môn phương tiện ra đời là nhằm để thỏa mãn khoái lạc cho nên con người cứ mãi trôi nổi trong dòng chảy.


Hỏi: Căn cứ vào đâu để ta sống đúng với bản thể vô ngã ? Có đôi khi người ta lợi dụng sự sống vô ngã để làm chuyện xấu thì sao ?

Đáp: Câu hỏi của bạn ngụ ý rằng có ai đó sẽ chỉ cho bạn vô ngã là thế nào để bạn sống đúng với bản thể vô ngã. Nếu có ai đó chỉ cho bạn, giải thích tường tận cho bạn vô ngã là gì, thì bạn hãy coi chừng đó chỉ là ý niệm về vô ngã, là những ngôn ngữ nói về vô ngã chứ không phải là vô ngã.


Chỉ khi nào cái ngã của bạn chấm dứt qua sự tỉnh giác thì lúc đó vô ngã mới xuất hiện và bạn cũng không cần nhận biết được vô ngã là gì nữa. Vì vô ngã không cố định như công thức toán học, như môt cái khuôn nên bạn không thể nói : “Sống đúng với bản thể vô ngã”. Một là con người sống trong trạng thái u mê của cái ngã, hai là con người sống với sự sáng suốt khi cái ngã không có mặt. Một tâm thái vô ngã thì hoàn toàn không liên quan gì tới “cái tôi”, cái ngã cho nên không ai lợi dụng vô ngã để làm chuyện xấu được.

Hỏi: Có phải những mục tiêu cao thượng như sống hy sinh vì người khác, sống quên mình là sự ngụy biện của cái ngã ? Bởi vì hình như tôi vẫn thầm thấy tiếng nói bên trong từ cõi lòng có sự riêng tư cá nhân ?

Đáp: Rất chính xác! Ít nhiều gì bạn cũng đã thấy được chính mình. Rất nhiều người tu thiền lâu năm hoặc kinh sách đầy bụng vẫn không thấy ra được điều này vì quí vị không chịu quan sát chính mình để thấy được sự lường gạt của “cái tôi” muôn mặt (tư tưởng).

Khi hành động con người phát xuất từ sự tỉnh giác thì không có vấn đề hy sinh, quên mình, phụng sự, vị tha… hay sống ngược lại. Sống quên mình, vị tha, hy sinh, phụng sự cho người khác cũng là một hình thức trá hình củng cố “cái tôi”, cái ngã. Hành động đó đã dựa trên một quan niệm, một lý tưởng và nó luôn muốn được một phần thưởng nào đó trong lĩnh vực vi tế thuộc tâm thức. Hành động vô ngã thật sự thì chỉ có sự lành mạnh, trong sáng, tự nhiên, đầy tình người và vô điều kiện. Hành động này không ai dạy ai được, không ai làm gương cho ai và cũng không ai bắt chước ai được.
 st

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét